Kinh Đại thừa
Bộ Niết Bàn
PHẬT THUYẾT KINH A NAN
THƯA HỎI VỀ VIỆC LÀNH DỮ
CỦA VIỆC THỜ PHẬT, HỌC PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
Ngài A Nan bạch Phật: Có người thờ Phật, học Phật được giàu sang phú quý, mọi việc đều như ý, lại có người cũng học Phật, thờ Phật gặp quả báo suy tổn hao hụt, mọi việc đều không như ý, vì sao có sự không giống nhau như vậy?
Nguyện đấng Thiên Trung Thiên vì chúng con giảng rộng.
Đức Phật bảo ngài A Nan: Có người thờ Phật, theo học với bậc thầy sáng suốt, hết lòng tin theo không làm trái, tinh tấn vâng làm, không quên mất những điều đã được học.
Đối trước hình tượng trang nghiêm tốt đẹp, sớm chiều lễ bái, cung kính thắp đèn hương, bố thí thanh tịnh được an ổn, không phạm vào lẽ đạo và giới cấm, giữ gìn trai giới kiên trì không chán, trong lòng thường vui thích.
Người như vậy thường được chư thiên và các vị thiện thần theo bảo vệ, giúp đỡ, mong muốn điều gì cũng được như ý, trăm việc đều tăng tiến bội phần, lại được hàng trời, rồng, quỷ thần, mọi người đều cung kính, về sau ắt sẽ đạt đạo. Những thiện nam, thiện nữ như vậy là đệ tử chân chánh của Phật.
Có người học Phật không gặp bậc thầy giỏi, không đọc qua Kinh Điển giáo pháp, chỉ duy có việc thọ giới mà thôi.
Bề ngoài có danh xưng thọ giới nhưng mê muội bế tắc không tin nên thường phạm vào giới luật. Lúc tin lúc ngờ, tâm ý do dự không quyết.
Lại không có lòng cung kính đối với Kinh Điển, hình tượng, đã không thắp đèn, đốt hương, lễ bái, lại thường ôm lòng hoài nghi, sân hận chửi bới, nói lời độc ác, ganh ghét người hiền. Lại không trai giới sáu ngày, tự tay giết hại chúng sinh.
Không tôn kính Kinh Phật, đặt trong rương đựng quần áo dơ nhớp, hoặc để nơi giường nằm ô uế của vợ con, hoặc treo trên vách tường, không có lòng cung kính đặt nơi trang nghiêm trân trọng, xem không khác gì những sách vở tầm thường của thế gian.
Nếu như người có bệnh tật, trong lòng hoài nghi không tin Phật Pháp, liền cầu khẩn thầy đồng cốt, bói toán, dâng tấu sớ giải trừ, cúng tế thần tà, khiến chư thiên thần đều xa lánh, không còn được bảo vệ giúp đỡ.
Tà ma yêu mị ngày một nhiều hơn, quỷ ác tụ tập trước cửa nhà khiến cho suy tổn hao hụt, những chỗ mong cầu đều không thỏa ý, hoặc do đã từng tạo nghiệp sinh trong đường ác, hiện nay làm người gây tội, không phải đệ tử Phật.
Sau khi chết ắt đọa vào địa ngục bị đánh đập tra khảo. Do tội đã làm nên hiện đời chịu suy tổn hao hụt, về sau phải chịu tai ương, chết rồi đọa vào đường ác, lần lượt chịu những đớn đau khổ sở không thể nói hết. Hết thảy đều do tích lũy việc ác, làm điều bất thiện.
Kẻ ngu si mù quáng, không suy xét đến những nhân duyên đã làm đời trước dẫn đến báo ứng trong đời này, lại nói rằng do thờ Phật, học Phật nên bị suy tổn hao hụt, không những là đời trước không chút phước lành mà giờ đây còn oán trời hận đất, trách cứ hiền thánh, đổ lỗi trời cao. Người đời mê lầm, vì không thông đạt nên mới như thế.
Người không thông đạt thì trong tâm lúc nào cũng không quyết định, không vững chắc, tới lui đều không đúng lẽ, cô phụ ơn Phật, mê chấp không tự phản tỉnh, liền bị những kiến chấp sai lầm trong ba đường ác trói chặt lấy, tự mình tạo ra những điều họa phúc. Do nhân duyên nghiệp tội đã tạo mà nhận chịu quả báo, không thể không thận trọng.
Mười điều ác là kẻ oán thù, mười điều thiện là người bạn tốt. Muốn thân tâm an ổn được giải thoát đều nhờ nơi điều thiện. Điều thiện là tấm áo giáp dày bảo vệ ta không sợ đao binh, điều thiện là con thuyền lớn giúp ta vượt qua sóng nước.
Người giữ được lòng tin nhân quả thì trong gia đình an ổn hòa khí, tự nhiên được phúc báo. Nhờ làm việc thiện mà được quả thiện, chẳng phải thần thánh nào ban cho. Nay càng không tin nhân quả ắt ngày sau càng phải chịu nhiều khổ báo.
Phật dạy: Này A Nan, những việc thiện hay ác đã làm bám theo người như bóng theo hình, không thể rời nhau. Kết quả tội hay phúc cũng là như vậy, chớ nên hoài nghi khiến tự mình phải đọa vào đường ác. Phân biệt rõ ràng tội với phúc, tin chắc không mê lầm thì ở đâu cũng được an ổn. Lời Phật nói hết sức đúng thật, không bao giờ dối người.
Phật lại bảo ngài A Nan: Phật không nói hai lời. Phật ra đời khó gặp, Kinh Điển giáo pháp khó được nghe. Đời trước ông có gieo nhân tạo phước nên đời này mới được hầu bên Phật.
Phải thường nghĩ việc báo ơn, truyền giảng giáo pháp, làm ruộng phước cho hết thảy mọi người, kẻ có niềm tin được gieo trồng, đời sau không phải lo âu.
Ngài A Nan nhận lời Phật dạy, vâng làm, truyền rộng.
Ngài A Nan lại thưa hỏi Phật: Như có người không tự tay giết hại, phải chăng không tự mình giết thì không có tội?
Phật dạy: Này A Nan! Sai bảo người khác giết hại sinh mạng, tội nặng hơn tự tay mình giết.
Vì sao vậy?
Hoặc đó là hạng nô tỳ, ngu si thấp hèn, không biết chuyện tội phước, hoặc vì quan huyện bức bách phải làm, không do tự ý. Những người này tuy vẫn có tội, nhưng việc làm và ý muốn không giống nhau, nặng nhẹ có khác biệt.
Sai bảo người khác giết hại là biết mà cố phạm, trong lòng ôm giữ sự ngu si độc ác, ưa thích việc giết hại sinh mạng, không có tâm từ, khinh thường dối lừa Tam Bảo, tự dối lương tâm, gây hại mạng sống, khiến người không an ổn, tội ấy không gì nặng hơn.
Oán cừu đáp trả qua lại, đời đời chịu tai ương, không lúc nào dứt. Hiện đời không được an ổn, gặp nhiều tai nạn hung hiểm.
Sau khi chết vào địa ngục, mất thân người rồi phải đọa làm súc sinh, bị người giết mổ cắt xẻo. Trôi lăn trong ba đường ác, thường gặp tám chướng duyên suốt muôn ngàn vạn kiếp, xả thân dâng thịt cho người không ngày chấm dứt, sống đời khốn khổ, ăn cỏ uống nước suối.
Đời nay nhìn thấy những loài súc sinh kia, thảy đều do đời trước lúc được làm người thì bạo nghịch, không đạo đức, ngấm ngầm giết hại mạng sống muôn loài, không có lòng tin nên dẫn đến như thế. Đời đời chịu sự oán thù, đền trả báo ứng. Thần thức chẳng khác mà phải mang thân súc sinh khác biệt, tội lỗi sâu nặng như vậy.
Ngài A Nan lại thưa hỏi: Bạch Thế Tôn! Người đời hoặc các đệ tử nếu có ý xấu ác với thầy, hoặc với người có đạo đức, tội ấy như thế nào?
Phật dạy A Nan: Làm người phải biết yêu thích điều thiện của người khác, không được ganh ghét. Người có ý xấu ác đối với người có đạo đức hay bậc thầy hiền thiện thì cũng không khác gì có ý xấu ác đối với Phật.
Thà dùng cây nỏ cực mạnh tự bắn vào thân mình còn hơn là khởi tâm xấu ác đối với bậc thầy hoặc người đạo đức.
Phật hỏi: A Nan, tự bắn vào thân mình có đau hay không?
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Rất đau, rất đau.
Phật dạy: Người có ý xấu ác đối với người đạo đức hoặc bậc thầy hiền lương, phải chịu đau đớn còn hơn là dùng nỏ tự bắn vào thân mình.
Làm người đệ tử không thể xem thường khinh rẻ thầy, khởi tâm xấu ác đối với người đạo đức, phải xem các vị ấy như Phật, không được xem thường, ganh ghét, thấy điều thiện hoan hỷ thay cho người. Người có giới hạnh đức độ cảm động đến chư thiên, trời rồng quỷ thần đều tôn kính.
Thà nhảy vào trong lửa dữ hay để cho đao kiếm cắt xẻo thịt còn hơn là ganh ghét với điều thiện của người khác, tội ấy không nhỏ, phải hết sức thận trọng.
Ngài A Nan lại bạch Phật: Làm thầy có thể la mắng đệ tử không dựa theo đạo lý, từ lỗi nhỏ nhặt mà cho là lớn, như thế mà lại không có tội được chăng?
Phật dạy: Không thể được, không thể được. Nghĩa thầy trò là tự nhiên đồng cảm, phải thường thăm hỏi quan tâm sâu sắc đến nhau, xem nhau như một.
Trách phạt phải theo lý, dạy bảo phải theo đạo, việc không tốt cho mình thì đừng làm cho người, tôn trọng rộng truyền lễ luật, không gây ra sự oán hận, tranh tụng.
Người học trò cũng phải như vậy. Tình nghĩa đôi bên đều chân thành, thầy cho ra thầy, trò cho ra trò, đừng chê bai phỉ báng lẫn nhau, ngậm độc gây oán, biến nhỏ thành lớn, rốt lại là tự thiêu thân mình.
Làm người học trò phải hiếu thuận với thầy, cẩn thận không được khởi tâm xấu ác đối với thầy. Khởi tâm xấu ác đối với thầy tức là khởi tâm xấu ác đối với Phật, đối với pháp, đối với tỳ kheo tăng, đối với cha mẹ không khác. Đây là tội lỗi mà trời đất chẳng dung tha.
Quán sát người trong đời mạt thế, những kẻ xấu ác là bất trung, bất hiếu, không có nhân nghĩa, trái đạo làm người.
Tỳ kheo đời ma thịnh, sống trong bốn chúng, chỉ nghĩ đến việc ác của người khác, không tự ngăn việc ác của chính mình. Ganh tỵ người hiền, ghét ghen việc thiện, tìm cách ngăn trở phá hoại nhau.
Không nghĩ làm điều thiện, hung hăng ganh ghét người hiền. Tự mình đã không làm được, lại ngăn trở phá hoại người khác. Ngăn dứt ý đạo, khiến cho không thể tu hành.
Nhiều tham dục chạy theo thế tục, tham cầu lợi dưỡng. Tích chứa tiền của tự giết mình, xem trọng tiền tài, coi khinh đạo pháp. Chết đọa vào đường ác, vào đại địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Đã không nên phạm vào những điều như trên, vậy phải hướng đến những điều gì trong đời này?
Phải luôn nghĩ nhớ báo đáp ơn Phật. Nên trì tụng Kinh Văn, nghiêm trì giới luật, cùng thúc đẩy nhau noi theo đó mà tu hành. Đạo pháp nhất định phải học, Kinh Điển nhất định phải đọc, việc thiện nhất định phải làm. Rộng làm điều thiện, ban bố đức lành, tánh thức xa lìa khổ não, vượt thoát ngoài vòng sinh tử.
Thấy người hiền thiện chớ xem thường, thấy việc tốt lành đừng báng bổ. Không đem lỗi nhỏ cho là tội lớn, trái đạo pháp, đánh mất lý lẽ, tội ấy không gì lớn hơn.
Tội lỗi hay phúc đức đều có báo ứng rõ ràng, sao có thể không thận trọng giữ mình?
Ngài A Nan lại bạch Phật: Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Người đệ tử Phật vào thời mạt thế, nhân duyên sinh lẫn nhau, những việc trong gia đình khiến cho lời nói việc làm đều bị trói buộc, phải làm thế nào?
Phật dạy: A Nan, người đã thọ trì giới cấm do Phật chế định, phải chân thành tin tưởng vâng làm, hiếu thuận với cha mẹ, luôn thận trọng sợ sệt giữ gìn, cung kính quy y Tam Bảo, phụng dưỡng cha mẹ, tận trung với chức trách, thân tâm thận trọng giữ theo điều thiện, trong lòng nghĩ sao ngoài miệng nói vậy, có thể làm những việc thế gian, không được theo ý thế gian.
Ngài A Nan thưa hỏi: Bạch đức Thiên Trung Thiên! Việc thế gian, ý thế gian là như thế nào?
Phật dạy: Là đệ tử Phật, có thể mua bán, kinh doanh sinh lợi nhưng phải cân đong chính xác, không được dối người. Việc làm phải đúng lý, không trái lẽ tự nhiên của thức tánh lương tâm. Những việc tang ma cúng kỵ, dời nhà, cưới gả đều là việc thế gian.
Ý thế gian có nghĩa là, người đệ tử Phật không được bói toán, triệu thỉnh quỷ thần, làm bùa chú, yểm quái, tế tự, dâng sớ giải tấu, cũng không được xem chọn ngày tốt giờ tốt.
Được thọ nhận năm giới của Phật là người có phước đức, mỗi khi làm việc gì, nên tác bạch trước Tam Bảo. Sự thông suốt nhiệm mầu của Phật không một điều nhỏ nhặt nào là không rõ biết.
Người có giới hạnh, đạo đức, được sự bảo hộ mạnh mẽ, sai khiến được chư thiên, hàng trời, rồng, quỷ, thần thảy đều kính phục.
Giới là quý báu, đáng tôn kính, không có gì là không tốt lành, lẽ nào lại có chỗ phải kiêng kỵ bất thiện hay sao?
Sự hàm chứa bao trùm của đạo rộng khắp đất trời. Người không thông đạt nên tự tạo ra sự ngăn ngại.
Những việc thiện ác do tâm người tạo ra, nên họa hay phúc đều là do người, như bóng đuổi theo hình, như âm vang dội lại tiếng.
Đức độ của người giới hạnh ứng hợp với tự nhiên, chư thiên đều bảo vệ giúp đỡ, mọi tâm nguyện đều được như ý, cảm động khắp mười phương, đức lớn ngang trời, công phu thành tựu uy nguy chói lọi, các bậc thánh đều ngợi khen xưng tán, khó có thể suy lường.
Người có trí thấu hiểu lẽ đạo, trọn đời không rơi vào tà vạy, khéo làm theo lời Phật dạy, có thể thành tựu đạo giải thoát.
Ngài A Nan nghe lời Phật dạy rồi liền sửa áo Cà Sa ngay ngắn, cúi đầu lạy sát đất, thưa rằng: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con có phước lành được gặp đức Như Lai, được hưởng nhờ ơn từ lớn lao, Như Lai thương tưởng hết thảy chúng sinh, làm ruộng phước cho chúng sinh thoát khổ. Lời Phật dạy hết sức chân thật nhưng ít người tin theo.
Cuộc đời này nhiều xấu ác, chúng sinh nguyền rủa lẫn nhau, thật đáng thương thay! Nếu có lòng tin cũng chỉ một hoặc hai người, biết làm sao được trong cõi đời xấu ác, cho nên mới tồi tệ đến như vậy.
Sau khi Phật diệt độ, Kinh điển, giáo pháp tuy vẫn còn nhưng không có người tin nhận, dần dần suy diệt mất! Ôi đau đớn thay! Rồi đây chúng sinh biết nương dựa vào đâu. Kính nguyện Thế Tôn vì hết thảy chúng sinh mà trụ thế chưa nhập Niết Bàn.
Ngài A Nan nhân đó liền nói kệ rằng.
Ba cõi nhờ Phật chở che,
Ân đức từ bi rộng lớn,
Nguyện vì thương tưởng chúng sinh,
Thế Tôn không vào tịch diệt.
Ít người gặp được chánh pháp,
Mù tối không phân chánh tà.
Đớn đau thay người không biết,
Tội chướng sâu nặng đến thế.
Người đủ phước duyên gặp pháp,
Trong ngàn muôn chỉ một, hai.
Kinh điển, giáo pháp mất dần,
Còn biết nương dựa vào đâu?
Ơn Phật lớn lao trùm khắp,
Chỉ do tội chướng chúng sinh.
Trống pháp rền vang khắp cõi,
Vì sao vẫn không được nghe?
Đời ô trược nhiều xấu ác,
Điên đảo nên tự sa đọa.
Siểm nịnh, chê bai bậc thánh,
Tà mị hủy hoại chánh chân.
Không tin trong đời có Phật,
Nói Phật Pháp không chánh đạo.
Kẻ ấy không xứng là người,
Tự tạo gốc mọi tội lỗi.
Chết đi làm quỷ không nhà,
Đao kiếm cắt xẻo thân thể.
Thực quỷ hung hăng chém giết,
Bị ném vào trong chảo nóng.
Kẻ tham dâm, ôm trụ đồng,
Bị lửa dữ thường thiêu đốt.
Phỉ báng những bậc cao quý,
Bị kiềm sắt kẹp rút lưỡi.
Say rượu bỏ mất lễ tiết,
Si mê mất đạo làm người,
Chết phải đọa vào địa ngục,
Nước đồng sôi rót vào miệng.
Thường gặp đủ mọi tai nạn,
Đau đớn không sao nói hết.
Nếu được sinh lại làm người,
Phải chịu nghèo khốn hèn hạ.
Không dâm là hương thanh tịnh,
Thân thể thơm tho tươi đẹp.
Thần sắc thường luôn sáng láng,
Đời sau được ở ngôi vua.
Tâm chí thành, không dối trá,
Vì khắp đại chúng phụng sự.
Không say sưa, trí sáng suốt,
Bậc trí đức được tôn kính.
Năm phúc lành vượt thế gian,
So cùng chư thiên không khác.
Tăng tiến gấp muôn ngàn lần,
Nhân quả hết sức rõ ràng.
Kẻ xấu ác đời mạt thế,
Thiếu lòng tin, thường nghi ngờ,
Ngu si không phân rõ đạo,
Tội nặng càng thêm mê mờ.
Chướng bậc thánh, phá chánh đạo,
Chết đọa vào đại thiết thành.
Thần thức giam hãm trong đó,
Trên đầu đội vòng sắt nóng.
Cầu chết nhưng không được chết,
Trong chốc lát lại biến hình,
Giáo, kích thay nhau đâm vào,
Thân thể thường bị cắt nát.
Người đời vì sao như thế!
Trái chánh đạo, tin tà thần.
Cầu giải tội, ưa bói, xăm,
Cúng tế vật mạng, bất nhân.
Chết đọa vào mười tám nơi,
Trải qua Hắc thằng địa ngục,
Tám chướng duyên không gặp Phật,
Được lại thân người khó thay!
Đến khi được lại thân người,
Man rợ không hiểu nghĩa lý,
Ngu ngốc lại thêm mù, điếc,
Què quặt, câm không nói được,
Mông muội chẳng thông sự việc,
Việc ác níu kéo theo nhau.
Xoay vòng mãi trong một lối,
Mang thân cầm thú, súc sinh,
Bị người mổ xẻ cắt xẻo,
Lột da, kề dao cắt cổ,
Thường bồi oán hận đời trước,
Xẻ thân lóc thịt trả người.
Làm ác đọa vào đường ác,
Muốn thoát ra thật khó thay!
Thân người đã là khó được,
Kinh Phật càng khó được nghe.
Thế Tôn vì mọi chúng sinh,
Ba cõi thảy đều nhờ ơn.
Pháp cam lộ ban rãi khắp,
Khiến người đều vâng làm.
Thương thay! Đã được trí tuệ,
Càng thương chúng sinh mê mờ,
Mở bày chỉ rõ đường tu,
Người đủ căn lành thoát khổ.
Người có phúc, sống hướng thượng,
Gặp chân lý, học vô sinh,
Tự quy y ruộng phước lớn,
Gieo giống dứt trừ tử sinh.
Còn ơn nào hơn ơn Phật?
Vì đời chuyển bánh xe pháp.
Nguyện cho hết thảy chúng sinh,
Thấm nhuần mưa pháp Cam Lộ.
Thuyền trí tuệ đến bờ giác,
Khánh pháp dẫn dắt muôn loài.
Ta người không còn phân biệt,
Phát nguyện chứng đạo Bồ Đề.
Ngài A Nan đọc kệ vừa xong, hết thảy đại chúng trong Pháp Hội đều cùng tin nhận, hiểu rõ, đều phát tâm vô thượng chân chánh, phát khởi đại nguyện thành tựu quả vị bồ đề, hương ngũ phần xông khắp cùng Thế Giới, nhờ đó được cứu độ, khai mở đường đạo, vì chúng sinh làm cầu vượt sông mê.
Các vị quốc vương, đại thần và dân chúng, cùng hàng Trời, Rồng, Quỷ Thần, nghe Kinh đều hoan hỷ. Những điều Ngài A Nan vừa nói thật vừa đáng thương vừa đáng sợ. Đại chúng cúi đầu lễ dưới chân Phật và đảnh lễ Ngài A Nan, thọ nhận lời dạy rồi lui ra.
***