Kinh Đại thừa

Bộ Bảo Tích

PHẬT THUYẾT

KINH ÐẠI SANH NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở tại làng xóm Câu Lô cùng đông đủ chúng Bí Sô.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan ở riêng một nơi, vào lúc nửa đêm, trong lòng bỗng sanh nghĩ: Các pháp duyên sanh, nghĩa lý hết sức thâm sâu, khó mà hiểu được. Chỉ có Phật Thế Tôn đầy đủ chánh kiến tri mới có thể tuyên thuyết được.

Nghĩ như vậy xong, đến lúc trời sáng, ra khỏi chỗ ở, đi đến chỗ Đức Phật.

Ðến chỗ Đức Phật rồi, đầu mặt lạy dưới chân Ngài, hỏi thăm sức khoẻ xong, đứng qua một bên liền bạch Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con ở riêng một nơi, vào lúc nửa đêm, trong lòng bỗng suy nghĩ: Các pháp duyên sanh hết sức thâm sâu khó hiểu. Cúi mong Đức Thế Tôn diễn giảng cho con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan rằng: Ðúng như vậy! Ðúng như vậy! Pháp duyên sanh kia hết sức thâm thâm vi diệu, khó thấy, khó hiểu, lại khó quán xét. Chỉ có các Thánh giả có đầy đủ trí thiện xảo mới có thể phân biệt được, chứ không phải người ngu si mà có thể hiểu được.

Vì sao vậy?

Vì chúng sanh đời này, đời sau chết rồi sanh trở lại, luân hồi như vậy đều không rõ pháp nhân duyên này. A Nan nên biết, các pháp đều do nhân duyên triển chuyển cùng sanh, cho nên mới bị luân hồi không thể chấm dứt.

Từ duyên sanh, có lão tử, do sanh làm duyên nên có lão tử, pháp sanh không có thì làm gì có Lão Tử?

Do đó, duyên của sanh triển chuyển cùng sanh. Từ duyên của thủy tộc nên sanh ra loài thủy tộc, duyên của loài chim bay cầm thú nên sanh ra chim bay cầm thú, duyên của các loại nên sanh ra các loại, cho đến duyên của loài người nên sanh ra loài người. Do duyên đó cho nên tất cả chúng sanh hỗ tương nhân duyên mà được sanh khởi.

A Nan nên biết, pháp sanh này là pháp sanh hư vọng, không có rốt ráo. Tập này, nhân này, sanh này, duyên này nên có lão tử, do đó lão tử cũng không rốt ráo.

Lại nữa, pháp sanh lấy gì làm duyên?

Lấy pháp hữu làm duyên, do hữu này liền khởi ra pháp sanh, pháp hữu nếu không thì làm gì có pháp sanh?

Cho nên pháp hữu, như trước đã nói, khiến cho các loài triển chuyển cùng sanh, không có chấm dứt. A Nan nên biết, pháp hữu này là pháp hư vọng không có rốt ráo. Tập này, nhân này, sanh này, duyên này khởi ra pháp hữu, do đó pháp hữu cũng không rốt ráo.

Lại nữa, pháp thủ lấy gì làm duyên?

Lấy pháp ái làm duyên.

Nhân có pháp ái liền khởi sanh pháp thủ, pháp ái nếu không có thì làm gì có pháp thủ?

A Nan nên biết, duyên ái này liền sanh ra sự mong cầu. Vì duyên mong cầu liền có sở đắc, vì có sở đắc nên tâm không quyết định, nên không có nhàm chán và biết đủ.

Vì trong tâm không nhàm chán biết đủ nên liền sanh ra hỷ tham, vì duyên tham nên liền sanh ra ngã kiến, đã sanh ngã kiến liền có thủ trước, vì duyên thủ trước tâm liền tán loạn, do tán loạn liền sanh ra nói dối, tố tụng, đấu tranh, dao gậy đánh nhau.

Do nhân duyên này liền tạo ra các nghiệp bất thiện, các nghiệp như vậy đều do tán loạn mà có sanh ra. Nếu không tán loạn, các nghiệp không sanh.

Pháp tán loạn này lấy gì làm duyên?

Lấy thủ trước làm duyên. Do thủ trước nên tâm mới tán loạn.

Nếu không thủ trước thì làm gì có tán loạn?

Pháp thủ trước này lấy gì làm duyên?

Lấy ngã kiến làm duyên nên có khởi ra thủ trước. Ngã kiến nếu không có liền không có thủ trước.

Pháp ngã kiến này lấy gì làm duyên?

Lấy hỷ tham làm duyên nên có ngã kiến. Hỷ tham nếu không có liền không có ngã kiến.

Pháp Hỷ tham này lấy gì làm duyên?

Lấy nội tâm không nhàm chán tri túc làm duyên. Vì không nhàm chán tri túc liền có hỷ tham.

Nếu nội tâm có nhàm chán tri túc lấy gì làm duyên?

Lấy không quyết định làm duyên. Vì không quyết định nên liền không nhàm chán tri túc. Tâm nếu quyết định liền sanh nhàm chán tri túc.

pháp không quyết định này lấy gì làm duyên?

Lấy có sở đắc làm duyên. Vì có sở đắc nên liền không có quyết định. Nếu không sở đắc tâm liền quyết định.

Pháp có sở đắc này lấy gì làm duyên?

Lấy mong làm cầu duyên. Vì có mong cầu nên liền có sở đắc. Nếu không có mong cầu liền không có sở đắc. Các pháp như vậy điều do ái và mong cầu hỗ tương làm duyên triển chuyển sanh khởi. Nên biết pháp ái có hai loại, đo là dục ái và hữu ái. Do hai pháp này mà sanh ra các tội lỗi.

A Nan biết, pháp ái này là pháp hư vọng nên không rốt ráo. Tập này, nhân này, duyên này sanh ra pháp thủ. Do đó, pháp thủ cũng không rốt ráo.

Lại nữa, pháp ái lấy gì làm duyên?

Lấy pháp thọ làm duyên. Do duyên thọ mà khởi sanh pháp ái.

pháp thọ nếu không có thì làm gì có pháp ái?

A Nan nên biết, pháp thọ này là hư vọng, nên không rốt ráo. Tập này, nhân này, sanh này, duyên này sanh ra pháp ái, do đó pháp ái này cũng không rốt ráo.

Lại nữa pháp thọ lấy gì làm duyên?

Lấy xúc làm duyên. Do duyên xúc khởi sanh pháp thọ.

Pháp xúc nếu không thì làm gì có pháp thọ?

Do đó, nhãn xúc làm duyên bên trong phát sanh ra các thọ. Ðó là lạc thọ, khổ thọ, Phi khổ lạc thọ. Như vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên ở bên trong sanh ra các thọ. Tất cả các thọ này đều do pháp xúc lấy đó làm duyên vậy.

A Nan nên biết, pháp xúc này là pháp hư vọng nên không rốt ráo. Tập này, nhân này, sanh này, duyên này làm duyên sanh ra pháp thọ, cho nên pháp thọ cũng không rốt ráo.

Lại nữa, pháp xúc lấy gì làm duyên?

Lấy lục xứ làm duyên. Do duyên lục xứ liền có pháp xúc.

Lục xứ nếu không có thì làm gì có pháp xúc?

A Nan nên biết, pháp lục xứ này là pháp hư vọng cho nên không rốt ráo.

Lại nữa, lục xứ lấy gì làm duyên?

Lấy danh sắc làm duyên. Do danh sắc nên liền sanh ra lục xứ.

Danh sắc nếu không có thì làm gì có lục xứ?

Danh sắc này sắc pháp và tâm pháp... có sự tích tụ vậy, tức là danh sắc này cùng thức pháp kia hỗ tương làm duyên, hòa hợp mà sanh ra, gọi là danh sắc.

A Nan nên biết, pháp danh sắc là pháp hư vọng nên không rốt ráo. Tập này, nhân này, sanh này, duyên này nên có lục xứ, cho nên lục xứ cũng không rốt ráo.

Lại nữa, pháp danh sắc này lấy gì làm duyên?

Lấy thức pháp làm duyên, do thức pháp nên có danh sắc.

Thức pháp nếu không có thì làm gì có danh sắc?

Thức pháp này ban đầu thọ sanh ở trong thai tạng của mẹ, nương vào Yết Lũ Lam. Thức pháp đầy đủ rồi, không có tăng giảm.

Vì nhân duyên của thức nên sanh ra các Uẩn. Danh Sắc như vậy viên mãn đầy đủ. Nên biết thức này cùng danh sắc kia hỗ tương làm duyên mà được sanh khởi.

Lại nữa, nên biết duyên thức này đó là danh sắc. Cho nên thức là duyên của danh sắc, danh sắc là duyên của thức. Do vậy mà sanh ra quả khổ, quả khổ đã sanh liền có già chết tương tục lưu chuyển.

Do tập này, nhân này, sanh này, duyên này cho nên quả khổ là pháp hư vọng, nên không rốt ráo. Như vậy, do nhân này duyên thc, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ. Như vậy, tập lại kiền tạo ra một khối khổ uẩn lớn.

Ðức Phật bảo: Này A Nan, ngươi nay đã biết các ngôn ngữ và con đường của ngôn ngữ, không phải ngữ ngôn và con đường của không phải ngữ ngôn. Đã sanh và con đường của sự đã sanh, hai loại như vậy đều không xa lìa danh sắc. 

Này A Nan, nếu hiểu như vậy tức là trụ nơi cái thấy bình đẳng. Ðó gọi là liễu đạt pháp duyên sanh. Pháp duyên sanh này là pháp căn bản của Chư Phật. Là con mắt của Chư Phật, đó chính là chỗ quay về của Đức Phật.

Khi ấy Tôn Giả A Nan tán thán rằng: Lành thay! Bạch Thế Tôn! Ngài đã khéo nói Phật này, khiến cho chúng con và các Bí Sô đều được lợi lạc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan rằng: Nay ta vì ngươi nói pháp không thọ, ngươi nên lắng lòng mà nghe và thọ trì. Phải tác ý, ghi nhớ, tư duy một cách khéo léo.

A Nan biết, lìa bỏ ngã tướng đó là pháp vô thọ.

Vì sao vậy?

pháp Ngã nếu có, pháp liền sanh.

Vì nhờ hiểu rõ pháp ngã là không thì làm gì có thọ?

Này A Nan! Pháp ngã và pháp thọ cả hai đều đã diệt rồi, liền không sở hữu, trụ vào cái thấy bình đẳng.

Này A Nan! Pháp thọ có ba loại. Ðó là lạc thọ, khổ thọ, phi khổ lạc thọ. Nói lạc thọ là thọ và pháp được thọ, đối với hai loại này, nếu có thể thấy rõ được đó là pháp hoại diệt, liền không có lạc thọ, cho nên không có pháp được thọ.

Vì sao vậy?

Nên biết lạc thọ là pháp vô thường, lạc thọ đã diệt rồi liền lìa ngã tướng, ngã tướng đã không có, làm gì có thọ?

Lại nữa, khổ thọ, đó là người thọ và pháp được thọ, cả hai loại này nếu có thể hiểu rõ được là pháp bại hoại liền không có khổ thọ. Cho nên không có pháp sở thọ.

Vì sao?

Nên biết khổ thọ là pháp vô thường, khổ thọ diệt rồi liền xa lìa ngã tướng, ngã tướng đã không, làm gì có thọ?

Lại nữa, phi lạc thọ cũng lại như vậy. Sở dĩ gọi là thọ vì pháp thọ có hai loại. Nếu có thể hiểu rõ hai loại đó pháp hoại diệt, liền đối với khổ, lạc và phi khổ lạc, ba pháp bình đẳng liền không có thọ.

Vì sao như vậy?

Vì ba pháp thọ này đều là vô thường, rốt ráo không thật có.

Thọ này đã diệt liền lìa ngã tướng, ngã tướng đã không, làm gì có thọ?

Này A Nan! Ý ngươi thế nào?

Nên biết các thọ từ tâm sanh ra, do tâm không chuyển nên bên trong không thọ, vì pháp không thật nên bên ngoài liền không có đối tượng thọ.

Cho nên này A Nan, rõ biết như vậy liền an trụ nơi các thấy này rồi liền thấy rõ pháp vô thọ. Pháp vô thọ này là pháp căn bản của Chư Phật, là con mắt của Chư Phật, là chỗ quay về của Chư Phật.

Bấy giời A Nan lại tán thán rằng: Lành thay! Bạch Thế Tôn! Ngài nói pháp này một cách khéo léo. Chúng con nghe rồi tin hiểu, thọ trì.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan rằng: Nay ta nói pháp vô ngã cho ngươi nghe. Các ngươi hãy lắng nghe và hết lòng thọ trì, khéo léo tác ý, ghi nhớ và tư duy như vậy.

Này A Nan! Khi đã rõ thọ là vô sở hữu liền lìa ngã kiến, lìa ngã kiến rồi liền trụ vào cái thấy bình đẳng, người đã trụ vào cái thấy này rồi thì đối với các tướng đều bình đẳng, đã rõ vô sanh nên liền được: Sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh trở lại nữa.

A Nan nên biết, ngã kiến không sanh, trụ vào cái thấy bình đẳng, như vậy liền được tâm khéo giải thoát, vô tri, vô kiến và vô sở đắc, lìa các suy nghĩ đối với cái được và cái không được, không có đắc cũng không vô đắc mà rõ biết rốt ráo.

Rõ biết như vậy liền đối với ngữ ngôn và con đường ngữ ngôn, chẳng phải ngữ ngôn và chẳng phải con đường ngữ ngôn, sự sanh và con đường của sự sanh đều hoàn toàn vô tri, vô kiến. Ðã biết rõ như vậy rồi liền lìa ngã kiến, trụ bình đẳng kiến, rõ biết như thật.

Như vậy gọi là đạt được pháp vô ngã. Ðó là pháp căn bản của Chư Phật, là con mắt của Chư Phật, là chỗ quay về của Chư Phật.

Khi ấy Ngài A Nan nghe lời Phật dạy lại tán thán Đức Phật rằng: Lành thay! Thưa Thế Tôn! Ngài đã nói pháp này một cách khéo léo. Chúng con nghe rồi tin, hiểu và thọ trì.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan rằng. Ta nay vì ngươi lại tuyên thuyết, ngươi nên lắng nghe và hết sức thọ trì, tác ý một cách khéo léo, nhớ nghĩ khéo léo và tư duy khéo léo như vậy.

A Nan nên biết, không có sắc tướng để được lìa các ngã chấp, biết rõ một cách như thật, đã biết rõ rồi, quán tưởng thân này là vật phá hoại, không thật, chẳng đáng yêu mến.

Quán sát như vậy lìa các tướng, không sanh ngã chấp. Ngã tướng đã diệt liền rõ thân này là vật phá hoại, không thật, như vậy được trụ bình đẳng kiến.

Người trụ kiến này liền đối các uẩn rõ biết đều không, ngã và các tướng làm gì có thấy?

Lại nữa, A Nan nên biết, chỗ ở của thức gồm có bảy loại, không phải chỗ ở của thức gồm có hai loại.

Bảy chỗ ở của thức là:

Nếu có sắc, có chúng sanh, vô số thân, vô số tưởng, đó là chỗ ở thứ nhất của thức.

Nếu có sắc, có chúng sanh, vô số thân mà có một tưởng, đó là Trời Sơ Thiền, là chỗ thứ hai của thức.

Nếu có sắc có chúng sanh, một thân mà có vô số tưởng, gọi là Trời Nhị Thiền, đó là chỗ ở thứ ba của thức.

Nếu có sắc, có chúng sanh, một thân một tưởng, gọi là Trời Tam Thiền. Ðó là chỗ ở thứ tư của thức.

Nếu không có sắc không có chúng sanh, nhất thiết xứ kia lìa các sắc tướng, gồm một hư không, gọi là Trời Không Vô Biên Xứ. Ðó là chỗ ở thứ năm của thức.

Nếu không có sắc không có chúng sanh, nhất thiết xứ kìa xa lìa không tưởng, chỉ gồm một thức, gọi là Trời Thức Vô Biên Xứ. Ðó là chỗ ở thứ sáu của thức.

Nếu không có sắc, không có chúng sanh, nhất thiết xứ kia lìa thức vô biên, hoàn toàn vô sở hữu, gọi là Trời Vô Sở Hữu Xứ. Ðó là chỗ ở thứ bảy của thức.

Này A Nan! Hai loại chẳng phải chỗ ở của thức là: Nếu có sắc, có chúng sanh, tức là Trời Vô Tưởng. Ðó chẳng phải là chỗ ở thứ nhất của thức. Nếu không có sắc, không có chúng sanh, đối với nhất thiết kia, lìa Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng, Phi vô tưởng xứ, tức là Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Ðó chẳng phải là chỗ ở thứ hai của thức.

Ðức Phật dạy: Này A Nan! Như vậy, có sắc có chúng sanh, vô số thân, vô số tưởng. Ðó là chỗ ở thứ nhất của thức.

Này các Bí Sô, các người nên như thật biết rõ đối với lúc đi, ngồi, nói năng thường nên xưng tán các pháp môn này. Hãy phân biệt diễn thuyết cho người khác nghe một cách rộng rãi.

Như vậy cho đến chỗ ở thứ bảy của thức và hai pháp môn không phải chỗ ở của thức cũng lại như vậy, đối với lúc đi, lúc ngồi, lúc nói năng thường xưng dương tán thán những điều Chư Phật đã dạy, sanh lòng tin thanh tịnh, như thật mà liễu tri. Nếu ai liễu tri thì liền được huệ giải thoát, chứng quả A La Hán.

Lại nữa, A Nan nên biết, có tám pháp môn giải thoát, đó là:

Nếu bên trong có sắc, quán sắc bên ngoài. Ðó là giải thoát thứ nhất.

Nếu bên trong không có sắc, quán sắc bên ngoài. Ðó là giải thoát thứ hai.

Nếu thân chứng, thanh tịnh, giải thoát. Ðó là giải thoát thứ ba.

Nếu được thanh tịnh rồi, lìa các sắc tưởng, quán thấy hoàn toàn là hư không, không có biên giới. Quán này thành rồi, đó là Không vô biên xứ giải thoát thứ tư.

Nếu lìa hư không vô biên xứ nên quán thức, thức cũng vô biên. Quán này thành rồi, thì đó là Thức vô biên xứ giải thoát thứ năm.

Nếu đã lìa Thức vô biên xứ rồi, nên quán tất cả đều không có sở hữu. Quán này thành rồi thì đó là Vô sở hữu xứ giải thoát thứ sáu.

Nếu lìa Vô sở hữu xứ rồi, nên quán Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Quán này đã thành, đó là Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát thứ bảy.

Nếu lìa Phi tưởng phi phi tưởng xứ này rồi, nên diệt thọ tưởng, trụ Tam Ma Địa chánh định, vị ấy đã thân chứng rồi, đó là diệt thọ tưởng giải thoát thứ tám.

Như vậy gọi là tám pháp môn giải thoát.

Ðức Phật dạy: Này A Nan! Ngươi nay nên biết, trước ta đã nói bảy chỗ ở của thức, hai chỗ không phải chỗ thức trụ và tám pháp môn giải thoát. 

Này các Bí Sô, như ta nói các ngươi phải thật hiểu rõ, thường nên tùy hỷ xưng tán, lại nên như lý mà tu hành. Nếu ai thông đạt các pháp môn này một cách viên mãn thì được hai thứ giải thoát, chứng quả A La Hán. 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Kinh này xong, Tôn Giả A Nan và các Bí Sô đều rất hoan hỷ, tin nhận, vâng làm.

***