Kinh Đại thừa
Bộ Pháp Hoa
PHẬT THUYẾT
KINH ÐẢNH SANH VƯƠNG CỐ SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
Tôi nghe như vậy!
Một thời Bạt Già Bà ở tại rừng cây ông Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ.
Bấy giờ Tôn Giả A Nan ở một mình tại một nơi thanh vắng, liền nghĩ như vậy: Cho đến lúc chết, lòng tham dục, nhiễm trước vẫn còn tàng trữ, không có nhàm tởm, biết đủ đối với lòng tham dục.
Bấy giờ Tôn Giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến rồi đầu mặt lạy Đức Phật, ngồi qua một bên.
Khi ấy Tôn Giả A Nan trong khoảng khắc từ chỗ ngồi đứng dậy, qùy xuống chấp tay bạch Đức Thế Tôn rằng:
Vừa rồi, ngay chỗ ngồi thiền, con liền khởi lên ý nghĩ rằng: Cho đến lúc chết, lòng tham dục, nhiễm trước con người vẫn không nhàm chán, biết đủ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Quả thật như vậy, này A Nan! Cho đến lúc chết, lòng tham dục, nhiễm trước con người vẫn còn tàng trữ, thật không có sự nhàm chán biết đủ.
Vì sao như vậy?
Này A Nan, trong đời quá khứ xưa có một vị Vua tên là Đảnh Sanh, là vị Vua lấy chánh pháp cai trị, giáo hóa nhân dân, không có tàn bạo, đầy đủ bảy báu.
Bảy báu đó là: Xe báu, voi báu, ngựa xanh biếc báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và điển binh báu. Đó là bảy báu.
Cũng có một ngàn người con dũng mãnh, tài cán, nhan sắc khôi ngô, có thể nhiếp phục địch quân, vị ấy thống lĩnh Thế Giới này cho đến sông ngòi, đại hải, lấy pháp cai trị, giáo hóa nhân dân, không dùng dao gậy.
Này A Nan, bấy giờ Đại Vương Đảnh Sanh bèn nghĩ như vậy: Ta từng nghe người xưa thọ mạng lâu dài, thông minh trí tuệ, nói như vậy. Nhưng ta có châu Diêm Phù Lợi này, có thế lực thần thông, lúa gạo sung túc, nhân dân phồn vinh trù phú.
Vua bèn sanh ý nghĩ này: Ta muốn có trận mưa bảy báu ngay trong cung điện của ta.
Này A Nan, bấy giờ Vua Đảnh Sanh vừa khởi lên ý nghĩ đó, Trời liền mưa bảy báu trong bảy ngày.
Bấy giờ Vua Đảnh Sanh lại vào lúc khác bèn nghĩ như vậy: Ta từng nghe người xưa thọ mạng lâu dài, thông minh trí tuệ, nói rằng có xứ Phất Vu Đãi, thần túc tự tại, lúa gạo phì nhiêu, nhân dân phồn thịnh trù phú, ta muốn đến xứ đó để cai trị giáo hóa.
Này A Nan, khi ấy Vua Đảnh Sanh mới nghĩ như vậy xong, biến mất khỏi Diêm Phù Lợi, hiện ra ở Phất Vu Đãi, cùng với bốn bộ binh chủng.
Bấy giờ chúng sanh ở Phất Vu Đãi từ xa trông thấy Vua Đảnh Sanh đến, mọi người vây quanh nhà Vua, ai cũng đem bát bằng bạc đựng đầy vàng vụn, hoặc cầm bát bằng vàng đựng đầy bạc vụn, đi đến chỗ Vua Đảnh Sanh.
Đến rồi thưa với Vua Đảnh Sanh: Lành thay Đại Vương đã đến! Cõi Phất Vu Đãi này là của Đại Vương, thần túc tự tại, lúa gạo sung túc, nhân dân phồn thịnh trù phú.
Mong Đại Vương hãy ở đây để cai trị giáo hóa, tất cả chúng tôi đều là thần dân của Đại Vương.
Này A Nan, bấy giờ Vua Đảnh Sanh ở đó để cai trị giáo hóa trong vô số trăm ngàn năm.
Này A Nan,, khi đó Đại Vương Đảnh Sanh lại vào lúc khác bèn nghĩ như vậy: Ta có châu Diêm Phù Đề, ưa muốn điều gì liền được toại nguyện, có thần túc, lúa gạo sung túc, nhân dân phồn thịnh trù phú.
Ta đã có mưa bảy báu trong cung điện suốt bảy ngày, nay ta lại có Cõi Phất Vu Đãi tự tại thần túc, lúa gạo sung túc, nhân dân phồn thịnh trù phú.
Ta từng nghe người xưa thông minh trí tuệ, nói như vậy: Có quốc thổ Cù Da Ni thần túc tự tại, lúa gạo sung túc, nhân dân phồn thịnh trù phú.
Vua liền nghĩ như vậy: Ta muốn đến cõi Cù Da Ni để giáo hóa nhân dân.
Này A Nan, khi Vua Đảnh Sanh nghĩ như vậy xong, liền biến mất khỏi Phất Vu Đãi, đến cõi Cù Da Ni cùng với bốn loại binh chủng.
Lúc đó nhân dân Cù Da Ni từ xa trông thấy Vua Đảnh Sanh họ đều cầm bát bằng bạc đựng đầy vàng vụn, hay cầm bát bằng vàng đựng đầy bạc vụn, đều mang đến chỗ Vua Đảnh Sanh để dâng hiến.
Đến xong họ thưa với Vua Đảnh Sanh rằng: Lành thay Đại Vương đã đến! Đây là cảnh giới Cù Da Ni của Vua, lúa thóc sung túc, nhân dân phồn thịnh trù phú. Cúi mong Đại Vương hãy ở lại đây để giáo hóa nhân dân. Chúng tôi đều là thần dân của Đại Vương.
Này A Nan, khi ấy Vua Đảnh Sanh ở Cù Da Ni để cai trị giáo hóa nhân dân vô số trăm ngàn, vô số vạn năm.
Này A Nan, bấy giờ vào một đời khác, Đại Vương Đảnh Sanh bèn nghĩ như vậy: Ta có đất Diêm Phù Lợi, lúa gạo sung túc, nhân dân phồn thịnh trù phú, có mưa bảy báu trong Cung Điện cho đến bảy ngày.
Ta lại có cõi Phất Vu Đãi thần dân tự tại, lúa gạo dồi dào, nhân dân phồn thịnh trù phú. Ta lại cũng có cõi Cù Da Ni, thần túc tự tại, lúa gạo sung túc, nhân dân phồn thịnh trù phú.
Khi ấy Vua Đảnh Sanh bèn nghĩ như vậy:
Ta từng nghe người xưa, bậc thông minh trí tuệ, nói như vậy: Có châu Uất Đơn Việt, thần túc tự tại, nhân dân phồn thịnh trù phú.
Tất cả nhân dân ở trong cõi đó đều không bị lệ thuộc bất cứ thứ gì, ý muốn tự tại, thọ mạng lâu dài, ở đó mạng chung lại sanh lên Trời, ăn lúa gạo tự nhiên, mặc y phục Kiếp Ba Dục.
Bấy giờ Vua Đảnh Sanh bèn nghĩ như vậy: Ta hãy ở đó để cai trị giáo hóa.
Mới nghĩ như vậy, này A Nan, bấy giờ Vua Đảnh Sanh liền biến mất ở Cù Da Ni liền đến Uất Đơn Việt cùng với bốn thứ binh chủng.
Khi ấy Vua Đảnh Sanh từ xa trông thấy cõi nước ấy đất đai bằng phẳng, toàn là màu sắc xanh tươi.
Khi Vua thấy màu sắc như vậy liền bảo với nhân dân, Quần Thần: Các khanh, các ngươi có thấy đất đai bằng phẳng, màu sắc xanh tươi không?
Thưa rằng: Quả thật như vậy, thưa Đại Vương!
Vua bảo: Đây là loại cây Kiếp Ba Dục dùng để làm áo, nhân dân ở đây đều mặc áo Kiếp Ba Dục. Các khanh cũng hãy mặc áo Kiếp Ba Dục.
Bấy giờ Đại Vương Đảnh Sanh lại thấy đất đai nơi này toàn là sắc trắng, thấy rồi bèn bảo các Quần Thần: Các khanh có thấy đất này toàn bộ màu trắng chăng?
Thưa rằng: Quả thật như vậy! Ở đây lúa thóc tự nhiên, không có vỏ, không có cành, không cần ra sức chà đập, cũng không cần giê gạo cho sạch cám. Gạo có mùi hương bay theo gió thơm cả một trăm do tuần, nếu bay ngược gió thì thơm đến năm mươi do tuần, rất thơm, rất ngon. Nhân dân ở đây ăn gạo lúa thơm này. Chư Hiền cũng hãy ăn gạo lúa thơm này.
Bấy giờ Vua Đảnh Sanh từ xa trông thấy đất đai bằng phẳng, toàn là màu xanh tươi.
Thấy rồi bảo nhân dân, Quần Thần rằng: Các ngươi thấy đất đai ở đó toàn màu xanh tươi chăng?
Thưa rằng: Quả thật như vậy, thưa Đại Vương!
Đó là loại cỏ Tứ Chỉ mềm mại, rất mềm mại, như lông chim Khổng Tước, chúng đều xoay quanh phía hữu, thân của chúng cũng vậy. Người Uất Đơn Việt đều ngồi trên cỏ này, các khanh cũng nên ngồi trên cỏ đó.
Khi ấy Đại Vương Đảnh Sanh từ xa trông thấy những bức tường thấp bao quanh thành quách lâu đài, bèn bảo nhân dân Quần Thần rằng: Các khanh có thấy đất đai ở đây bằng phẳng, có tường thấp bao quanh lâu đài chăng?
Thưa rằng: Đúng vậy, thưa Đại Vương!
Vua bảo: Đó là nhà cửa của nhân dân vậy.
Lúc ấy nhân dân Uất Đơn Việt từ xa trông thấy Vua Đảnh Sanh đến, đều lấy bát bằng vàng đựng lúa bằng bạc, lấy bát bạc đựng đầy lúa vàng, tâu với Vua Đảnh Sanh rằng: Lành thay Đại Vương đã đến đây.
Ngài có thần túc tự tại. Đây là cõi Uất Đơn Việt của Đại Vương, lúa gạo sung túc, nhân dân đông đúc, cúi xin Đại Vương hãy ở Uất Đơn Việt mà cai trị giáo hóa nhân dân. Chúng tôi đều vâng theo lời dạy của Đại Vương.
Này A Nan, bấy giờ Vua Đảnh Sanh ở Uất Đơn Việt để cai trị giáo hóa nhân dân trong vô số trăm năm, vô số ngàn năm.
Bấy giờ Vua Đảnh Sanh vào lúc khác lại nghĩ như vậy: Ta đã có cõi Diêm Phù Lợi, thần túc tự tại cho đến nhân dân đông đúc. Ở đó ta được mưa bảy báu trong cung bảy ngày.
Ta cũng có cõi Phất Vu Đãi thần túc tự tại, nhân dân đông đúc. Ta cũng có cõi Cù Da Ni, thần túc tự tại, nhân dân đông đúc.
Ta cũng có cõi Uất Đơn Việt, thần túc tự tại, cho đến nhân dân đông đúc.
Ta từng nghe người xưa, bậc thông minh trí tuệ, nói như vậy: Có Cõi Tam Thập Tam Thiên, nhân dân ở đó thọ mạng lâu dài, dung mạo đoan chánh.
Ở đó có một vị Trời tên là Thích Đề Hoàn Nhân, nay ta sẽ đến cõi Tam Thập Tam Thiên ấy để thọ hưởng năm thứ: Tuổi của Trời, sắc đẹp của Trời, nhạc Trời, thần túc của Trời và tăng thượng của Trời. Nay ta muốn đến cõi Tam Thập Tam Thiên ấy.
Này A Nan, khi ấy Vua Đảnh Sanh mới nghĩ như vậy xong liền cùng bốn binh chủng biến mất nơi cõi Uất Đơn Việt, đến Tam Thập Tam Thiên, đi vào giảng đường thiện pháp.
Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân Trời Đế Thích từ xa trông thấy Vua Đảnh Sanh đi lại, thấy rồi liền bảo Vua Đảnh Sanh rằng: Lành thay, Đại Vương đã đến! Hãy ngồi vào tòa này.
Này A Nan, khi ấy Vua Đảnh Sanh liền đến tòa mà ngồi cùng với Thích Đề Hoàn Nhân.
Hai Vua cùng ngồi hoàn toàn không khác gì nhau về dung nhan, tướng mạo đoan chánh, họ đều chẳng sai khác. Chỉ có ánh mắt là khác nhau thôi.
Bấy giờ Vua Đảnh Sanh lại vào lúc khác bèn nghĩ như vậy: Ta có cõi Diêm Phù Lợi, thần túc tự tại cho đến nhân dân phồn thịnh trù phú, ở trong cung điện có mưa bảy báu cho đến bảy ngày.
Ta cũng có cõi Phất Vu Đãi thần túc tự tại, cho đến nhân dân phồn thịnh trù phú.
Ta cũng có cõi Cù Da Ni thần túc tự tại, cho đến nhân dân phồn thịnh trù phú.
Ta cũng có cõi Uất Đơn Việt thần túc tự tại, cho đến nhân dân phồn thịnh trù phú, và cõi Tam Thập Tam Thiên này nhân dân trường thọ. Ta sẽ ở lâu chốn này.
Khi ấy ở Tam Thập Tam Thiên tập hợp ở giảng đường thiện pháp, mọi người theo thứ lớp ngồi xong, bấy giờ Tam Thập Tam Thiên bèn suy nghĩ rằng: Vua Đảnh Sanh là Vua cõi Diêm Phù Lợi, lấy pháp để cai trị giáo hóa, có bảy báu đầy đủ, có một ngàn người con trai vây quanh.
Trong bốn cảnh giới, Vua này là hết sức tôn quý. Nhà Vua không dùng dao gậy, chỉ dùng pháp cai trị giáo hóa nhân dân.
Này A Nan, lúc đó Thích Đề Hoàn Nhân nhường nửa tòa mời Vua Đảnh Sanh cùng ngồi. Hai Vua cùng ngồi ánh sáng và màu sắc không khác nhau, nhan sắc, dung mạo hoàn toàn giống nhau, chỉ có ánh mắt là khác nhau thôi.
Này A Nan, lúc đó Vua Đảnh Sanh đối với năm thứ dục lạc dùng để tự vui vẫn không nhàm chán, biết đủ, trong vô số trăm ngàn năm, vô số vạn năm.
Này A Nan, bấy giờ Vua Đảnh Sanh lại vào lúc khác liền sanh ý nghĩ như vậy: Những cảnh giới do ta thống lĩnh gồm có cõi Diêm Phù Lợi thần túc cho đến nhân dân đều sung túc, trong bảy ngày mưa bảy báu trên cung điện ta.
Ta cũng có cõi Phất Vu Đãi thần túc cho đến nhân dân đều thịnh vượng.
Ta cũng có cõi Cù Da Ni thần túc cho đến nhân dân đều thịnh vượng.
Ta cũng có cõi Uất Đơn Việt thần túc cho đến nhân dân đều thịnh vượng.
Ta lại có ở đây Cõi Tam Thập Tam Thiên thọ mạng lâu dài, nhan sắc rực rỡ. Có giảng đường thiện pháp này có đủ bốn khu vườn.
Những gì là bốn?
Vườn Nam Đàn Hoàn, vườn Bảo Điện, vườn Quy Kiên, vườn Tạp Chủng.
Đó là bốn khu vườn. Có cây Trú Đạt Thọ, cây Câu Tỳ Đa La thảy đều sầm uất, mùi hương bay theo chiều gió thơm cả một trăm do tuần. Nếu lúc ngược gió thơm đến năm mươi do tuần.
Đó là chỗ vui chơi của Tam Thập Tam Thiên, trong bốn tháng, dân ở đó dùng ngũ dục để tự hoan lạc.
thiện pháp giảng đường làm bằng lưu ly xanh, đó chính là chỗ ngồi của Thiên Đế, có trăm đài chung quanh đều làm bằng bảy báu, mỗi mỗi đài có bảy trăm lầu gác, mỗi mỗi lầu gác có bảy trăm Ngọc Nữ, mỗi mỗi Ngọc Nữ có bảy trăm người hầu, tất cả đều do Thích Đề Hoàn Nhân thống lĩnh.
Này A Nan, khi ấy Vua Đảnh Sanh lại nghĩ như vậy: Ta nay nên di chuyển Thích Đề Hoàn Nhân đi, ta sẽ giáo hóa cai trị Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên này.
Này A Nan, khi Vua Đảnh Sanh vừa nghĩ như vậy, liền ngay nơi chỗ ngồi của Thích Đề Hoàn Nhân rớt xuống Diêm Phù Lợi cùng với bốn thứ binh chủng, mất hết thần túc, toàn thân đau đớn.
Giống như người lúc sắp chết, thì xe báu mất, voi báu chết, ngựa báu cũng chết, châu báu không hiện, nữ báu mạng chung, cư sĩ báu và điển binh báu đều chết hết.
Này A Nan, bấy giờ năm nhóm thân thuộc của Đại Vương Đảnh Sanh đều nhóm họp lại, đi đến chỗ Vua Đảnh Sanh tâu rằng:
Sau khi Đại Vương mạng chung, nếu có người đến hỏi chúng thần rằng: Đại Vương Đảnh Sanh lúc sắp băng hà có chỉ bảo điều gì?
Chúng thần sẽ đáp như thế nào?
Nhà Vua bảo: Các hiền nên biết, Đại Vương Đảnh Sanh thống lĩnh bốn châu thiên hạ, lên đến Tam Thập Tam Thiên, nhưng đối với ngũ dục lòng vẫn chưa nhàm chán, chưa biết thỏa mãn, cho đến lúc chết.
Này A Nan, ngươi nên biết rằng Vua Đảnh Sanh lúc đó nào phải người nào khác. Đừng nên nghĩ như vậy.
Vì sao?
Này A Nan, vị Vua lúc đó chính là thân ta vậy. Do phương tiện này, A Nan nên biết, cho đến lúc chết mà đối với ngũ dục vẫn không nhàm chán, biết đủ.
Do nhiễm trước đối với dục, tụ tập tàng trữ, không có nhàm chán biết đủ đối với dục.
Cái gọi là biết đủ đối với dục chừng nào đạt đến con đường của Hiền Thánh, chừng đó mới biết đủ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nói bài kệ rằng:
Không phải có tiền tài
Mà biết nhàm chán dục
Vui ít, khổ não nhiều
Kẻ trí nào ham muốn.
Giả sử trong ngũ dục
Mà lòng không tham đắm
Ái hết liền được vui
Cả ba, đệ tử Phật.
Do dục tham lợi dưỡng
Chết liền vào địa ngục
Dục lạc sẽ thế nào
Mạng người bị thống khổ.
Các pháp đều vô thường
Đã sanh phải bại hoại
Có sanh sanh chấm dứt
Diệt dục, vui đệ nhất.
Bấy giờ Tôn Giả A Nan nghe Đức Phật dạy, hoan hỷ vâng làm.
***