Kinh Đại thừa
Bộ Niết Bàn
PHẬT THUYẾT
KINH BÀ LÃO LỤC ANH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
Công đức của Phật Thế Tôn cao vời vợi, vì lòng từ bi mẫn niệm chúng sanh. Khi ấy, Đức Phật cùng hạng đệ tử, chư vị Bồ Tát dừng nghĩ ở trú xứ Lạc Âm. Đức Phật tuyên nói giáo pháp.
Bấy giờ, có một Bà Lão nghèo lưng còng đến quì gối hỏi Phật: Kính thưa Thế Tôn! Ngũ ấm, lục suy hội hợp tạo ra thân con là ai?
Từ đâu đến và đi về đâu?
Nguyện xin Thế Tôn vì con giãi bày.
Đức Phật bảo: Hay thay! Nên biết rằng, người mà hiểu được nhân duyên các pháp là hiếm. Ví dụ lấy hai thanh cây dùi lấy lửa, lửa không từ chỗ dùi cũng không từ chỗ lấy tử mà lửa xuất ra từ chỗ rực sáng của nó, rồi trở lại thiêu đốt hai thanh cây thành tro.
Ví dụ như đánh trống. Trống phát ra tiếng và mất. Âm thanh ấy không từ da cũng không từ dùi đánh, các pháp đều như vậy nhân duyên hoà hợp lẫn nhau.
Như trên trời mưa, gió, mây, sấm chớp hợp lại tạo thành mưa không phải do oai lực của một con Rồng. Các pháp đều như vậy, như vậy.
Ví như hoạ sĩ pha trộn điều hoà màu sắc, nhờ nhân tố đó vẽ bất cứ hình nào cũng thành. Tất cả phải nhờ nhiều duyên hoà hợp chứ không phải một thứ. Bà Lão nghe Kinh hoan hỷ nghiêng mình liền đắc pháp nhãn thân được an lạc.
A Nan thưa hỏi: Kính thưa Thế Tôn! Vì sao Bà Lão này nghe Phật nói các pháp sanh tử không chỗ đến và đi thì tận ý mở bày và đắc đạo chơn.
Phật bảo A Nan: Hãy nghe ta nói! Thuở quá khứ, Đời Đức Phật Câu Lưu Tần. Lúc ấy, Bà Lão này là thân mẫu của ta. Ta đi học đạo bà lưu luyến ngăn cản, ta buồn rầu bỏ ăn một ngày.
Vì nhân duyên yêu mến đó mà năm trăm đời Bà Lão nghèo khổ. Nay ta thành Phật vạn phước đều ban bố cho chúng sanh vô lượng thanh tịnh Phật Đạo.
Bà Lão trải qua sáu mươi ức kiếp sẽ thành Phật Hiệu là Tát Bà, tên nước là Đa Hoa, kiếp tên Lễ Thiền. Khi ấy, loài người ăn mặc như Cung Trời Đao Lợi, thọ mạng của họ được một kiếp và không có sự khổ nhọc.
Bấy giờ, Bà Lão, Người, Trời, Rồng, Dạ Xoa nghe Phật thuyết pháp, tất cả đều vui mừng hớn hở, tâm ý của tám vạn bảy ngàn người đều đắc đạo chánh chân, họ lễ Phật thối lui.
***