Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ
PHẬT THUYẾT KINH
BA PHÁP QUÁN BẢY XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
KINH SỐ BỐN MƯƠI SÁU
Nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ.
Phật dạy các Tỳ Kheo.
Có ba ác căn bản. Tham là ác căn bản thứ nhất. Sân là ác căn bản thứ hai. Si là ác căn bản thứ ba.
Tham là ác căn bản. Vì căn bản tham nên có xan tham, vì có xan tham, không xa lìa xan tham, nên thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Đấy là ác.
Do xan tham nên thân làm điều sai, tâm nghĩ theo đều là ác căn bản. Vì xan và vướng mắc vào xan nên tự hại mình và hại người khác, hại cả hai, đều là hành động ác. Vì xan nên không biết về tự thân và thân người khác, cả hai đều là ác.
Vì xan và bị xan trói buộc nên muốn thi hành với lý lẽ. Giết chết, trói, cột, làm cho diệt vong, đều là ác cả. Vì xan và bị xan trói buộc nên muốn đem đau khổ cho mình bằng cách thi hành lý lẽ giết, trói, cột, làm cho diệt vong, với tâm cảm thọ thích thú, để được như ước nguyện. Đấy là ác.
Này Tỳ Kheo, người lý luận như vậy là nói không đúng lúc, không đúng pháp, nói để cho việc ác thêm phát triển.
Vì sao?
Này Tỳ Kheo, vì người này nói không đúng lúc, nói để phát triển điều ác.
Này Tỳ Kheo, như vậy chính họ đã làm nhiều điều dối trá, tự mình si mê, làm tăng thêm si mê.
Này Tỳ Kheo, có người thành thật nói cho họ biết, họ cũng không muốn dốc lòng nghe theo. Người nào nói ra chỗ không đúng của họ thì họ không vừa ý, phát biểu. Vấn đề này không đúng, ta không có như vậy. Người như vậy là nói lời ác, không thành thật, không tốt đẹp, nói lời phi pháp, nói lời làm tăng trưởng điều ác.
Này Tỳ Kheo, người như vậy thì có nhiều xan tham, và theo nhân duyên nhiều xan nên pháp thô ác, sân, si theo đấy cũng như thế. Người như vậy thì điều ác theo họ rất nhiều không phải một. Họ bị phủ vây, trói buộc bởi tham, sân, si, thô ác, phi pháp.
Có người thấy các pháp ác như vậy, nói với họ về sự chấm dứt khổ. Họ càng thêm lo buồn, sợ hãi, khi qua đời, bị sinh vào cảnh giới ác.
Này Tỳ Kheo, ví như cây đại thọ bị loài cây chùm gởi bao phủ lên, đan lợp rậm rạp không phải một chỗ, cũng như vậy nhiều pháp tham, sân, si, pháp bất hảo bao trùm con người. Do nhận thấy bị che đậy nên con người sống trong khổ sở, lo buồn thiêu đốt thêm, chết đọa vào chỗ ác.
Có ba phước lành căn bản.
1. Không tham là thiện căn bản.
2. Không sân là thiện căn bản.
3. Không si là thiện căn bản.
Không tham là điều thiện. Không xan tham thì thân làm điều thiện, miệng nói điều thiện, ý nghĩ việc thiện. Thân thọ nhận thiện, miệng thọ nhận thiện, ý thọ nhận thiện. Nên không nghĩ đến việc hại mình hại người, không nghĩ đến việc hại cả hai là thiện.
Không xan tham, không liên hệ với xan tham, tự thân biết làm cho người khác biết, cả hai đều biết là thiện. Không xan tham, không liên hệ với xan tham, thì không gây khổ ưu cho người khác bằng cách không đưa ra lý lẽ để chiếm, giết, đánh đập, vu báng, làm chết người.
Đấy là thiện. Không xan tham, không bị xan tham trói buộc thì không gây buồn khổ cho người khác bằng cách không đưa ra lý lẽ khiến cho người bị giết, bị chém, bị đánh đập, bị vu báng, bị chết.
Tâm không thu nhận, không hoan hỷ về việc ấy mà làm cho người khác được như nguyện. Đấy là việc thiện. Người như vậy là nói đúng lúc, nói lời thật, nói lời có phước, nói pháp, nói ngăn ác, đấy là điều tốt.
Tại sao?
Này Tỳ Kheo, người này gọi là nói đúng lúc, nói đúng pháp, nói ngăn việc ác. Biết rõ mình và người, không trốn tránh, không che đậy, tự biết sự ngu si, kiêu mạn của mình và của người khác.
Được người hiểu biết đến nói thì họ không tránh né. Khi nghe nói, họ không nói là tôi không có. Nếu có người đưa ra lời lẽ không thật thì hiểu rõ, báo lại việc này, cho là không có việc ấy, không phải do tôi, tôi không làm việc ấy. Người ấy nói đúng lúc, nói lời có phước, nói pháp, nói ngăn việc ác. Không xan tham với nhiều nhân duyên như vậy.
Có nhiều thiện pháp là vì từ đây đến cuối cuộc đời không tham lam, sân hận, không có si. Do vậy nhiều thiện pháp đến từ ba pháp này.
Này Tỳ Kheo, người nào lìa bỏ hết các pháp tham, sân, si xấu ác, không còn sinh lại là thấy pháp, là hành động an lành. Họ không còn ưu sầu, khổ não, sau khi chết thì sinh vào cảnh giới an lành. Này Tỳ Kheo, ví như trên cây to có cành nhánh bị cây chùm gởi phủ kín.
Có người không muốn cây chùm gởi bao phủ, không muốn bị ngăn trở vướng víu, không muốn bị che khuất, không muốn bị rậm rạp, vây kín, liền đào rễ chặt gốc cây chùm gởi.
Sau khi chặt gốc liền chặt cành, sau khi chặt cành rồi chặt khúc, sau khi chặt khúc thì bửa ra, sau khi bửa ra bèn đem phơi khô, sau khi phơi khô bèn đem đốt cho nó cháy thành tro, sau khi thành tro thì cho bay theo gió hay đỗ vào dòng sông. Như vậy cây chùm gởi do nhân duyên ấy đã bị chặt từ gốc tới ngọn, không còn thấy, không mọc lại.
Này Tỳ Kheo, cũng như ví dụ ấy, những người tu hành ở trên không phải chỉ đoạn trừ chỉ có một loại. Ai xả bỏ hết pháp tham, sân, si xấu ác, khiến chúng không còn sinh nữa, thì thấy pháp, sống an ổn, không còn có khổ, não, ưu, nhiệt. Sau khi qua đời thì sinh đến cảnh giới tốt đẹp.
Đức Phật dạy như vậy.
***