Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường
 

PHẨM BA

PHẨM BA PHÁP
 

PHẦN BỐN
 

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở thế gian này có ba hạng con.

Đó là:

1. Hạng con ngang bằng.

2. Hạng con trội hơn.

3. Hạng con kém thua.

Thế nào là hạng con ngang bằng?

Nghĩa là có một hạng cha mẹ đầy đủ giới, sống theo pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Người con cũng đầy đủ giới, sống với pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Đó là người con ngang bằng.

Thế nào là hạng con trội hơn?

Nghĩa là có một hạng cha mẹ phạm giới, sống theo các pháp ác, ưa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, sống chỗ phóng dật. Nhưng người con thì trì giới, sống theo pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Đó gọi là hạng con trội hơn.

Thế nào là hạng con thua kém?

Nghĩa là có một hạng cha mẹ đầy đủ giới, sống theo pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Nhưng người con thì phạm giới, sống theo các pháp ác, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, sống chỗ phóng dật.

Đó gọi là hạng con thấp kém.

Như vậy, ở thế gian này có ba hạng con.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người thông minh ở đời

Ưa thích con bằng, hơn

Không ưa thích con kém

Chỗ tổn hại gia môn.

Nên biết ba loại con

Một kém, hai là hơn Phật

Chánh giác thuyết ra

Các Hiền Thánh cũng vậy.

Hai đều tin Thi La

Thông tuệ, không keo kiệt

Như trăng tròn đêm tạnh

Ánh sáng chiếu khắp nơi.

Nên thân cận cúng dường

Được Chư Phật xưng dương

Xa lìa các trần cấu

Việc làm không sợ hãi.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Bí Sô nào tôn trọng chánh pháp, yêu mến chánh pháp, ưa thích pháp lạc, tinh thần tu hành, ưa thích thực hành pháp, Bí Sô như vậy, tùy niệm chánh pháp thường ưa thích đoạn trừ hẳn căn bất thiện về tham, làm cho thiện căn không tham viên mãn.

Thường ưa thích đoạn trừ hẳn căn bất thiện về sân, làm cho thiện căn không sân viên mãn. Thường ưa thích đoạn trừ hẳn căn bất thiện về si, làm cho thiện căn không si viên mãn.

Tu ba thiện căn được viên mãn rồi, tu bốn niệm trụ làm cho viên mãn. Tu bốn niệm trụ được viên mãn rồi, tu bốn chánh đoạn làm cho viên mãn. Tu bốn chánh đoạn được viên mãn rồi, tu bốn thần túc làm cho viên mãn. Tu bốn thần túc được viên mãn rồi, tu tập năm căn làm cho viên mãn.

Tu tập năm căn được viên mãn rồi, tu tập năm lực làm cho viên mãn. Tu tập năm lực được viên mãn rồi, tu bảy giác chi làm cho viên mãn. Tu bảy giác chi được viên mãn rồi, tu tám chi Thánh đạo làm cho viên mãn. Tu tám chi Thánh đạo được viên mãn rồi, minh và giải thoát đều được viên mãn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người ưa pháp trọng pháp

Thích pháp, ưa hành pháp

Thường buộc niệm nơi pháp

Tinh tấn theo chánh pháp.

Niệm pháp tu nghiệp thiện

Không niệm, hành hạnh ác

Hành pháp quyết đạt được

Vui đời này, đời khác.

Người hành pháp, hộ pháp

Như dù lớn che mưa

Hành pháp được pháp lợi

Quyết không đọa ba đường.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Thế gian lược có ba loại suy nghĩ, Bí Sô hữu học chưa đắc tâm định, khi thích cầu pháp an lạc vô thượng có thể khiến bị thoái thất.

Ba loại đó là:

1. Suy nghĩ tương ưng theo chỗ thân cận.

2. Suy nghĩ tương ưng theo lợi dưỡng.

3. Suy nghĩ tương ưng theo ganh ghét.

Đó là lược nêu ba loại suy nghĩ, Bí Sô hữu học chưa đắc tâm định, khi thích cầu pháp an lạc vô thượng có thể khiến bị thoái thất.

Thế nên các ông nên học như vậy: Ta phải làm như thế nào để không khởi lên suy nghĩ tương ứng với chỗ thân cận, không khởi lên suy nghĩ tương ứng với lợi dưỡng, không khởi lên suy nghĩ tương ứng với ganh ghét.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Nương suy nghĩ đắm chấp

Lược ra có ba loại

Hữu học cầu vui lớn

Chắc chắn bị chướng ngại.

Tương ứng với thân cận

Lợi dưỡng và đối kỵ

Bỏ vui lớn, tịnh lớn

Dứt hết thật là xa.

Bỏ suy nghĩ thân cận

Lợi dưỡng và ganh ghét

Nhiếp chỉ, quán siêng tu

Mau dứt hết các khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Lược có ba loại pháp, Bí Sô hữu học chưa đắc tâm định, khi thích cầu pháp an lạc vô thượng có thể khiến bị thoái thất.

Ba pháp đó là:

1. Bí Sô ưa thích thế sự, tham ái thế sự, say mê thế sự.

2. Bí Sô ưa thích nói chuyện, tham ái nói chuyện, say mê nói chuyện.

3. Bí Sô ưa thích ngủ nghỉ, tham ái ngủ nghỉ, say mê ngủ nghỉ.

Với ba pháp này, Bí Sô hữu học chưa đắc tâm, khi ưa cầu pháp an lạc vô thượng làm cho thoái thất.

Thế nên các ông nên học như vậy: Ta phải làm thế nào để không ưa thích thế sự, không yêu mến thế sự, không say đắm thế sự. Ta phải làm thế nào để không ưa thích nói chuyện, không yêu mến nói chuyện, không say đắm nói chuyện. Ta phải làm thế nào để không ưa thích ngủ nghỉ, không yêu mến ngủ nghỉ, không say đắm ngủ nghỉ. Bí Sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi cầu quả vô thượng

Có ba pháp làm lui

Ưa thích, đắm thế sự

Nói chuyện và ngủ nghỉ.

Các Bí Sô hữu học

Ai đủ ba pháp này

Hoàn toàn không chứng đắc

Tam bồ đề tối thắng.

Ai muốn cầu mau chứng

Tam bồ đề tối thắng

Nên ít việc nói, ngủ

Siêng năng tu chỉ, quán.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có ba loại pháp hiện tiền hòa hợp làm cho các thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.

Ba pháp đó là:

1. Tịnh tín, hiện tiền hòa hợp, có thể khiến cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.

2. Bố thí vật dụng, hiện tiền hòa hợp, có thể khiến cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.

3. Phước điền, hiện tiền hòa hợp, có thể khiến cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.

Đó là ba pháp hiện tiền hòa hợp, làm cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hiện tiền hòa hợp ba pháp

Sinh trưởng vô lượng phước

Là tịnh tín, thí vật

Và phước điền chân tịnh.

Đủ tuệ, đủ Thi La

Khéo điều phục ba độc

Tu phạm hạnh Sa Môn

Gọi phước điền chân tịnh.

Đủ tuệ đủ tịnh tín

Cầu tài sản như pháp

Dâng cúng dường điền tốt

Nhất định được quả lớn.

Bốn oai nghi trong thân

Đối Tam Bảo, Tứ Đế

Tùy thuận, không khiếm khuyết

Gọi là tâm tịnh tín.

Đối với các tuệ thí

Pháp thí là hơn hết

Tâm tịnh diễn chánh pháp

Chư Phật đã khen ngợi.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Những người có trí nên đem ba loại pháp không bền đổi lấy ba loại bền.

Ba loại đó là:

1. Nên dùng của cải không bền chắc đổi lấy của cải bền chắc.

2. Nên đem thân không bền chắc đổi lấy thân bền chắc.

3. Nên đem mạng không bền chắc đổi lấy mạng bền chắc.

Thế nào là đem của cải không bền đổi lấy của cải bền?

Nghĩa là có các thiện nam, Thiện Nữ tịnh tín siêng năng như pháp, lao động bằng tay chân, đổ mồ hôi kiệt lực, thu được của cải châu báu, tự cung cấp cho bản thân, dâng lên cha mẹ.

Cung cấp cho vợ con, nô tỳ, tôi tớ, bạn bè, quyến thuộc, nhóm họp ngày đêm vui chơi, thọ lạc và gặp Sa Môn, hoặc Bà La Môn đầy đủ giới, sống theo pháp thành tựu, siêng năng phạm hạnh, trừ bỏ kiêu mạn, phóng dật, nhu hòa nhẫn nhục, noi theo con đường chánh pháp, bỏ các đường tà, hướng đến thành Niết Bàn.

Với tâm tịnh tín, hoan hỷ cung kính, đúng thời, đúng lúc đem bố thí, xa thì cầu Niết Bàn vô thượng, gần thì cầu quả vui nơi Cõi Trời, Người vào đời sau. Đó gọi là nên đem của cải không bền chắc, đổi lấy của cải bền chắc.

Thế nào là đem thân không bền chắc, đổi thân bền chắc?

Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ tịnh tín chánh kiến thành tựu, lìa sát sinh, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn, lìa trộm cắp, thanh tịnh, không phạm, hoàn toàn viên mãn.

Lìa tà dục, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Lìa nói dối, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Lìa uống rượu, không phóng dật, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Các loại như vậy gọi là dùng thân không bền chắc.

Thế nào là dùng mạng không bền chắc đổi mạng bền chắc?

Nghĩa là các Thánh đệ tử trong chánh pháp của ta, nhận biết đúng như thật: Đây là sự thật về khổ, đây là sự thật về nguyên nhân của khổ, đây là sự thật về diệt khổ đế, đây là sự thật về con đường tu tập đưa đến diệt khổ. Đấy gọi là nên dùng mạng không bền chắc đổi mạng bền chắc.

Như vậy gọi là những người có trí nên dùng ba loại pháp không bền chắc đổi ba loại pháp bền chắc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Như người trí ở đời

Dùng hèn để mua quý

Người chánh kiến cũng vậy

Dùng không bền đổi bền.

Biết của, thân mạng này

Bất tịnh không bền chắc

Cầu thanh tịnh kiên cố

An vui thế, xuất thế.

Tài, thân mạng Cõi Trời

Là thế tịnh bền chắc

Chứng Niết Bàn thường lạc

Là pháp chân tịnh, bền.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có ba loại căn, tánh của nó rất sâu xa, tận cùng sâu xa, tánh của nó rất khó thấy, khó thấy được rõ ràng.

Ba loại đó là:

1. Căn chưa biết được biết.

2. Căn chưa biết.

3. Căn nhận biết đầy đủ.

Thế nào là căn chưa biết được biết?

Nghĩa là các Thánh đệ tử trong pháp của ta, chưa thấy biết các Thánh đế về khổ, giờ được thấy được biết nên phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn, thâu giữ tâm. Đối với Thánh đế về nguyên nhân của khổ chưa thấy, chưa biết, nay được thấy, được biết nên phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn thâu giữ tâm.

Đối với Thánh đế về diệt trừ khổ chưa thấy, chưa biết, nay được thấy, được biết nên phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn thâu giữ tâm. Đối với Thánh đế về con đường tu tập chân chánh để diệt trừ khổ chưa thấy, chưa biết, nay được thấy, được biết, phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn thâu giữ tâm. Đây gọi là căn chưa biết được biết.

Thế nào là căn nhận biết?

Nghĩa là các Thánh đệ tử trong pháp của ta nhận biết đúng như thật: Đây là Thánh đế về khổ, Thánh đế về tập, Thánh đế về diệt và Thánh đế về đạo. Đó gọi là căn nhận biết.

Thế nào gọi là căn nhận biết đầy đủ?

Nghĩa là các Thánh đệ tử trong pháp của ta các lậu đã diệt hết, đắc chân vô lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, nhận biết đúng đắn: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Đó gọi là căn nhận biết đầy đủ.

Như vậy gọi là có ba loại căn, tánh của nó sâu xa, tận cùng sâu xa, tánh của nó rất khó thấy, khó thấy rõ ràng.

***