Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Như Lai Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Kỳ Đa Mật, Đời Đông Tấn
 

PHẦN BẢY
 

Bồ Tát Như Lai nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Nay tự nhiên hoa hương trong ba ngàn cõi, lại đến cả hội này, âm nhạc đều đầy đủ. Đó là thần túc của Như Lai, oai thần của Phật.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Như Lai: Ông muốn biết oai thần của Phật và oai thần của các Bồ Tát, nhưng oai thần đó, không thể thấy biết. Vì tiếng nhạc ấy, là nhạc vô danh. Tất cả các pháp có tại đó cũng đều là vô danh.

Hoặc khổ hoặc vui là nhạc, mọi vật như hóa là nhạc, pháp không hai pháp là nhạc, đối với La Hán, Bích Chi Phật đều muốn độ thoát là nhạc. Thấy năm đường đều muốn khiến thành Phật là nhạc.

Độ chúng sinh nhưng không thấy chúng sinh mình độ là nhạc. Tất cả không xứ sở, không khởi là nhạc. Đối với tam muội không phiền hà là nhạc. Tất cả xứ sở không có danh là nhạc, mọi sở hữu đều như hóa là nhạc. Chẳng phải âm thanh và cũng không có chỗ phát ra âm thanh là nhạc.

Pháp sở thí hay không sở thí, không có sở hữu là nhạc. Trong ba ngàn đều là vô thường là nhạc. Tất cả mọi người đều làm cho tin được vô sở đắc là nhạc. Quá khứ, vị lai, hiện tại ba thời, tận không có tận là nhạc, khiến trở về với căn bản không chỗ thấy là nhạc. Thấy pháp luân là vì không chỗ để thấy là nhạc. Tất cả trong ba ngàn cõi đều bình đẳng là nhạc.

Tạng pháp thọ trong ba ngàn mười phương là nhạc. Các cõi trong mười phương chỉ có danh là nhạc. Sắc dục hòa hợp là nhạc. Đối với danh tự, không có chủ tể là nhạc. Tất cả vắng lặng, không bờ bến, là nhạc. Tất cả sáng cùng hợp với tối là nhạc. Mọi hành động tạo tác, không mất giới là nhạc. Mọi sự nhớ nghĩ không lìa tam muội là nhạc. Hư không thật độ vô cực là nhạc.

Các tuệ giác không có xứ sở là nhạc. Các sở khả là nhạc. Tất cả quyết không thọ là nhạc. Trong ba cõi không ai bằng là nhạc. Cầu pháp không tiếc thân mạng là nhạc. Tất cả sáng hợp lại sáng, là nhạc. Các sở hữu chỉ là thấy sai lầm là nhạc.

Bố thí không mong cầu báo đáp lại là nhạc. Ý vô cực làm thuyền trưởng lớn là nhạc. Vườn giải thoát vô biên vô cực là nhạc. ý vắng lặng là nhạc. Vô sở định là nhạc. Không đến các tam muội là nhạc, cũng không lắng, cũng không nghe là nhạc.

Các sở niệm chẳng phải là chánh đạo là nhạc. Tất cả mọi người vô cực là nhạc. Các sở độ ví như huyễn là nhạc. Mới phát ý đầy đủ tam muội là nhạc. Chỗ đến của các Bồ Tát không có xứ sở là nhạc. Các Bồ Tát ý tại sinh đến mười phương là nhạc. Không phải xanh vàng và đen, trắng, không có đường tắc là nhạc.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Bồ Tát Như Lai: Muốn biết oai thần của Phật, Bồ Tát và nhạc thì nhạc là như vậy.

Trên đây là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trả lời năm việc, nói về nhạc, mà Bồ Tát Như Lai đã hỏi.

Bấy giờ, Bồ Tát Như Lai liền nói kệ:

Ý Văn Thù Sư Lợi

Tuệ tôn không có trước

Ban bố khắp ba ngàn

Trí ấy thật tôn trọng.

Oai thần đã thi hành

Đều trừ trong ba ngàn

Không mong muốn các nhạc

Chỉ vì không đoạt thí.

Thích pháp là tối đại

Đối với hóa, không độ

Ban bố cho pháp lạc

Hoặc không, không có ác.

Pháp cùng nhạc đều hành

Không có lỗi là báu

Nhạc không có chủ tể

Hoặc không, không xứ sở.

Thâm nhập các vi diệu

Hiểu rõ hết mọi người

Khiến họ được đại pháp

Cắt đứt rễ đau khổ.

Tất cả người thế gian

Đều có ý không hiểu

Lấy pháp làm ý giác

Dùng tuệ cứu tất cả.

Lúc đó, Đức Phật nói kệ:

Lìa không chẳng tưởng

Là tưởng chẳng không

Với pháp không khởi

Đó tức là khởi.

Ý luôn nhu nhuyến

Sạch, không sở hữu

Sắc, dục hòa hợp

Nhập vào vô tướng.

Đã nói vô hình

Không lìa có hình

Do pháp như mộng

Cái muốn không cùng.

Là vắng lìa vắng

Không lìa chẳng tạo

Các pháp không chủ

Sở khả như hóa.

Đều không chỗ thọ

Pháp cũng không xả

Nhận thức sai lầm

Tất cả đều vậy.

Chẳng sắc lìa sắc

Là sắc không lìa

Pháp ấy như sắc

Xứ đó như vậy.

Chẳng âm là vang

Không nghe không thấy

Không lắng không xem

Sở hữu như vậy.

Với hóa vô danh

Tự nói là vậy

Pháp không có chấp

Sở độ như vậy.

Với huyễn không thấy

Đã thấy lìa thấy

Lìa tham nhiễm dục

Phi pháp đã bàn.

Với dục không nhơ

Không đắm không lìa

Thấy đúng như vậy

Không có người ấy.

Biết được Đức Phật mỉm cười, ở trong cung, Bồ Tát Như Lai nói kệ:

Nghi vốn không hiểu

Là pháp tự nhiên

Vốn không thường trụ

Nghi tuệ không vậy.

Với tưởng không nhọc

Thức, niệm không khổ

Xưng tên trụ chữ

Chẳng phải cầu pháp.

Với gốc không vậy

Không thoái, không hoàn

Có thể không thể

Xa lìa không thể.

Với sinh không diệt

Đó tức là diệt

Với nghĩa không tưởng

Thì chẳng phải diệt.

Với pháp không sinh

Cũng không tướng diệt

Sở dĩ vì sao

Các pháp đều không.

Không cầu lời nói

Con lìa Niết Bàn

Sở dĩ vì sao

Gốc ngọn đều sạch.

Không tận mười phương

Lấy đó làm chứng

Có nói là ngã

Đó tức là chứng.

Không nên xa niệm

Niệm với mười phương

Chân pháp không phiền

Là thọ vô danh.

Pháp chẳng nhớ nghĩ

Có thể quay lại

Khởi hành như vậy

Không thấy tôn pháp.

Cốt yếu hiểu tuệ

Không sợ nhỏ mọn

Không thích lung tung

Gọi là tuệ môn.

Bồ Tát Như Lai hỏi Văn Thù Sư Lợi: Hôm nay, những người mới phát ý đến hội, tôi muốn làm cho họ được pháp vô cực, vậy phải làm cách nào để đạt được?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Đối với niệm không tạo tác là có thể được pháp vô cực.

Như Lai lại hỏi: Những gì là niệm không tạo tác?

Văn Thù trả lời: Nên kiến lập chín pháp báu.

Những gì là chín?

1. Ý không có xứ sở. Đó là báu.

2. Quán pháp không có chủ tể. Đó là báu.

3. Không thấy có quá khứ, vị lai. Đó là báu.

4. Đối với pháp không có người tạo tác. Đó là báu.

5. Nếu bố thí chỉ thí pháp âm. Đó là báu.

6. Thấy sự đau khổ của năm đường, ý không hề thoái lui. Đó là báu.

7. Giác ngộ không xa phương tiện. Đó là báu.

8. Nhìn thẳng các pháp không có hai. Đó là báu.

9. Đến Niết Bàn cũng như hóa. Đó là báu.

Bồ Tát Như Lai nói với Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Đó là chín pháp báu.

Lúc đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói kệ:

Không nhân duyên không cười

Mọi việc đều vô thường

Nếu rỗng không nhơ bẩn

Phật cười có lý do.

Cười rỗng không lìa ngọn

Như gốc không chỗ cười

Đã trụ các tên pháp

Tất cả đều như cười.

Gốc ngọn đều tự nhiên

Không có sự qua lại

Người cười có hoàn báo

Không hoàn cũng không cười.

Pháp chỉ là có một

Đã cười liền có hai

Với hai không tên, chữ

Thế nên là tối tôn.

Đã cười không cười suông

Chỉ vì các pháp thí

Lay động không lay động

Đó là Đấng Vô Thượng.

Văn Thù Sư Lợi đáp Như Lai bằng kệ:

Người cười không hoàn báo

Tất cả không chủ tể

Cười ấy không lìa gốc

Nên gọi Thiên Trung Thiên.

Người cười không chỗ hướng

Chỉ là thấy sai lầm

Với pháp đều vắng lặng

Vắng lặng vốn không vậy.

Người cười không lìa hóa

Lấy hóa làm đại thí

Với hóa không nêu danh

Vì thế mới là pháp.

Với pháp không có vậy

Chỉ là không thoát thí

Đã thoát không vì thoát

Phật đều là như vậy.

Nên ở trong đại hội

Bàn luận độ không độ

Thí pháp cho chúng sinh

Không có gì sánh bằng.

Là lặng lìa lặng

Không lìa chẳng tạo

Các pháp không chủ

Hướng đến như hóa.

***