Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Như Lai Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Kỳ Đa Mật, Đời Đông Tấn
 

PHẦN SÁU
 

Các Bồ Tát được thọ ký, quán trên thân có các loại hoa, cũng lại như vậy. Bồ Tát cũng không từ hoa, hoa cũng không từ các Bồ Tát, chỉ có các hàng Trời, Người được đoạn pháp vô niệm, tuệ phát ra sáng sạch, cho nên hiện ra hoa, do hoa sạch, cho nên hiện như vậy.

Người không trụ thành tựu được các công đức, người còn trụ vào tưởng hành là mở toang cửa sinh tử. A La Hán, Bích Chi Phật do đã xa lìa năm nẻo, chỉ có mười cái thấy.

Những gì là mười?

1. Thấy các công đức đều nói là giải thoát. Đó là thấy điên đảo.

2. Thấy năm nẻo khổ nhọc, muốn giữ lấy Niết Bàn. Đó là thấy điên đảo.

3. Thấy chán vạn vật không có chủ, chỉ muốn mau chóng xa lìa.

Đó là thấy điên đảo.

1. Cầu an vốn tự nó không có căn bản. Đó là thấy điên đảo.

2. Muốn thoát vô gián, nhập vào vô xứ, thế nhưng bản thân không thoát nổi, cầu mãi không thôi. Đó là thấy điên đảo.

3. Khi La Hán nhập Niết Bàn lửa trong thân tự phát ra, không xứ khởi tưởng, lửa trong thân phát ra tự thiêu đốt, cho nên biết không đoạn sinh tử. Đó là thấy điên đảo.

4. Chưa tự vô tận. Đó là thấy điên đảo.

5. Chỉ muốn thời dục, đối với Niết Bàn, thành tựu được tận, ác cũng không chủ, trở lại muốn diệt. Đó là thấy điên đảo.

6. Của bố thí không phát ý bao trùm khắp mười phương, chỉ muốn pháp không đoạn. Đó là thấy điên đảo.

7. Đối với khổ vui, hạnh không bình đẳng thanh tịnh, nói là có hai pháp. Đó là thấy điên đảo.

Trên đây là mười việc thấy điên đảo.

Phật bảo Bồ Tát A duy a lâu, Bồ Tát Ma đề: Này thiện nam! Các hàng Trời, Người này đều ở vào thời Đức Phật A Ha Nậu, nay ta đều thọ ký cho họ, cũng ở chỗ sáu vạn Phật thọ tam muội này, nay lại được ta thọ ký.

Về sau, trải qua ức vạn năm, khi pháp của ta đứt lìa thì bốn mươi vạn người phát ý, trong hội ngày hôm nay sẽ nắm giữ chánh pháp, chuyển bánh xe không thoái, khiến chánh pháp không bị đứt lìa, những vị ấy, hộ trì chánh pháp, cho đến khi thành Phật, Pháp không đoạn như hội ngày hôm nay. Các người phát ý này, trải qua ngàn năm, đệ tử ta sẽ cùng phá hoại giáo pháp của ta, như ác Sa Môn, hoặc nam, hoặc nữ.

Tu Bồ Đề bạch Đấng Chánh Giác: Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát nào, tu những hạnh gì, có thể hộ trì chánh pháp, không để đứt lìa?

Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Bốn mươi vạn Bồ Tát đều trụ địa thứ tám trở xuống, đối với chánh pháp, không có ý tưởng phiền hà, thì những vị ấy đã hộ trì chánh pháp, khiến mười phương không bị đứt lìa.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vậy những hạng nào là phá hoại chánh pháp?

Cúi xin Thiên Trung Thiên nói cho.

Phật nói: Này Tu Bồ Đề! Nếu có các La Hán, Bích Chi Phật, hoặc Sa Môn, các hàng Trời, Người khởi tưởng phiền hà. Đối với tuệ lại cầu danh, phá tan gốc ngọn, tăng giảm tôn pháp.

Kinh Kỳ dạ nói: Có những người, chỉ muốn ăn ngon mà vào đạo, hoàn toàn chẳng biết không, cái gì là không, chỉ muốn trang nghiêm cõi nước, chẳng phải là kẻ tôn pháp, nghe Phật có thể đạt được, liền cầu Phật, cũng không biết pháp, nói có hai pháp, thì những người ấy, làm nát tan pháp của ta.

Lúc đó, Trời Thiên Thượng Tôn, Trời A Tu Di, Trời Phan Na, Trời Tử Lâu Ni, Trời Câu Thuộc Đề, Trời Thí, Trời Na Lợi.

Các Trời này bạch Phật: Bạch Thiên Trung Thiên! Chúng con xin trọn đời quy y thọ trì, chánh pháp. Ngàn, vạn, ức kiếp không hề lơi lỏng, chỉ mong sao cho chúng con được tam muội này.

Phật nói: Này các thiện nam! Người chưa được tam muội mà phụng hành tam muội này, thì sẽ được tiện lợi.

Phật bảo Bồ Tát Như Lai: Này Bồ Tát Như Lai! Về sau, có người phát ý thực hành tam muội này, người đạt được tam muội này, cũng ví như Tinh Nê Hoàn, là loại ngọc quý báu nhất, trong các loại báu ở Cõi Trời.

Khi nào có Đức Phật xuất thế, thì nó mới hiện. Loại ngọc đó được gọi là ngọc Tinh Nê Hoàn. Nếu ai có được viên ngọc báu này, đem đặt trên cành trúc, hoặc đặt trong lòng bàn tay liền thấy bốn phía hư không hiện trong viên ngọc này. Nếu muốn mưa báu bao nhiêu ngày thì đều được toại nguyện.

Người nào có được viên ngọc Tinh Nê Hoàn, thì không nên tham cho riêng mình mà phải làm sao cho mưa ngọc báu khắp cả ba cõi để cho ai nấy cũng đều được ngọc báu như vậy. Thực hành tam muội này, cũng phải như vậy.

Lúc đó, Vua nước La Duyệt từ trong các Quần Thần, ra đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn là Đấng Tối Cao trong hàng Trời, Người, xin ban cho ân lớn, độ thoát mười phương. Vậy cúi xin Thế Tôn, đem ngọc báu Tinh Nê Hoàn của Trời, làm mưa châu báu xuống nước La Duyệt, khiến cho nhân dân trong nước của con đều được châu báu này.

Vua vừa thưa xong, Đức Phật liền mỉm cười.

Thấy Đức Phật mỉm cười, A Nan liền sửa y phục, đảnh lễ Đức thưa: Bạch Thế Tôn! Phật cười, không bao giờ là dối được, đã cười thì nhất định có ý.

Phật bảo: Này A Nan! Vua nước La Duyệt từ các Quần Thần muốn xin ngọc báu Tinh Nê Hoàn Cõi Trời để mưa châu báu xuống nước La Duyệt, cho mọi người trong nước đều được báu này, nhưng không biết rằng, khi Đức Như Lai đến, họ đều đã được báu này.

Phật bảo Vua La Duyệt: Này Đại Vương! Đại Vương có thấy, nhân dân trải qua trăm ngày đều đã không ăn năm món, chỉ dùng pháp làm món ăn, người nữ hóa thành nam tử.

Vậy Đại Vương có thấy không?

Vua thưa: Con đã thấy thưa Thế Tôn! Họ đều được tam muội.

Vua rất vui mừng, đem ngọc báu đang đeo trên mình, rải lên Đức Phật và các Bồ Tát. Ngọc báu đó đều hóa thành hương hoa xếp thành hàng, trên hư không. Khoảng giữa của các tràng hoa đó, đều có trăm ngàn thứ âm nhạc, làm vui lòng nhau. Thấy cảnh như vậy, Vua liền vui mừng cũng trải qua trăm ngày không ăn.

Vua bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các loại hoa này từ vô xứ mà có phải không?

Phật đáp: Đúng vậy, từ vô xứ mà có.

Vua hỏi: Vô xứ từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ vô sở khởi mà có.

Vua lại hỏi: Vô sở khởi từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ vô sở sinh mà có.

Vua lại hỏi: Vô sở sinh từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ bất động mà có.

Vua lại hỏi: Bất động từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ vô tạo mà có.

Vua lại hỏi: Vô tạo từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ vô danh mà có.

Vua lại hỏi: Vô danh từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ vô sinh mà có.

Vua lại hỏi: Vô sinh từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ vô âm mà có.

Vua lại hỏi: Vô âm từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ không hai mà có.

Vua lại hỏi: Không hai từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ vô hình mà có.

Vua lại hỏi: Vô hình từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ tự nhiên mà có.

Vua lại hỏi: Tự nhiên từ đâu mà có?

Phật đáp: Từ hóa mà có.

Vua lại hỏi: Hóa từ đâu mà có?

Phật đáp: Lìa không hóa mà có.

Vua lại hỏi: Lìa không hóa từ đâu mà có?

Phật đáp: Lìa không hóa, từ vô tướng tri xứ mà có.

Vua lại hỏi: Vô tướng tri xứ từ đâu mà có?

Phật đáp: Đó là từ các pháp.

Vua thưa hỏi Đức Phật xong, suốt cả trăm ngày đêm, chỉ thích tam muội này, đảnh lễ Đức Phật rồi trở về chỗ ngồi, lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Như Lai và các Bồ Tát các Chư Tôn, Hiền Giả, đều từ xa đến, nay sợ cùng Phật gặp nhau nên chẳng dám đi. Vậy con xin thỉnh Văn Thù, Bồ Tát Như Lai… đến cung của con, để thọ thực, cúi xin Như Lai chấp nhận.

Đức Phật im lặng là bằng lòng. Được Đức Phật chấp nhận, nhà Vua liền đảnh lễ, rồi trở về cung, ra lệnh quần thần, cấp tốc trang nghiêm trong nước, các đường hẻm đều được kết hoa đẹp, rải các danh hương, giăng hoa làm trướng, trong cung được quét dọn sạch, thế gian đẹp tuyệt vời, trăm tòa ngồi, được làm bằng hoa hương, lưu ly vàng, bạc. Đốc thúc người quét dọn trong cung sạch sẽ. Các phu nhân, thể nữ đều giữ mình sạch sẽ, ăn chay giữ giới.

Văn Thù, Như Lai… đều đến nước La Duyệt, rồi vào thành. Chưa đến cửa cung, Vua ra nghênh đón các Bồ Tát.

Lúc đó, Bồ Tát Như Lai, Văn Thù Sư Lợi… sáu mươi ức vạn người đang đi vào cung, thì Như Lai nhường cho các Bồ Tát vào trước, nhưng Chư Tôn Bồ Tát lại không vào cung trước.

Thấy thế, Như Lai nói: Cớ gì, Chư Tôn Bồ Tát không vào trước?

Bồ Tát Chư Tôn phải nên vào trước.

Như Lai nói tiếp: Tôi không vào cung trước, Bồ Tát nên vào.

Các Bồ Tát nói: Thế nào là tôn?

Đối với tuệ vô xứ là tôn, đối với ý vô hình là tôn, đối với niệm không tưởng là tôn, đối với pháp không sở thí là tôn, việc làm không lìa đạo là tôn, đã đoạn pháp luân là tôn, pháp không niệm không tưởng là tôn, đối với pháp, không có nhiều ít là tôn, muốn phương tiện rất nhiều là tôn, biết nhất thiết trí vô tướng là tôn, đã mặc áo giáp chánh pháp là tôn, đối với tam muội không có nhiều ít là tôn. Vì thế nên Như Lai vào cung trước.

Như Lai nói với các Bồ Tát: Nói tôn, vậy những gì là tôn?

Tuổi lớn là tôn.

Các Bồ Tát nói: Chúng tôi tuy tuổi lớn, nhưng cũng như cây chết khô vạn năm, gốc rễ vĩnh viễn không còn phát triển, không có hoa trái để che mát cho người thế gian. Nay Như Lai, tuổi tuy nhỏ, nhưng thâm nhâp tuệ rất sâu xa. Ví như cây báu, người thế gian được hoa trái đó, thì không ai là không được độ. Vì thế cho nên phải vào cung trước.

Nghe các Bồ Tát nói thế, Như Lai liền vào trước. Chư Tôn thiên, tấu lên các bản nhạc theo hầu. Khi vào cung, Văn Thù và Như Lai… đều ngồi vào tòa.

Thấy chư vị đã ngồi vào tòa, Vua sai phu nhân sớt thức ăn tám món vào bình bát của các vị Bồ Tát và trong cung lúc này được xông các tạp hương thơm ngát.

Sau khi chư vị thọ thực xong, Vua thưa Văn Thù Sư Lợi và Như Lai rằng: Nay con muốn được thấy mười phương Chư Phật trong đại hội, vậy phải làm cách nào để thấy?

Như Lai đáp: Này Đại Vương! Muốn thấy được mười phương Chư Phật, muốn thấy các tuệ, thì nên thực hành chín pháp.

Những gì là chín?

1. Nên xem mười phương Chư Phật cũng giống ở đây, không khác.

2. Nên xem đạo của ta, không có đường tắt.

3. Nên xem mọi người không có giải thoát.

4. Nên xem việc ăn uống như hóa đã thấy.

5. Nên quán năm ấm không có thức tưởng.

6. Nên biết sáu tình và xem nó như huyễn.

7. Nên biết sự xem xét chỉ là cái thấy điên đảo.

8. Nên bố thí đại pháp.

9. Nên biết cái mình ban cho không phải là ban cho.

Vua nghe Như Lai giải thích tâm rất vui vẻ, rồi lui về chỗ ngồi.

Lúc đó, Đức Phật lại vui vẻ mỉm cười, khen: Hay thay! Hay thay!

Và Như Lai vì Vua mà nói kệ:

Thường nguyện trong kiếp này

Sinh ra gặp Thế Tôn

Lãnh thọ đại trí tuệ

Trừ sạch rễ ái dục,

Không tham, không ganh ghét

Không cho ác ý sinh

Từ nơi vô số Phật

Được nghe tam muội này.

Ở trong ba ngàn cõi

Hành tam muội tôn quý

Không đối với mọi người

Mà có các châu báu,

Pháp không từ năm ấm

Cũng không lìa xứ này

Từ quán được thoát danh

Tất cả đều như vậy.

Từ quán được vui vẻ

Phát ý không chỗ sinh

Xứ ấy đã như vậy

Nên là Thiên Trung Thiên.

Nếu ở trong ba cõi

Không sinh, cũng không chết

Niết Bàn lại Niết Bàn

Tất cả không có vậy.

Ý không nên nghĩ tà

Hay là làm phi pháp

Nếu ở trong ba cõi

Giữ tâm khiến không khởi.

Tiếng vang có vọng lại

Trong ngoài đều tương ưng

Không khởi đều vắng lặng

Các pháp cũng như vậy.

Ba ngàn các Cõi Phật

Danh tự đều như vậy

Không nghe cũng không thấy

Phi pháp chỗ nên bàn.

Tam muội không tính toán

Lấy số trì thành nhiều

Người tuệ hiểu lời ấy

Được biển vô thường Phật.

Pháp ấy đều thanh tịnh

Rộng lớn không gì bằng

Tạo ra nước vô biên

Che chở cả ba ngàn

Ý nguyện Đà Lân Ni

Phát tuệ không có trước

Pháp ấy đã như vậy

Tất cả nên phụng hành.

Lúc ý ta nghĩ cầu

Từ đó qua nhiều kiếp

Ý chí thường bỏ nhà

Với dục không chỗ cầu

Thường nương thiện tri thức

Kiến lập trụ chánh pháp.

Lúc đó trong đại hội

Được nghe tam muội quý

Ý chí rất vui vẻ

Liền bay lên hư không

Cách đất trăm tư trượng

Chắp tay đứng bên Phật

Nay các Bồ Tát đây

Thọ ký cũng như vậy

Ý càng thêm vui mừng

Được nghe các tam muội

Liền từ một Cõi Phật

Bay đến trước Chư Phật

Không động cũng không lay

Kinh động trong các cõi,

Hoa hương tự nhiên đến

Gió mát tự nhiên thổi

Trăm thứ các âm nhạc

Đều trụ giữa hư không.

Long Vương rất vui mừng

Liền mưa trăm thứ hương

Hóa thành các ao nhỏ

Lên đến cả ba ngàn.

***