Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Như Lai Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Kỳ Đa Mật, Đời Đông Tấn
 

PHẦN TÁM
 

Xá Lợi Phất lại hỏi Như Lai: Muốn làm cho chúng sinh trong mười phương phát ý thực hành Đà La Ni, vậy nên tu hành những pháp nào?

Như Lai đáp: Này Xá Lợi Phất! Nên thực hành ba mươi hai pháp báu.

Văn Thù Sư Lợi tiếp lời: Pháp báu thứ nhất là, muốn làm cho chúng sinh trong mười phương, người chưa phát ý như hóa mà độ.

Pháp báu thứ hai là, người chưa phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đều làm cho trụ ở chánh pháp.

Pháp báu thứ ba là, muốn làm cho tất cả chúng sinh, trong tam thiên đại thiên mặt trời, mặt trăng đều xem là bình đẳng.

Pháp báu thứ tư là, nếu người tại trụ ý đều làm cho xa lìa các dục, tại tuệ môn khiến không có lay động để đạt đến Niết Bàn.

Pháp báu thứ năm là, người nói có Trời hay không Trời, thì chí không lay động thoái lui.

Pháp báu thứ sáu là, ý không lay động bỏ cuộc.

Pháp báu thứ bảy là, tất cả không lại thọ sinh, quán quá khứ, vị lai không có hai.

Pháp báu thứ tám là, quán các tam muội, thiền đều vắng lặng, không có xứ sở.

Pháp báu thứ chín là, các sở độ không có chủ tể, tất cả từ không dẫn đến không.

Pháp báu thứ mười là, ta được Chư Phật trong ba ngàn nhật nguyệt thọ ký.

Pháp báu thứ mười một là, người đến nghe Kinh của Chư Phật, trong mười phương ba ngàn nhật nguyệt đều được Phật thọ ký, liền bay lên hư không, cũng như vậy.

Pháp báu thứ mười hai là, cõi nước Chư Phật, hoa hương tự nhiên đến, dù có lọng báu bằng lụa xuất hiện, cũng không mừng, không xuất hiện, cũng không cầu.

Pháp báu thứ mười ba là, làm cho người phát ý, đều được trụ pháp, như xứ ấy.

Pháp báu thứ mười bốn là, quá khứ, vị lai không tăng giảm.

Vì sao?

Vì biết vốn không hai.

Pháp báu thứ mười lăm là, muốn làm cho những loài côn trùng, trong mười phương đều thọ trì Kinh giới Đức Phật, khiến không bị hủy hoại, tổn thương.

Pháp báu thứ mười sáu là, không có tà niệm trong mười phương, chuyển ý trở về với cái gốc, liền hướng đến tuệ môn.

Pháp báu thứ mười bảy là, thường hành nhẫn nhục.

Pháp báu thứ mười tám là, từ quán đến quán không có người cứu độ.

Pháp báu thứ mười chín là, trụ vốn là trụ xứ vô thường, như vậy là vô thường trụ xứ.

Pháp báu thứ hai mươi là, sở độ không có chủ tể, gọi là không, vì các dục đối với dục là vô thường xứ, cho nên gọi là đạo.

Pháp báu thứ hai mươi mốt là, thí tuệ tác, thí không có nêu danh, đối với dục không chỗ có thể, chỉ vì giải thoát.

Pháp báu thứ hai mươi hai là, điều nói ra không lìa so với nhân tác thí, do đại pháp, cho nên được độ, không giải thoát.

Pháp báu thứ hai mươi ba là, thường từ vô số Cõi Phật bay đến trước một Đức Phật.

Pháp báu thứ hai mươi bốn là, người trong các cõi mười phương, không được giải thoát.

Pháp báu thứ hai mươi lăm là, tịnh, si đồng hợp, vốn sạch không khác.

Pháp báu thứ hai mươi sáu là, hăng hái làm cầu đò trong ba ngàn, tinh tấn học tập, như tối thấy được ánh sáng.

Pháp báu thứ hai mươi bảy là, thường làm vị thuyền trưởng giỏi đưa vô số người qua biển rộng vô cực.

Pháp báu thứ hai mươi tám là, luôn làm vô biên lá chắn, bít ba ngàn nhơ bẩn.

Pháp báu thứ hai mươi chín là, luôn trau dồi tuệ vô cực, không lìa mười phương.

Pháp báu thứ ba mươi là, luôn khởi lòng lành lớn chấn động cả mười phương, độ những ai chưa độ, giải thoát cho những ai chưa giải thoát, nên hiệu là Thiên Trung Thiên.

Pháp báu thứ ba mươi mốt là, hành bình đẳng, không có gì sánh bằng, không có ai sánh kịp, thế nên hiệu là Vô Thượng Tôn, phát ý bình đẳng, nên gọi là Phật.

Pháp báu thứ ba mươi hai là, Như Lai là Đấng Chí Tôn, lời nói không lìa pháp, vang khắp cả ba ngàn cõi hư không, là Đấng Tự Nhiên Vương, kiến lập hoa hương.

Đó là ba mươi hai pháp báu của Bồ Tát.

Mười phương đều đại hóa

Tất cả là vô thường

Chân pháp không phiền hà

Tức pháp độ mười phương.

Có tưởng, không lìa tưởng

Tất cả các báu rỗng

Hoặc hoa cùng với lá

Sắc ấy không có thể.

Tất cả các dục sở

Kiến lập khả ý vương

Các bảo vô thượng tôn

Hiệu là Thiên Trung Thiên.

Nên ở trong đại hội

Bàn luận độ không thoát

Vốn ấy vô thường trụ

Nên hiệu Thập Phương Tôn.

Tất cả là đảo kiến

Thế gian cho là chân

Mọi vật đều như hóa

Giải thoát khắp mười phương.

Hư không là vô thường

Tạng Phật đều trong đó

Đã thoát hay không thoát

Dạy dỗ khắp mười phương.

Các Cõi Phật mười phương

Hợp lại thành một nước

Tự nhiên chúng đại hội

Đều đủ khắp mười phương

Phật là Nhất Thiết Giác

Cười không lìa dung nhan

Không lìa sắc vàng ròng

Khai thị người chưa thoát.

Vì mười phương dẫn đường

Ý không lìa pháp vương

Đã thí, không sở thí

Hoa rải khắp mười phương.

Hoa sen lớn sắc vàng

Tràn đầy khắp cõi nước

Khởi tưởng khởi tác hạnh

Không trụ trong các Trời.

Ý Văn Thù Sư Lợi

Rộng lớn không gì bằng

Như mới được thọ ký

Bay lên trụ hư không.

Như Lai tuệ ý tôn

Ánh sáng khắp trong cung

Vừa lòng các Trời, Người

Đều được đến pháp môn.

Các Bồ Tát mười phương

Kinh động các Quốc Độ

Nay các Trời trong hội

Được nghe tôn Kinh này,

Thấy thấu triệt tất cả

Vừa ý người trong cung

Hóa làm tòa xen nhau

Vạn loài hoa hương Trời.

Lắng nghe các tam muội

Ngồi quán trong đại chúng

Các công đức đời trước

Phát ý cúng dường tôn.

Đạo là không thấy đủ

Có được đều như vậy

Giải thoát không số lượng

Ba cõi không cùng cực.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Bồ Tát Như Lai: Các âm như hóa, mọi việc làm ra đối với pháp không có tưởng, cũng không thể cùng cực, có sự tự nhiên, nên dùng cách nào, để giải thoát?

Bồ Tát Như Lai đáp: Lại có chín pháp báu.

Những gì là chín pháp báu?

Pháp báu thứ nhất là, tự nhiên vô xứ cũng như hóa.

Pháp báu thứ hai là, các pháp vô xứ cũng như hóa.

Pháp báu thứ ba là, vị lai vô xứ cũng như hóa.

Pháp báu thứ tư là, các sở hữu đều thế trực xứ cũng như hóa.

Pháp báu thứ năm là, quán quá khứ xứ cũng như hóa.

Pháp báu thứ sáu là, quán thấy các pháp cũng như huyễn, cũng không có xứ, cũng như hóa.

Pháp báu thứ bảy là, sở khả vô xứ cũng như hóa.

Pháp báu thứ tám là, được đạo vô thoát xứ, cũng như hóa.

Pháp báu thứ chín là, được Nê Hoàn vốn không trụ xứ cũng như hóa.

Văn Thù Sư Lợi lại hỏi Bồ Tát Như Lai: Quá hơn Niết Bàn đều tự nhiên, vậy ai là hóa bản?

Ai là hóa chủ?

Hóa là có gốc, không hóa là sở khởi, xứ không phải phi đạo vô xứ.

Bồ Tát Như Lai nói với Văn Thù Sư Lợi: Lại có chín pháp.

Pháp báu thứ nhất là hóa vô xứ. Hóa là phi đạo vô xứ. Đó tức là hóa.

Pháp báu thứ hai là phi xứ vô tưởng. Đó là hóa.

Pháp báu thứ ba là phi xứ hóa làm tác xứ. Đó là hóa.

Pháp báu thứ tư là chẳng phải thường danh khi sở hữu vô tận.

Đó là hóa.

Pháp báu thứ năm là hóa xứ vô xứ. Đó là hóa.

Pháp báu thứ sáu là đối với đạo vô tưởng. Đó là hóa.

Pháp báu thứ bảy là đối với khởi không khởi. Đó là hóa.

Pháp báu thứ tám là đối với các dục mà không có chỗ dục. Đó là hóa.

Pháp báu thứ chín là đối với việc hóa độ, không thấy chỗ mình độ. Đó là hóa.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói kệ đáp Như Lai:

Mười phương không ai hóa

Hóa hóa không có hình

Tất cả báu vô thường

Thế nên là hóa sinh.

Đạo là không hóa ra

Cũng không lìa xứ ấy

Đã nói hình vô thường

Tự nhiên tại xứ ấy.

Các pháp hóa mà có

Vốn lìa từ không có

Nó vốn do hóa sinh

Thế nên Nhân Trung Tôn.

Người muốn từ hóa khởi

Pháp vốn không có vậy

Hóa mà trụ năm đường

Không có thấy hóa chủ.

Sinh tử và năm đường

Cùng hóa không liền nhau

Bởi đời tham không dứt

Thế nên hiện Chánh Giác.

Như Lai và hóa chủ

Mười phương tôn vô cực

Trì hóa đại thí thế

Người thế gian không biết.

Pháp luân không sắc chuyển

Với thế gian không chuyển

Sắc buộc có nghĩ tưởng

Pháp sâu dày không chuyển.

Tưởng sắc hóa mười phương

Không ai, không thọ pháp

Bố thí đại trí tuệ

Thế gian không người nghe.

Các dục và La Hán

Bất hoàn cùng báu này

Nên ở trong chúng hội

Độ thoát báu vô thượng.

Trí tuệ không cùng cực

Ánh sáng không gì bằng

Làm cầu đò mười phương

Nói ra không có hai.

Các Cõi Phật mười phương

Đều khiến hành bình đẳng

Cũng không khiến người ấy

Phát ý có tâm khác.

Các cõi pháp mười phương

Tất cả trụ thoát nhơ

Cũng không từ thế gian

Với pháp chẳng chiếm đoạt.

Với tuệ không giải thoát

Không thấy có qua lại

Với lặng lại thấy lặng

Trong sáng lại thấy sáng.

Pháp chẳng phải tuệ đắc

Tự nhiên không căn bản

Tuệ, tối đều cùng hợp

Đều không có biết nhau.

Si, tuệ không cùng hợp

Tuệ ấy các tối sáng

Bố thí chỉ là pháp

Như hoa mọc núi cao.

Các ác không cùng cực

Sắc dục không thể tận

Niết Bàn và sinh tử

Tất cả đều như vậy.

Người không biết không giác

Các tuệ Phật mười phương

Bởi do thấy tịnh pháp

Nên nói đời không có.

Bồ Tát Đàm Ma Kiệt hỏi Bồ Tát Như Lai: Đối với hóa không khởi sự xa lìa, vậy ai thành chủ?

Niết Bàn không sinh diệt, không xa năm đường, lại làm cho phát ý, chuyển trụ pháp luân không có các nhiễm ô, khiến đều không sinh, vậy ai là độ?

Bồ Tát Như Lai đáp: Những câu hỏi của Đàm Ma Kiệt là muốn dứt khoát cắt đứt gốc rễ sinh tử trong mười phương, nếu như vậy thì cần phải thực hành chín pháp báu.

Những gì là chín pháp báu?

Pháp báu thứ nhất là, đối với vô là chủ. Đó là báu.

Pháp báu thứ hai là, đối với Niết Bàn và sinh tử, ban đầu không biết nhau. Đó là báu.

Pháp báu thứ ba là, đối với sinh, không sinh, đối với diệt, không diệt. Đó là báu.

Pháp báu thứ tư là, lên đến Cõi Trời ba mươi sáu, khiến không trở lại sinh vào cõi sinh tử. Đó là báu.

Pháp báu thứ năm là, đang khởi ý hay chưa khởi ý, đều như chỗ trụ. Đó là báu.

Pháp báu thứ sáu là, trong tam thiên đại thiên Cõi Phật, quán sát rõ không được độ. Đó là báu.

Pháp báu thứ bảy là, đối với nhớ nghĩ không nơi khởi. Đó là báu.

Pháp báu thứ tám là, làm cho ba ngàn Cõi Phật đều giữ lấy Niết Bàn, ý cũng không vui, mà không giữ lấy Niết Bàn ý cũng không giận.

Vì sao?

Vì các pháp là không nơi chốn. Đó là báu.

Pháp báu thứ chín là, tùy ý nguyện giữ lấy La Hán, ta đều làm cho phát ý cầu nguyện, không để quay trở lại mới là nguyện. Đó là báu.

Không khởi các sinh, không có cầu nguyện trở lại. Đó là pháp báu của Bồ Tát.

***