Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO NỮ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM CHÍN

PHẨM BA MƯƠI HAI TƯỚNG
 

Bấy giờ, Bảo Nữ hỏi Thế Tôn: Kính bạch Đại Thánh!

Nay Đại Thánh có thể cho biết, ba mươi hai tướng Đại Nhân của Như Lai Chí Chân là do đời trước tu công đức gì mà đạt được và ba mươi hai tướng Đại Nhân ấy đã phân bố khắp thân thể?

Phật bảo Bảo Nữ: Trong những đời quá khứ, ta đã tu hành vô lượng công đức, tích chứa các hạnh, do đó Như Lai đạt được ba mươi hai tướng Đại Nhân phân bố khắp thân.

Nay nêu đại lược về tướng của Như Lai:

Tướng Đại Nhân bàn chân bằng phẳng là do đời quá khứ bền bỉ khuyến giúp không thoái chuyển, chưa từng che lấp công đức của người khác.

Tướng Đại Nhân tay chân của Như Lai có dấu pháp luân là do đời quá khứ phát khởi, thiết lập biết bao nhiêu loại hình bố thí.

Tướng Đại Nhân về ngón tay của Như Lai Chí Chân thon dài, đẹp là do đời quá khứ giảng nói nghĩa Kinh, cứu độ chúng sinh, làm cho không còn hoạn nạn.

Tướng Đại Nhân tay chân Như Lai có màn mỏng là do đời quá khứ chưa từng phá hoại quyến thuộc người khác.

Tướng Đại Nhân tay chân mềm mại đẹp đẽ là do đời quá khứ bố thí biết bao loại y phục mềm mại.

Như Lai có tướng Đại Nhân bảy chỗ đều đầy đủ là do đời quá khứ thiết bày bố thí, cung cấp cho kẻ thiếu thốn.

Tướng Đại Nhân đầu gối bằng phẳng không có đốt, đùi vế như đùi nai của Như Lai là do đời quá khứ phụng thọ Kinh Điển, không chống trái.

Tướng Đại Nhân mã âm tàng của Như Lai là do đời quá khứ, thận trọng giữ thân, xa lìa sắc dục.

Tướng Đại Nhân hai má của thân Như Lai đầy đặn như Sư Tử là do đời trước tu hành đầy đủ nghiệp tịnh.

Tướng Đại Nhân chữ vạn tự nhiên ở trước ngực Như Lai Chí Chân là do đời trước dứt trừ hạnh bất thiện uế trược.

Tướng Đại Nhân tay chân Như Lai đầy đủ tròn trịa là do đời trước dùng vô úy thí an ủi mọi người.

Tướng Đại Nhân cánh tay dài quá goi của Như Lai là do đời trước làm việc giúp đỡ người.

Tướng Đại Nhân thân trong sạch không tỳ vết của Như Lai là do đời trước làm theo mười điều thiện, không nhàm chán.

Tướng Đại Nhân vầng trán đầy đặn cao rộng của Như Lai là do đời trước hễ ai bị bệnh, Như Lai đều thăm viếng và dùng đủ loại thuốc cung cấp chữa trị.

Tướng Đại Nhân bước đi như Sư Tử của Như Lai là do đời trước gieo trồng đầy đủ phước đức.

Tướng Đại Nhân bốn mươi chiếc răng trắng của Như Lai là do đới trước tâm tánh bình đẳng nhân từ đối với chúng sinh.

Tướng Đại Nhân răng không thưa của Như Lai là do đời trước gặp người tranh cãi, thì đều khiến họ hòa hợp.

Tướng Đại Nhân răng khít của Như Lai là do đời trước dùng vật tinh tế vừa ý để biếu tặng người.

Tướng Đại Nhân lông mày đẹp đẽ thanh bạch của Như Lai là do đời trước khéo tự giữ gìn thân khẩu tâm.

Tướng Đại Nhân lưỡi rộng dài của Như Lai là do đời trước nói lời chí thành, giữ lỗi về miệng.

Tướng Đại Nhân sáng ngời của Như Lai là do vô lượng phước cúng dường được rốt ráo, tâm hành nhân hòa, ban cho chúng sinh sự che chở.

Tướng Đại Nhân tiếng Phạm âm êm diệu như tiếng chim loan của Như Lai là do đời quá khứ nói năng nhu hòa, đối với mọi người, giữ gìn lời nói, lời lẽ đúng pháp, vô số người nghe lời nói ấy ai cũng vui vẻ.

Tướng Đại Nhân đồng tử màu xanh biếc của Như Lai là do đời trước thường dùng mắt thương yêu nhìn mọi người.

Tướng Đại Nhân đôi mắt như trăng mới mọc của Như Lai là do đời trước không hành thô bạo, tâm tánh hòa thuận.

Tướng Đại Nhân lông trắng giữa chặng mày là do đời quá khứ khen ngợi ca tụng đức hạnh nhàn tịnh của mọi người.

Tướng Đại Nhân nhục kế tự nhiên trên đảnh Như Lai là do đời quá khứ kính phụng Hiền Thánh, lễ bái tôn trưởng.

Tướng Đại Nhân cơ thể mềm mại đẹp đẽ của Như Lai là do đời quá khứ tâm nghĩ việc kết tập tạng pháp.

Tướng Đại Nhân hình màu vàng tía của Như Lai là do đời quá khứ bố thí nhiều y phục, giường, đồ nằm.

Tướng Đại Nhân lông mọc khắp lỗ chân lông của Như Lai là do đời trước xa lìa chốn tụ tập ồn ào.

Tướng Đại Nhân lông trên thân Như Lai xoay về phía phải là do đời trước tôn kính sư trưởng, nghe lời thiện hữu, cung kính làm theo.

Tướng Đại Nhân tóc trên đầu màu xanh biếc của Như Lai là do đời trước thương xót chúng sinh, không dùng đao gậy làm hại họ.

Tướng Đại Nhân thân thể đều đặn tròn trịa, không cong vẹo của Như Lai là do đời trước đã khuyến hóa, an ủi chúng sinh khiến tâm ý định tĩnh.

Tướng Đại Nhân xương sống mắc nhau như dây xích, có chất chói sáng rực rỡ của Như Lai là do đời quá khứ vì các Đấng Chánh Giác mà tạo lập hình tượng, trùng tu chùa chiền, khuyên người ly tán hòa hợp, ban bố sự không sợ hãi. Khuyên người tranh tụng khiến hòa thuận.

Người nên biết, vào đời quá khứ, ta đã hành trì vô lượng các gốc đức không thể tính đếm. Như Lai đời trước đã phụng hành như thế do đó đã đạt được ba mươi hai tướng Đại Nhân này.

Bảo Nữ bạch Đức Thế Tôn: Thật chưa từng có! Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Thuở quá khứ Như Lai đã hành tạo gốc đức thật không ai sánh kịp cùng phân biệt, giảng nói pháp Chư Phật.

Phật bảo Bảo Nữ: Đúng vậy, đúng vậy! Như lời ngươi nói, Như Lai đã phân biệt giảng thuyết pháp của Chư Phật. Nếu có Bồ Tát được nghe về gốc đức. Thuở xưa, Như Lai đã gieo trồng và lời giảng dạy của Chư Phật thì đạt được niềm vui vô tận lợi ích an lành, tức sẽ hướng về hạnh chân đế, đều có thể đạt đầy đủ pháp của Chư Phật.

Khi Phật giảng nói phẩm pháp môn mười lực, bốn điều không sợ, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật và ba mươi hai tướng Đại Nhân của Như Lai thì trong mười phương Thế Giới, hiện đủ sáu thứ chấn động, ánh sáng bao trùm, chiếu khắp Cõi Phật chẳng thể kể xiết.

Vô số loài chúng sinh đều phát đạo ý chánh chân vô thượng, hai vạn năm ngàn Bồ Tát đắc pháp nhẫn bất khởi, trăm ngàn chúng trời trên hư không rải hoa trời, đánh trống trời, tấu nhạc trời như đàn cầm, sáo, tiêu, đàn sắt.

Cất tiếng khen ngợi: Người nào được nghe về mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật.

Ba mươi hai tướng Đại Nhân thì đạt công đức đầy đủ, không có tội lỗi, tin vui không nghi ngờ, hành đúng như lời dạy, thì ở trước đại chúng Chư Thiên cũng như thế gian, gầm tiếng gầm của Sư Tử, giống như Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hôm nay ở trước thiên nhân gầm tiếng gầm của Sư Tử.

Vì sao?

Vì chánh điển này không bao giờ đưa đến cho kẻ thấp kém, thiếu đức tin, cho hàng tiểu thừa. Người nào quay về với pháp thanh tịnh và tu theo, thì người ấy sẽ đạt được điều cốt yếu của Kinh Điển này nên thương kính, ưa thích, an vui hết mực.

***