Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO NỮ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI

PHẨM HÀNH PHÁP
 

Khi ấy, Bảo Nữ bạch Thế Tôn: Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Thật chưa từng có! Như Lai đã giảng nói chánh điển của Chư Phật với tất cả gốc đức ở đời quá khứ xa xưa.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là chỗ hành của Bồ Tát tuân tu Kinh Điển là hành pháp?

Hay thay, bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn nói về hành pháp của Bồ Tát.

Phật bảo Bảo Nữ: Chí tánh thanh tịnh là chỗ hành pháp của Bồ Tát. Thân hữu bền vững là hành pháp. Có sự nối tiếp ứng hợp là hành pháp. Luôn luôn ban ân là hành pháp. Nhẫn được sự hủy nhục là hành pháp.

Quy mạng mà không hề xao lãng là hành pháp. Đối với người yếu kém, có thể nhẫn nhục là hành pháp. Khó khăn đến nơi mà có thể bố thí là hành pháp. Thương xót các loài là hành pháp. Chí tánh thương yêu là hành pháp.

Cứu giúp người phạm giới là hành pháp. Tư Duy về Kinh Điển là hành pháp. Thuận theo đạo giáo là hành pháp. Ưa thích chánh điển là hành pháp. Chăm sóc các Kinh là hành pháp. Theo sự vắng lặng là hành pháp. Ưa ở một mình là hành pháp. Không chán chỗ thanh vắng là hành pháp. Mong chỗ vắng vẻ là hành pháp.

Lìa chỗ đông đảo là hành pháp. Bảo vệ chúng sinh là hành pháp. Chỗ nhìn không tổn hại là hành pháp. Chuyên tu tâm từ là hành pháp. Nhập vào đại Bi là hành pháp. Hoan hỷ thọ pháp là hành pháp. Quán chiếu thiền tư là pháp hành. Làm sáng tỏ tâm đạo là pháp hành.

Khen pháp Đại Thừa là pháp hành. Trừ bỏ gánh nặng là hành pháp. Tâm không khiếp nhược là hành pháp. Tư duy biết đủ là hành pháp. Bỏ xan tham đa dục là hành pháp. Biết Hiền Thánh có đủ đức mà ít lời là hành pháp. Không tranh cãi, giành giật, oán giận, mà nhẫn nhục, nhân hòa là hành pháp. Tin biết về nghiệp, tội phước báo ứng là hành pháp.

Tín, giới, văn, thí, tàm hổ, sỉ thẹn, trí tuệ, làm theo bảy tài này là hành pháp. Phụng kính tôn trưởng, thuận theo thiện hữu, luôn vâng theo là hành pháp. Tâm thường khiêm tốn, cung thuận, tự hạ là hành pháp.

Không tự hủy mình, không chê người, không khen đức mình, che giấu công người là hành pháp. Dứt bỏ trần dục, dứt bỏ sân giận, ngu si tăm tối, xa lìa kiêu mạn là hành pháp. Oai nghi phép tắc, hành trì đầy đủ là hành pháp. Khéo nghe Kinh Điển, hoan hỷ mừng vui là hành pháp. Không xa rời Phật, dốc tin chánh điển, kính theo Thánh Chúng là hành pháp.

Bố thí, điều phục tâm, đạt trí tuệ, xuất gia, tịnh tu phạm hạnh là hành pháp. Được lợi hay không có lợi, khen ngợi hay chê bai, có danh hay vô danh, khổ hay vui, không vì thế mà bị dao động, lấy lỗi lầm của thế gian làm pháp sở hữu là hành pháp.

Nếu gặp thân hữu hay oán địch, thăm hỏi người lớn tuổi thì sắc mặt luôn hòa vui không sầu khổ là hành pháp. Không có chơi đùa, xa lìa chỗ tăm tối, không dua nịnh, không có tánh tà, không lầm lỗi, gốc ngọn nơi tâm tánh đều thanh tịnh rốt ráo là hành phap. Hành bốn nhiếp pháp, ban bố nhân ái, tài của và nhân từ đều hiện lợi lạc, tất cả dồn lại cứu giúp chúng sinh là hành pháp.

Trì Pháp kiên cố là hành Pháp. Niệm Phật, niện Pháp, niệm Thánh Chúng, niệm bố thí, niệm giữ giới cấm, niệm Chư Thiên là hành pháp. Thí độ vô cực, giới, nhẫn, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ độ vô cực là hành pháp.

Dùng phương tiện khéo léo, vì các Bồ Tát khuyến giúp tất cả trồng gốc đức là hành pháp. Thân, khẩu, ý thanh tịnh, giữ mười điều thiện là hành pháp. Vô thường, khổ, không, không có thân, không nhân, không ngã, không thọ, không mạng, tin hiểu như thế là hành pháp.

Phân biệt hạnh không, kiến lập vô tướng, hiểu rõ vô nguyện, ở trong ba cõi mà không đắm trước là hành pháp. Tu theo ý chỉ, ý đoạn, thần túc, căn, lực, giác ý, mà vào con đường chính quán chiếu tịch tĩnh là hành pháp.

Phật bảo Bảo Nữ: Người hành pháp ấy, nghĩa là không có nhãn mắt cũng không nhãn hành, không sắc tưởng hành, không có nhĩ hành, cũng không có thanh hành.

Không tưởng hưởng hành, không tỷ hành, cũng không có hương hành, không tưởng hương hành, không có thiệt hành, cũng không có vị hành, không tưởng vị hành, không có thân hành, không có xúc hành, không tưởng xúc hành, không có ý hành, cũng không có pháp hành, không tưởng pháp hành, cũng không sắc hành, đó là hành pháp.

Không sắc tưởng hành, không sắc khổ tưởng, không ngã sắc hành, không tịch sắc hành, đó là hành pháp. Chẳng không sắc hành, chẳng phải sắc hành vô tướng, đó là hành pháp.

Chẳng phải sắc hành vô nguyện, chẳng phải sắc hành không tạo tác, cũng lại chẳng phải sắc hành vắng lặng, lại cũng chẳng phải sắc hành thanh tịnh, lại cũng chẳng phải sắc hành như thật.

Lại cũng chẳng phải sắc hành vô sinh, lại cũng chẳng phải sắc hành vô khởi, lại cũng chẳng phải sắc hành vô trước, cũng chẳng phải sắc hành không cứu cánh, cũng chẳng phải sắc hành chân như, đó là hành pháp. Thống dương thọ, tư tưởng tưởng, sinh tử hành, thức hành cũng như thế, đó là hành pháp.

Chẳng phải thức hành vô thường, chẳng phải thức hành khổ, chẳng phải thức hành vô ngã, chẳng phải thức hành vắng lặng, chẳng phải thức hành không, chẳng phải thức hành vô tướng, chẳng phải thức hành vô nguyện, chẳng phải thức hành không tạo tác, lại cũng chẳng phải thức hành tĩnh lặng, lại cũng chẳng phải thức hành thanh tịnh.

Lại cũng chẳng phải thức hành xét đúng như thật, lại cũng chẳng phải thức hành vô sở sinh, lại cũng chẳng phải thức hành vô khởi, lại cũng chẳng phải thức hành vô trước, lại cũng chẳng phải thức hành cứu cánh tận cùng, lại cũng chẳng phải thức hành chân như, đó là hành pháp.

Lại cũng chẳng phải thức hành quán không, lại cũng chẳng phải thức hành vô tướng, lại cũng chẳng phải thức hành vô nguyện, đó là hành pháp. Cũng chẳng phải bốn đại chủng hành, cũng chẳng phải các nhập hành, cũng chẳng phải Cõi Dục, Sắc, Vô Sắc hành, đó là hành pháp.

Cũng chẳng phải hữu hành, cũng chẳng phải vô hành, lại cũng không có hành, đó là hành pháp. Cũng chẳng phải đi đến, cũng chẳng phải chẳng hành, cũng không xứ sở, cũng không chỗ trụ, đó là hành pháp. Không tâm ý thức hành, đó là hành pháp.

Như vậy gọi là hành pháp. Nếu chốn hành không thấy, không nghe, không biết, đó là hành pháp. Nếu khiến cho không thân khẩu tâm hành đó là hành pháp. Nếu không hành pháp, không hành phi pháp đó là hành pháp.

Nếu không hành cả hai, không hành gì hết đó là hành pháp. Không quá khứ hành, không tương lai hành, không hiện tại hành, đó là hành pháp. Không ấm hành, không các đại chủng hành, không các nhập hành, đó là hành pháp. Không dục trần hành, không có kết hận, không có chỗ niệm, đó là hành pháp.

Nếu không hợp hành, không tài nghiệp hành, không ngã, nhân, thọ mạng hành, thì không có chúng sinh. Nếu có chỗ thọ như hành đó là hành pháp. Nếu không phát khởi phân chia hành đó là hành pháp.

Nếu không tôi, ta hành đó là hành pháp. Không đoạn diệt hành, không chấp thường, không hành đắc chỗ tột cùng của các kiến, không dựa trung gian hành, đó là hành pháp.

Chư pháp hoặc trụ hoặc không chỗ trụ, pháp xứ ta, tôi ở chỗ tự nhiên, xứ ấy là phi xứ, là pháp xứ thanh tịnh, tất cả pháp xứ đều không có xứ, rốt ráo gốc ngọn không phải không xứ, cho đến hoàn toàn không xứ.

Tất cả các pháp không động, không chấp, không thể cùng tận, cũng không sở hữu, cũng không chỗ hành, cũng không đùa giỡn, cũng không nương tựa, cũng không không nương tựa, cũng không chỗ trú, cũng không chốn thọ. Đối với pháp ấy bậc trí tuệ hiểu rõ thông suốt, tuệ không chỗ niệm gọi là đế. Chân đế không gốc tức là tuệ pháp.

Này Bảo Nữ! Giả sử Bồ Tát hiểu rõ các pháp như thế, dù có vào trong sinh tử để khai hóa chúng sinh cũng không bị mất pháp giải thoát. Đó là Bồ Tát bình đẳng tạo pháp hành.

Khi Thế Tôn giảng nói pháp hành, có tám vạn Bồ Tát đạt được pháp nhẫn.

***