Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO NỮ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM ĐẠI THỪA
 

Bấy giờ, Hiền Giả Tu Bồ Đề bạch với Thế Tôn: Kính bạch Đại Thánh! Nay như vị Bảo Nữ này do ấn không thoái chuyển mà thấy ấn, không còn nghi ngờ gì, mới có thể đạt được biện tài thượng diệu như thế. Nếu không vậy thì không dựa vào đâu để giảng thuyết pháp sâu xa dường ấy.

Phật nói: Đúng vậy, Tu Bồ Đề! Đúng như lời Hiền Giả nói! Bảo Nữ này nhờ ấn không thoái chuyển mà thấy ấn, do đạt pháp nhẫn mới vào được hạnh đại thừa này.

Khi ấy, Bảo Nữ tiến tới trước, hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! đại thừa là gì?

Phật bảo Bảo Nữ: Đại thừa là thừa rộng lớn vì an ủi vỗ về tất cả mọi loài chúng sinh. Không bị ngăn che, vì hiển bày các đức và trí tuệ đặc biệt.

Là thừa lìa cấu uế vì dứt bỏ các việc phiền não tăm tối. Là thừa chiếu khắp, vì là tướng của tất cả pháp mon giải thoát. Là thừa chói sáng vì không tham đắm ái dục. Là thừa tùy duyên vì giải thoát mọi chướng ngại. Là thừa thanh tịnh vì giữ gìn phẩm giới. Là thừa khéo trụ bình đẳng vì thận trọng hộ trì phẩm định.

Là thừa vô lậu vì tuyển chọn phẩm tuệ. Là thừa giải thoát vì soi chiếu phẩm giải. Là thừa thị hiện tất cả pháp bình đẳng vì hiểu rõ phẩm độ tri kiến.

Là thừa không tiến thoái vì gồm thâu mười Lực. Là thừa không sợ hãi vì gầm tiếng gầm của Sư Tử về bốn điều không sợ.

Là thừa lìa nơi chốn, không chỗ đi đến vì thâu nhận mười tám pháp bất cộng thù thắng của Chư Phật.

Là thừa bình đẳng cùng khắp vì bình đẳng thực hành tâm từ bi với chúng sinh.

Là thừa vô hại vì dùng chánh pháp chế ngự tất cả các học thuyết ngoại đạo. Là thừa tiêu trừ vì hàng phục tất cả ma và quyến thuộc của chúng.

Là thừa tịch diệt vì trừ diệt phiền não là thừa hàng phục giáo hóa vì hàng phục ấm ma. Là thừa lìa giới hạn vì vượt khỏi tử ma. Là thừa thù thắng vì dứt bỏ Thiên Ma. Là thừa giàu có vì đầy đủ thí độ vô cực. Là thừa vô nhiệt vì đầy đủ giới độ vô cực. Là thừa bỏ oán địch vì đầy đủ nhẫn độ vô cực.

Là thừa kiên cố không hoại diệt vì đầy đủ tấn độ vô cực. Là thừa đoạn trừ tất cả các tội lỗi một cách tự tại vì lìa tâm che lấp. Là thừa tu hành vì đầy đủ tịch tĩnh độ vô cực. Tất cả thiện đức, tất cả trí huệ, pháp thế tục, pháp vượt thế tục, nếu gặp thừa này thì đạt đầy đủ trí độ vô cực.

Là thừa tùy theo hạnh nguyện hành hóa khắp vì đầy đủ phương tiện độ vô cực. Là thừa đến mà không đến vì hướng đến diệt độ. Là thừa đưa về chỗ an lành vì kiến lập tám con đường chánh. Là thừa chỗ đến không nơi chốn vì tuân tu, phụng hành quán chiếu tịch tĩnh.

Là thừa đầy đủ chí nguyện, căn lực, giác ý, tất cả các ma và các dị học đều không nhìn ra dấu vết. Là thừa có bốn thần túc vì có thể hiện bày khắp các Cõi Phật.

Là thừa an trú Thánh đế, có khả năng bình đẳng siêu vượt vì dứt trừ tất cả pháp bất thiện, tu theo các pháp hạnh thiện đức. Là thừa khéo tu cẩn thận về ý chỉ vì không có nội oán.

Là thừa không chấp trước nơi ba cõi vì phụng hành vô lậu. Là thừa không tham đắm pháp hữu vi nơi các cõi vì đạt được cảnh giới vô vi sáng tỏ. Là thừa không bỏ tâm đạo, ngự trụ điều thiện vì không ưa tuệ nơi hành của tất cả Thanh Văn, Duyên Giác. Là thừa siêu việt vì có thể hành dụng vô kiến đảnh.

Là thừa trang nghiêm vì thành tựu mọi công đức. Là thừa chọn lựa chí tánh của chúng sinh vì đạt trí tuệ rốt ráo. Là thừa xiển dương pháp môn vì có thể tế lễ không trái nghịch. Là thừa nhất vị vì Phật tuệ bình đẳng. Là thừa có âm thanh to lớn vì mười phương đều nghe. Là thừa tất cả Chư Thiên đều kính lễ vì khéo tu tập.

Là thừa mà Thích, Phạm, Tứ Vương đều khen ngợi vì đức vô lượng. Là thừa mà người xan tham có thể bố thí vì đứng đầu. Là thừa nếu có phạm giới cấm cũng ban bố giới vì là đại thừa. Là thừa hành nhẫn nhục với tâm mang sân giận vì không có tâm gia hại chúng sinh.

Là thừa người lười biếng thi hành tinh tấn vì mặc áo giáp kiên cố chưa từng xả bỏ. Là thừa người tâm tán loạn hành thiền định vì khiến tâm định tỉnh, hành động nhân từ. Là thừa người tà trí hành chánh tuệ vì nghe nhiều hiểu rộng. Là thừa dứt trừ khổ hoạn, ban sự an ổn cho chúng sinh vì không tạo tác tất cả ác.

Thánh đạo của Phật được biểu hiện bằng trí không chướng ngại, bằng tuệ không gì bằng ở trên tất cả các thừa, vì vậy gọi là đại thừa.

Khi Phật giảng thuyết về nghĩa đại thừa này, có một vạn hai ngàn người phát đạo ý chánh chân vô thượng, cũng nói: Chúng con cũng sẽ nương vào đại thừa ấy, khiến vô số loài người, chúng sinh đều được đứng vững trong đại thừa này.

Khi ấy, Bảo Nữ bạch Đức Thế Tôn: Kính bạch Đại Thánh! Đại thừa này có con đường trở ngại nào mà không chóng quay về nơi các thông tuệ?

Phật bảo Bảo Nữ: Người hành đại thừa có ba mươi hai đường hiểm trở ngại. Vì sự hiểm trở này mà không chóng đạt được các thông tuệ.

Những gì là ba mươi hai?

Đó là:

1. Ưa thừa Thanh Văn.

2. Thích thừa Duyên Giác.

3. Cầu chỗ Thích, Phạm.

4. Tham đắm vào chỗ thọ sinh mà tu phạm hạnh.

5. Chuyên một gốc đức, nói là sở hữu của ta.

6. Nếu được của cải vật báu thì xan tham luyến tiếc.

7. Dùng tâm thiên lệch, bè nhóm mà bố thí cho chúng sinh.

8. Xem thường giới cấm.

9. Không tâm đạo chuyên tinh tu hành.

10. Việc tạo sân hận cho là danh tiếng.

11. Tâm ý bỏ bê buông thả.

12. Để tâm giong ruổi.

13. Không cầu nghe nhiều.

14. Không quán sát việc làm.

15. Kiêu căng tự đại.

16. Không thể làm thanh tịnh thân, khẩu, tâm hành.

17. Không hộ trì chánh pháp.

18. Phản bội ơn thầy.

19. Dứt bỏ bốn ơn.

20. Lìa pháp cốt yếu, vững chắc.

21. Làm quen với bạn ác.

22. Theo các ấm, cái.

23. Chẳng khuyến trợ đạo.

24. Theo nghĩa gốc bất thiện.

25. Đã phát đạo ý mà không có phương tiện thiện xảo.

26. Không đem sự ân cần tán dương Tam Bảo.

27. Ghét các Bồ Tát.

28. Chưa từng nghe pháp, hay nghe rồi lại hủy báng.

29. Không biết việc ma.

30. Học tập sách thế tục.

31. Không chăm khuyến hóa chúng sinh.

32. Nhàm chán sinh tử.

Đó là ba mươi hai việc chống trái đại thừa, rơi vào đường hiểm. Đã rơi vào đó thì không thể mau chóng thành tựu các thông tuệ.

Lại nữa, Bảo Nữ! Người học công đức, oai thần của đại thừa vì thừa này mà rơi vào đường hiểm.

Vì sao?

Vì họ đối với thừa này có uế trược nơi hữu vi. Không ngang với tầm vóc của đại thừa nên rơi vào đường hiểm. Nếu họ dùng đức vô vi và hành thừa đúng tầm cỡ là đại thừa thì công đức phát khởi lên.

Nếu chấp vào thừa ấy, đối với tâm Như Lai không thuận theo tất cả phiền não nên đối với đại thừa này là rơi vào đường hiểm. Đối với thừa này, họ đắm trước sự giác ngộ, công đức, danh xưng của Như Lai, đức của đại thừa như thế là rơi vào đường hiểm.

Vì vậy, này Bảo Nữ! Bồ Tát đại thừa nên bỏ pháp nơi thừa ưa thích phiền não, dùng pháp đó để đạt đến đại thừa thanh tịnh. Phải huân tập pháp này, tư duy phụng hành, ứng hợp với sự rộng lớn ấy.

Do pháp nào mà đạt đến đại thừa thanh tịnh?

Có ba mươi hai pháp đạt đến đại thừa thanh tịnh.

Những gì là ba mươi hai?

Đối với các chúng sinh không mời thỉnh mà thân thiện. Đạt chân đế cứu cánh là vì người. Chí tánh kiên cường, tu theo các đức hạnh, hành không chán mệt, thành tựu công đức. Tâm không rối loạn, chí tánh thanh tịnh. Thân ấy thanh tịnh thì oai nghi phép tắc không hề tưởng nghĩ nữa.

Lời nói thanh tịnh ngôn hành hợp nhau. Tâm ấy thanh tịnh vì không bỏ đạo tâm. Bố thí thanh tịnh vì không mong báo đáp. Giới hạnh trong sạch vì giữ gìn điều ngăn cấm. Nhẫn thanh tịnh vì không tiếc thân mạng. Tinh tấn thanh tịnh vì đầy đủ mười lực, vô úy.

Thiền định thanh tịnh vì tất cả phiền não không xen lẫn. Trí tuệ thanh tịnh vì dứt trừ tất cả chướng ngại. Tâm thanh tịnh vì hàng phục tất cả chúng ma. Hạnh kiên cố vì cứu độ các sự cầu xin.

Ghi nhớ bốn ơn vì không bỏ chúng sinh. Cung kính Phật vì hộ trì chánh pháp. Vì không mệt mỏi, lười biếng nên có thể hành trì đầy đủ pháp đạo phẩm. Nghe không nhàm chán vì gồm đủ Thánh trí.

Người hoan hỷ càng trở nên thù thắng vì không kiêu mạn. Khéo lắng nghe không lơ đễnh, có thể đạt đến vô kiến đỉnh. Đối với tất cả pháp không tranh cãi, duyên báo ứng và nơi chốn nhận biết đều hòa thuận.

Không nghèo thiếu vì thâu được bảy thứ tài sản. Sở dĩ không nghèo là do tự tại. Đức tuệ thành tựu, không mất thần thông. Diệt phiền não của chúng sinh, thành tựu định tịch nhiên. Tuệ giải của Như Lai biến hóa, quán chiếu đầy đủ.

Thấy ba cửa giải thoát mở bày, tu theo không, vô tướng, vô nguyện. Bên trong an nhiên, khiến các chúng sinh phân biệt hiểu rõ về tuệ vắng lặng. Hưng phát hết trí tuệ, pháp nhẫn bất khởi. Tu hành tất cả các pháp yếu, được thọ ký.

Phật nói với Bảo Nữ: Đó là ba mươi hai pháp đạt đến đại thừa thanh tịnh.

Khi nói phẩm ba mươi hai pháp sự này, có bảy vạn hai ngàn trời và người đều phát đạo ý chánh chân vô thượng, một vạn hai ngàn Bồ Tát được pháp nhẫn bất khởi.

Trăm vạn chúng trời trên hư không tán thán khen ngợi, rải hoa trời, trổi các kỹ nhạc, tất cả đều đồng thanh cất tiếng ca tụng: Có ai nghe được sự ca ngợi danh xưng công đức của đại thừa này, thì chúng sinh đó sẽ được hộ trì, kiến lập công đức của Chư Phật. Còn ai nghe, hết lòng tin ưa và về sau thọ trì, xem kỹ, phụng hành thì vượt công đức này.

***