Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO NỮ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM KHÔNG THOÁI CHUYỂN
 

Khi ấy, Bảo Nữ liền dùng mười ức trăm ngàn ngọc anh lạc quý giá dâng cúng Bậc Đại Thánh và thưa: Kính bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát nào phụng trì tu theo pháp hành này thì có thể đạt đầy đủ hoàn toàn pháp Phật, như thế là được thọ ký ở Đạo Tràng của Phật, hàng phục chúng ma, oán địch, dùng ấn bất thoái chuyển để ấn chứng. Nên khởi quán như thế.

Bấy giờ, Hiền giả Xá Lợi Phất nói với Bảo Nữ: Cô đâu có thể biết ấn không thoái chuyển của các hạnh Bồ Tát mà để có thể ấn chứng!

Khi ấy, Bảo Nữ đáp lời Xá Lợi Phất bằng kệ tụng:

Nhân giới và pháp giới

Xét kỹ đều bình đẳng

Biết cõi ấy không hai

Là ấn không thoái chuyển.

Chư Phật trong quá khứ

Tương lai và hiện tại

Pháp giới đều bình đẳng

Thành tựu không thoái chuyển.

Các cảnh giới hiện hữu

Và cảnh giới vô vi

Vắng lặng đạt nghĩa không

Giác ngộ thành không thoái.

Chân như không bến bờ

Không đạt được giới hạn

Nhất thời mà hiểu rõ

Giác ngộ không thoái chuyển.

Xem các pháp phương, tục

Như chỗ hành hướng đến

Trí tuệ quán bình đẳng

Giác ngộ không thoái chuyển.

Như cảnh giới của ma

Cảnh giới Phật bình đẳng

Tương ưng cùng một loại

Vì vậy ấn thấy ấn.

Người có dâm nộ si

Dục trần không giới hạn

Hiểu rõ các tưởng chấp

Thấy rõ không thoái chuyển.

Sinh tử và vô vi

Đạo, giáo đều vắng lặng

Đều hiểu nơi diệt độ

Biết rõ không thoái chuyển.

Năm ấm, đạo cũng thế

Nếu phân biệt có hai

Giống như hình ảnh huyễn

Minh triết không suy tưởng.

Người chấp bốn đại chủng

Giống như cõi hư không

Hiểu rõ không thể nắm

Chân ấn mới là ấn.

Giác nhãn tức là đạo

Hiểu không không đắm vướng

Nếu đạo nhãn như thế

Bình đẳng trên bình đẳng.

Các nhập đều như vậy

Hư không luôn bình đẳng

Nên biết rõ như thế

Dùng ấn này thấy ấn.

Điều chúng sinh nghĩ đến

Nhất tam thì biết hết

Không có gì chướng ngại

Vì vậy không thoái chuyển.

Căn cơ của muôn loài

Cao thấp hoặc trung bình

Độ chúng đạt vô cực

Thành tựu không thoái chuyển.

Biện tài rất thông suốt

Không dứt, không dừng nghỉ

Trong ức kiếp đọc tụng

Pháp ấy chẳng thể hết.

Hư không có thể hết

Gió có thể nắm bắt

Tuệ biện tài sáng suốt

Không thể nào tận cùng.

Hành tổng trì như thế

Thâu tóm tất cả pháp

Danh đức chẳng trái tâm

Nghe nhiều nhưng không mất.

Mười phương Chư Phật ấy

Pháp Đạo Sư đã thuyết

Đều đạt được tổng trì

Tuệ tâm nhớ không quên.

Ngàn kiếp trong quá khứ

Được nghe pháp Đại Thánh

Thưa hỏi pháp chân đế

Khéo học nơi Tổng trì.

Các môn tổng trì ấy

Biện tài cũng như vậy

Trí tuệ và các căn

Đạt thành không thoái chuyển.

Dùng không ấn các pháp

Không đắm, không cứu độ

Dùng ấn ấn nơi không

Cho nên không thoái chuyển.

Hư không ấn các pháp

Thanh tịnh không sở hữu

Hiểu rõ chân lý này

Dùng ấn không thoái chuyển.

Các pháp nhân duyên không

Nhân duyên chỉ là hành

Nhân duyên nên chẳng thật

Thật tướng tất cả pháp.

Tướng các pháp như huyễn

Giống như tướng hư không

Dùng tướng ấy để ấn

Ấn vào không thoái chuyển.

Tất cả hạnh chúng sinh

Phép tắc của sắc thanh

Nhất thời hiện hữu khắp

Biết rõ không thoái chuyển.

Thí xả nhiều vô lượng

Công đức thường vô tận

Cúng dường cõi hư không

Nhất tâm chí thành lễ.

Giới cấm là vô thượng

Giữ mãi giới của Phật

Không hạn và không lượng

Ngang bằng với hư không.

Giới cấm của chúng sinh

Duyên Giác, học, vô học

Và giới không thoái chuyển

Mười sáu phần khó sánh.

Nhẫn nhục đến cùng tận

Tu theo vô sở sinh

Thành tựu nhẫn nhục ấy

Đạt thành không thoái chuyển.

Tinh tấn không giới hạn

Phương tiện không thể cùng

Làm an vui chúng sinh

Tinh tấn là Đại Tiên.

Thường chuyên chí tu định

Không loạn, khéo cẩn thận

Thấy hết tất cả pháp

Định tam muội Vô tránh.

Đạt trí tuệ vô ngại

Trừ sạch chỗ kiến chấp.

Được hạnh quý của Phật

Khiến thành tựu tịnh độ.

Tuệ đạt độ vô cực

Khéo học nơi thiện quyền.

Dùng Phật ấn để ấn

Tu tập nơi đạo hạnh.

Hạnh ấy chẳng thể biết

Chí tánh trị chỗ nào.

Chứa hạnh nhiều vô lượng

Khai hóa cho chúng sinh.

Chư Thanh Văn, Duyên Giác

Tất cả ma, dị học.

Chẳng thế nào biết được

Nẻo hành của Đại Nhân.

Không đắm trước các hành

Định thần túc cảm ứng

Rõ không không sở hữu

Giảng chỗ đạt hưng khởi.

Vị lai và quá khứ

Thị hiện hình tượng Phật

Ngồi nơi cội Bồ Đề

Rồi chuyển bánh xe pháp.

Hiện khắp các quốc độ

Diện kiến mười phương Phật.

Ví như vầng nhật nguyệt

Du hành trên hư không.

Thị hiện vào diệt độ

Tin ưa theo đại thừa

Không trái với ấn ấy

Ấn ấy không thoái chuyển.

Vô hạn như hư không

Trí tuệ khắp như thế

Giáo pháp không thoái chuyển

Đạo như vậy hiểu rõ.

Bấy giờ, khi Bảo Nữ nói tụng về ấn không thoái chuyển này rồi, Thế Giới tam thiên đại thiên đều chấn động, năm ngàn Bồ Tát đắc ấn thọ ký không thoái chuyển.

Thế Tôn khen Bảo Nữ: Hay thay! Hay thay! Ngươi có thể diễn nói về ấn không thoái chuyển của Bồ Tát một cách thông suốt như thế.

***