Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN BA
 

Này thiện nam! Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ pháp thí?

Bồ Tát tự thọ trì pháp, vì người diễn nói, tâm không ước muốn, không mong cầu lợi dưỡng, không vì danh tiếng, chỉ vì trừ tội ác cho tất cả chúng sinh. Bồ Tát thuyết pháp với tâm bình đẳng không cao thấp.

Như đối với Vua, Quần Thần, hoặc hàng Chiên Đà La… Bồ Tát đều thuyết giảng pháp bình đẳng không phân biệt. Không vì bố thí như vậy mà Bồ Tát cao ngạo, kiêu mạn. Nếu hay làm như vậy, gọi là Bồ Tát đầy đủ pháp thí.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ thí vô úy?

Bồ Tát tự lìa bỏ dao, gậy, cũng dạy người lìa bỏ dao, gậy. Đối với tất cả chúng sinh, Bồ Tát đều khởi tưởng như cha mẹ, con cái, thân hữu.

Vì sao?

Vì Phật dạy: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay không có một ai không là cha mẹ, anh em của ta. Bồ Tát thường ở trong các loài vi tế mà xả thân bố thí, huống nữa là đối với chúng sinh lớn khác. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ thí vô úy.

Thế nào gọi là Bồ Tát bố thí tài vật đầy đủ?

Thấy chúng sinh gây nhiều tội ác, Bồ Tát liền tập trung của cải, vật báu bố thí cho họ, khiến họ xa lìa nghiệp ác, ở chỗ an lành.

Bồ Tát lại nghe Phật Thế Tôn nói: Bố thí là Bồ Tát trừ được cấu bẩn của ganh ghét, tham lận, theo như lời Phật dạy, Bồ Tát tu tập bố thí. Không vì bố thí như vậy mà Bồ Tát sinh tâm tự cao. Đó gọi là Bồ Tát bố thí tài vật đầy đủ.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí hoàn toàn không mong cầu quả báo?

Khi bố thí, Bồ Tát nghĩ như vầy: Không vì được quyến thuộc mà bố thí, không vì được thân hữu mà bố thí, không vì sở thích mà bố thí. Bồ Tát giữ tịnh giới là pháp thường hành, đây là nhân duyên. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí không mong cầu quả báo.

Thế nào gọi là Bồ Tát thành tựu đầy đủ bố thí tình thương?

Thấy chúng sinh thọ khổ, đói khát, rách rưới, áo quần không đủ mặc, không chỗ cậy nhờ, không nơi nương tựa, không chốn hướng về, không nhà trú thân, không có một chút phước nghiệp.

Thấy vậy Bồ Tát sinh tâm thương xót cứu giúp: Nay ta vì chúng sinh khổ mà phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, vì chúng sinh luân hồi thọ khổ, đói khát, không có đủ y phục, không chỗ cậy nhờ, không nơi nương tựa, không chốn hướng về, lạnh đói cơ cực, nên ta lúc nào cũng vì các chúng sinh ấy mà tạo ra y phục, thức ăn uống cho đến nhà cửa, chỗ nương tựa, hiện có tài vật đều đem cho hết.

Bồ Tát tuy bố thí như vậy mà không khởi niệm tưởng có ta, có người, có tài vật… bố thí như vậy gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí tình thương.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí tâm không khinh?

Bồ Tát bố thí không hề phân biệt, bố thí với tâm đại bi bình đẳng, bố thí tâm không khinh, bố thí tâm không keo bẩn, bố thí tâm không sân hận, bố thí không kiêu căng, bố thí không vì được danh tiếng, không vì ta đa văn mà bố thí. Bố thí như vậy gọi là chuyên tâm bố thí, tôn trọng bố thí, cung kính bố thí, tự tay bố thí. Bố thí bình đẳng như vậy gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí tâm không khinh.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí thừa sự?

Như đồng phạm hạnh, hoặc các vị Hòa Thượng, A Xà Lê… những bậc tôn kính, những bậc như vậy ân đức sâu nặng, ta nên nghênh tiếp, chắp tay chiêm ngưỡng, cung kính. Hoặc có việc cần làm ta phải tự thân thay thế, phụ giúp các vị. Người bố thí như vậy gọi là Bồ Tát bố thí thừa sự đầy đủ.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí cung kính?

Đó là cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng.

Cung kính Phật là Bồ Tát cúng dường hương hoa, kỹ nhạc, nhiều tháp Như Lai, quét dọn đất Phật. Nếu các tháp miếu hư hoại, gãy đổ thì Bồ Tát phải tu sữa, tôn tạo. Như vậy gọi là Bồ Tát cung kính Phật.

Cung kính Pháp là Bồ Tát nghe pháp, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải nói, tư duy về ý nghĩa, tu hành như pháp, không chấp giữ theo nghĩa điên đảo. Như vậy gọi là Bồ Tát cung kính Pháp.

Cung kính Tăng là Bồ Tát dâng cúng y phục, đồ ăn uống, giường ghế, thuốc thang, các loại tạp vật. Cung cấp các vật mà Tăng cần dùng. Thậm chí có lúc Bồ Tát không có vật cúng thì dùng nước trong thành tâm dâng cúng. Thí như vậy gọi là Bồ Tát cung kính cúng dường Tăng.

Nếu hay cúng dường Tam Bảo như vậy thì gọi là Bồ Tát bố thí cung kính đầy đủ.

Thế nào gọi là Bồ Tát bố thí đầy đủ không mong cầu đền đáp

Khi bố thí, Bồ Tát chẳng khởi ý niệm: Ta sẽ sinh Thiên.

Cũng chẳng khởi ý niệm: Ta sẽ làm Vua, làm đại thần, dòng quan… đó gọi là Bồ Tát bố thí đầy đủ chẳng mong cầu.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ bố thí thanh tịnh?

Bồ Tát quán như thật việc bố thí này là không cấu, không uế, không tạp. Thí như vậy gọi là Bồ Tát bố thí thanh tịnh đầy đủ.

Này Thiện Nam! Làm đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát hành thí đầy đủ.

Này Thiện Nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là thành tựu tịnh giới.

Những gì là mười?

1. Khéo học giới Ba La Đề Mộc Xoa.

2. Khéo trì giới tinh tế của Bồ Tát.

3. Diệt trừ các phiền não.

4. Trừ các bất thiện.

5. kinh sợ nghiệp ác.

6. Đối với tội nhỏ hết lòng sinh lo sợ.

7. Tâm thường kinh sợ.

8. Thọ trì pháp Đầu Đà kiên cố, không thiếu sót.

9. Trì giới chẳng cầu tạo nghiệp.

10. Giới ba nghiệp thanh tịnh.

Thế nào gọi là Bồ Tát khéo học giới Ba La Đề Mộc Xoa?

Bồ Tát đối với giới luật, Kinh Điển Phật chế đều chuyên tâm thọ trì, chẳng vì chủng tộc mà trì giới, chẳng vì ngã kiến mà trì giới, chẳng vì thâu phục đồ chúng mà trì giới, chẳng vì thấy người khác giới sút kém mà khinh hủy giới. Đó gọi là Bồ Tát khéo thọ trì giới Ba La Đề Mộc Xoa.

Thế nào gọi là Bồ Tát khéo trì giới tinh tế?

Bồ Tát nghĩ thế này: Không những giới Ba La Đề Mộc Xoa có thể làm cho ta thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, mà các oai nghi giới hạnh khác của Bồ Tát ta cũng phải nên học, tu hành đúng như pháp.

Thế nào gọi là giới tinh tế của Bồ Tát?

Bồ Tát trọn đời không nên vãng lai ở những chỗ không nên đến, chẳng phải thời thì không nói, khéo biết thời, khéo biết phong tục tập quán thuận hợp lòng người, chẳng làm cho chúng sinh khởi tâm nghi kỵ, ngờ vực, khéo giúp đỡ làm cho chúng sinh đạt đến Bồ Đề, tự mình cũng đầy đủ oai nghi của Bồ Tát.

Ngôn từ hiền hòa, ít nói, chẳng thích thân cận các hàng đại thần, quan quyền, luôn luôn tu hạnh A Lan Nhã, vui vẻ hòa thuận, có thể hành đầy đủ giới oai nghi của Bồ Tát như vậy. Ngoài ra phải tu hành đầy đủ giới Bồ Tát như trong các Kinh khác đã nêu. Đó gọi là giới tinh tế của Bồ Tát.

Thế nào gọi là Bồ Tát diệt?

Nghĩa là tất cả các kết sử đều bị tiêu diệt. Tham dục, sân hận, ngu si và các chướng ngại khác ràng buộc tất cả chúng sinh cũng đều bị thiêu cháy. Đối với nơi chốn tham dục nên khởi pháp đối trị, nếu có dấy dục thì nên đoạn trừ.

Thế nào là nơi chốn tham dục?

Là đối với sắc đẹp hay khởi nhân duyên của dục.

Thế nào là tưởng bất tịnh?

Như quán thân mình với các thứ: Tóc, lông, móng, răng, da, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mồ hôi, nước mắt, nước mũi, nước bọt, mỡ sa, não, màng, yết hầu, tim, mật, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày dung chứa trăm loại thực phẩm sống chín, nước tiểu, phân, mủ, nước nhờn… Bồ Tát thường quán ba mươi sáu vật này thì chẳng sinh tâm tham.

Như đứa bé ngu si, điên cuồng, tâm loạn, thấy ba mươi sáu vật này hãy còn chẳng khởi tưởng dục, huống là bậc trí.

Các vị Bồ Tát phải thường quán bất tịnh như vậy.

Tại sao tưởng dục lại khởi?

Vì Đại Bồ Tát khi thấy sắc đẹp thích ý, tâm nhiễm liền sinh tham đắm.

Do vậy, khi mới thấy sắc Bồ Tát liền tự nhớ lời Phật dạy: Sắc như mộng huyễn, như âm vang, không thật có.

biết nó là mộng, người trí lẽ nào lại sinh tưởng dục?

Cho nên Bồ Tát đều phải xa lìa nơi chốn có thể làm phát sinh dục.

Thế nào là Bồ Tát dùng pháp đối trị sân hận, xa lìa được sân hận và nhân duyên của sân hận?

Đối với các chúng sinh, Bồ Tát thường khởi tâm từ, vì nhân duyên này nên sân hận liền diệt trừ. Nếu lúc sân hận não hại khởi lên thì Bồ Tát phải luôn buộc niệm một cách sâu, chặt để đối trị. Đây gọi là phương tiện trừ sân hận của Bồ Tát.

Thế nào là phương tiện trừ si của Bồ Tát?

Bồ Tát nên nghĩ: Tâm si chẳng biết thiện ác. Người giữ lòng si ám sau phải chịu quả khổ. Ngu si tự che đậy gây não hại kẻ khác còn ít, không bằng tham sân não hại còn nhiều hơn. Khi quán như vậy thì tâm si tiêu trừ. Đây gọi là Bồ Tát thiêu cháy phiền não.

Thế nào gọi là Bồ Tát trừ giác bất thiện?

Bồ Tát ở chỗ A Lan Nhã thanh vắng nghĩ như vầy: Nay ta xa lìa các chốn ồn ào, thực hành giáo pháp của Phật tại nơi yên tĩnh. Còn các Sa Môn, Bà La Môn khác sống nơi thị tứ bị các sự ồn ào nhiễu loạn, khiến xa lìa giáo pháp của Phật. Đây gọi là Bồ Tát trừ giác bất thiện.

Thế nào gọi là Bồ Tát sợ tạo nghiệp ác?

Bồ Tát từng nghe Phật dạy, quan sát kỹ lưỡng, chuyên tâm tu phước, kiên trì giới tịnh, khéo học trí tuệ. Nhờ nhân duyên như vậy nên được thắng báo cao tột, đầy đủ nghiệp phước đức, xa lìa các ác.

Đây gọi là Bồ Tát sợ tạo nghiệp ác.

Thế nào gọi là Bồ Tát sợ điều ác nhỏ?

Đối với tội nhỏ, Bồ Tát thường hết lòng lo sợ, trọn đời chẳng dám khinh thường điều ác nhỏ.

Vì sao?

Vì Bồ Tát từng nghe Phật dạy: Độc ít còn giết người, huống nữa là độc nhiều. Điều ác cực nhỏ còn dẫn người vào ba đường ác, huống nữa là điều ác lớn.

Vậy mà tâm không lo sợ sao! Đây gọi là Bồ Tát sợ điều ác nhỏ.

Thế nào gọi là Bồ Tát tâm thường lo sợ?

Có những người thâm tín như Bà La Môn, Sát Lợi, Cư Sĩ… vì lòng tin nên đem các loại châu báu, vàng bạc ký gởi cho Bồ Tát mà không cần làm giấy tờ chứng cứ.

Bồ Tát trọn đời chẳng sinh tâm đem vật ấy ẩn trốn, cho đến những vật của Phật, vật của Pháp, vật của chúng Tăng, cùng vật của tứ phương Tăng, Bồ Tát thà tự ăn thịt mình chứ chẳng bao giờ xâm phạm vào vật của người khác. Trong nhu cầu cung cấp cho thân như ăn, uống… Bồ Tát hãy còn chẳng dám phí phạm. Đây gọi là Bồ Tát tâm thường lo sợ.

Thế nào gọi là Bồ Tát thọ trì pháp Đầu Đà kiên cố, không lay động?

Nếu quyến thuộc của ma và Chư Thiên… dùng tiền tài, sắc đẹp đến quấy nhiễu Bồ Tát mà tâm trí Bồ Tát kiên cố không dao động. Đó gọi là Bồ Tát thọ trì pháp Đầu Đà kiên cố, không lay động.

Thế nào gọi là Bồ Tát trì giới không mong cầu tạo nghiệp?

Bồ Tát trì giới không mong cầu quả báo thế gian, chỉ vì muốn hành trì đầy đủ hết thảy pháp thiện chứng đắc đạo quả Bồ Đề Vô Thượng. Đó gọi là Bồ Tát trì giới không mong cầu tạo nghiệp.

Thế nào gọi là Bồ Tát với ba nghiệp thanh tịnh?

Thế nào là thân nghiệp thanh tịnh?

Lìa bỏ sát sinh, trộm cắp, dâm dục. Đây gọi là thân nghiệp thanh tịnh.

Thế nào là khẩu nghiệp thanh tịnh?

Lìa bỏ lời nói độc ác, hư dối, đâm thọc, thêu dệt. Đây gọi là khẩu nghiệp thanh tịnh.

Thế nào là ý nghiệp thanh tịnh?

Dứt trừ tham, sân, si, tà kiến. Đây gọi là ý nghiệp thanh tịnh. Thân, khẩu, ý của Bồ Tát luôn như vậy, gọi là ba nghiệp thanh tịnh.

Này Thiện Nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát thành tựu tịnh giới.

Này Thiện Nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp có thể làm cho nhẫn được thanh tịnh.

Những gì là mười pháp?

Đó là:

1. Nội nhẫn.

2. Ngoại nhẫn.

3. Pháp nhẫn.

4. Tùy Phật giáo nhẫn.

5. Vô phương sở nhẫn.

6. Tu xứ xứ nhẫn.

7. Phi sở vị nhẫn.

8. Nhẫn chẳng bức não.

9. Bi tâm nhẫn.

10. Thệ nguyện nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành nội nhẫn?

Sống trong cảnh đói, khát, lạnh, nóng, sầu bi, thân tâm bị đau đớn thống khổ mà Bồ Tát tự có khả năng nhẫn chịu, không cho là khổ não. Đó gọi là Bồ Tát hành nội nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành ngoại nhẫn?

Bồ Tát bị người mắng nhiếc, hủy nhục, phỉ báng bằng những lời độc ác. Hoặc nghe những lời hủy nhục đối với cha mẹ, anh em, chị em, quyến thuộc, Hòa Thượng, A Xà Lê, thầy bạn đồng tu học… hoặc nghe những lời phỉ báng đối với Phật, Pháp, Tăng, nghe những lời mạ nhục như vậy mà Bồ Tát nhẫn chịu, không sinh tâm oán hận. Đó gọi là Bồ Tát hành ngoại nhẫn.

***