Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN BỐN
 

Thế nào gọi là Bồ Tát hành pháp nhẫn?

Những nghĩa vi diệu trong các Kinh do Phật giảng nói: Các pháp tịch tĩnh, các pháp tịch diệt, tướng Niết Bàn như vậy chẳng kinh, chẳng sợ.

Bồ Tát suy nghĩ: Nếu ta không hiểu rõ về ý nghĩa của Kinh này, không biết pháp ấy thì rốt cuộc không thể chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng. Vì vậy Bồ Tát chuyên cần đọc tụng, tìm cầu, tham vấn học hỏi. Đó gọi là Bồ Tát hành trì pháp nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ Tát nhẫn theo giáo pháp của Phật?

Tùy Phật giáo nhẫn.

Khi những tâm sân hận, phiền não, độc hại khởi lên, Bồ Tát suy nghĩ: Thân này từ đâu sinh, từ đâu diệt?

Nếu từ ngã sinh thì ngã là cái gì?

Nếu từ bỉ sinh thì bỉ là cái gì?

Pháp tướng như vậy từ nhân duyên gì khởi?

Trong lúc tư duy như thế, Bồ Tát thấy chẳng có chỗ sinh, chẳng có chỗ duyên khởi, chẳng từ ngã sinh, chẳng từ bỉ khởi, cũng chẳng từ nhân duyên sinh. Tư duy như vậy thì tâm sân hận, phiền não, độc hại, cuồng nộ… liền đó đều không còn. Đó gọi là Bồ Tát nhẫn theo giáo pháp của Phật.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành nhẫn trong mọi thời gian, không gian?

Vô phương sở nhẫn. Như có người ban đêm thì nhẫn, ban ngày không nhẫn. Hoặc có người ban ngày nhẫn, ban đêm không nhẫn. Hoặc có người ở chỗ kia thì nhẫn, ở chỗ này thì không nhẫn. Hoặc có người ở chỗ này thì nhẫn, ở chỗ kia thì không nhẫn.

Hoặc có người hiểu biết sự việc thì nhẫn, không hiểu biết sự việc thì không nhẫn. Hoặc có người không hiểu biết sự việc thì nhẫn, hiểu biết sự việc thì không nhẫn. Bồ Tát không như vậy. Trong mọi thời gian, mọi nơi chốn, Bồ Tát luôn sinh tâm nhẫn. Đấy gọi là Bồ Tát hành nhẫn trong mọi thời gian, không gian.

Thế nào gọi là Bồ Tát tu nhẫn không phân biệt?

Tu xứ xứ nhẫn. Đối với cha mẹ, sư trưởng, vợ chồng, nam nữ lớn nhỏ trong dòng tộc nội ngoại, người ta có thể nhẫn chịu được, nhưng đối với người ngoài thì họ không thể nhẫn. Bồ Tát tu nhẫn thì không như vậy, nhẫn nhịn đối với các bậc cha mẹ cũng như nhẫn chịu đối với hàng Chiên Đà La. Đó gọi là Bồ Tát tu nhẫn không phân biệt.

Thế nào gọi là Bồ Tát tu nhẫn không vì duyên sự?

Phi sở vị nhẫn. Bồ Tát không vì sự biến mà sinh nhẫn, không vì lợi mà sinh nhẫn, không vì sợ sệt mà sinh nhẫn, không vì thọ ân người mà sinh nhẫn, không vì bạn bè thân quen mà sinh nhẫn, không vì hổ thẹn mà sinh nhẫn. Bồ Tát thường luôn tu nhẫn. Đó gọi là Bồ Tát tu nhẫn không vì duyên sự.

Thế nào gọi là Bồ Tát tu nhẫn chẳng bức não?

Nếu chưa gặp cảnh sân hận, phiền não quấy nhiễu thì không gọi là nhẫn. Nếu khi gặp cảnh bị người giận dữ cầm dao, gậy, đánh đấm, chân đá, miệng mắng chửi lời ác… đối trước hoàn cảnh như vậy mà tâm không động mới gọi là nhẫn.

Nếu có người khởi tâm sân hận làm hại Bồ Tát, Bồ Tát nhẫn chịu, cũng như họ đến với tâm không sân hận, não hại mà Bồ Tát cũng nhẫn. Đó gọi là Bồ Tát tu nhẫn chẳng bức não.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành nhẫn với tâm bi?

Bi tâm nhẫn. Có lúc Bồ Tát làm Vua hoặc làm chủ những công việc lớn là vì những chúng sinh khổ mà làm. Vậy mà lắm khi những chúng sinh này lại kéo đến mạ nhục, xúc não Bồ Tát.

Bồ Tát nghĩ: Không vì ta làm chủ họ mà sinh lòng sân hận. Những chúng sinh như vậy ta phải thường cứu giúp, bảo hộ, lẽ nào ta lại khởi tâm não hại họ! Vì vậy, nay ta phải thể hiện lòng thương xót, không sinh lòng oán hận mà hại họ. Đó gọi là Bồ Tát hành nhẫn với tâm bi.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành nhẫn theo thệ nguyện?

Thệ nguyện nhẫn.

Bồ Tát nghĩ nhớ: Xưa kia ở trước Đức Phật, ta từng phát thệ nguyện với âm vang như Sư Tử gầm: Ta sẽ thành Phật, cứu vớt hết thảy chúng sinh khổ trong bùn nhơ sinh tử. Ta nay muốn cứu họ thì không nên khởi tâm sân hận não hại. Nếu ta không nhẫn thì còn không thể tự độ, huống nữa là đem lại lợi ích cho chúng sinh.

Này Thiện Nam! Ví như lương y giỏi trị bệnh mắt, thấy các chúng sinh có nhiều bệnh mắt, như: Người mắt có màng, mắt bị hư võng mạc. 

Bệnh mắt nhiều loại, chẳng thể tính đếm, vậy mà lương y này nói: Tôi muốn trị bệnh mắt cho chúng sinh, nhưng khi đó mắt của lương y thì mù tối.

Phật hỏi: Lương y này có khả năng trị bệnh mắt chăng?

Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch: Không, thưa Đức Thế Tôn!

Phật dạy Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng: Muốn trừ hết thảy vô minh tối tăm của chúng sinh thì trước hết phải tự trừ ám chướng của mình, sau đó mới có thể trừ cho chúng sinh.

Nếu người không có trí tuệ mà trị bệnh cho kẻ khác thì điều này không thể có. Vì nhân duyên ấy nên luôn tu nhẫn mà không sân hận. Đó gọi là Bồ Tát hành nhẫn theo đại thệ nguyện.

Này Thiện Nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát có khả năng làm nhẫn được thanh tịnh.

Này Thiện Nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tinh tấn đầy đủ: Tinh tấn như kim cương, tinh tấn không ai bằng, tinh tấn đúng mức, tinh tấn hiển thắng, tinh tấn mạnh mẽ, tinh tấn liên tục, tinh tấn thanh tịnh, tinh tấn không cùng hàng Nhị Thừa, tinh tấn không khinh tiện, tinh tấn không thoái chuyển.

Thế nào là Bồ Tát hành tinh tấn vững chắc như Kim Cang?

Người chưa hiểu làm cho hiểu, người chưa Niết Bàn làm cho được Niết Bàn, người chưa an làm cho được an, người chưa độ làm cho được độ, người chưa đắc bồ đề vô thượng thì làm cho đắc bồ đề vô thượng.

Nếu trong lúc tinh tấn tu hành như vậy, thiên Ma Ba Tuần đến nói với Bồ Tát: Nay ông cớ gì tu tinh tấn như vậy?

Trọn đời ông siêng năng cực nhọc cũng chẳng thu được gì.

Vì sao?

Vì tôi cũng từng tu tinh tấn như thế: Người chưa hiểu làm cho hiểu, người chưa Niết Bàn làm cho được Niết Bàn, người chưa an làm cho được an, người chưa độ làm cho được độ, người chưa đắc bồ đề vô thượng Thì làm cho đắc bồ đề vô thượng.

Những việc như vậy đều là hư vọng, là lừa dối kẻ phàm phu, không có chân thật. Tôi chưa từng thấy ai tinh tấn như thế mà chứng được đạo quả bồ đề vô thượng.

Này anh, tôi từng thấy vô lượng chúng sinh tu tập tinh tấn như vậy, có người đắc Niết Bàn của A La Hán, có người đắc Niết Bàn của Bích Chi Phật.

Ma Vương lại hỏi: Này anh, tuy anh tu tinh tấn nhưng chẳng chứng được bồ đề vô thượng, vậy nay nên suy nghĩ mà sớm xả bỏ tâm ấy, không thì chẳng được ích gì, chỉ tự chuốc lấy đau khổ. Anh nên gấp gáp cầu quả nhị thừa, có thể sớm được thoát ly sinh tử.

Bồ Tát liền nghĩ: Đây là lời nói của ma muốn phá hoại tâm ta. Ngươi chỉ thích việc nhỏ, hãy tự lo cho mình đi, chớ đa sự lo cho ta. Tùy theo nghiệp tạo tác mà thọ báo tương ứng, y nơi nghiệp, nghiệp là thân hữu. Ngươi cũng tùy theo nghiệp ấy mà thọ báo. Y nơi nghiệp, nghiệp là thân quyến.

Này ma ác Ba Tuần! Ngươi hãy mau mau trở lại con đường chánh đạo. Nếu ngươi gây phiền cho ta thì sẽ thọ khổ nhiều đời. Ma liền hổ thẹn, ẩn mình rút lui. Đó gọi là Bồ Tát tinh tấn như Kim Cang, ma chẳng thể phá hoại.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành tinh tấn không ai bằng?

Bồ Tát tu hành tinh tấn vượt hơn trăm ngàn vạn ức Chư Bồ Tát, tính toán thí dụ còn chẳng thể nêu bày hết, huống nữa là các người tu học theo nhị thừa sánh kịp sao?

Vì lực tinh tấn nên Bồ Tát có khả năng thâu giữ hết thảy các pháp thiện của Chư Phật, có khả năng xả bỏ tất cả các pháp ác. Đây gọi là Bồ Tát hành tinh tấn không ai bằng.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành tinh tấn đúng mức?

Không chuyên cần thái quá và cũng không bê trễ lơ là. Tinh tấn như vậy gọi là tinh tấn đúng mức.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành tinh tấn hiển thắng?

Bồ Tát phát tâm tinh tấn dũng mãnh, nguyện hiện được sắc tướng như Phật: Nếu ta thành Phật thì tướng vô kiến đảnh tròn sáng một tầm, trí tuệ vô ngại, đại tự tại. Tướng hảo của Phật ta nguyện đều đạt được. Đó gọi là Bồ Tát hành tinh tấn hiển bày thù thắng.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành tinh tấn dũng mãnh?

Ví như chân kim, châu báu ma ni không có cấu uế, ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu đoan nghiêm. Chân kim tỏa chiếu vô lượng tia sáng. Ngọc báu ma ni, luôn chiếu sáng rực rỡ. Bồ Tát hành tinh tấn cũng lại như vậy, không có các cấu uế.

Thế nào là cấu uế của tinh tấn?

Thế nào là chướng ngại của tinh tấn?

biếng trễ là cấu uế của tinh tấn. Biếng nhác là cấu uế của tinh tấn. Tham ăn không biết đủ là cấu uế của tinh tấn. Ham thích ngủ nghỉ là cấu uế của tinh tấn. Ham thích gần gũi dục lạc là cấu uế của tinh tấn. Không thấy vô ngã là chướng ngại của tinh tấn. Đấy gọi là cấu uế của tinh tấn, chướng ngại của tinh tấn. Trừ bỏ những cấu uế chướng ngại như vậy gọi là Bồ Tát hành tinh tấn dũng mãnh.

Thiện Nam! Thế nào gọi là Bồ Tát hành tinh tấn liên tục?

Hành động trong các oai nghi không lìa tinh tấn. Đi, đứng, nằm, ngồi, thân tâm không hề biếng nhác, phế bỏ, thất niệm. Đây gọi là Bồ Tát hành tinh tấn liên tục.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành tinh tấn thanh tịnh?

Bồ Tát hành tinh tấn liên tục như trên đã nói, nhưng có lúc nghiệp ác bất thiện khởi lên để làm chướng ngại, suy tổn đạo pháp thì phải nên đoạn trừ, không để làm chướng ngại hết thảy pháp thiện, là nhân của Niết Bàn. Có thể trợ giúp đạo pháp, an trụ nơi đạo xứ thì nên tu tập, làm cho tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí một niệm ác vi tế còn không để cho khởi lên, huống nữa là niệm ác lớn. Đây gọi là Bồ Tát hành tinh tấn thanh tịnh.

Thế nào gọi là Bồ Tát hành tinh tấn không cùng với hàng nhị thừa?

Đại Bồ Tát dạo khắp mười phương, ví như nơi địa ngục A tỳ lửa dữ đang hừng hực mạnh mẽ, đầy trong những Thế Giới nhiều như cát sông Hằng, cũng như ngoài Thế Giới ấy có chúng sinh cực khổ, không nơi nương tựa, không ai cứu hộ, thậm chí nếu có một chúng sinh bị khổ não như vậy, Bồ Tát có thể nhẫn chịu lửa dữ trải qua vô lượng hằng hà sa Thế Giới để cứu vớt làm thành thục chúng sinh khổ đó.

Vì một chúng sinh, Bồ Tát hãy còn cứu độ, huống nữa là nhiều chúng sinh mà Bồ Tát không cứu độ sao?

Tất cả hàng ngoại đạo, Nhị Thừa đều không thể bì kịp Bồ Tát. Đó là Bồ Tát hành tinh tấn không cùng hàng Nhị Thừa.

Sao gọi là Bồ Tát hành tinh tấn không tự khinh thường?

Bồ Tát suy nghĩ: Ba đời Chư Phật tu vô lượng đức đều từ những tinh tấn nhỏ mới có khả năng tích tụ khổ hạnh lâu đời thành tựu quả vị Đẳng Chánh Giác. Vì vậy, nay ta tinh tấn nhỏ mà gieo lần công đức, không lâu cũng sẽ thành Phật, chẳng nghi. Đó gọi là Bồ Tát hành tinh tấn không tự khinh thường.

Sao gọi là Bồ Tát hành tinh tấn bất thoái chuyển?

Bồ Tát không vì mình tinh tấn yếu kém, không vì bần cùng nghèo thiếu của cải mà sinh tâm xả bỏ, thoái lui, nên thường tu tinh tấn hướng đến quả vị bồ đề vô thượng. Ba đời Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều vì tích thiện, tinh tấn vi tế mà chứng đắc bồ đề vô thượng. Ta nay không vì nghèo hèn mà tự khinh hủy.

Nhờ tinh tấn nhỏ mà tất cả chúng sinh tích tập được các điều thiện, thành tựu bồ đề vô thượng. Thà làm chúng sinh ở mãi trong địa ngục, chứ không vì thú vui riêng mà nhập Niết Bàn. Đó gọi là Bồ Tát hành tinh tấn không thoái chuyển.

Này Thiện Nam! Đủ mười việc ấy gọi là Bồ Tát đầy đủ sự tinh tấn.

Này Thiện Nam! Đại Bồ Tát lại có đầy đủ mười pháp Thiền Ba la mật.

Đó là:

1. Tích tập nhiều phước đức.

2. Chán ngán các điều ác.

3. Chuyên cần tinh tấn.

4. Đầy đủ sự đa văn.

5. Không thông hiểu một cách điên đảo.

6. Thông hiểu pháp, hướng về pháp.

7. Lợi căn thông đạt.

8. Có tâm thuần thiện.

9. Giỏi thông hiểu thiền định và trí tuệ.

10. Không vướng mắc nơi thiền tướng.

Sao gọi là tích tụ nhiều phước đức?

từ lâu đối với Đại Thừa, việc tích tập thiện căn là sinh tại nơi đâu cũng thường hộ trì giới thiện và gặp bậc tri thức thiện. Đời đời được sinh vào dòng tộc Sát Lợi, dòng họ lớn Bà La Môn, đại gia Cư Sĩ.

Sinh ra đời luôn là người chánh kiến, pháp thiện tăng trưởng, nhớ lại những điều thiện đã tu, không bỏ phương tiện thiện xảo, thường không xa lìa các bậc tri thức thiện, Bồ Tát, Chư Phật.

Dần dần tăng trưởng sự quan sát các pháp để biết rõ thế gian thống khổ thường bị tai họa bức bách, không một phút giây ngơi nghỉ nên các khổ cứ nối tiếp. Vô minh tối tăm đều là do nhân từ ái dục, dục là căn bản. Nay ta không nên cùng với kẻ phàm phu thân cận nơi dục.

Đức Phật Thế Tôn dạy: Dục ấy từ vọng tưởng sinh, là nhân của vô lượng tai họa, hủy hoại. Ví như lấy cây đâm thủng tim, thận con người. Dục như kích nhọn, dục như kiếm bén, dục như rắn độc, dục như ngọn lửa, dục như mủ thối chẳng thể đến gần, dục như bọt nước tụ, dục như đám lửa dữ, dục như huyễn hóa, dục như mộng tưởng, dục là bất tịnh làm cho người thối tha, dục như ung nhọt, dục như thịt thối rã nát.

Nên nghĩ như vậy mà xa lìa tưởng dục xấu ác, cạo bỏ râu tóc, xả ly sản nghiệp, xuất gia học đạo, khoác tấm pháp y, làm bậc Sa Môn, hành theo chánh pháp, tin nhà chánh pháp chẳng phải là nhà thế tục, luôn phát khởi đại tinh tấn. Pháp thiện chưa đắc, siêng tu cho đắc. Trí tuệ chưa đắc, siêng tu cho đắc.

Bồ Đề chưa chứng, siêng tu cho chứng. Với nhân như vậy, duyên như vậy, do việc ấy nên đạt được đa văn. Đối với Thế đế, Đệ nhất nghĩa đế đều có khả năng nêu giảng rõ, khéo biết thế đế là đệ nhất nghĩa đế, giỏi biết pháp không điên đảo, thể tướng đúng như pháp.

***