Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN CHÍN
 

Thế nào gọi là Bồ Tát hay làm cho tất cả chúng sinh được an lạc, mát mẻ?

Như Nguyệt Thiên Tử vừa mới xuất hiện, làm cho chúng sinh an vui, mát mẻ, thích thú, mọi người ưa xem, tâm không mệt mỏi. Trăng của Bồ Tát cũng lại như vậy, trừ sạch khí nóng phiền não, làm cho tất cả chúng sinh đều được mát mẻ, hỷ lạc, thích thú. Đây gọi là Bồ Tát hay làm cho tất cả chúng sinh được an lạc, mát mẻ.

Thế nào gọi là Bồ Tát ai thấy cũng đều ưa thích?

Như trăng mới mọc, chúng sinh thích nhìn, an vui tràn ngập. Trăng của Bồ Tát cũng lại như vậy, lúc mới xuất hiện, các căn tịch định như nước, trong suốt vắng lặng, oai nghi đầy đủ, chúng sinh thích nhìn, an lạc hưng khởi. Đây gọi là Bồ Tát ai thấy cũng đều ưa thích.

Thế nào gọi là Bồ Tát làm cho pháp thiện mỗi ngày tăng trưởng?

Như mặt trăng mới mọc, lần lần tròn đầy viên mãn. Trăng của Bồ Tát cũng lại như vậy, từ lúc mới phát tâm dần dần tăng trưởng cho đến ngồi nơi cội Bồ Đề đạo tràng, công đức đầy đủ. Đây gọi là Bồ Tát làm cho pháp thiện mỗi ngày tăng trưởng.

Thế nào gọi là Bồ Tát làm cho pháp ác mỗi ngày giảm mất?

Ví như vào những đêm tối tràng, ánh sáng của mặt trăng giảm dần, cho đến lúc trăng lặn thì ánh sáng cũng ẩn mất không hiện. Cũng như vậy, hết thảy các pháp ác của Bồ Tát theo thứ lớp giảm dần, cho đến lúc Bồ Tát giác ngộ thì tất cả pháp ác không còn. Đây gọi là Bồ Tát làm cho pháp ác mỗi ngày giảm mất.

Thế nào gọi là Bồ Tát như mặt trăng tròn?

Như mặt trăng từ lúc mới mọc cho đến khi tròn đầy, được tất cả Bà La Môn, Sát Lợi, nam nữ trong thành ấp, làng mạc không ai chiêm ngưỡng mà không khen ngợi. Trăng của Bồ Tát cũng lại như vậy, thường được hàng Trời, Người, hết thảy chúng sinh xưng tán. Đây gọi là Bồ Tát như mặt trăng tròn.

Thế nào gọi là Bồ Tát thể tướng thanh tịnh?

Như thân tướng của Nguyệt Thiên Tử thanh tịnh là do quả báo nơi bốn nghiệp. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, thân thanh tịnh vô cấu sinh ra từ biến hóa, từ chánh pháp, không do tinh khí của cha mẹ.

Đây gọi là Bồ Tát thể tướng thanh tịnh.

Thế nào gọi là Bồ Tát chứng đắc Vô Thượng Thừa?

Ví như Nguyệt Thiên Tử nương vào sự vận hành thanh tịnh chiếu khắp bốn cõi thiên hạ. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, nương vào đại thừa làm cho vô lượng trăm ngàn vạn ức Thế Giới chúng sinh đều được chiếu sáng. Đây gọi là Bồ Tát chứng đắc Vô Thượng Thừa.

Thế nào gọi là Bồ Tát thường tự trang nghiêm?

Như Nguyệt Thiên Tử mang vòng hoa hiển hiện. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, thường tự trang nghiêm bằng công đức anh lạc.

Đây gọi là Bồ Tát thường tự trang nghiêm.

Thế nào gọi là Bồ Tát đạt pháp hỷ lạc?

Như Nguyệt Thiên Tử vui chơi nơi năm dục, tâm thường đắm vướng. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, hội nhập nơi các pháp, tâm thường hỷ lạc, không nhiễm năm dục. Đây gọi là Bồ Tát đạt pháp hỷ lạc.

Thế nào gọi là Bồ Tát có đại thần thông, oai đức tự tại?

Như Nguyệt Thiên Tử có oai đức lớn. Bồ Tát cũng lại như vậy, đầy đủ các công đức tự tại, trí tuệ thần thông biến hóa tùy ý, vô ngại. Đây gọi là Bồ Tát có đại thần thông, oai đức tự tại.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát như Nguyệt Thiên Tử.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là như mặt trời.

Đó là:

1. Có thể diệt trừ vô minh đen tối.

2. Làm cho tín tâm mở bày.

3. Làm cho khắp mười phương ấm áp.

4. Làm cho pháp thiện sinh trưởng.

5. Làm cho hữu lậu diệt mất.

6. Thường hay soi sáng.

7. Hay làm cho tà đạo dị kiến che phủ biến mất.

8. Làm cho gò hố cao thấp đều được hiện rõ.

9. Làm cho tất cả nghiệp thiện được hưng khởi.

10. Làm cho người trí hỷ lạc, người ngu thêm oán ghét.

Thế nào gọi là Bồ Tát hay trừ vô minh đen tối?

Ví như khi mặt trời mọc, mọi không gian đen tối không còn. Cũng vậy, mặt trời Bồ Tát xuất hiện thì có thể trừ vô minh tăm tối của chúng sinh.

Như khi mặt trời mọc, muôn hoa cùng nở. Cũng vậy, mặt trời Bồ Tát xuất hiện, những ai cần nhận sự hóa độ cũng đều được khai ngộ.

Như khi mặt trời mọc, làm cho ấm áp khắp cả mười phương. Cũng vậy, mặt trời Bồ Tát xuất hiện, ánh sáng công đức trí tuệ làm cho mười phương ấm áp, không quấy nhiễu chúng sinh.

Như khi mặt trời sắp mọc, xem minh tướng biết có mặt trời sắp mọc. Bồ Tát cũng lại như vậy, dùng trí quang minh chiếu các thế gian, chúng sinh liền biết mặt trời Bồ Tát xuất hiện.

Như khi mặt trời lặn, mọi phương đều tối mịt, các vật không hiện rõ. Cũng vậy, Bồ Tát dùng ánh sáng trí tuệ nhập vào các tam muội làm cho hết thảy phiền não tối tăm, kết sử lậu hoặc đều diệt mất không còn.

Như khi mặt trời mọc, chiếu sáng Cõi Diêm Phù Đề, diệt hết thảy tối tăm, ánh sáng trí tuệ của Bồ Tát cũng hay chiếu khắp như vậy.

Như khi mặt trời mọc, ánh sáng phủ khắp, các ánh sáng nhỏ như: Ánh sáng đom đóm, ánh lửa… thảy đều không hiện, mà mặt trời không cố tình che phủ các ánh sáng kia, chỉ vì bản chất của nó là vậy. Mặt trời Bồ Tát xuất hiện cũng lại như thế, che khắp hết thảy các dị kiến của đám tà kiến ngoại đạo.

Như khi mặt trời mọc, các vật tốt xấu, cao thấp trong Cõi Diêm Phù Đề đều hiển lộ rõ nét. mặt trời Bồ Tát xuất hiện cũng lại như vậy, soi rõ đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo. Tà là tám tà, chánh là tám chánh.

Như khi mặt trời mọc, nông phu ra đồng làm việc cày cấy. Mặt trời Bồ Tát xuất hiện cũng vậy, những chúng sinh tín tâm đều dốc tu thiện rộng khắp.

Như khi mặt trời xuất hiện, người thiện vui mừng, bọn gian dâm, trộm cướp đều ghét không ưa. Mặt trời Bồ Tát xuất hiện cũng vậy, người hiền, trí vui thích, đám ngoại đạo quần tà không ưa.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát như mặt trời.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp ví như Sư Tử.

Đó là:

1. Vô sở úy.

2. Không sợ đám đông.

3. Ra đi không bao giờ trở lại.

4. Hay gầm tiếng Sư Tử.

5. Đầy đủ biện tài.

6. Vui chốn rừng già.

7. Ở tại hang núi.

8. Thu phục đại chúng.

9. Đủ lực dũng mãnh.

10. Khéo giỏi giữ gìn.

Thiện nam! Thế nào là vô sở úy?

Ví như Sư Tử vào ra, qua lại tự tại không sợ chướng nạn.

Vì sao?

Vì Sư Tử không thấy loài nào bằng nó cả. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, lượn quanh qua lại không e ngại chướng nạn.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không thấy ai bằng mình.

Ví như Sư Tử không sợ quần, bầy. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, có các đại chúng muốn đến giảng luận, Bồ Tát không sợ vấn nạn, tâm cũng không cao thấp.

Ví như Sư Tử tâm không khiếp nhược, khi lâm trận tranh giành, lòng không thoái chuyển, thẳng tiến không lùi. Bồ Tát cũng lại như thế.

Như khi Sư Tử gầm lên thì chim rơi, thú núp, cá, giao, rùa, ba ba. Thuộc thủy tánh đều ẩn trốn dưới đáy nước. Người, súc vật đều kinh sợ. Bồ Tát cũng vậy, hành pháp vô ngã vang lừng như Sư Tử gầm, làm cho hết thảy đám dã can ngoại đạo, kẻ chấp trước nơi ngã kiến trong mười phương đều kinh sợ bỏ chạy.

Đây không phải là Bồ Tát muốn làm cho những chúng sinh đó kinh sợ, chỉ vì nhằm dứt trừ tâm ngã kiến của họ, ngoài ra cũng vì hóa độ các chúng sinh có tín tâm.

Như Sư Tử chúa dũng mãnh vô úy, nhìn khắp bốn phương tâm không khiếp nhược. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, các hạnh thuần tịnh, trí tuệ Tam Muội thường quan sát rõ.

Ví như Sư Tử thích chốn rừng già. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, thường vui sống một mình nơi thanh vắng, lìa xa chỗ náo nhiệt.

Lại như Sư Tử thích ở hang núi. Bồ Tát cũng vậy, thích chốn hang sâu thiền định tam muội.

Ví như Sư Tử không bị điều gì trói buộc. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, đã hoàn toàn lìa xa gánh nặng kết sử, hành hạnh không đắm nhiễm.

Ví như Sư Tử không bè nhóm, có khả năng quật ngã quần bầy. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, ngồi một mình nơi đạo tràng hàng phục chúng ma.

Thiện nam! Giống như Sư Tử sống gần làng mạc làm cho hươu, hoảng… không dám phá hoại các loại hoa màu xanh non. Bồ Tát cũng vậy, sống bất cứ nơi đâu cũng làm cho chúng ma, tất cả ngoại đạo không dám phá hoại chánh pháp.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát giống như Sư Tử.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo giỏi điều phục.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tâm Bồ Đề vững chắc.

2. Hoàn bị sự giác ngộ.

3. Thủ hộ các căn.

4. Hướng về chánh đạo.

5. Khéo gìn giữ chánh pháp.

6. Vì chúng sinh nên không khước từ lao khổ.

7. Sống đời chánh mạng.

8. Hay trừ những lời nói hư vọng dua nịnh.

9. Trừ sạch huyễn hoặc.

10. Tâm thường ngay thẳng.

Thiện nam! Đầy đủ mười pháp này gọi là Bồ Tát khéo điều phục.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo hành hóa.

Đó là:

1. Tuy hành thiền định nhưng thường tu tướng không.

2. Tuy dứt sạch phiền não chướng mà vẫn thường tu đạo.

3. Tuy hay thuận theo pháp Phật mà không có chống trái.

4. Quán các pháp bình đẳng.

5. Thông hiểu pháp giới.

6. Tâm thường tự khiêm cung như Chiên Đà La.

7. Hay trừ tâm cao ngạo, kiêu mạn chấp ngã.

8. Thấy biết các pháp chắc chắn không còn nghi hối. Khéo quan sát các pháp được tướng quyết định.

9. Giỏi vào chánh đạo không theo lời dạy của người khác. Giỏi hướng đến giác ngộ.

10. Ruộng phước của thế gian.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát khéo hành hóa.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp giống như hoa sen.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Thể tánh thanh tịnh.

2. Không bị dính nước.

3. Không nhiễm chút nhơ.

4. Đầy đủ giới hương.

5. Tu hành thanh tịnh.

6. Sắc diện tươi vui.

7. Mềm mại không cứng.

8. Ai thấy cũng được an lành.

9. Tâm ý thuần thục.

10. Sinh đã có tưởng.

Thế nào là không nhiễm vướng?

Như hoa sen sinh trong nước bùn mà không nhiễm bùn. Bồ Tát tuy sinh trong thế gian nhưng không bị pháp thế gian trói buộc.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã đạt được trí tuệ phương tiện.

Như hoa sen, nước không thể làm thấm nhiễm. Bồ Tát cũng vậy, không bị chút cấu uế làm đắm nhiễm.

Như hoa sen sinh mùi hương tỏa ngát xung quanh. Bồ Tát cũng vậy, trụ bất cứ nơi đâu giới hương cũng đầy đủ.

Ví như hoa sen, sinh bất cứ nơi đâu thể tánh cũng vẫn thanh tịnh, được các hàng Bà La Môn, Sát Lợi, dân chúng nơi các thành ấp, làng mạc xưng tán. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, giới hạnh tinh khiết, được các chúng Trời, Người, A Tu La, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân… xưng tán, thường được Chư Phật hộ niệm.

Như hoa sen nở, mọi người đều vui thích. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, sắc diện luôn tươi vui, các căn thanh tịnh, ai thấy cũng mến mộ.

Ví như hoa sen mềm mại không cứng. Bồ Tát cũng thế, thể tánh nhu hòa dịu dàng, nói lời không thô lỗ.

Ví như hoa sen thường được biểu trưng cho tướng tốt, cho đến trong mộng thấy hoa sen cũng gọi là tốt. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, tốt lành trên mọi phương tiện, hoàn toàn quyết định chứng được nhất thiết trí. Do ý nghĩa ấy nên gọi là tất cả đều tốt.

***