Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN HAI
 

Ánh sáng của Bồ Tát tỏa khắp khoảng không như vậy, cùng với ánh sáng từ thân các Bồ Tát kia phóng ra, nhờ đấy, người đói được ăn, người khát được uống, người không có áo được áo, người nghèo được của, người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người què được đi, người điên được tỉnh, người khổ được vui, những người mang thai sinh sản được an ổn…

Đang lúc các đau khổ được tiêu trừ thì Chư Bồ Tát thuộc Thế Giới Liên Hoa Tự Tại cũng vừa đến đỉnh núi Già Da. Lưới báu che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Nơi hư không mây hoa sen, mưa hoa sen. Mây diệu quả, mưa trái đẹp.

Mây vòng hoa, mưa vòng hoa. Mây hương, mưa hương. Mây hương bột, mưa hương bột. Mây vải lụa lạ, mưa vải lụa lạ. Mây hương xoa, mưa hương xoa. Mây y phục, mưa y phục. Mây lọng báu, mưa lọng báu. Mây cờ báu, mưa cờ báu. Mây phướn báu, mưa phướn báu… tùy theo các loại mây như vậy mà mưa xuống. Khi giọt mưa chạm vào thân ai thì người đó cảm thấy mát dịu an lạc.

Lúc này, mọi hầm hố, gò đất nổi trên núi Già Da tự nhiên bằng phẳng. Các cây cối trên núi biến thành rừng cây quý như chiên đàn, trầm thủy, các cây có mùi thơm trang nghiêm khắp nơi.

Trăm ngàn nhạc Trời ở giữa hư không chẳng đánh mà tự tấu lên, các âm thanh ấy hòa quyện vào nhau phát ra kệ:

Sinh nơi Lâm Tì La

Chẳng do nghiệp trói buộc

Đặc biệt chẳng ai bằng

Nay con đảnh lễ Ngài.

Tâm bình như hư không

Đến nơi núi Già Da

Con quy y Tối Tôn

Đấng Giác Ngộ Vô Thượng.

Ngồi nơi cội Bồ Đề

Khi mới thành Chánh Giác

Chỉ đất để làm chứng

Ma oán đều lui tan.

Nay con đến Già Da

Đảnh lễ Đấng Vô Cấu

Thế gian đều huyễn hóa

Như bọt nước, đóm lửa.

Như ánh trăng trong nước

Pháp tướng cũng như vậy

Nay con đến nơi này

Kính lễ cây chánh trí.

Giống như người thợ giỏi

Khéo hiện các quyền biến

Các pháp nhiều vô số

Giống như ngựa Trời hồng.

Cung kính lễ bất động

Kho công đức sâu kín

Con nay từ đó lại

Kính lễ Đấng Vô Thượng.

Khởi hết lòng đại bi

Vô lượng trăm ngàn kiếp

Tu tập giới, định, tuệ,

Tích tụ các nghiệp thiện.

Nay con từ đó lại

Lễ đấng mặt trăng tịnh

Trăm ngàn ức Bồ Tát

Vô lượng chúng Chư Thiên.

Đều từ đó đến đây

Vì lễ đấng trừ ám

Đạt được pháp thục tạng

Từ bi vì chúng nói.

Đấng hay làm lợi ích

Cao quý không ai bằng

Từ kia con đến đây

Kính lễ Bậc Chánh Giác.

Từ bi cứu chúng sinh

Vắng lặng mà trong sáng

Như sen chẳng vướng nước

Tâm chẳng nhiễm phiền não

Nay con đến quy mạng

Kính lễ Đức Tối Thắng.

Thân thanh tịnh vô cấu

Hình tướng như hoa nở

Tám mươi đẹp làm quả

Thế gian được nương nhờ.

Nay con từ đó lại

Kính lễ đấng cây báu

Đủ vô lượng cành lá

Chúng con đều cúng dường.

Bấy giờ, Tôn Giả Mục Liên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, quỳ gối chắp tay, bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nay con nghe âm thanh của kệ tụng vi diệu mà chẳng thấy hình bóng người nói đâu cả!

Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Về phương Đông, cách đây vô lượng hằng hà sa Cõi Phật có Thế Giới Liên hoa, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Liên Hoa Nhãn đang vì đại chúng thuyết pháp.

Cõi đó có Đại Bồ Tát tên là Trừ Cái Chướng cùng với vô lượng trăm ngàn ức Bồ Tát cùng đi tới Thế Giới Ta Bà. Vì muốn đến cung kính, lễ bái ta và chí tâm nghe pháp nên các Bồ Tát nói ra kệ tụng này. Phật vừa nói xong thì các Bồ Tát đến trước Phật.

Trong các vị Bồ Tát đó thì Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng là Thượng Thủ, tất cả đều đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ra đứng qua một bên, chắp tay hướng về Đức Phật Thích Ca dùng kệ tán thán:

Kính lễ đại danh xưng

Đấng đầy đủ trí tuệ

Kính lễ đại tinh tấn

Mâu Ni Tôn tối thắng.

Hay cứu giúp ba cõi

Vượt qua bờ phiền não

Thần quang chiếu thế gian

Kính lễ đấng cao tột.

Bốn phương mong soi sáng

Chiếu khắp đều giải thoát

Kính lễ Đấng Vô Thượng

Bất động như Sơn Vương.

Rộng sâu như biển lớn

Trí tuệ không thể lường

Tất cả các ngoại đạo

Không thể nhiễu loạn được.

Nay con cúi đầu lễ

Kính lễ đấng Pháp Vương

Đạo tịch diệt bậc nhất

Không sinh cũng không diệt.

Thể tướng như Niết Bàn

Kính lễ thuyết Pháp Vương

Đấng hay chuyển pháp luân

Hiện bày đạo chân chánh.

An trụ nơi chân đế

Khai diễn đạo Niết Bàn

Và thọ ký Bồ Đề

Khéo biết tướng các pháp.

Cùng các tánh phiền não

Tu hành như lời nói

Với luật nghi quan sát

Các tham dục, sân hận.

Vô lượng tâm cấu uế

Tất cả các chướng ngại

Ở nơi cội Bồ Đề

Dùng lửa trí thiêu tận.

Hóa độ các chúng sinh

Tự độ mình, độ người

Giữa đồng trống sinh tử

Dốc sức cứu chúng sinh.

Mê ngủ hôn ám nặng

Quay cuồng trong ba cõi

Khuyên bảo sớm giác ngộ

Hướng đến chỗ quy y.

Sẽ được làm thân hữu

Hoàn toàn không phóng dật

Theo nhau đến chỗ Ngài

Đều trụ vào giác ngộ

Vì muốn nghe chánh pháp

Nguyện sớm được giải thoát.

Sau khi Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng dùng kệ khen ngợi Đức Phật, Phật bảo các Bồ Tát trở về chỗ cũ. Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng cùng Chư Bồ Tát đều ngồi lên đài hoa sen.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai phải, quỳ gối phải, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn cho phép.

Đức Phật liền nói: Nếu có điều gì nghi ngờ thì các ông cứ hỏi. Như Lai sẽ vì các ông phân biệt giải đáp.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ sự bố thí, đầy đủ giới, đầy đủ nhẫn, đầy đủ tinh tấn, đầy đủ thiền định, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ phương tiện, đầy đủ nguyện, đầy đủ lực, đầy đủ trí?

Thế nào là Bồ Tát như đất?

Thế nào là Bồ Tát như nước?

Thế nào là Bồ Tát như lửa?

Thế nào là Bồ Tát như hư không?

Thế nào là Bồ Tát như mặt trăng?

Thế nào là Bồ Tát như mặt trời?

Thế nào là Bồ Tát như Sư Tử?

Thế nào là Bồ Tát khéo điều phục?

Thế nào là Bồ Tát khéo chế ngự?

Thế nào là Bồ Tát như hoa sen?

Thế nào là Bồ Tát được ý nguyện lớn?

Thế nào là Bồ Tát được tịnh ý?

Thế nào là Bồ Tát được lưới tâm vô nghi?

Thế nào là Bồ Tát rộng sâu như biển lớn?

Thế nào là Bồ Tát được trí vi tế?

Thế nào là Bồ Tát được biện tài tùy thuận?

Thế nào là Bồ Tát được biện tài vô tận?

Thế nào là Bồ Tát được biện tài thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát có khả năng làm cho chúng sinh được thiểu dục, tri túc?

Thế nào là Bồ Tát được biện tài tùy ứng?

Thế nào là Bồ Tát làm Pháp Sư?

Thế nào là Bồ Tát được pháp tùy thuận?

Thế nào là Bồ Tát giỏi thông đạt pháp giới?

Thế nào là Bồ Tát hành cảnh giới không?

Thế nào là Bồ Tát hành cảnh giới vô tướng?

Thế nào là Bồ Tát hành cảnh giới vô nguyện?

Thế nào là Bồ Tát hành từ?

Thế nào là Bồ Tát hành bi?

Thế nào là Bồ Tát hành hỷ?

Thế nào là Bồ Tát hành xả?

Thế nào là Bồ Tát chứng đắc thần thông diệu dụng?

Thế nào là Bồ Tát lìa được tám nạn xứ?

Thế nào là Bồ Tát không quên tâm Bồ Đề?

Thế nào là Bồ Tát đắc trí mạng túc?

Thế nào là Bồ Tát chẳng lìa tri thức thiện?

Thế nào là Bồ Tát lìa tri thức ác?

Thế nào là Bồ Tát chứng đắc thân Phật thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát chứng đắc thân Kim Cang?

Thế nào là Bồ Tát đạt được đại thương chủ?

Thế nào là Bồ Tát giỏi biết các đạo?

Thế nào là Bồ Tát chỉ rõ đạo không điên đảo?

Thế nào là Bồ Tát thường được tâm định?

Thế nào là Bồ Tát đạt được y phấn tảo?

Thế nào là Bồ Tát đạt được ba y?

Thế nào là Bồ Tát đạt được chiên y?

Thế nào là Bồ Tát đắc pháp khất thực?

Thế nào là Bồ Tát đắc pháp nhất tọa thực?

Thế nào là Bồ Tát đắc pháp nhất thọ thực?

Thế nào là Bồ Tát đắc phi thực, hậu thực?

Thế nào là Bồ Tát hạnh A Lan Nhã?

Thế nào là Bồ Tát đắc thọ hạ tọa?

Thế nào là Bồ Tát đắc lộ địa tọa?

Thế nào là Bồ Tát ở nghĩa địa?

Thế nào là Bồ Tát thường ngồi không nằm?

Thế nào là Bồ Tát có khả năng tùy phu tọa?

Thế nào là Bồ Tát khéo biết chỉ dạy thiền pháp?

Thế nào là Bồ Tát hay trì Kinh?

Thế nào là Bồ Tát hay trì tạng luật?

Thế nào là Bồ Tát hay trì oai nghi?

Thế nào là Bồ Tát giỏi biết hành xứ?

Thế nào là Bồ Tát giỏi biết tu pháp hành?

Thế nào là Bồ Tát trừ bỏ tham lam, ganh ghét?

Thế nào là Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh hay khởi tâm bình đẳng?

Thế nào là Bồ Tát khéo biết cúng dường Như Lai?

Thế nào là Bồ Tát loại trừ kiêu mạn?

Thế nào là Bồ Tát khéo đắc tâm kính tín?

Thế nào là Bồ Tát thông đạt đệ nhất nghĩa đế?

Thế nào là Bồ Tát giỏi biết mười hai nhân duyên?

Thế nào là Bồ Tát giỏi biết thể tướng của mình?

Thế nào là Bồ Tát giỏi biết tướng thế gian?

Thế nào là Bồ Tát sinh ở Cõi Phật thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát ở trong thai không bị ô uế?

Thế nào là Bồ Tát bỏ nhà xuất gia?

Thế nào là Bồ Tát đắc mạng thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát tâm không sầu não?

Thế nào là Bồ Tát thuận theo lời dạy của Phật?

Thế nào là Bồ Tát thường nói lời dịu dàng, hòa nhã?

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ đa văn?

Thế nào là Bồ Tát khéo giữ chánh pháp?

Thế nào là Bồ Tát làm Pháp Vương Tử?

Thế nào là Bồ Tát được các hàng Tứ Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Thiên cúng dường?

Thế nào là Bồ Tát biết thể tướng người khác?

Thế nào là Bồ Tát khéo làm thành thục các chúng sinh?

Thế nào là Bồ Tát khéo tu hạnh nhu hòa?

Thế nào là Bồ Tát sống chung an lạc?

Thế nào là Bồ Tát giỏi tu bốn nhiếp pháp?

Thế nào là Bồ Tát được oai nghi đoan nghiêm?

Thế nào là Bồ Tát khéo vì chúng sinh làm chỗ nương tựa?

Thế nào là Bồ Tát ví như cây thuốc?

Thế nào là Bồ Tát thường tu các điều thiện?

Thế nào là Bồ Tát giỏi biến hóa?

Thế nào là Bồ Tát sớm thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề?

Phật bảo Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng: Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông vì lợi ích của hàng Trời, Người, vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh nên mới hỏi như vậy.

Nay Như Lai sẽ giải đáp cho ông.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Cao cả thay Đức Thế Tôn! Xin Thế Tôn diễn nói.

Phật liền bảo: Này Thiện Nam! Các ông hãy lắng nghe! Nay ta sẽ nói. Bồ Tát phải thành tựu mười pháp thí.

Những gì là mười?

1. Đầy đủ pháp thí.

2. Đầy đủ thí vô úy.

3. Đầy đủ bố thí tài vật.

4. Đầy đủ bố thí không mong cầu đền đáp.

5. Đầy đủ bố thí tình thương.

6. Đầy đủ bố thí tâm không khinh.

7. Đầy đủ bố thí tôn trọng.

8. Đầy đủ bố thí cung kính thừa sự.

9. Đầy đủ bố thí chẳng cầu quả báo.

10. Đầy đủ bố thí thanh tịnh.

***