Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN HAI MƯƠI BA
 

Này Thiện Nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là mau chóng thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tu hành bố thí khiến cho pháp bố thí đầy đủ.

2. Tu tập trì giới, giới không thiếu sót, giới không bị chê trách, dị nghị, vượt hơn giới của hàng Nhị Thừa, thân giới thanh tịnh viên mãn.

3. Đầy đủ nhẫn nhục.

4. Tinh tấn đầy đủ.

5. Thiền định viên mãn.

6. Trí tuệ gồm đủ.

7. Phương tiện trọn vẹn.

8. Nguyện viên mãn.

9. Lực đầy đủ.

10. Trí trọn vẹn, vượt hơn hẳn hàng nhị thừa.

Từ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ chín, là chỗ không thể đạt tới của Bồ Tát.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ Tát mau chóng đạt được quả vị bồ đề vô thượng.

Lúc thuyết giảng phần Kinh này, thì khắp tam thiên đại thiên Thế Giới đều hiện đủ sáu cách chấn động. Trong tam thiên đại thiên Thế Giới ấy, các Núi như Núi Chúa Tu Di, Núi Mục Chân Lân Đà, Núi Đại Mục Chân Lân Đà, Núi Thiết Vi, Núi Đại Thiết Vi, Núi Báu, Núi Đen, các Núi như thế thảy đều cong mình hướng về Núi Già Da.

Vì sao?

Vì do diệu lực nơi thần thông tự tại của Đức Như Lai.

Cũng nơi tam thiên đại thiên Thế Giới, hết thảy các loại cây hoa, các loại cây quả, các loại cây hương, lại đều cong thân hướng tới núi Già Da.

Vì sao?

Vì do diệu lực nơi thần thông tự tại của Đức Như Lai. Vô lượng ức na do tha, trăm ngàn ức Chư Bồ Tát đều cởi các tấm y thượng diệu nơi thân cùng với các xâu chuỗi anh lạc dâng lên cúng dường Đức Như Lai. Do diệu lực từ thần thông nên ngần ấy loại y phục và anh lạc đã tích tụ hơn cả núi Tu Di.

Vô lượng trăm ngàn ức Đế Thích, Hộ Thế, Phạm Thiên Vương cùng chắp tay đảnh lễ, tung rải các loại hoa: Mạn Đà La, Ma Ha Mạn Đà La, Mạn Thù Sa, Ma Ha Mạn Thù Sa, Lô Chi, Ma Ha Lô Chi, lên trên chỗ Phật để cúng dường.

Trăm ngàn vạn ức Chư Thiên, ở trong hư không đều tung rải y Trời, tấu các loại nhạc hay, vô cùng hoan hỷ phát ra âm thanh lớn, đều dùng hoa Trời cúng dường Phật, cùng nói: Phật lại xuất hiện ở thế gian, lại chuyển pháp luân. Chúng sinh có phước vì từ đời trước đã trồng gốc đức, ở nơi trụ xứ của Phật thời quá khứ, đã gieo trồng căn lành lâu xa, nên được nghe Kinh này. Nghe hãy còn khó, huống chi lại còn tin hiểu, biên chép, thọ trì.

Lúc này, vô lượng trăm ngàn Ma Hầu La Già, đối với pháp được diễn nói ấy, phát ra âm thanh như tiếng sấm lớn, vang khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, lại dùng vô số thứ nước hương mưa xuống Núi Già Da.

Vô lượng trăm ngàn Long Vương, ở trước chỗ Đức Phật tấu các loại kỹ nhạc. Vô lượng trăm ngàn Càn Thát Bà, Khẩn Na La, dùng âm thanh dịu dàng hòa nhã, tán thán cúng dường, nhiễu quanh Núi Già Da.

Vô lượng trăm ngàn Dạ Xoa, mưa xuống các hoa sen, tạo ra những trận gió mát mẻ. Vô lượng trăm ngàn Chư Phật ở phương khác đều hiện bày tướng bạch hào phóng ra ánh sáng, cúng dường Đức Như Lai cùng pháp được nêu giảng.

Hào quang hiện ra từ tướng bạch hào tạo thành đủ loại màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, pha lê, vòng quanh khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, xua trừ mọi tối tăm, vòng quanh núi Già Da, rồi nhập vào đỉnh đầu Đức Thế Tôn.

Vô lượng trăm ngàn Bà La Môn, Sát Lợi nơi các thành ấp, làng mạc, dùng đủ loại hoa, hương, anh lạc, hương bột, y phục, lụa, lọng, cờ phướn để cúng dường Phật.

Khi nêu giảng phần Kinh ấy, đã có vô lượng sự cúng dường như vậy. Có bảy mươi hai na do tha Bồ Tát đạt được pháp nhẫn vô sinh. Vô lượng trăm ngàn chúng sinh lìa mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Vô lượng trăm ngàn ức chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thần núi Già Da tên là Vô Tử, cùng với đám quyến thuộc, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, tự đi vào pháp hội, dùng các vật cúng dường dâng lên cúng dường Phật, cúng dường Phật xong, thưa: Bạch Thế Tôn! Con nhớ lại về thời xa xưa, có bảy vạn hai ngàn vị Phật đều ở nơi núi Già Da này, tuyên giảng Kinh Điển ấy, văn chữ câu chương như nay không khác.

Phật bảo: Đích thực là đạt được thiện lợi! Các ông đã được nghe Kinh Bảo Vân như thế!

Có một vị Thiên Tử, suy nghĩ: Thần núi Già Da này, từ lâu đã được nghe pháp ấy, đã cúng dường bảy vạn hai ngàn vị Phật, vì sao không chuyển thân nữ?

Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng nhận biết tâm niệm của vị Thiên Tử kia nên bạch Phật: Thế Tôn! Do nhân duyên gì, Thiên Thần Vô Tử, có uy đức lớn, được nghe pháp bảo này, cúng dường ngần ấy Chư Phật, vì sao không chuyển thân nữ?

Phật đáp: Này Thiện Nam! Vì nhằm tạo lợi ích cho chúng sinh, ông đã hỏi về chỗ do nhân duyên gì… là vì sự giải thoát không thể nghĩ bàn.

Này Thiện Nam! Như Lai nhớ về thời quá khứ, nơi trụ xứ của Phật Toán Số, đã thấy Thiên thần Vô Tử ấy phát tâm cầu đạo quả bồ đề vô thượng. Thiên thần Vô Tử có uy đức lớn, thần thông, cúng dường ngàn vị Phật trong hiền kiếp, ở nơi quốc độ này sẽ được thành Phật hiệu là Vô Tử Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Phật bảo Thiên Thần Vô Tử: Hiện tại người có thể hiện bày về cõi nước khi thành Phật chăng?

Bấy giờ, Thiên Thần Vô Tử liền nhập tam muội hiện nhất thiết sắc. Nhập tam muội rồi, thì đại địa nơi tam thiên đại thiên Thế Giới này bằng phẳng như bàn tay, đều là lưu ly.

Hết thảy các thứ cấu uế, xấu ác, các núi đen… thảy đều mất hết. Nơi nơi đều thấy các cây kiếp bát, cây các báu, cây các hương, chốn chốn đều thấy các dòng suối chảy, ao tắm, nước với tám thứ công đức tràn đầy ở đấy. Mọi kẻ hèn kém nơi các cõi ác đều không hiện bày, trong nước không có tên gọi về người nữ, khắp cõi đều có hoa sen lớn như bánh xe, trên ấy đều có Bồ Tát an tọa theo lối kiết già.

Phật Vô Tử cũng an tọa trên hoa sen, vì các Bồ Tát giảng nói pháp chính yếu. Vô lượng trăm ngàn ức Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương cùng vây quanh. Lại có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh cùng đến cúng dường, Phật vì họ mà thuyết pháp, tuần tự lắng nghe.

Thiên thần Vô Tử từ pháp tam muội hiện nhất thiết sắc xuất, cung kính lễ nơi chân Phật, đi vòng quanh chỗ Phật theo phía bên phải, liền ẩn không hiện.

Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ tạo phước đức như thế nào mới được nghe Kinh này?

Phật nói: Nếu người chí tâm khéo lãnh hội Kinh này, nhớ nghĩ, thọ trì, đọc tụng, biên chép, vì mọi người giảng nói rộng khắp.

Lại có thiện nam, thiện nữ ở nơi tam thiên đại thiên Thế Giới này, trải qua trăm ngàn ức kiếp tu hành bố thí, chẳng bằng các thiện nam, thiện nữ kia, tâm tin thanh tịnh, biên chép, cúng dường Kinh ấy. Do tâm thanh tịnh nên được phước hết sức nhiều.

Vì sao?

Vì tài thí thì phước ít, nhỏ, pháp thí thì phước mới lớn, rộng. Chúng sinh sinh tử ở trong cõi sinh tử, tạo vô lượng tài thí, chưa từng được nghe pháp thí xuất thế gian. Nếu có các thiện nam, thiện nữ có thể khiến cho chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới này đều an lập nơi mười pháp thiện.

Lại có thiện nam, thiện nữ nghe chánh pháp ấy, thứ lớp thọ trì, đọc tụng, phân biệt giảng nói rộng khắp, thì phước đức nơi những người này cũng vượt hơn trường hợp trên.

Vì sao?

Vì phước báo của mười nghiệp thiện sinh nơi Thế Giới này. Hoặc có thiện nam, thiện nữ, có thể khiến cho chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều chứng đắc bốn quả vị của hàng Thanh Văn, chứng đắc quả vị Bích Chi Phật, giả thiết đạt được công đức như thế, cũng không bằng người nghe được diệu nghĩa của một câu nơi Kinh trên, tuần tự thọ trì, đọc tụng, biên chép, vì mọi người mà giảng nói rộng.

Vì sao?

Vì mọi công đức của hàng nhị thừa đều từ Kinh này mà ra. Nhân nơi Kinh này mà có thể phát sinh tất cả Bồ Tát cùng Chư Phật xuất hiện ở thế gian. Nếu đọc tụng Kinh này, theo thứ lớp câu, nghĩa, phân biệt, giải thích, giảng nói, tức là thọ trì tất cả pháp Phật.

Vì sao?

Vì Kinh này là mẹ của tất cả các Kinh. Như chẳng đạt được Kinh này thì các pháp thù thắng lớn lao thảy đều chẳng đạt được. Kinh ấy tức là giới pháp đầy đủ của Bồ Tát.

Lúc này, chư vị Thanh Văn đệ tử của Phật, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải, chắp tay bạch Phật: Thế Tôn! Chúng con ở nơi cảnh giới sinh tử lớn rộng, nghe Kinh này nên đều được xuất ly.

Phật bảo: Này các Tỳ Kheo! Đúng vậy! Đúng vậy!

Đức Thế Tôn lại bảo đại chúng: Các thiện nam, thiện nữ, nếu ở nơi cõi nước, địa phương nào có Kinh Điển này, văn chữ câu chương đúng theo thứ lớp, nên biết nơi chốn ấy tức là chốn đạo tràng, tức là nơi chốn chuyển pháp luân, tức là nơi chốn có tượng, tháp lớn của Chư Phật. Nơi có Kinh này tức là có Thế Tôn.

Vì sao?

Này Thiện Nam! Vì pháp tức là bồ đề. Pháp tức là chuyển pháp luân.

Thiện Nam! Pháp ấy tức là Phật. Cúng dường pháp tức là cúng dường Phật. Nếu nơi chốn nào có Pháp Sư thuyết pháp thì nơi chốn ấy tức là tháp Phật. Đối với bậc Pháp Sư đó nên sinh tưởng kính trọng, tưởng như bậc tri thức thiện.

Tạo tưởng chỉ rõ về chánh đạo nên thấy vị Pháp Sư ấy phải sinh yêu thích, tin kính, hoan hỷ, nên khởi sự nghênh đón từ xa, thỉnh an tọa nơi tòa ngồi, phải nên tán thán: Lành thay! Lành thay! Đã khéo giảng nói về pháp chánh yếu! Hoặc một kiếp, hoặc ít hơn một kiếp, hoặc hơn một kiếp dùng để tán thán. Tán thán như vậy cũng chưa thể biết.

Vì sao?

Vì nếu người ưa thích pháp thì vô số sự tán thán, tôn trọng, cung kính cũng không thể nêu bày hết về nơi chốn của đối tượng được hành hóa. Giả sử có người có thể dùng máu rưới tưới lên đất vẫn không thể gọi là tận tâm cúng dường.

Vì sao?

Vì vị Pháp Sư như thế tức là đã thọ trì hết thảy chủng tử Phật của Như Lai. Pháp Sư như vậy xứng đáng được xem như Sư Tử không khác, chẳng nên tạo tưởng thấp kém, chẳng khởi tâm hủy hại. Vì khoác y thanh tịnh, trong lành, nên sinh tâm tin kính sâu xa. Được kẻ khác tán thán mà tâm không cao ngạo, không khởi ngã mạn, cũng không xem thường kẻ khác, không vì tài lợi, chuyên tâm thuyết pháp.

Bấy giờ, Thích Đề hoàn Nhân bạch Phật: Thế Tôn! Nếu có nơi chốn nào của Thế Giới này có thể thuyết giảng Kinh ấy, thì con sẽ tự thân dẫn hàng quyến thuộc đến nơi đó cúng dường, ủng hộ vị Pháp Sư.

Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Này Kiều thi ca! Đó là việc ông nên làm!

Đại Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Thế Tôn! Pháp được thuyết giảng theo thứ lớp nên gọi tên Kinh này là gì?

Phật dạy: Này Thiện Nam! Kinh này với văn, chữ, chương, câu theo thứ lớp, nên gọi là Bảo Vân, cũng gọi là Bảo Tạng, cũng gọi là Trí Đăng, cũng gọi là Chỗ Thọ Trì Của Bồ Tát Trừ Cái Chướng.

Lúc này, Bồ Tát Trừ Cái Chướng cùng với các vị Bồ Tát, các vị đại Thanh Văn, Đế Thích, Đại Phạm Thiên, Thiên Vương Hộ Thế, Ma Hê Thủ La, là vị Thượng Thủ của Chư Thiên, cho đến tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, vô lượng trăm ngàn ức chúng, đều xưng tán, hoan hỷ phụng hành.

***