Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN HAI MƯƠI HAI
 

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ Tát khéo nhận biết về căn tánh, về các thứ kết sử trong ngoài.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là có thể thành tựu đầy đủ cho chúng sinh.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đối với các chúng sinh nên thấy thân Phật để được hóa độ, Bồ Tát liền hiện thân Phật.

2. Nên thấy thân Bồ Tát để được hóa độ, liền hiện thân Bồ Tát.

3. Nên thấy thân Duyên Giác để được hóa độ, liền hiện thân Duyên Giác.

4. Nên thấy thân Thanh Văn để được hóa độ, liền hiện thân Thanh Văn.

5. Cần thấy thân Đế Thích để được hóa độ, liền hiện thân Đế Thích.

6. Cần thấy thân ma để được hóa độ, liền hiện thân ma.

7. Cần thấy thân Phạm Vương để được hóa độ, liền hiện thân Phạm Vương.

8. Nên thấy thân Bà La Môn để được hóa độ, liền hiện thân Bà La Môn.

9. Nên thấy thân Sát Lợi để được hóa độ, liền hiện thân Sát Lợi.

10. Nên thấy thân Trưởng Giả để được hóa độ, liền hiện thân Trưởng Giả.

Các thân như vậy, tùy chỗ ứng hợp thảy đều hiện bày.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ Tát có thể thành tựu đầy đủ cho chúng sinh.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo điều phục thuận hợp.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Ngay thẳng, thành thật, mềm dịu.

2. Không có tâm dua nịnh, dối trá.

3. Không có tâm não hại.

4. Không có tâm cấu uế.

5. Tâm luôn thanh tịnh.

6. Không có tâm thô ác.

7. Dứt trừ tâm sân hận.

8. Dứt trừ lời nói thô bạo xấu ác.

9. Luôn hành nhẫn nhục.

10. Hay dứt bỏ mọi thứ tranh luận.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát có thể khéo điều phục thuận hợp.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là cùng trụ nơi an lạc.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Chánh kiến thanh tịnh.

2. Tu hành đầy đủ.

3. Đầy đủ giới thanh tịnh.

4. Đầy đủ các nơi chốn hành hóa.

5. Ứng hợp với pháp xuất gia.

6. Chẳng trụ nơi chốn có phiền não phát khởi.

7. Tâm ý hòa nhã thuận hợp đối với các vị đồng phạm hạnh.

8. Như bò mẹ nhớ bê con, Bồ Tát luôn tu tập, hành trì bình đẳng.

9. Luôn ưa thích chánh đạo giác ngộ bậc nhất.

10. Chỉ Phật là bậc tôn quý, không cầu các vị thần khác.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ Tát cùng trụ nơi an lạc.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là pháp thâu nhiếp chúng sinh.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Dùng bố thí để thâu nhiếp chúng sinh.

2. Dùng an lạc để thâu nhiếp.

3. Dùng bố thí vô tận để thâu nhiếp.

4. Dùng lợi lạc để thâu nhiếp.

5. Dùng lợi ích của đạo nghĩa để thâu nhiếp.

6. Dùng việc giảng nói pháp để thâu nhiếp.

7. Dùng sự giáo hóa, dẫn dắt để thâu nhiếp.

8. Dứt trừ mọi thứ hơn kém để thâu nhiếp.

9. Cùng ăn uống để thâu nhiếp.

10. Các vật dụng cần cho đời sống thảy đều cung cấp để thâu nhiếp chúng sinh.

Thế nào là bố thí để thâu nhiếp chúng sinh?

Tức thường dùng pháp thí dứt trừ vĩnh viễn các khổ của chúng sinh.

Thế nào là dùng an lạc để thâu nhiếp?

Tức bố thí sự ăn uống khiến chúng sinh được no đủ, không còn tưởng về đói khát.

Thế nào gọi là bố thí vô tận?

Tức chỉ dạy tu tập thiền định, xa lìa tán loạn. Đó gọi là bố thí vô tận.

Thế nào là đem lại lợi ích?

Tức chỉ dạy, trao truyền các pháp thiện làm tăng trưởng tín tâm. Đó gọi là đem lại lợi ích.

Thế nào là đem lại lợi lạc về đạo nghĩa?

Là dẫn dạy về pháp như thật, khiến thấu tỏ sâu xa về tướng không.

Thế nào là bố thí bằng thuyết pháp?

Tức dựa nơi Kinh Điển, tùy chỗ nên nghe mà giảng nói, hoàn toàn không có tà thuyết.

Thế nào là đem lại sự dẫn dắt, giáo hóa?

Là giảng nói pháp như thật, không nhầm lẫn về tướng.

Thế nào gọi là dứt trừ mọi thứ hơn kém, xấu tốt để thâu nhiếp?

Đó là dốc sức diệt trừ pháp ác, tạo lập pháp thiện.

Thế nào là cùng ăn uống để thâu nhiếp?

Tức mọi thứ thức ăn uống hiện có thảy đem cho đại chúng cùng thọ hưởng.

Thế nào là bố thí các vật dụng cần cho đời sống?

Đó là các thứ voi ngựa, bảy báu, cho đến các vật dụng đủ loại cần cho thân mạng đều cung cấp đầy đủ.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ Tát hành trì các pháp thâu nhiếp chúng sinh.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là thân tướng đoan nghiêm.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Oai nghi tĩnh lặng.

2. Oai nghi đích thực, không dối trá.

3. Oai nghi thanh tịnh.

4. Oai nghi khiến người thấy đều yêu kính.

5. Oai nghi như Mặt Trăng.

6. Oai nghi khiến người xem không hề chán đủ.

7. Oai nghi khiến tâm ý vui vẻ.

8. Oai nghi khiến mọi người đều ưa thích chiêm ngưỡng.

9. Oai nghi có thể khiến cho hết thảy đều hoan hỷ.

10. Oai nghi có thể khiến cho tất cả đều tin, vui.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát hành trì với oai nghi đoan nghiêm.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là có thể làm nơi nương tựa.

Đó là:

1. Có thể ủng hộ chúng sinh khiến họ lìa bỏ phiền não.

2. Có khả năng khiến chúng sinh ra khỏi chốn đồng hoang vắng sinh tử hiểm nạn.

3. Có khả năng khiến cho chúng sinh ra khỏi biển lớn sinh tử.

4. Có thể vì các chúng sinh không ai cứu hộ làm nơi chốn thân hữu.

5. Có thể vì các chúng sinh bị bệnh phiền não làm vị lương y.

6. Đối với những kẻ không ai cứu giúp có thể cứu giúp.

7. Đối với những người không có nhà cửa tạo ra nhà cửa.

8. Làm chỗ quay về nương tựa cho những kẻ không chốn dựa nương.

9. Làm chốn đất liền, nương bãi cho những kẻ bơ vơ.

10. Những người chưa đạt đến khiến cho đạt đến.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp này gọi là Bồ Tát luôn có thể làm nơi chốn nương tựa.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là cây thuốc lớn.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Ví như cây thuốc quý tên là Thiện Kiến, nên có chúng sinh dùng rễ cây để trừ hết bệnh.

2. Có chúng sinh dùng thân cây để trừ hết bệnh.

3. Hoặc dùng cành cây để trừ dứt bệnh.

4. Hoặc dùng lá cây để trừ dứt bệnh.

5. Hoặc dùng hoa của cây để trừ hết bệnh.

6. Hoặc dùng quả để trừ hết bệnh.

7. Hoặc thấy màu sắc để trừ hết bệnh.

8. Hoặc có chúng sinh ngửi mùi hương dứt trừ hết bệnh.

9. Hoặc nếm vị để trừ hết bệnh.

10. Hoặc xúc chạm để trừ hết bệnh.

Thiện Nam! Đại Bồ Tát cũng lại như vậy. Từ khi mới phát tâm đã vì vô lượng chúng sinh với từng ấy các thứ bệnh phiền não, có người dựa nơi hạnh xả của Bồ Tát để được sống, có người nương nơi giới của Bồ Tát để được sống, có người dựa nơi nhẫn nhục của Bồ Tát để được sống.

Có kẻ nương vào tinh tấn của Bồ Tát để được sinh mạng, có kẻ dựa vào thiền định của Bồ Tát để được sinh mạng, có chúng sinh nương nơi trí tuệ của Bồ Tát để được sinh mạng, có kẻ nhờ thấy pháp mà được thọ mạng, có chúng sinh nhờ nghe tiếng mà được sống, có kẻ nhờ nếm vị mà được thọ mạng, có người nhờ đồng sự mà được thọ mạng.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp này gọi là Bồ Tát hành trì làm cây thuốc lớn.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là siêng năng tu tập phước nghiệp.

Đó là:

1. Thường đối với Tam Bảo, tùy theo khả năng mà cúng dường.

2. Đối với người bệnh thì cung cấp thuốc men.

3. Đối với kẻ đói khát thì bố thí các thức ăn uống.

4. Đối với kẻ thiếu thốn y phục phải chịu lạnh thì bố thí y phục.

5. Đối với các bậc Hòa Thượng, A Xà Lê thì luôn cung kính, cúng dường, tin thọ những lời chỉ dạy.

6. Đối với các vị đồng phạm hạnh thì đón tiếp, thăm hỏi, cung kính lễ bái.

7. Tạo ra các vườn hoa, cây, ao tắm giếng nước.

8. Lại dùng các loại vải lụa để bố thí cho tất cả.

9. Bố thí luôn cả các nô tỳ, gia tộc, khiến cho quyến thuộc trong ngoài cũng cùng bố thí.

10. Cùng với các bậc Sa Môn trì giới luôn nhớ nghĩ, gần gũi, lui tới để cung kính, cúng dường.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát siêng năng tu tập phước nghiệp.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo có thể biến hóa.

Đó là:

1. Nơi một Cõi Phật, thân tướng bất động mà có thể hiện hữu khắp các Cõi Phật để thưa thỉnh, hỏi đáp.

2. Nơi một Cõi Phật, thân tướng bất động mà có thể hiện hữu khắp các Cõi Phật để nghe thọ nhận pháp vi diệu.

3. Nơi một Cõi Phật, chẳng động mà có thể hiện hữu để cúng dường khắp các Chư Phật trong mười phương.

4. Nơi một Cõi Phật, bất động, mà có thể hiện hữu khắp các Cõi Phật để trang nghiêm đạo quả Bồ Đề thảy đều đầy đủ.

5. Nơi một Cõi Phật, bất động, mà có thể hiện hữu khắp tất cả Cõi Phật, ở đấy, khi Phật mới thành tựu đạo quả, an tọa tại cội Bồ Đề nơi đạo tràng, đã cung kính cúng dường, tôn trọng, tán thán.

6. Nơi một Cõi Phật, bất động, có thể dùng tự thân hiện hữu khắp tất cả các Cõi Phật, an tọa nơi đạo tràng, thành tựu đạo quả Bồđề vô thượng.

7. Nơi một Cõi Phật, bất động, có thể hiện hữu khắp các Cõi Phật, chuyển pháp luân.

8. Nơi một Cõi Phật, bất động, có thể hiện hữu khắp các Cõi Phật, nhập Bát Niết Bàn.

9. Nơi một Cõi Phật, bất động, có thể hiện hữu nơi tất cả Cõi Phật trong mười phương, đối với các chúng sinh nên thọ nhận sự hóa độ, đều hiện thân để giáo hóa.

10. Bồ Tát đạt được thần lực vô tác, nơi tất cả Cõi Phật khắp mười phương không tạo tưởng biến hóa, cũng không tạo mọi biến hóa, tùy các chúng sinh cần được chiêm ngưỡng, Bồ Tát thảy đều ứng hiện.

Bấy giờ, Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát có thể tạo được những biến hóa như vậy, lại nói là Cũng không tạo tưởng biến hóa, cũng không tạo các biến hóa?

Phật bảo: Này thiện nam! Ông nay hãy lắng nghe! Như Lai sẽ nêu thí dụ.

Ví như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu khắp bốn cõi thiên hạ, tạo lợi ích cho thế gian, có thể ở nơi các chúng sinh luôn tạo mọi lợi lạc, mà mặt trời, mặt trăng cũng không dấy khởi tưởng: Ta có thể soi chiếu nơi các chúng sinh, tạo lợi ích lớn, nhưng các chúng sinh đều nhờ nơi ánh sáng tỏa chiếu ấy.

Bồ Tát cũng thế, do nhân duyên của thệ nguyện từ nơi nghiệp thiện gốc, chứng đắc pháp vô tác nên tự nhiên thành tựu, có thể không tạo tưởng biến hóa, cũng không tạo mọi thứ biến hóa, nhưng đối với hết thảy những nơi chốn có lợi ích đều thấy có sự biến hóa.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát hành trì pháp khéo biến hóa.

***