Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN MƯỜI BẢY
 

Thiện nam! Nhất tọa tức là pháp tọa. Bồ Tát chẳng hề dao động nên gọi là nhất tọa.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ Tát hành pháp nhất tọa.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là nhất thọ thực.

Đó là:

1. Thọ thực không tham cầu.

2. Thọ thực không nhiễm, đắm.

3. Cho là thọ thực đã đủ thì không thọ nhận bơ, dầu.

4. Không thọ nhận hắc thạch mật.

5. Không thọ nhận nước quả A ma lặc.

6. Không thọ nhận nước mía, cùng nước của những thứ quả khác. Đúng thời hay phi thời đều không ăn uống.

7. Thấy người khác ăn uống không sinh phiền não.

8. Thường ăn một lần.

9. Bồ Tát giả như có bệnh khổ, hoặc tánh mạng gặp hoạn nạn, hay pháp thiện gặp trở ngại, trong các trường hợp ấy đều không sinh tâm nghi, hối.

10. Luôn tạo tưởng thọ thực như uống thuốc.

Này thiện nam! Đầy đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ Tát hành pháp nhất thọ thực.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là trụ nơi A Lan Nhã.

Đó là:

1. Tu tập phạm hạnh từ lâu.

2. Không hiểu về giới luật.

3. Các căn đầy đủ.

4. Nghe rộng biết nhiều.

5. Trí tuệ sâu xa.

6. Dứt trừ ngã kiến.

7. Ví như hươu nai.

8. Thân tướng không mập không ốm.

9. Tâm luôn chán lìa điều ác.

10. Ưa thích chốn thanh vắng tịch tĩnh, chốn A Lan Nhã.

Thế nào là tu tập phạm hạnh từ lâu?

Này thiện nam! Đại Bồ Tát ở trong pháp Phật xuất gia học đạo, ba nghiệp thanh tịnh, thọ trì giới cấm, khéo nhận biết về các pháp, hiểu rõ về oai nghi ứng hợp với nơi chốn đi, ở. Qua, lại, nằm, ngồi, hoàn toàn dựa theo giới pháp.

Trong pháp của Như Lai, luôn hành trì đúng với các bậc Thượng, Trung, Hạ. Chỉ dạy về oai nghi nơi giới, hoặc có thể chỉ dạy về pháp thiền. Các pháp như thế đã tự thông hiểu, hành trí, không thọ nhận từ kẻ khác. Hiểu biết về nghĩa, về nẻo xuất ly, giải thoát.

biết rõ về tọa thiền, về lỗi lầm phát sinh, nên tránh những sự hủy phạm, tinh tấn tu trì về giới. Nếu có chỗ phạm dù ít, cũng nên tự chê trách, sám hối. Theo chỗ bị phạm cùng do đấy mà chẳng phạm, đều có thể nhận biết rõ. Nếu phạm tội nặng, kể cả tội vừa, nhẹ, đều có thể phân biệt về sự thọ nhận quả báo nhẹ nặng xa gần. Các căn đầy đủ, dựa nơi chốn A Lan Nhã.

Nơi được nương tựa ấy không bị kẻ khác gây phiền não. Luôn ưa thích hành khất thực, chốn lui tới không gần không xa. Gần chỗ nước trong sạch, không đục không dơ. Thích chỗ có nhiều cây rừng, nơi không gây sự sợ hãi, hoa quả đủ đầy, lìa xa nơi có thú dữ, hang động, đền thờ, chọn chốn tịch tĩnh bậc nhất, lui tới không khó khăn.

Bồ Tát ở nơi chốn như thế, ngày đêm sáu thời, đọc tụng Kinh, Luật, âm thanh vừa phải, khéo giữ các căn, tâm không tán loạn, có lòng tin sâu xa, luôn vui vẻ nên có thể nhớ đủ về câu kệ. Khéo chọn lấy tướng nhân để trừ bỏ việc ham ngủ nghỉ.

Các bậc Quốc Vương, Vương Hầu, Vương Tử, các hàng Bà La Môn, Sát Lợi, cùng chúng dân, đi đến chốn A Lan Nhã của Bồ Tát, vị Tỳ Kheo xướng: Lành thay! Đại Vương đã thân hành đến đây. Xin an tọa vào chỗ này! Khi Vua ngồi, Bồ Tát cùng ngồi. Nếu Quốc Vương không ngồi, Bồ Tát cũng không ngồi.

Nếu các căn của Vua không ổn định, Bồ Tát phải nên tán thán: Đại Vương khéo đạt được lợi lớn. Vì trong cõi nước của Vua có nhiều vị Sa Môn, Bà La Môn hành trì giới luật, nên không bị những kẻ ác, đạo tặc phá hoại.

Nếu Vua là hàng lợi căn, hòa nhã khéo thuận hợp, có thể làm bậc pháp khí, thì nên vì đấy mà thuyết giảng giáo pháp. Hoặc không thích việc thuyết pháp thì nên giảng nói về năm dục là vô thường khiến Vua nhận biết mà chán lìa điều ác. Nếu không ưa việc chán lìa điều ác thì nên vì Vua nêu giảng về Chư Phật có tâm đại từ bi, uy đức tự tại với chỗ hành hóa ứng hiện rộng khắp.

Đối với các hàng Sát Lợi, Bà La Môn, Trưởng giả, chủ các thành ấp cùng chúng dân thì tùy hoàn cảnh thích hợp mà giảng nói pháp. Bồ Tát đối trước những người đa văn như vậy nên cho là có thể làm bậc pháp khí, tức nên vì họ hết lòng giảng giải pháp Phật, nghe rồi tin, thọ, tâm sinh vui thích, đều khiến hoan hỷ.

Bồ Tát đa văn, hiểu biết sâu rộng nên không phiền não dấy khởi. Do khéo tu pháp đối trị, có thể dứt trừ ngã kiến, nên không sinh sợ sệt. Trí tuệ biện tài gồm đủ nên đối nơi đại chúng không chút kinh sợ. Dũng mãnh, không cho là khó khăn, hành trì đủ các sự việc như vậy nên có thể an trụ nơi chốn A Lan Nhã.

Giữ vững tâm, chán lìa điều ác, vui thích ở một mình nơi vắng lặng, giống như nai rừng thường ở chốn sơn lâm. Tỳ Kheo trụ A Lan Nhã khác với loài nai rừng vì tâm không còn kinh sợ. Loài nai kia khi thấy người thì vội vàng chạy lánh, vì sợ bị bắn giết. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, đối với các nơi chốn đông đúc náo nhiệt, hết thảy nam nữ đều nên xa lìa.

Vì sao?

Vì khiến cho tâm mình bị loạn động, khó tu thiền định, không thể chán bỏ điều ác, tu tập công đức, tạo sự ưa thích tịch tĩnh. Ta nay không nên đắm nhiễm, gần gũi nơi đô hội, khiến mất tâm định, trụ nơi A Lan Nhã.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ Tát hành trì chốn A Lan Nhã.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là trụ nơi cội cây.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Chẳng ở gần nơi làng xóm.

2. Nương theo chỗ có cây cối mà trụ.

3. Chẳng trụ gần chỗ có nhiều gai gốc.

4. Chẳng trụ gần chỗ có cây cỏ độc hại.

5. Chẳng trụ nơi cây cối trụi lá.

6. Chẳng trụ nơi cây có loài khỉ vượn ở.

7. Chẳng trụ nơi cây có tổ, hang của loài chim, thú.

8. Chẳng trụ nơi có loài thú dữ.

9. Chẳng trụ nơi có kẻ trộm, giặc, nguy hiểm.

10. Chỗ trụ của Bồ Tát không có những sự sợ hãi, khiến tâm luôn an vui.

Này thiện nam! Đầy đủ mười pháp như thế, gọi là Bồ Tát hành trì pháp trụ nơi cội cây.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là ngồi nơi khoảng đất trống.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Bốn mùa xuân, thu, đông, hạ không dựa nơi tường vách mà trụ.

2. Cũng không nương nơi cội cây mà trụ.

3. Chẳng dựa nơi bãi cỏ mềm mà trụ.

4. Chẳng dựa nơi mé núi cao dốc.

5. Chẳng trụ nơi bờ sông.

6. Không tạo các vật dụng ngăn lạnh, ngăn gió, ngăn mưa, ngăn nóng, ngăn sương móc.

7. Bồ Tát ngồi nơi khoảng đất trống, trường hợp thân bị bệnh, ốm yếu, nên tìm đến trụ xứ của Chúng Tăng, suy niệm: Đức Như Lai vì nhằm ngăn chận các thứ kết sử, nên thuyết giảng về hạnh Đầu Đà. Ta nay tuy ở tại trụ xứ của Chúng Tăng, nhưng phải dốc đoạn trừ kết sử.

8. Tuy ở nơi chúng Tăng nhưng không sinh tâm tham đắm.

9. Không phải vì thân mình, chỉ vì các hàng thí chủ, giúp họ thành tựu các công đức.

10. Luôn khởi tưởng như ngồi nơi chỗ đất trống.

Đầy đủ mười pháp này, gọi là Bồ Tát hành trì pháp ngồi nơi đất trống.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là ngồi nơi vùng gò mả.

Đó là:

1. Theo chỗ an trụ luôn khởi tâm chán lìa điều ác.

2. Thường tu tập quán tưởng về thây chết cùng những liên hệ từ thây chết.

3. Ngồi nơi vùng gò mả, luôn tu tập tâm từ.

4. Khởi tưởng tạo lợi ích, thương xót chúng sinh.

5. Thọ trì thanh tịnh các giới cấm, luôn đầy đủ các oai nghi.

6. Trọn không ăn thịt.

Vì sao?

Vì gần với vùng gò mả có các loài phi nhân cùng những quỷ thần xấu ác ăn máu thịt người, tâm địa thấp hèn, không vui khi thấy Bồ Tát ăn thịt, sẽ tạo mọi sự não hại.

7. Tỳ Kheo ngồi nơi vùng gò mả, đi tới trụ xứ của Tăng Chúng, trước hết nên lễ bái tháp Phật, rồi đảnh lễ các vị Thượng Tọa, Đại Đức. Nói năng, bàn luận nên đứng để thưa, đáp. Không ngồi chỗ có y áo, chăn đệm.

Vì sao?

Vì luôn giữ lấy sự quý trọng đối với vật của Tăng Chúng.

8. Như kẻ phàm phu ngu tối xem thường nơi chốn vùng gò mả. Bồ Tát thì không như thế.

9. Giá như có người bày biện chỗ ngồi, mời Bồ Tát an tọa, Bồ Tát nên hỏi: Đây là ý riêng của ông hay là ý của Chúng Tăng?

Xem ý của người trước mặt mình chẳng sinh tâm hối hận, sau đấy mới ngồi.

10. Khởi tâm cho là thấp kém như con cái hàng Chiên Đà La.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ Tát hành trì pháp ngồi nơi nghĩa địa.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là luôn ngồi, không nằm.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Chẳng vì thân khổ nên thường ngồi.

2. Chẳng vì tâm khổ nên luôn ngồi.

3. Chẳng vì dứt bỏ sự ngủ nghỉ nên thường ngồi.

4. Chẳng vì quá mệt nhọc nên thường ngồi.

5. Vì nhằm thực hiện đầy đủ các pháp bồ đề nên thường ngồi.

6. Nhằm khiến tâm được chuyên nhất nên luôn ngồi.

7. Nhằm khiến hướng tới chánh đạo.

8. Nhằm an tọa nơi đạo tràng chứng đắc đạo quả giác ngộ vô thượng.

9. Nhằm tạo lợi ích cho chúng sinh.

10. Vì dốc đoạn trừ tất cả các thứ kết sử.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ Tát hành trì pháp luôn ngồi không nằm.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tùy nghi trải tòa ngồi.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Chẳng tham đắm chỗ ngồi nên thuận theo đấy mà ngồi.

2. Không tự bày tòa ngồi, cũng không khiến người khác trải tòa ngồi.

3. Không tạo ra hình tướng khác lạ để khiến người khác trải tòa.

4. Tòa ngồi hoặc bằng cỏ hoặc bằng cành lá cây khô, tùy nghi mà ngồi lên.

5. Nếu là chỗ có nhiều kiến, ong, ruồi nhặng… thì nên bỏ đi.

6. Nếu khi muốn nằm thì nên nằm nghiêng theo phía hông bên phải. Hai chân chồng lên nhau, khéo tóm vén y phục gọn gàng.

7. Hoặc lúc ngủ nghỉ thì phải giữ vững lấy tâm, minh tướng xuất hiện thì dậy.

8. Ý không tham vướng việc ngủ nghỉ, cho là vui thích.

9. Khi nằm nghiêng theo phía hông bên phải, nếu bị mệt mỏi lắm cũng không chuyển sang nằm theo hông bên trái.

10. Nhằm điều hòa bốn đại, luôn nhớ nghĩ đến điều thiện.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này gọi là Bồ Tát hành trì pháp tùy nghi trải tòa ngồi.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là thành tựu về thiền.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tu tập nhiều pháp quán bất tịnh.

2. Tu tập nhiều pháp quán từ bi.

3. Tu tập nhiều pháp quán mười hai nhân duyên.

4. Tu tập nhiều pháp lìa lỗi lầm.

5. Tu tập nhiều về pháp không.

6. Tu tập nhiều về môn vô tướng.

7. Tu tập nhiều về môn vô nguyện.

8. Tu tập nhiều về thiền.

9. Tu tập nhiều về pháp không hối hận.

10. Trì giới đầy đủ, hoàn hảo.

***