Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN MƯỜI BỐN
 

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà thị hiện xả bỏ thọ mạng ở Cõi Trời Đâu Suất Đà, cho đến thị hiện nhập Niết Bàn?

Phật đáp: Trời Đâu Suất Đà còn đắm nhiễm nơi năm dục, sinh nhiều kiến chấp, tưởng thường. Trong tất cả chúng sinh, Bồ Tát là tối thắng, tối thượng, không nhiễm nơi năm dục, xả bỏ thọ mạng để có thể phá trừ bệnh tưởng chấp thường của chúng sinh, khiến đạt được tưởng vô thường, tâm không phóng dật.

Trời Đâu Suất Đà còn nhiều phóng dật, không sinh tâm cung kính tin vui, tham cầu ái dục, không thọ chánh pháp, ngày đêm theo nẻo phóng túng mê vui. Do vậy, Bồ Tát vì muốn trừ tâm phóng dật của họ mà thị hiện xả bỏ thọ mạng.

Khi ấy, chúng sinh thấy Bồ Tát xả bỏ thọ mạng thì đều trừ được phóng dật, sinh tâm nhàm chán xa lìa. Nhờ trừ bỏ phóng dật nên chúng sinh liền phát tâm bồ đề vô thượng.

Bồ Tát thị hiện nơi thai mẹ, có nhiều tướng lạ cũng vì khiến chúng sinh tin thọ sự biến hóa ấy. Tuy ở thai mẹ nhưng Bồ Tát luôn vì chúng sinh mà thuyết pháp, làm cho tất cả đều được tâm không thoái chuyển, chóng đạt đến quả vị bồ đề vô thượng.

Nếu có chúng sinh thấy Bồ Tát từ lúc còn nhỏ, liền thành tựu được thiện căn, thì Bồ Tát vì chúng sinh đó mà hiện làm hài nhi.

Nếu có chúng sinh thiện căn được tăng trưởng, khi thấy Bồ Tát xuất gia, thì Bồ Tát liền vì những chúng sinh đó mà xả bỏ nhà cửa thế gian xuất gia.

Nếu có chúng sinh tâm ý gắn chặt với sự thô tệ, Bồ Tát hiện hành khổ hạnh, khiến chúng sinh đó được thành thục.

Các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… cần thấy khổ hạnh mới thành tựu đầy đủ thì Bồ Tát liền hiện hạnh khổ hạnh làm cho họ thành thục.

Cũng nhằm điều phục các ngoại đạo, vô lượng chúng sinh nhiều kiếp phát nguyện mau thấy Bồ Tát hướng đến Bồ Đề thọ, Bồ Tát tùy theo ý họ, liền thị hiện đi đến nơi cội Bồ Đề, tức thời các chúng sinh ấy đạt được không thoái chuyển, cho đến phát tâm cầu đạo quả Bồđề vô thượng.

Lại vì chúng sinh cao ngạo, kiêu mạn, tự ỷ thế lực, Bồ Tát vì muốn phá trừ tâm kiêu mạn của họ nên thị hiện ngồi nơi đạo tràng hàng phục ma oán, khiến họ tin phục.

Vì chúng sinh ưa tịch tĩnh, thiện căn tăng trưởng nên Bồ Tát thị hiện ngồi nơi đạo tràng.

Lúc Bồ Tát ngồi tòa đạo tràng, có khả năng làm cho hết thảy âm thanh trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều ngưng bặt. Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới tức thì tịch tĩnh, khiến cho người ưa tịch tĩnh sinh tưởng hy hữu, phát tâm bồ đề vô thượng, có thể làm cho chúng sinh đều được tịch tĩnh.

Lại có chúng sinh tự cho mình là Đại sư, tác tưởng về nhất thiết trí, không hiểu đạo xuất yếu, không biết pháp xuất thế, cũng không biết về hiện sinh, hậu báo, vì nhằm hàng phục các chúng sinh như vậy.

Lại thấy các chúng sinh có khả năng làm bậc pháp khí, thành tựu đầy đủ pháp thiện cho nên Bồ Tát thị hiện thành đạo quả vô thượng bồ đề, rồi đến Ba La Nại, ba lần chuyển pháp luân giảng nói tứ Thánh Đế.

Lại có chúng sinh cần hiện cảnh Niết Bàn mới thành thục, vì muốn các chúng sinh đó đạt được những thành tựu trọn vẹn nên Bồ Tát thị hiện nhập Niết Bàn.

Vì những nhân duyên như vậy, vì những giáo nghĩa như vậy nên Bồ Tát thị hiện ngồi tòa đạo tràng, cho đến thị hiện nhập Niết Bàn.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát hiện bày thần thông diệu dụng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là lìa tám nạn.

Đó là:

1. Lìa các pháp bất thiện.

2. Giới cấm của Như Lai chế, trọn đời không phạm.

3. Trừ bỏ tham lam, ganh ghét.

4. Đã trồng các căn lành trong thời Phật quá khứ.

5. Thường tu đầy đủ phước nghiệp, trí tuệ.

6. Thông hiểu phương tiện.

7. Thông hiểu về sự phát nguyện.

8. Chán lìa tâm ác.

9. Siêng năng tinh tấn.

10. Bồ Tát không tạo nghiệp ác mà vào địa ngục. Tuy ở địa ngục nhưng trọn không thọ khổ báo của địa ngục.

Chỗ không vui, cũng không sinh buồn phiền.

Tuy đọa vào địa ngục nhưng Bồ Tát ở đó không lâu, cũng lại không sinh tâm não hại.

Bồ Tát tánh khí nhu hòa, hằng tu mười pháp thiện.

Nhờ tu mười thiện nên không bị đọa vào địa ngục.

Bồ Tát không hủy giới cấm của Phật mà vào cõi súc sanh. Tuy hiện làm súc sanh mà không thọ khổ của súc sanh.

Bồ Tát không khởi tham lam, ganh ghét nhưng lại vào trong cõi ngạ quỷ. Tuy hiện làm ngạ quỷ mà Bồ Tát không thọ khổ của ngạ quỷ.

Bồ Tát không bao giờ sinh vào nhà tà kiến. Nếu sinh nơi tà kiến, chắc chắn Bồ Tát sẽ gặp tri thức thiện.

Vì sao?

Vì ở đời quá khứ Bồ Tát đã tu các điều thiện, cũng gieo trồng thiện căn trong thời Phật quá khứ lâu xa nên thường sinh vào nhà chánh kiến, đầy đủ nhân duyên thiện. Do đầy đủ nhân duyên thiện nên công đức tăng trưởng rộng lớn.

Bồ Tát không bao giờ khiếm khuyết các căn. Nếu các căn khiếm khuyết, Bồ Tát chẳng thể làm bậc pháp khí.

Bồ Tát tích đức lâu xa, tu phước không hề mệt mỏi. Đối với các hình tượng, Chùa Tháp, Pháp Tạng, Tăng Chúng, bất cứ ở nơi đâu Bồ Tát cũng tu phước, tâm không bê trễ. Do thường tu phước nên Bồ Tát luôn đầy đủ các căn, không khiếm khuyết, có khả năng làm bậc pháp khí.

Bồ Tát trọn chẳng sinh những nơi xấu ác như chốn biên địa, hoặc làm kẻ ngu tối, câm điếc. Ví như loài bạch tượng ngu si vô trí, không phân biệt được nghĩa lý thiện ác, không thể làm bậc pháp khí, cũng lại không biết các hàng Sa Môn, Bà La Môn.

Bồ Tát sinh ở vùng giữa đất nước, lợi căn thông tuệ, có đại tri kiến, tín tâm ưa thích thân cận bậc trí. Đối với các việc thiện, ác, Bồ Tát khéo phân biệt rành rõ, có khả năng làm bậc pháp khí, bậc thâm tín Sa Môn, Bà La Môn.

Vì sao?

Vì Bồ Tát vốn tu tập về trí tuệ lực.

Bồ Tát không sinh vào Cõi Trời Trường thọ. Nếu sinh vào Cõi Trời Trường thọ thì không gặp Phật xuất hiện ở đời, lìa xa đạo quả, không thể đem lại mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh. Do vậy Bồ Tát sinh vào cõi dục lúc Phật xuất thế, hẳn sẽ gặp Phật, mới có khả năng hóa độ chúng sinh.

Do phương tiện nhân duyên thiện mà Bồ Tát trọn không sinh vào Thế Giới không có Phật, cũng không sinh vào nơi không được nghe pháp, cho đến không sinh vào chốn không có chúng Tăng để cúng dường, Bồ Tát luôn sinh vào nơi chốn được gặp Tam Bảo.

Vì sao?

Vì sức của thệ nguyện xa xưa nên Bồ Tát sinh ở nơi nhàm chán điều ác, tự tâm không kiêu mạn, cao ngạo. Nếu nghe nơi nào có tám nạn và những điều ác, Bồ Tát liền sinh tâm chán bỏ, không hỷ lạc, cần tu tinh tấn, đủ các pháp thiện, trừ diệt pháp ác.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát lìa nơi tám nạn.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là không quên mất tâm Bồ Đề, đó là:

1. Tâm không dua nịnh, dối trá, cũng không huyễn hoặc.

2. Tâm thường buộc giữ, thanh tịnh, vắng lặng.

3. Đối với Phật, Pháp, Tăng trọn không sinh nghi.

4. Thọ trì pháp Phật cũng không sinh nghi.

5. Không sinh tưởng làm thầy mà lẫn tiếc giáo pháp, trừ bỏ pháp keo kiệt.

6. Trọn không tạo nhân duyên hoại diệt pháp Phật.

7. Thọ trì pháp đại thừa, ngôn hạnh tương ưng, trọn không hư vọng.

8. Nếu thấy người thọ trì thì thường hay cung kính.

9. Đối với pháp đại thừa dần dần thâm nhập.

10. Đối với người thuyết pháp sinh tưởng như Phật, tưởng như bậc Tri thức thiện.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát thường không quên mất tâm Bồ Đề.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp có thể nhận biết túc mạng.

Đó là:

1. Từng nhiều lần cung kính cúng dường Chư Phật.

2. Thọ trì pháp Chư Phật, hay trì giới thanh tịnh.

3. Trừ các nghi hối, trừ các thu ngăn che, gây chướng ngại.

4. Tâm luôn luôn hoan hỷ, vui trong thiền định.

5. Thường thọ hóa sinh có được sự hiểu biết đúng đắn.

6. Người cúng dường Phật thường đối với chánh pháp luôn sinh tâm cung kính. Người thọ trì chánh pháp cũng thường cung kính.

7. Vì nhân duyên hay thọ trì chánh pháp.

8. Vì người rộng nói, đọc tụng, biên chép.

9. Không tiếc thân mạng, dốc lòng vì chánh pháp.

10. Tịnh tu giới hạnh, thân, khẩu, ý nghiệp đều được thanh tịnh.

Vì giới thanh tịnh nên tâm không nghi, hối. Vì trì giới một cách trong sạch nên không bị ngăn che, chướng ngại.

Do không bị ngăn che, chướng ngại nên tâm được hoan hỷ.

Do tâm hoan hỷ nên có thể tu thiền định.

Do tu thiền định nên sinh ở nơi thanh tịnh.

Do sinh ở nơi chốn thanh tịnh nên liền được hóa sinh.

Do hóa sinh nên có được sự hiểu biết đúng đắn.

Do có được hiểu biết đúng đắn nên liền đạt được trí túc mạng.

Do được trí túc mạng nên hay nhớ biết một thân, hai thân, cho đến nhớ biết về trăm ngàn thân mạng ở vô số đời trước.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đạt được trí túc mạng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp đạt được việc không lìa tri thức thiện.

Đó là:

1. Được gặp Phật, hoặc nghe Phật giảng nói, hoặc nhớ nghĩ về Phật.

2. Được thường nghe Pháp.

3. Được thường cúng dường Tăng.

4. Được lễ bái, thăm hỏi, cung kính chắp tay cúng dường… Chư Phật và Bồ Tát.

5. Được không lìa người đa văn, gặp người thuyết giảng pháp.

6. Được không lìa việc nghe các pháp Ba La Mật.

7. Được không lìa việc nghe các đạo phẩm giác ý.

8. Được không lìa việc nghe ba môn giải thoát.

9. Được không lìa việc nghe bốn phạm hạnh.

10. Được không lìa việc nghe nhất thiết chủng trí.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát không lìa tri thức thiện.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp đạt được việc xa lìa tri thức ác.

Đó là:

1. Lìa xa tri thức ác phá giới.

2. Lìa xa kẻ phá bỏ chánh kiến.

3. Lìa xa kẻ phá bỏ oai nghi.

4. Lìa xa kẻ tà mạn.

5. Lìa xa kẻ ưa nói chuyện thế tục ồn ào.

6. Lìa xa kẻ uể oải, biếng nhác.

7. Lìa xa kẻ mê say nơi cõi sinh tử.

8. Lìa xa kẻ thoái thất tâm bồ đề.

9. Lìa xa chúng tại gia.

10. Lìa bỏ tất cả kết sử.

Bồ Tát tuy thích lìa xa những sự việc như vậy, nhưng trọn không sinh tâm não hại, cũng không sinh tâm khinh khi, hủy báng.

Bồ Tát suy nghĩ: Ta từng nghe Phật dạy: Chúng sinh tánh nhiễm cùng dục, do gần gũi, huân tập những việc như vậy nên có nhiều chỗ bị hủy hoại. Vì vậy, ta nên xa lìa tất cả.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát xa lìa tri thức ác.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp đạt được Pháp Thân của Như Lai.

Đó là:

1. Thân bình đẳng.

2. Thân vô nhị.

3. Thân thanh tịnh.

4. Thân vô tận.

5. Thân tu tập thiện lâu đời.

6. Thân pháp.

7. Thân thâm diệu không thể suy tính, thân chẳng thể nghĩ bàn.

8. Thân tịch diệt.

9. Thân hư không.

10. Thân trí.

***