Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN MƯỜI CHÍN
 

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát đối với hết thảy chúng sinh luôn khởi tâm bình đẳng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo cúng dường Phật.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Dùng pháp để cúng dường Phật.

2. Dùng sự cứu độ chúng sinh để cúng dường Phật.

3. Dùng sự giáo hóa chúng sinh, khiến họ an lập nơi pháp thiện để cúng dường Phật.

4. Dùng sự luôn ban cho hết thảy chúng sinh mọi thứ lợi lạc để cúng dường Phật.

5. Dùng việc không lìa bỏ hạnh nguyện để cúng dường Phật.

6. Không bỏ nẻo hành hóa của Bồ Tát để cúng dường Phật.

7. Ngôn, hành luôn tương ưng để cúng dường Phật.

8. Tâm không mệt chán để cúng dường Phật.

9. Không bỏ tâm bồ đề để cúng dường Phật.

10. Không đem tài thí để cúng dường Phật.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì pháp thân của Như Lai không phải được cúng dường bằng tài thí, mà chỉ dùng pháp thí để cúng dường là hơn hết. Do cúng dường đầy đủ, đem lại lợi ích cho chúng sinh khiến họ đạt được an lạc, thiện lợi.

Nếu không thể tạo lợi ích cho chúng sinh thì sẽ buông bỏ pháp thiện, chỗ tạo tác trở nên chán nản, ưa thích vọng ngữ, ý chí sút kém, tâm sinh mỏi mệt, lìa bỏ tâm bồ đề. Có các sự việc như thế thì không thể vì các chúng sinh mà tạo lợi ích.

Vì sao?

Vì Bồ Tát cần dựa nơi chúng sinh để tu tập các công đức, cho đến thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nếu không có chúng sinh thì trọn không thể thành tựu đạo quả kia. Đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác là gồm đủ Phật đạo, nên dùng pháp cúng dường là hơn hết, là tối thượng. Dùng tài thí cúng dường chưa phải là cúng dường đích thực.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó gọi là Bồ Tát hành trì pháp khéo cúng dường Phật.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là phá trừ kiêu mạn.

Đó là Bồ Tát hoặc khi xuất gia, tư duy: Đã lìa bỏ cha mẹ, quyến thuộc để xuất gia, xem như là thây chết thối rửa bị từ bỏ, vậy sao ở trong ấy lại khởi kiêu mạn?

Ta nay cạo bỏ râu tóc, bỏ hình tướng cũ, hướng cầu đạo pháp, hạn chế nơi thân tâm biết đủ.

Mặc y hoại sắc, trước tiên là cải đổi chỗ ưa thích.

Tu pháp xuất gia, xả bỏ mọi ứng xử theo thế tục, vì sao lại dấy khởi tâm kiêu mạn?

Cạo tóc, ôm bình bát, hành pháp khất thực, tạo tưởng khất thực thì chẳng nên kiêu mạn, phải tự hạ mình xem như hàng Chiên Đà La.

Ta nay xin ăn là do kẻ khác cứu giúp mạng sống của mình, vậy sao lại kiêu mạn mà tự làm thương tổn?

Vì vậy, tư duy nhằm phá trừ kiêu mạn.

Ta nay thọ pháp khất thực, tức bị kẻ khác xem thường, người đem cho thức ăn tợ như đem vất bỏ, như thế thì sao lại khởi kiêu mạn?

Ta nay, đối với hết thảy chúng sinh luôn khởi tưởng như các bậc Hòa Thượng, A Xà Lê, nên gia tăng sự khiêm tốn, cung kính để phá bỏ tâm kiêu mạn.

Ta cùng với các vị đồng học, đồng phạm hạnh, nên khéo gìn giữ oai nghi luôn nhớ nghĩ để hành trì thuận hợp, không nên tới các nơi chốn chẳng phải là luật nghi, nên khiến cho các bạn đồng phạm hạnh trông thấy ta đều sinh hoan hỷ. Khi tư duy như vậy thì phá trừ được kiêu mạn.

Ta chưa từng được tu hành Phật pháp, nay được tu tập, ở trong chỗ chúng sinh sân hận, não hại, phải luôn nhớ nghĩ tới nhẫn nhục. Lúc suy xét như thế thì phá bỏ được kiêu mạn.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát hành trì pháp phá trừ kiêu mạn.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tin, kính.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Thiện căn sâu dày vì đã gieo trồng gốc đức từ đời trước.

2. Đạt được chánh kiến, không tin theo kẻ khác, không quy y nơi kẻ khác.

3. Ý chí luôn chánh trực, không hề hư vọng.

4. Tâm luôn chân chất, ngay thẳng, dứt mọi tà vạy, dua nịnh.

5. Lợi căn, trí tuệ, công đức gồm đủ.

6. Trừ bỏ mọi thứ ngăn che, nên tâm luôn thanh tịnh.

7. Thường nương tựa nơi các bậc tri thức thiện, xa lìa hàng tri thức ác.

8. Phá trừ kiêu mạn.

9. Được nghe pháp thâm diệu, có thể khéo thọ nhận trọn vẹn. Hoàn toàn không điên đảo để luôn hiểu đúng về pháp tạng vô cùng sâu xa của Như Lai.

10. Uy đức luôn tự tại.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ Tát hành trì đầy đủ pháp kính, tin.

Bấy giờ, Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nay ở nơi chỗ Như Lai đủ oai đức lớn, xin Đức Thế Tôn Giảng nói một ít pháp thuộc về uy đức ấy, khiến con được lãnh hội.

Đức Thế Tôn bảo: Này thiện nam! Ông nay hãy khéo lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nêu giảng một ít phần về uy đức nơi pháp chính yếu của Như Lai.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng thưa: Lành thay! Thế Tôn! Xin vì con mà giảng nói.

Phật nói: Như Lai là Bậc Đại Từ, luôn ban cho hết thảy chúng sinh mọi sự an lạc. Hoặc khi ở nơi một chúng sinh khởi tâm từ, cho đến tất cả chúng sinh trong mười phương cũng lại như vậy, hiện bày khắp cảnh giới của hết thảy chúng sinh, cũng hiện bày khắp cõi hư không.

Không ai có thể nhận biết trọn vẹn về biên vực nơi cảnh giới vô cùng sâu xa của Như Lai. Như Lai có tâm đại bi, không cùng dung lượng với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Như Lai, nơi một chúng sinh khởi tâm bi, cho đến tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, là để tạo lợi ích. Tâm đại bi của Như Lai không có biên vực, chẳng phải là nơi chốn có thể đạt được một cách rốt ráo của hàng nhị thừa.

Này thiện nam! Như Lai thuyết giảng pháp không thể cùng tận. Có thể nơi một thời, vì khắp chúng sinh trong mười phương mà thuyết pháp. Hoặc một kiếp, trăm ngàn vạn ức kiếp, vô lượng a tăng kỳ kiếp luôn thuyết pháp như thế.

Hết thảy chúng sinh không ai có thể nhận biết về gốc ngọn nơi biên vực thuyết pháp của Như Lai. Giả sử tất cả chúng sinh, trong một lúc nêu vấn nạn, Như Lai ở trong một niệm, đều tùy theo từng loại chúng sinh, với một âm thanh, có thể giải đáp, nhưng biện tài của Như Lai không có cùng tận. Như Lai có vô lượng a tăng kỳ nơi chốn hành hóa các pháp tam muội, thiền định.

Này thiện nam! Giả sử hết thảy chúng sinh đều chứng đắc mười trụ, mỗi mỗi chúng sinh đều nhập vô lượng pháp tam muội, ở trong trăm ngàn kiếp đều nhập các định khác, như vậy trải qua vô lượng kiếp, hãy còn không thể nhận biết hết về cảnh giới tam muội của Như Lai.

Như Lai lại tạo ra vô lượng A tăng kỳ ứng thân, khiến cho hết thảy chúng sinh đáng thọ nhận sự hóa độ, thảy được thấy Như Lai đều hiện tiền trước họ, trong khoảng một niệm, nơi mỗi mỗi sắc tướng đều sinh tin hiểu với những sai khác. Như Lai lại còn, trong một lúc đều hiện ra trước các chúng sinh, tùy chỗ ứng hợp mà thuyết pháp, khiến họ thảy đều thọ nhận, thực hành.

Này thiện nam! thiên nhãn của Như Lai với cảnh giới của đối tượng được nhận thấy là vô lượng, vô biên, chẳng phải là chỗ thấy được của nhục nhãn. Cảnh giới của thiên nhãn ấy, Như Lai chỉ trong một niệm thảy đều thấy rõ, như xem quả A Ma Lặc trong bàn tay.

Cảnh giới của đối tượng được nghe nơi thiên nhĩ của Như Lai cũng là vô lượng, vô biên, như thiên nhãn đã nêu trên, hết thảy chúng sinh với các loại âm thanh khác nhau, theo sự lớn nhỏ, ở trong một niệm đều phân biệt nhận biết. Như Lai lại có vô lượng, vô biên trí tuệ vô ngại, không gì có thể so sánh, cũng không thể nêu ví dụ.

Hết thảy chúng sinh, như chỗ nhận biết của tâm niệm, tùy theo căn tánh với vô số sai biệt, chỉ trong một sát na, Như Lai thảy phân biệt, biết rõ. Tùy nơi các chúng sinh kia, mỗi mỗi chỗ nhớ nghĩ, mỗi mỗi chỗ tạo tác, theo nơi gây nghiệp thiện, ác mà phải thọ nhận quả báo, Như Lai có thể dùng ba đạt nơi trí tuệ vô ngại, chỉ trong một sát na đều phân biệt nhận biết.

Này thiện nam! Như Lai luôn ở nơi thiền định.

Vì sao?

Vì Như Lai hoàn toàn không mất chánh niệm, các căn của Như Lai không hề nhầm lẫn, Như Lai đã đoạn trừ mọi thứ kết sử, nên tâm luôn vắng lặng. Nếu còn xen lẫn kết sử thì tâm tán loạn, lìa pháp thanh tịnh. Như Lai đã lìa hết mọi tác động của hết thảy các nghiệp, mọi trần cấu đã hoàn toàn dứt sạch, vô lậu, vô vi, nơi các pháp luôn tự tại.

Tất cả tam muội, Tam ma đề, với vô lượng cảnh giới, đã đạt tới bờ giác ngộ. Như Lai luôn ở nơi tam muội, luôn một oai nghi cho đến Niết Bàn. Như Lai, nơi vô lượng trăm ngàn ức kiếp tu tập, chứng đắc, không có chúng sinh nào có thể tư duy, phân biệt, nhận biết về số lượng.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai chẳng từ nơi A tăng kỳ kiếp tích tập công đức sao?

Phật bảo: Chẳng phải thế.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì Bồ Tát không thể nghĩ bàn về cảnh giới của Như Lai. Cảnh giới của Như Lai vượt mọi sự lường tính, suy xét, chỉ vì các chúng sinh thiển cận mà nói là ba A tăng kỳ kiếp tu tập, chứng đạt. Bồ Tát từ lúc thật sự phát tâm đến nay là chẳng thể tính kể.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh, từ lâu đã tu tập thiện căn, gieo trồng các hành nghiệp, trừ bỏ mọi thứ ngăn che, đạt nhiều tin hiểu, gần gũi với bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, được nghe vô lượng uy đức của Như Lai, nghe pháp ấy rồi thì hoan hỷ vui tin, huống nữa là lại thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, vì mọi người mà giảng nói rộng?

Người như thế, chẳng bao lâu cũng sẽ có được uy đức lớn, xứng đáng là bậc pháp khí.

Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Như chỗ ông nói, chúng sinh như thế, vì chỗ đạt được của Phật, từ lâu đã gieo trồng căn lành, gần gũi Chư Phật, nghe Phật có đại uy đức, các thiện nam, thiện nữ đó, đối với chỗ uy đức lớn lao kia không sinh nghi hoặc, tâm không lầm loạn.

Do không lầm, loạn nên suy xét về đại uy đức của Như Lai, sinh tâm ân trọng, tin vui một cách sâu xa, bảy ngày bảy đêm mặc y phục mới, sạch, cung kính cúng dường, chuyên niệm về uy đức báu lớn lao của Như Lai, tâm không dời chuyển, tất được thấy Phật. Nếu chưa đủ bảy ngày, thậm chí chỉ một ngày một đêm, khi mạng chung, cũng được thấy Phật.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có các chúng sinh, đối với những điều Như Lai đã giảng nói không tin thọ chăng?

Phật đáp: Có đấy.

Này thiện nam! Hoặc có chúng sinh nghe pháp được Phật nêu giảng chẳng những không tin, thọ, mà còn sinh tâm não hại sâu xa, đối với người thuyết pháp thì khởi tưởng là tri thức ác. Do nhân duyên ấy nên sau khi thân hoại mạng chung, bị đọa vào địa ngục.

Này thiện nam! Nếu nghe Như Lai có uy đức lớn, sinh khởi tưởng về bậc Thế Tôn, bậc Đại sư, người như vậy, tức ở nơi đời trước đã được nghe về vô lượng công đức của Như Lai. Do nhân duyên ấy nên nay lại tiếp tục được nghe.

Liền tự tư duy: Chúng ta, nơi thân đời trước tất từng theo Phật nghe pháp như thế.

Bấy giờ, Đức Như Lai tức thì hiện bày tướng lưỡi dài rộng, tự che phủ nơi kim diện. Lưỡi dài rộng ấy vượt lên phần tóc, cho đến che phủ cả đầu. Phủ nơi đầu rồi lại che phủ khắp thân. Che phủ khắp thân xong thì phủ khắp Tòa Sư Tử.

Lại che phủ cả chúng Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Tứ Thiên Vương Hộ Thế, Phạm Thiên, Đế Thích, che phủ khắp tất cả vô lượng đại chúng.

Rồi Phật thâu hồi tướng lưỡi, nói với đại chúng: Này các thiện nam! Tướng lưỡi như vậy là không hư vọng chăng?

Nếu tin nơi sự việc ấy thì cả trong đêm dài sinh tử luôn được an ổn, được những lợi lạc.

Phật nêu bày như vậy xong, có tám vạn bốn ngàn chúng sinh chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, vô lượng chúng sinh xa lìa trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Vô số chúng sinh chưa phát tâm Bồ Đề, thì đều phát tâm cầu đạo quả bồ đề vô thượng.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Trừ Cái Chướng: Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp, gọi là đầy đủ sự khéo léo nơi thế gian.

Những gì là mười?

Đấy là:

1. Tuy nói về sắc mà đối với thật đế không thấy có tướng, cũng không chấp nơi tướng của sắc.

2. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

3. Tuy nói về đại địa, mà đối với thật đế không thấy có tướng, cũng không chấp nơi tướng của đại địa.

4. Các đại: Thủy, hỏa, phong, không, thức cũng lại như vậy.

5. Tuy nói về nhãn mắt mà đối với thật đế không thấy có tướng, cũng không chấp nơi tướng của nhãn.

6. Tuy nói về nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, pháp, mà đối với thật đế không thấy có tướng, cũng không chấp nơi tướng của ý pháp…

7. Tuy nói về có ngã, mà đối với thật đế không thấy có tướng, cũng không chấp nơi tướng của ngã.

8. Tuy nói về chúng sinh, thọ mạng, trượng phu, người, mà đối với thật đế không thấy có tướng, cũng không chấp giữ. Song nơi thế đế thì giả nêu bày là có, còn đệ nhất nghĩa đế thì không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.

9. Thế đế, giả nêu bày nên có. Đệ nhất nghĩa đế thì không có thể tướng cũng không chấp giữ. Trong sự lưu hành khắp của thế gian mà có pháp Phật sai biệt.

10. Nếu ở nơi thật đế cũng không có tướng của thiện ác, không có pháp Phật. Chỉ trong thế đế mới có bồ đề. Đệ nhất nghĩa đế thì không có bồ đề, cũng không có chấp giữ.

Này thiện nam! Giả nêu bày về pháp gọi là thế đế, hoàn toàn không nói thế đế là đệ nhất nghĩa đế.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát khéo đối với thế đế, không gọi là khéo đối với đệ nhất nghĩa đế.

Thiện Nam! Gồm đủ mười việc này, gọi là Bồ Tát hành trì pháp đầy đủ, khéo léo nơi thế gian.

***