Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN MƯỜI MỘT
 

Thế nào là Bồ Tát như kho chứa châu báu lớn?

Cũng như đại dương, hết thảy châu báu đều có trong đó. Người Cõi Diêm Phù Đề đều đến đó lấy của báu nhưng không thể làm cho kho báu giảm cạn. Bồ Tát cũng vậy, giống như kho báu, vô lượng chúng sinh đều đem tín tâm tu hạnh Bồ Tát mà kho công đức báu ấy cũng không có giảm. Đây gọi là Bồ Tát như kho báu lớn.

Ví như biển cả sâu rộng, khó dò. Biển pháp trí tuệ của Bồ Tát cũng lại như vậy. Hết thảy chúng ma và các ngoại đạo không thể lường xét được. Đây gọi là Bồ Tát sâu rộng khó dò.

Ví như biển cả rộng lớn vô biên. Bồ Tát cũng vậy, công đức trí tuệ rộng lớn vô biên. Đây gọi là Bồ Tát giống như biển cả sâu rộng vô biên.

Ví như biển lớn càng lội ra càng sâu, Đại Bồ Tát thành tựu nhất thiết trí ngày càng sắc bén. Đây gọi là Bồ Tát giống như biển lớn từ cạn đến sâu.

Ví như biển cả không chứa thây chết.

Vì sao?

Vì pháp của biển là như vậy. Biển pháp của Bồ Tát cũng lại như vậy, không dung chứa những tử thi phiền não, lậu hoặc, kết sử và tri thức ác.

Vì sao?

Vì pháp của Bồ Tát là như vậy.

Ví như biển cả, tất cả các dòng chảy ở trong đó đều đồng một vị. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, hết thảy công đức của vô lượng nghiệp thiện bạch tịnh vào biển chủng trí đều đồng một vị bình đẳng không sai biệt.

Ví như biển cả có thể dung chứa trăm ngàn dòng sông nhưng biển lớn lại không tăng không giảm. Bồ Tát cũng vậy, ghi nhận hết thảy pháp Phật, vì chúng sinh phân biệt giải nói cũng không tăng không giảm. Đây gọi là Bồ Tát giống như biển cả không tăng không giảm.

Như biển cả nước lên xuống đúng thời, Bồ Tát cũng lại như vậy, những chúng sinh cần được thành thục, Bồ Tát làm cho thành thục đúng thời, không quá hạn.

Giống như biển cả là nơi hết thảy chúng sinh thân lớn nương vào sinh sống. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, với tâm niệm rộng lớn làm nơi nương tựa cho tất cả chúng sinh. Đây gọi là Bồ Tát giống như biển lớn làm nơi nương tựa.

Ví như biển cả không có cùng tận. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, vì tất cả chúng sinh mà thuyết pháp cũng không cùng tận.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát giống như biển cả.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là trí vi tế.

Đó là:

1. Thông hiểu sự xuất yếu.

2. Thông hiểu pháp xuất yếu.

3. Thông hiểu tất cả pháp xuất yếu bình đẳng đồng một tướng.

4. Thông hiểu tất cả pháp như huyễn hóa.

5. Thông hiểu tất cả pháp tướng.

6. Thông hiểu sâu xa mười hai nhân duyên.

7. Thông hiểu các nghiệp không thể nghĩ bàn.

8. Thông hiểu nghĩa tất cả các pháp.

9. Thông hiểu về nghĩa như thật.

10. Thông hiểu trí như thật.

Thiện nam! Thế nào gọi là Bồ Tát thông hiểu pháp xuất yếu?

Bồ Tát dùng trí tuệ quan sát thấy tất cả chúng sinh bị lửa tham, sân thiêu đốt hừng hực, ngu si làm mê tối.

Bồ Tát suy nghĩ: Làm thế nào để chúng sinh vượt thoát khỏi?

Bồ Tát quán tất cả pháp bình đẳng đồng một tướng biết tất cả pháp như huyễn, mộng.

biết tất cả pháp một cách như thật.

Có khả năng vượt qua nhân duyên sâu xa.

biết nghiệp không thể nghĩ bàn.

biết hết thảy các pháp đều vô tướng.

biết tất cả các loại nghiệp.

biết duyên khởi và các tướng nơi nghiệp.

Do trí tuệ vi tế như vậy nên Bồ Tát thấu rõ nghĩa các pháp của Chư Phật giảng nói. Do hiểu nghĩa nên thấy được chân thật. Do thấy chân thật nên liền có khả năng độ thoát chúng sinh khỏi biển sinh tử.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát có trí tuệ vi tế.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp được tùy thuận biện tài ứng hợp.

Phật giảng nói như vầy:

1. Tất cả các pháp không ngã.

2. Không chúng sinh.

3. Không thọ mạng.

4. Không nhân.

5. Không tác giả.

6. Không trí giả.

7. Không kiến giả.

Tướng của các pháp là như vậy.

1. Tất cả pháp là không.

2. Tất cả pháp là hư vọng, khi dối, vô chủ.

3. Tất cả pháp là tướng hư vọng không thật, đều từ nhân duyên hợp khởi.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát tùy thuận biện tài ứng hợp.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là biện tài về ngôn từ.

Đó là:

1. Luận đàm thông suốt.

2. Giàu vốn từ ngữ.

3. Ngôn từ dịu dàng.

4. Vui vẻ hoan hỷ.

5. Không sợ đám đông.

6. Lời nói không thấp kém.

7. Lời nói không lo sợ.

8. Lời nói không ai sánh bằng.

9. Giảng nói không bị người khác ghét bỏ.

10. Giảng nói tuy nhiều nhưng không lìa nghĩa bốn thứ y chỉ.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đầy đủ biện tài về ngôn từ.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là đạt biện tài thanh tịnh.

Đó là:

1. Lời nói luôn lưu loát.

2. Nói thẳng không kinh sợ.

3. Lời nói không thấp kém.

4. Lời nói không thô, cao.

5. Nghĩa không nông cạn.

6. Ngôn từ không khiếm khuyết.

7. Âm thanh trong trẻo.

8. Giọng nói luôn đầy đủ thuyết phục.

9. Nói đúng thời, không sai lầm.

10. Biện tài không thô bạo.

Thế nào là Bồ Tát biện tài luôn lưu loát?

Vì Bồ Tát không hề sợ oai đức nơi đại chúng nên biện tài luôn lưu loát.

Thế nào là Bồ Tát biện tài không kinh sợ?

Vì bản tánh ngay thẳng nên Bồ Tát không sợ sệt.

Thế nào là Bồ Tát biện tài không thấp kém?

Vì Bồ Tát ở nơi đại chúng, giống như Sư Tử không sợ chướng nạn.

Thế nào là Bồ Tát biện tài không thô lậu, cao ngạo?

Vì Bồ Tát đã dứt trừ sạch hết kết sử.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát còn phiền não thì chắc chắn lời nói thô lậu, cao ngạo.

Thế nào là Bồ Tát hiểu nghĩa không nông cạn?

Vì Bồ Tát thông đạt pháp, thấu rõ được nghĩa lý sâu xa của pháp.

Thế nào gọi là Bồ Tát biện tài luôn đầy đủ, thuyết phục?

Vì Bồ Tát thông hiểu các sự luận lý. Nếu Bồ Tát hiểu biết sự luận lý một cách hời hợt thì biện tài sẽ thiếu sót, không thuyết phục.

Thế nào là Bồ Tát tiếng nói không khiếm khuyết?

Vì Bồ Tát hiểu được tất cả các thứ âm thanh.

Sao gọi là Bồ Tát biết thời mới nói?

Vì khi Bồ Tát giảng nói là thích hợp với thời gian trước mà không ảnh hưởng tới thời điểm sau. Hoặc thích hợp thời điểm sau mà không ảnh hưởng tới thời điểm trước.

Vì sao?

Vì Bồ Tát luôn khéo biết thời.

Thế nào gọi là Bồ Tát biện tài không thô bạo?

Khi Bồ Tát không an vui thì không giảng nói.

Vì sao?

Vì tất cả lời nói thô bạo đều do các kết sử kết tập. Do vậy, đoạn dứt lời nói thô ác thì lời nói được nhu hòa, dịu dàng. Đại Bồ Tát biện tài được thông suốt.

Vì sao?

Vì các căn của Bồ Tát đều đã thông lợi.

Này thiện nam! Nếu các căn ám độn thì chẳng thể biện tài thông suốt được. Lợi căn thì không như vậy.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đạt biện tài thanh tịnh.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là lạc thuyết biện tài.

Đó là:

1. Ái ngữ.

2. Lời nói không cau có.

3. Lời nói đúng nghĩa.

4. Lời nói đúng pháp.

5. Lời nói bình đẳng.

6. Lời nói không tự cao.

7. Nói không khinh người.

8. Nói không nhiễm chấp.

9. Nói không gây xúc não.

10. Biện tài đủ loại.

Thiện nam! Bồ Tát nói lời êm dịu làm cho chúng sinh tâm sinh hỷ lạc, sắc diện vui tươi, an ổn.

Bồ Tát biện tài đúng nghĩa lý, hay dùng lời nói tươi đẹp làm cho chúng sinh an vui.

Bồ Tát dạy bảo phép tắc tạo lợi ích.

Bồ Tát biện tài bình đẳng thường đem tâm bình đẳng vì chúng sinh thuyết pháp, làm cho tất cả đều được hỷ lạc.

Bồ Tát thuyết pháp lòng không tự cao, trừ bỏ tâm kiêu mạn tự thị.

Bồ Tát đồng sự thuyết pháp, ân cần làm vui lòng chúng sinh.

Bồ Tát thuyết pháp tâm luôn chuyên nhất, không khinh người khác.

Bồ Tát thuyết pháp lòng trong sạch, giữ gìn giới tịnh nên chúng sinh vui thích.

Bồ Tát thuyết pháp không gây xúc não, dùng sức nhẫn nhục nên chúng sinh an vui.

Bồ Tát thuyết pháp đủ loại ngôn từ, hay dùng lời nói an lành làm vui lòng chúng sinh.

Này thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đạt lạc thuyết biện tài.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là thuyết pháp thích hợp khiến chúng sinh tin thọ.

Đó là:

1. Thuyết pháp cho người có khả năng làm bậc pháp khí.

2. Thuyết pháp xứng hợp căn tánh của người đó.

3. Không thuyết pháp cho người châm biếm, quở mắng.

4. Không thuyết pháp cho ngoại đạo, dị kiến.

5. Không thuyết pháp cho người tâm kiêu mạn, không thành thật.

6. Không thuyết pháp cho người không có tín tâm.

7. Không thuyết pháp cho kẻ dua nịnh, dối trá.

8. Không thuyết pháp cho người tham cầu mạng sống.

9. Không thuyết pháp cho người cầu lợi dưỡng, tham lam, keo kiệt, ganh ghét.

10. Không thuyết pháp cho người điên cuồng, ngu si, câm điếc.

***