Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN MƯỜI SÁU
 

Quán pháp niệm xứ như thế nào?

Nhận biết đúng như thật về các pháp bất thiện, tham dục, sân hận, ngu si, cùng chỗ nương khởi của hết thảy pháp ác, Bồ Tát có thể tu tập đối trị tham, sân, si… đoạn trừ pháp bất thiện, quán các pháp thiện mà tâm ưa tùy thuận, buộc tâm chuyên niệm, thuận hành các pháp thiện, cũng dạy người khác đồng quán như mình.

Thâu giữ tâm tu hành đối với năm dục, quán như thế nào?

Đối với năm dục, Bồ Tát không sinh hỷ lạc, cũng không oán ghét. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, Bồ Tát cũng không sinh ái luyến, cũng không oán ghét. Đối với pháp không thể tướng ấy, Bồ Tát nếu sinh tâm thương ghét liền đồng với hàng phàm phu ngu si, đồng với hàng trẻ con bất thiện.

Đức Thế Tôn nói: Nếu đối với pháp mà sinh tâm ưa thích thì cũng sinh tâm đắm nhiễm. Sinh tâm đắm nhiễm thì liền thành ngu si. Nếu ngu si sinh, liền không biết rõ về thiện ác. Do nhân duyên ấy nên rơi vào cõi ác.

Vì vậy, đối với pháp không ấy, không nên ghét bỏ. Nếu ai ghét bỏ tức là không thể thọ nhận. Nếu không thể thọ nhận thì tâm oán hận tăng trưởng, người ấy bị các vị A Xà Lê quở trách, cũng bị đồng phạm hạnh chê cười. Quan sát năm dục như vậy, tu hành chánh niệm, tâm không đắm nhiễm, cũng không oán ghét, cũng chỉ dạy người khác quán xét như vậy.

Thế nào gọi là ở nơi A Lan Nhã?

Thâu giữ tâm lìa loạn tưởng, như pháp tu hành, gọi là ở nơi Alan nhã, gọi là trụ xứ không tranh chấp, cũng gọi là trụ xứ tịch diệt. Nơi A Lan Nhã này có các hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, bậc đạt được tha tâm trí khéo thấy biết tâm ta. Vì vậy, ta nay không nên khởi tự giác bất thiện, phải đoạn trừ giác bất thiện, dốc tu giác thiện, nên làm cho giác thiện thường được tăng trưởng.

Trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, Bồ Tát ở nơi thôn xóm, hàng quán, làng mạc, thành ấp, mọi phương sở, quốc độ như thế nào?

Ở những nơi bất thiện, người xuất gia đều phải lìa xa không nên đến.

Những nơi nào là không nên đến?

Đó là quán rượu, nhà dâm nữ, nhà Vương quyền, chỗ cờ bạc, chỗ say sưa, chỗ ca múa kỹ nhạc… những nơi như vậy, chẳng phải là nơi chốn của người xuất gia nên đến, chẳng nên vãng lai. Nên thâu giữ tâm hành trì đối với những nơi thôn ấp, làng mạc như vậy.

Thâu giữ tâm hành trì đối với danh tiếng lợi dưỡng như thế nào?

Vì nhằm khiến cho đàn việt tăng trưởng phước nghiệp, Bồ Tát ở chỗ được lợi dưỡng, không nên tham đắm tài lợi có được, không tác tưởng ích kỷ, nên ban cho hết thảy chúng sinh khổ não đều được cùng hưởng.

Nhờ nhân duyên bố thí ấy nên Bồ Tát được tán thán khen ngợi. Tuy được tán thán có tiếng tăm nhưng Bồ Tát không tự khen, không sinh kiêu mạn, không tự phóng dật. Được tán thán có tiếng tăm như vậy chỉ một thời gian thì tự diệt.

Đối với pháp vô thường mau chóng không dừng như thế, người có trí ai lại bám vào!

Lẽ nào đối với việc ấy lại sinh sự yêu ghét?

Có người trí nào lại sinh tưởng là mình có, sinh tâm kiêu căng, phóng dật. Đây gọi là Bồ Tát thâu giữ tâm hành trì đối với danh tiếng lợi dưỡng.

Bồ Tát đối với giới cấm do Đức Như Lai chế ra, thường nhớ nghĩ tu hành như thế nào?

Như Chư Phật quá khứ hành trì giới cấm mà được thành Phật cho đến Niết Bàn, Chư Phật vị lai cũng hành trì giới cấm mà được thành Phật cho đến Niết Bàn, Chư Phật hiện tại cũng hành trì giới cấm mà được thành Phật cho đến Niết Bàn. Bồ Tát quán xét như vậy nên hành trì giới cấm trọn không hủy phạm, gọi là Bồ Tát khéo tu trì giới cấm do Như Lai chế.

Đối với các phiền não trần cấu, che ngăn, Bồ Tát khéo tu tập, thâu giữ tâm hành trí như thế nào?

Bồ Tát khéo nhận biết phiền não, kết sử, trần cấu, che ngăn

tạo chướng ngại, biết rõ về nguyên nhân, biết rõ nơi chốn nguyên nhân dấy khởi, từ nhân này mà phát xuất. Đối với kết sử, ngăn che tạo chướng ngại, Bồ Tát thường nhớ nghĩ, thâu giữ tâm tu hành như vậy.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát thường hành trì thiền định.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là mặc y phấn tảo.

Đó là:

1. Hay thọ trì y trọn đời không hủy hoại.

2. Tâm thường khiêm cung.

3. Không mệt mỏi chán bỏ.

4. Chẳng đem việc thọ trì y cho là giải thoát.

5. Chẳng thấy sự thô xấu của y.

6. Thấy rõ mọi công đức ích lợi.

7. Mình chẳng tự cao.

8. Không cất chứa nhiều.

9. Khéo trì giới cấm.

10. Chư Thiên gần gũi.

Thế nào là thọ trì y, không hủy hoại?

Bồ Tát có tâm kính tín, thể tánh đầy đủ. Đối với Như Lai, Bồ Tát sinh tâm kính tín sâu xa, thà xả bỏ thân mạng, không bỏ những điều đã thọ, giữ vững những điều đã thọ, không để lay động. Tâm hay khiêm cung, do tâm như thế nên Bồ Tát không sinh ngã mạn.

Do ý khiêm cung nên Bồ Tát liền đối với các vật phẩn tảo dơ xấu, giữ lấy, tẩy sạch, sau đó may nhuộm, tâm không mệt chán. Do không mệt chán nên Bồ Tát thường giữ y phấn tảo, cũng không vì hạnh nhỏ ấy mà tự cho là đủ, thường tiến cầu thượng pháp, chắc chắn được đại lợi.

Bồ Tát cũng không thấy sự thô xấu của y phấn tảo mà mình thường mặc từ đây cho đến già.

Bồ Tát không cho y này là xấu tệ, cũng không khởi niệm: Y ấy xấu tệ, có nhiều rận rệp, nếu thường mặc thì thân nhơ uế.

Bồ Tát thường niệm tư duy: Mặc y phấn tảo có các công đức, là pháp phục của bậc Hiền Thánh, là pháp phục của người tu hành lùa xa dục nhiễm, gọi là Thánh chủng, được Chư Phật tán thán, Như Lai khen ngợi.

Với việc làm như vậy mà không tự hào, không tự cao, cũng không hạ thấp kẻ khác, gọi là Bồ Tát trì giới đầy đủ. Nhờ giới đầy đủ nên Bồ Tát được Chư Thiên thân cận, Chư Phật tán thán, các Bồ Tát giữ gìn quan sát thường xuyên. Hàng Nhân và Phi Nhân, Sát Lợi, Bà La Môn trong chủ ấp, làng mạc cung kính, lễ bái, được bạn đồng phạm hạnh ca ngợi.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát mặc y phấn tảo.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Bồ Tát chí lớn, vì nhân duyên gì lại ưa thích y phấn tảo thô xấu kém cỏi?

Phật đáp: Này thiện nam! Bồ Tát vì nhằm hộ trì các chúng sinh, với năng lực của công đức có thể làm được, đối với phiền não chưa sinh có thể ngăn chận chẳng phải là việc các phàm phu thấp kém có thể làm được.

Phật bảo Bồ Tát Trừ Cái Chướng: thiện nam! Ông cho Như Lai là bậc Đại chí hay chỉ là hàng chí nhỏ?

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vấn đề này con không thể nêu bày, không thể đáp được.

Vì sao?

Vì con không có khả năng nhận biết về dung lượng của Như Lai. Hiện tại con thấy Như Lai biết rõ về tất cả pháp, thọ trì y phấn tảo, hay chế phục kết sử, không thấy Như Lai có chỗ bị ngăn cấm.

Bốn cõi thiên hạ, Trời, Người, Rồng, Quỷ đều có chí thấp kém. Như Lai tuy thị hiện sự thấp kém nhưng vì nhằm tạo mọi thành tựu cho tất cả chúng sinh, tán thán hạnh Đầu Đà ở trước các chúng sinh.

Phật nói: Ông nay nên biết nhân duyên như vậy.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì nhằm tạo mọi thành tựu cho các chúng sinh cùng hàng mới tu học, vì để ngăn đoạn kết sử của Bồ Tát nên Đức Thế Tôn Giảng nói việc này.

Phật bảo: thiện nam! Bồ Tát với diệu lực từ oai đức, vì hóa độ chúng sinh nên thị hiện thọ y phấn tảo, chẳng phải là do chí nguyện thấp kém. Do ý nghĩa như vậy nên Bồ Tát thọ y phấn tảo.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là thọ giữ ba y. Đó là thiểu dục, tri túc, không tham cầu nhiều, không tích tụ nhiều. Do không tích tụ nên lìa được các sự âu lo. Không hư mất nên lìa các ưu não. Do lìa ưu não nên lìa được các khổ tụ tập. Do lìa các khổ tụ tập nên không còn ái dục. Do không còn ái dục nên hay dứt sạch các lậu.

Bồ Tát thiểu dục nên luôn biết đủ. Người biết đủ tuy được ít vẫn cho là đủ. Do thiểu dục nên không mong cầu nhiều. Lìa mong cầu nên không tích tụ nhiều. Lìa tích tụ nên không bị khổ não vì hư mất. Do không khổ não vì sự hư mất nên không có ưu sầu. Không có ưu sầu nên không khổ não. Không khổ não nên không có thọ dụng.

Không có thọ dụng nên liền dứt sạch hết các lậu.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát thọ trì ba y.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là gồm đủ chiên y.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Chẳng thuận theo dục nhiễm.

2. Chẳng thuận theo sân hận.

3. Chẳng thuận theo si mê.

4. Chẳng thuận theo não hại.

5. Chẳng thuận theo tham lam, ganh ghét.

6. Chẳng thuận theo kiêu mạn, phân biệt tôi, ta.

7. Chẳng vì được người nhận biết.

8. Chẳng vì tiếng tăm, lợi dưỡng.

9. Chẳng để cho quân ma được tùy tiện.

10. Tâm không cao, thấp.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là chiên y của Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khất thực.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Vì tạo lợi ích cho chúng sinh, khiến họ được phước đức.

2. Khất thực theo thứ lớp.

3. Tốt xấu theo thời, chẳng sinh hối hận.

4. Nên ít ham muốn, biết đủ.

5. Khất thực được rồi, nên ban cho người cùng hưởng.

6. Đối với thức ăn ngon, dở không sinh tâm tăng, giảm.

7. Không sinh tâm tham đắm.

8. Đối với thức ăn nên biết rõ về hạn lượng.

9. Hướng đến nẻo thiện.

10. Tu tập thiện căn, lìa mọi chấp giữ.

Thế nào là khất thực vì tạo lợi ích cho chúng sinh?

Bồ Tát hành khất thực, thấy các chúng sinh thiện căn ít ỏi, nên thọ pháp khất thực là nhằm tạo lợi ích cho họ.

Khi vào các chốn làng xóm, thành ấp khất thực, Bồ Tát luôn giữ niệm không bỏ, oai nghi đầy đủ, hoặc lúc nhìn, ngó, trọn không hấp tấp, cử động luôn thuận hợp, các căn tịch tĩnh, phải nhìn kỹ, mắt hướng về phía trước không quá một tầm.

Nơi Phật, Pháp, Tăng sinh tâm tin kính sâu xa, sau đấy mới khất thực. Khất thực theo thứ lớp tâm không lựa chọn. Đối với các hàng Sát Lợi, Bà La Môn, những nhà giàu sang cũng hoàn toàn theo đúng thứ lớp, thức ăn xin đủ thì dùng.

Trừ những nơi có chó dữ, trâu mẹ mới sinh con, do kiếp trước phá bỏ giới cấm nên bị đọa vào đường súc sanh. Những nơi hoặc nam, nữ, đồng nam, đồng nữ hay quấy phá gây phiền não thì không nên đến.

Hoặc các chốn có thể tạo hiềm nghi cũng đều lánh xa. Theo thứ lớp khất thực, trước hết là không nên sinh tham vướng, không nên sinh giận dữ, đối với mọi người không dấy tâm yêu ghét, đối với các thức ăn ngon, dở, tâm luôn bình đẳng.

Nên ít ham muốn, biết đủ, theo chỗ khất thực được nhiều hay ít. Trở lại nơi chúng tăng ở để giải y, cất bát, rửa ráy tay chân. Nếu tới chỗ thờ Phật, Tháp, Chùa, nơi có Chúng Tăng, luôn cung kính, cúng dường.

Thức ăn khất thực được phân ra làm bốn phần: Một phần cho người đồng phạm hạnh, một phần cho kẻ khốn khó nhất trong số khất thực, phần thứ ba dành cho các quỷ thần, sau cùng là phần của mình thọ thực.

Ta nay thọ thực, chỉ nhớ nghĩ tới việc tu đạo, không nên vì chuyện ăn uống mà sinh tham nhiễm. Cũng chẳng nên phóng túng, ham thích không chán. Ăn uống như vậy là để giữ lấy mạng sống này, cho nên việc thọ thực là nhằm duy trì sắc thân, không khiến phải gầy ốm hoặc quá béo tốt.

Vì sao?

Vì nếu thân ốm yếu thì trở ngại cho việc hành đạo. Còn nếu ăn uống nhiều thì lại thêm nhiều ngủ nghỉ. Nhằm hành đạo, nên đối với việc ăn uống phải biết dè chừng, vừa đủ, không nhiều không ít.

Dốc tu tinh tấn, trừ bỏ bê trễ, là nhằm làm viên mãn các pháp bồ đề giác phần. Viên mãn các pháp này nên ngã kiến được diệt. Ngã kiến được diệt trừ thì có thể dùng thịt nơi thân mình bố thí cho chúng sinh.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, gọi là Bồ Tát hành pháp khất thực.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là nhất xứ tọa.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Nơi cội Bồ Đề, nhất tọa đạo tràng, hàng phục quân ma, khiến chúng thảy đều kinh sợ.

2. Chốn này chẳng động, đạt được định xuất thế gian.

3. Chốn này chẳng động, đạt được tuệ thế gian.

4. Chốn này chẳng động, đạt được trí xuất thế gian.

5. Chốn này chẳng động, đạt được tam muội không.

6. Chốn này chẳng động, đạt được sự giác ngộ về hết thảy các pháp.

7. Chốn này chẳng động, đạt được tám chánh đạo.

8. Chốn này chẳng động, đạt được chân thật.

9. Chốn này chẳng động, chứng đắc như thật.

10. Chốn này chẳng động, chứng đắc nhất thiết chủng trí tọa.

***