Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN MƯỜI TÁM
 

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu tập nhiều pháp quán bất tịnh?

Bồ Tát một mình ở nơi chốn vắng lặng, tịch tĩnh, an nhiên thâu giữ tâm ý hiện tiền, chán lìa điều ác, thẳng thân ngồi yên theo lối kiết già, các chi phần nơi thân đều hoàn bị, thâm tâm hoan hỷ, tư duy: Con người ăn uống hoặc bằng các thức ăn ngon lạ, hoặc chỉ là thức ăn dở kém, tất cả đều dựa nơi thân này biến thành những thứ bất tịnh.

Máu mủ nhơ uế thảy đều đáng ghét. Hết thảy chúng sinh tham đắm nơi mỹ vị, nên tâm luôn vui chấp. Ta nay sẽ nguyện, nương theo chánh pháp của Phật, quán xét thân này đúng như tướng thật của nó, chẳng thể nhiễm vướng, cũng không chán lìa để dốc cầu Niết Bàn. Đó gọi là Bồ Tát tu tập nhiều pháp quán bất tịnh.

Thế nào là Bồ Tát tu tập nhiều pháp quán tâm từ?

Như trên đã nói về nơi chốn cấu nhiễm, Bồ Tát với thân đoan nghiêm, một mình an tọa chỗ vắng lặng, tư duy: Chúng sinh có nhiều sân hận, nên dấy khởi não hại, tạo nhiều điều bất thiện.

Nếu có chúng sinh đối với ta bình đẳng thì vì sao vào đời sau tự sinh oán hận?

Chúng sinh như thế, ta phải dùng phương tiện để đoạn trừ sân hận nơi họ. Tư duy rồi thì từ thâm tâm khởi tâm từ bi thực hành, chẳng phải chỉ nói suông.

Thế nào là Bồ Tát tu tập nhiều pháp quán mười hai nhân duyên?

Chúng sinh phần nhiều dấy khởi tham dục, giận dữ. Những thứ phiền não ấy đều do nhân duyên sinh. Giả sử các pháp còn lại, hết thảy đều từ nhân duyên sinh khởi.

Vì sao kẻ trí lại không thấy rõ về tướng như vậy?

Trong khoảng một sát na, pháp từ nhân duyên sinh nên thảy đều là không, chẳng nên vì đấy mà tự hủy hoại.

Thế nào là Bồ Tát tu tập nhiều về pháp lìa bỏ lỗi lầm?

Nếu tự sinh khởi lỗi lầm thì có thể đoạn trừ liền. Thấy rõ lỗi lầm của người khác thì đi sâu vào tâm xả.

Thế nào là tự tìm cách đoạn trừ lỗi lầm?

Lỗi lầm là đối với Chư Phật không sinh tâm tin kính. Đối với Pháp, Tăng cũng không sinh tâm kính tin. Đối với giới luật, với các bậc Hòa Thượng, A Xà Lê, các bậc Tôn Túc, Trí Đức… cũng chẳng sinh tâm tin, kính.

Tự đề cao về bản thân, hạ thấp kẻ khác. Nơi năm thứ dục tâm luôn ưa thích hướng tới, quay lưng với Niết Bàn, tạo đủ mọi kiến chấp về ngã về chúng sinh, về thọ mạng, về người, chấp có hư không, dấy khởi đoạn kiến, chấp sâu nơi tưởng có dấy khởi thường kiến.

Xa lìa Hiền thánh, thân cận kẻ phàm phu, lìa bỏ người trì giới, gần gũi hàng phá giới, gần tri thức ác, xa tri thức thiện, chê bai Kinh pháp, không tin, nghe các nghĩa lý sâu xa tâm sinh hoảng sợ, bê trễ, biếng nhác, pháp cần tu tập thì coi thường, không hành trì, ý chí sút kém, không có ngôn ngữ biện tài, điều không nên nghi thì lại khởi nghi hoặc, chỗ đáng nghi ngờ thì lại không nghi.

 Bị năm thứ ngăn che trùm phủ gây chướng ngại, huyễn hoặc, tà nịnh, gắn chặt với chuyện ngủ nghỉ, đắm nhiễm lợi dưỡng, danh vọng nơi thế gian, cậy dựa nơi tộc họ, cơ nghiệp, tham ái theo đồ chúng, xa lìa chánh pháp, ưa bàn chuyện thế tục, bỏ bê thiền định, quán tưởng.

Thấy điều thiện không vui, nghe việc xấu ác thì thích thú, không chịu gần gũi cảnh xuất gia, chỉ nhớ nghĩ việc kết thân với đám trẻ, người nữ, đồng nam, đồng nữ, chẳng vui với chốn A Lan Nhã, uống ăn không biết hạn lượng, không kết thân với người thiện, các vị thầy trí đức, không biết đọc tụng, Kinh hành đúng thời, cũng không rõ về nơi chốn thích hợp để đi đến, lui tới.

Ở nơi giới luật vi tế, tâm ý tỏ ra xem nhẹ, cũng xem thường những điều ác nhỏ, nên tha hồ dòm ngó, ngắm nghía, cử động hấp tấp, luôn hành theo phi pháp, nói năng thô ác.

Đối trước mọi thứ hình sắc tốt xấu, tâm đều tham vướng, ưa giận dữ chẳng tu tập tâm từ, không chút thương xót nơi các chúng sinh khổ não. Thấy kẻ khổ vì bệnh cũng chẳng chán bỏ điều ác. Nghe việc chết chẳng kinh hãi, luôn gắn với chốn lửa dữ cháy bùng, chẳng cầu nẻo xuất ly, giải thoát.

Không quan sát nơi thân, chẳng giữ gìn giới cấm. Chẳng xét kỹ về bản thân, điều đáng làm thì không làm, điều nên hiểu biết thì không hiểu biết, điều phải tư duy thì không chịu tư duy, chẳng phải đạo cho là đạo, đạo thì cho là chẳng phải đạo, chưa chứng đắc bảo là đã chứng đắc. Hoặc ít mong phước đức, chỉ chú trọng việc được giàu có, nên tâm ý loạn động.

Ở nơi công đức lớn trọn chẳng tu hành, lại chê bai, hủy báng pháp đại thừa, người ưa cầu đại thừa, pháp Thanh Văn, người ưa thích pháp Thanh Văn.

Cũng trách chê giới pháp, với giới thì gây tranh cãi, với người thì ương bướng, ngôn từ thường hung tợn. Tự cao, không rõ hạnh khiêm cung, không biết hổ thẹn, thô tháo, nói năng chẳng từ tốn, ưa chuộng lời thêu dệt, ác khẩu, nên hay nói dối, đùa cợt, buông lung vô độ…

Tạo vô số lỗi lầm như thế, nên vì nhằm lìa bỏ các pháp tội lỗi ấy, xa lìa mọi thứ buông thả đùa cợt, cần dốc tu tập định không. Tu tập nhiều về không, nên quán xét tất cả mọi thứ, thể tánh đều không. Trí của chủ thể quán không ấy cũng là không.

Quán như vậy rồi thì buộc tâm quán vô tướng nơi pháp trong, ngoài. Không thủ đắc nơi tướng của thân, cũng không thủ đắc nơi tướng buộc giữ niệm.

Bấy giờ chẳng thấy tâm bị buộc, nơi thân cũng không thủ đắc tướng của thân, cũng chẳng thủ đắc tướng bên ngoài, cũng chẳng thủ đắc chỗ niệm về tướng bên ngoài. Tướng bên ngoài dứt trừ, thì tướng của thân cũng dứt trừ. Đoạn trừ chỗ nhận thức về bên trong thì tâm ưa thích pháp thiện, việc tu tập càng tăng trưởng, thứ lớp không dứt.

Luôn nhớ nghĩ tới định, tuệ để tu tập gốc các công đức. Quán xét đúng các pháp với ý nghĩa thâm diệu, như thật, đó gọi là tuệ. Khéo thâu tóm tâm ý tán loạn, hoan hỷ, không dối, đó gọi là định.

Vì sao?

Vì trì giới thanh tịnh nên Bồ Tát có thể làm thanh tịnh hoàn thiện việc trì giới, tất thành tựu thiền, giới, đầy đủ thiền đạo. Do đó, trì giới đầy đủ gọi là tu thiền.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ Tát khéo tu tập pháp thiền.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là thọ trì Tu Đa La.

Đó là:

1. Vì hộ trì chánh pháp nên nghe pháp thì có thể thọ trì, chẳng vì tài vật các thứ ăn uống mà thọ trì.

2. Vì nhằm nối tiếp chủng tánh của Tam Bảo, khiến cho pháp Phật không bị đoạn tuyệt, chẳng vì lợi dưỡng nên thọ trì.

3. Vì khiến cho giáo pháp đại thừa được lưu hành rộng khắp nên thọ trì, chẳng vì được cung kính, có nhiều lợi lạc mà thọ trì.

4. Vì nhằm cứu độ các chúng sinh không ai cứu giúp, nên thọ trì, chẳng vì tiếng tăm, được ca ngợi mà thọ trì.

5. Vì các chúng sinh bị khổ não, khiến họ được an lạc nên thọ trì.

6. Vì nhằm khiến chúng sinh đạt được mắt tuệ nên thọ trì.

7. Vì những người cầu pháp Thanh Văn khiến họ đạt được nên thọ trì.

8. Vì sự tu tập theo pháp đại thừa được thành tựu nên thọ trì.

9. Vì nhằm thành tựu viên mãn nhất thiết chủng trí nên thọ trì.

10. Chẳng vì cầu các thừa thấp nên thọ trì.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ Tát thọ trì Tu Đa La.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là bậc Luật Sư.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Khéo thông tỏ về nhân duyên dấy khởi của Luật Tạng.

2. Thông tỏ về chỗ thâm diệu của Luật Tạng.

3. Thông tỏ về các sự việc vi tế của Luật Tạng.

4. Thông tỏ về các trường hợp nên làm, không nên làm.

5. Thông tỏ về giới tánh trọng.

6. Hiểu rõ về giới chế trọng.

7. Hiểu rõ về nhân duyên phát khởi việc chế tác giới luật.

8. Thông hiểu về giới luật của hàng Thanh Văn.

9. Thông hiểu về giới luật của hàng Bích Chi Phật.

10. Thông tỏ về Luật Tạng của Bồ Tát.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ Tát khéo hành trì Luật Sư.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo nhận biết về oai nghi, khéo nhận biết về chỗ nên làm, không nên làm, về pháp cầu hành trì, về các cử chỉ, động tác nơi oai nghi.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Khéo tu học giới luật của hàng Thanh Văn.

2. Khéo tu học giới luật của hàng Bích Chi Phật.

3. Do khéo tu học nên oai nghi đầy đủ.

4. Do oai nghi đầy đủ, nên chốn không thể hành trì thì trọn không đi đến.

5. Các vùng, cõi chẳng nên lui tới thì cũng không tìm đến.

6. Hành trì luôn đúng thời.

7. Hành trì đúng với nơi chốn hành hóa của Sa Môn, chốn không thể hành hóa thì chẳng hành, do đấy, oai nghi luôn đầy đủ.

8. Nơi chốn bị các hàng Sa Môn phạm hạnh chê trách thì không nên đến.

9. Cũng có thể giáo hóa kẻ khác hành trì giới cấm, oai nghi như thế.

10. Do ý nghĩa ấy, nên oai nghi gồm đủ, oai nghi vắng lặng, oai nghi không dua nịnh, dối trá.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát thực hiện trọn đủ mọi thứ tiến, dừng, hành, trụ của oai nghi.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là trừ bỏ ganh ghét.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tự hành bố thí.

2. Cũng chỉ dẫn cho người khác hành bố thí.

3. Tán thán pháp bố thí.

4. Thấy người khác bố thí sinh tâm tùy hỷ.

5. Vì những trường hợp ấy mà nêu giảng pháp chính yếu, khen ngợi người kia, khiến được hoan hỷ.

6. Trọn không sinh niệm: Chỉ nên bố thí cho ta, chớ bố thí cho người kia!

7. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được lợi ích của bố thí.

Mọi chỗ cần dùng đều có đủ, nên được an lạc.

1. Đạt được những lợi lạc thế gian.

2. Đạt được những lợi lạc xuất thế gian.

3. Bồ Tát tư duy: Ta nay vì chúng sinh, tu tập đạo Vô thượng, nhằm đem lại lợi ích cho họ.

Vậy sao lại khởi tâm ganh ghét?

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ Tát có thể diệt trừ sự ganh ghét.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp, có thể vì chúng sinh mà khởi tâm bình đẳng.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Vì tất cả chúng sinh mà tu tập tạo nhân duyên của phước.

2. Khiến hết thảy chúng sinh tâm không hiềm khích, sân hận.

3. Không khiến cho tất cả chúng sinh dấy khởi giận dữ.

4. Vì hết thảy chúng sinh nên tu tập sáu độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.

5. Vì tất cả chúng sinh nên phát tâm cầu đạt nhất thiết chủng trí.

6. Vì hết thảy chúng sinh nên tự làm viên mãn tâm tu đạt nhất thiết chủng trí.

7. Đều không khởi hai tưởng.

8. Công đức tạo được ban cho hết thảy chúng sinh cùng đạt được.

9. Duyên hợp nơi hết thảy chúng sinh dùng làm cảnh giới. Khi tư duy như vậy thì có thể mau chóng thành tựu pháp của. Thành tựu mau chóng pháp Bồ Tát nên có thể quán xét về sinh tử như đám lửa cháy dữ dội, tự hành hóa theo pháp ấy thì có thể ra khỏi sinh tử. Cũng khiến cho các chúng sinh được cứu độ khỏi biển khổ.

10. Luôn khởi tâm bình đẳng, không sinh tăng, giảm.

Thiện nam! Ví như ông trưởng giả có sáu người con, tâm yêu thương đối với các con thảy đều bình đẳng, chỉ bày phương tiện. Nhưng các con hãy còn quá trẻ, chưa đủ trí tuệ, không thể làm theo, chẳng biết thiện ác. Nhà bị lửa cháy, những chú bé con đều đang chơi ở những nơi khác nhau.

Này thiện nam! Ông trưởng giả ấy đâu có thể khởi tâm, đứa con này nên đem ra, đứa con kia chẳng nên đem ra, đứa con này đem ra trước, đứa con kia nên đem ra sau chăng?

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể.

Vì sao?

Vì ông trưởng giả ấy, đối với các con tâm luôn bình đẳng, không sai khác.

Phật dạy: Này thiện nam! Bồ Tát cũng lại như vậy. Đối với các chúng sinh tâm đều xem họ như con trẻ, ngu tối không trí, nơi Thế Giới sinh tử lửa cháy dữ dội khắp chốn, các người con ấy đều ở khắp sáu đường, Bồ Tát tùy chỗ ứng hợp thành tựu, thảy đều cứu vớt, cùng khắp được ra khỏi, đến nơi chốn vắng lặng.

***