Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN NĂM
 

Thế nào là giỏi nhận biết về pháp tướng?

Đó là chánh kiến, chánh chí, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, được thấy chánh đạo, lợi căn thù thắng, tâm thường trụ nơi đạo.

Nhờ lợi căn nên nhàm chán pháp ác cực độ, xa lìa nơi đông đúc ồn ào, sớm lìa dục vọng, tham sân, tà kiến, tâm thù hại, xa lìa quyến thuộc ràng buộc, xa lìa lợi dưỡng, danh tiếng, xa lìa tất cả thân tâm, thường tự nhớ quan sát tâm mình là đang niệm thiện, bất thiện hay vô ký. Nếu niệm thiện thì nên niệm thắng thiện. Niệm thắng thiện là tâm sinh hoan hỷ, phát khởi tin vui.

Thế nào là tâm thắng thiện?

Đó là ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là gì?

Đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám Thánh Đạo. Đó gọi là thắng thiện, là các phần của chân đạo. Tâm còn bất thiện thì phải luôn quan sát, sinh tâm nhàm chán pháp ác cực độ, chuyên cần đoạn trừ điều bất thiện.

Những gì là bất thiện?

Đó là tham dục, sân hận, ngu si. Tham dục có ba loại là thượng, trung và hạ.

Tham dục bậc thượng là gì?

Đó là tâm dục bức bách thân, làm chánh kiến suy tổn, sức xa lìa tâm dục yếu ớt, đánh mất tâm hổ thẹn.

Thế nào là xa lìa tâm hổ thẹn?

Như ở một mình trong rừng vắng thâu giữ thân tĩnh niệm. Trong lúc tư duy, dục vọng khởi lên mạnh mẽ mà lại quý trọng, thích thú, tư duy với lòng dục như vậy là không hổ thẹn.

Vì nghiệp dục nên tạo ra nhân của dục, trách móc, oán hận cha mẹ, không kính sợ các bậc tôn quý, cũng không cảm thấy nhục nhã, xấu hổ đối với người, mà còn tỏa ra là mình có đức. Vì dục vọng như vậy, nên khi mạng chung bị đọa vào đường ác. Đây gọi là tham dục bậc thượng.

Thế nào là tham dục bậc trung?

Nếu đã thọ dục mà sinh tâm nhàm chán xa lìa, hoặc khởi tâm hối hận gọi là tham dục bậc trung.

Thế nào là tham dục bậc hạ?

Nếu lúc xúc chạm, tưởng dục liền dứt, hoặc khi nói chuyện với nhau, tuy có tưởng nhiễm nhưng liền diệt trừ. Hoặc khi thấy cảnh dục, tưởng dục liền dứt. Đây gọi là tham dục bậc hạ.

Tất cả mọi vật cung cấp đầy đủ cho thân như y phục, đồ ăn, thức uống… đều gọi là dục.

Sân hận cũng có ba loại thượng, trung và hạ.

Thế nào là sân bậc thượng?

Như tức giận, căm hờn, não hại người, hoặc tạo năm tội ngũ nghịch, hoặc tạo một trong năm tội ngũ nghịch, hoặc phỉ báng chánh pháp… tội như vậy chẳng thể lấy gì tính đếm, thí dụ cho bằng.

Thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào đại địa ngục chịu tội, sau đó được sinh trong loài người, do dư báo còn sót nên thân thể đen đúa, gầy ốm, mắt đỏ kè, thường biểu hiện tâm ý thô lỗ, nóng giận, nhiễu hại.

Do nghĩa này mà gọi là sân bậc thượng.

Thế nào là sân bậc trung?

Nếu đã lỡ tạo những việc ác, sớm biết ăn năn hối cải, tu pháp đối trị, gọi là sân bậc trung.

Thế nào là sân bậc hạ?

Như nói lời hung dữ, hoặc chê bai quở trách, hoặc hành động theo thói quen với nghiệp ác nhỏ, hoặc lúc nào cũng tìm cách để đối phó. Đây gọi là sân bậc hạ.

Ngu si cũng có ba loại: Thượng, trung và hạ.

Thế nào là si bậc thượng?

Khi làm việc ác mà không sinh tâm hối hận, xấu hổ, chán bỏ.

Như vậy gọi là si bậc thượng.

Thế nào gọi là si bậc trung?

Khi thân lỡ làm việc ác, liền tìm cách ăn năn hối lỗi, phát lồ sám hối với bậc đồng phạm hạnh và không tỏ ra mình là người đức hạnh. Đây gọi là si bậc trung.

Thế nào gọi là si bậc hạ?

Nương vào những giới pháp của Đức Như Lai đã chế, trừ tánh trọng tội ra, còn lại những giới khác thì ít vi phạm. Do vậy gọi là si bậc hạ.

Khi tâm thiện phát khởi, Đại Bồ Tát có khả năng thu phục tham, sân, si, đoạn trừ dục ái, đoạn trừ dục lạc, đoạn trừ dục nhiễm. Nhờ tâm thiện nên làm cho dục không khởi.

Thế nào gọi là tâm vô ký?

Khi tâm vô ký này khởi lên, nó không duyên bên trong, không duyên bên ngoài, không duyên vào thiện, không duyên vào bất thiện, không từ định sinh, cũng không từ trí sinh, như người ngủ mới dậy mắt thấy không rõ. Không duyên thiện, ác gọi là vô ký.

Nếu lúc tâm vô ký sinh khởi, Bồ Tát liền tự sách tấn, phát khởi tâm thiện, làm cho tâm hoan hỷ an trụ nơi thiện. Đây gọi là Bồ Tát đạt được tâm thiện.

Nhờ tâm thiện nên quan sát tất cả các pháp như huyễn, như mộng, như tia lửa, như âm vang của tiếng gọi. Đây là pháp thiện, đây chẳng phải là pháp thiện, đây là dấu tích của pháp, đây chẳng phải là dấu tích của pháp.

Đại Bồ Tát quán hết thảy các pháp, phát khởi tâm thiện, lấy pháp làm tướng, lấy tâm làm người dẫn đường. Nên khéo giữ gìn, điều phục tâm ấy, khéo gìn giữ điều phục các pháp. Nhờ nhân duyên thấy chánh pháp nên liền được tịch định.

Tâm là cảnh giới, lấy tâm buộc tâm, dần dần nhập vào chỗ tịch định, đem tâm tụ nơi tâm, chánh trụ nơi tam muội. Tâm tịch định nên liền được chuyên nhất. Tâm chuyên nhất thứ lớp không gián đoạn nên đắc tâm định. Vì đắc tâm định nên tâm thường tịch tĩnh. Vì tâm tịch tĩnh nên tâm sinh hỷ lạc, liền trừ được dục ái cùng các ác, bất thiện.

Có giác, có quán, định sinh hỷ lạc, thành tựu Sơ Thiền.

Không giác, ít quán, định sinh hỷ lạc, thành tựu Nhị Thiền.

Trừ hỷ đắc lạc, xả niệm, đắc đệ Tam Thiền.

Lìa hạnh hỷ lạc, xả tâm, đắc Tứ Thiền.

Trừ ngã kiến. Lìa ưu, hỷ. Xả khổ, lạc, tịnh niệm. Xả hạnh tứ thiền cùng tất cả giải thoát. Lìa sắc, tưởng như hư không, tưởng tâm chúng sinh như hư không, tưởng tất cả thành một quán giải thoát. Do vậy mà tưởng sắc diệt, tưởng không sinh, tưởng não hoại đã diệt, tưởng về vô biên hư không thành tựu.

Tiếp đến là quán thức từ tưởng vô biên hư không. Vì thức vô biên nên tưởng hư không diệt. Quán thức này giảm dần đến độ chỉ còn bé tí, gọi là bất dụng xứ.

Lại quán thức này hoặc có, hoặc không, gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Diệt các tưởng và thọ gọi là định diệt định diệt tận.

Bồ Tát tuy nhập định diệt nhưng không bỏ sự giáo hóa chúng sinh, cũng không mãi vui trong định diệt cho là tịch tĩnh.

Không xả định diệt mà vẫn hay dùng tâm từ bi bảo hộ chúng sinh. Cho đến ở trong định diệt khởi tâm bi, hỷ, xả cũng lại như vậy. Khi đó Bồ Tát liền được năm thần thông.

Không vì chứng đắc mười hai môn thiền, năm thần thông… mà Bồ Tát tự cho là đủ. Chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng, đầy đủ công đức trang nghiêm mới là Bồ Tát cầu thượng pháp.

Này thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đầy đủ Thiền Ba la mật.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là trí tuệ đầy đủ.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đầy đủ thiện căn vô ngã.

2. Thông hiểu về nghiệp báo.

3. Thông hiểu pháp hữu vi.

4. Thông hiểu sinh tử tương tục không dứt.

5. Thông hiểu pháp chính yếu xuất ly sinh tử.

6. Thông hiểu pháp hai thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật.

7. Thông hiểu đại thừa.

8. Thông hiểu pháp chận đứng nghiệp ma.

9. Trí tuệ không điên đảo.

10. Trí tuệ không trí tuệ nào sánh bằng.

Thiện nam! Thế nào là đầy đủ thiện căn vô ngã?

Bồ Tát dùng trí quan sát sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Quán sắc không sinh, không khởi, không thấy nhân khởi. Quán thọ cũng không sinh, không khởi, không thấy nhân khởi. Quán tưởng cũng không sinh, không khởi, không thấy nhân khởi.

Quán hành cũng không sinh, không khởi, không thấy nhân khởi. Quán thức cũng không sinh, không khởi, không thấy nhân khởi. Quán diệt cũng không sinh, không khởi, không thấy nhân khởi. Quán đệ nhất nghĩa đế cũng không thấy, không sinh, không khởi. Thế đệ và đệ nhất nghĩa đế chỉ có giả danh, không có thật thể.

Tuy biết các pháp rỗng không mà vẫn không xả bỏ, tinh tấn tu tập, thương xót hết thảy chúng sinh như cứu lửa cháy đầu, như cứu xiêm y đang cháy, chuyên cần tu hạnh theo phương tiện, không biếng trễ, không phế bỏ. Vì tất cả chúng sinh mà cầu quả vị bồ đề vô thượng, trang nghiêm đầy đủ. Đây gọi là Bồ Tát thiện căn vô ngã.

Thế nào gọi là Bồ Tát thông hiểu về nghiệp báo?

Bồ Tát quan sát kỹ tướng nơi hết thảy chúng sinh đều như huyễn, như thành Càn Thát Bà, như trăng trong nước, thể tánh vắng lặng. Tất cả chúng sinh nhiễm chấp nơi ngã kiến và ngã sở kiến, vì nhân duyên ấy nên không thấy chánh đạo.

Chúng sinh tác tưởng như vầy: Nếu không ngã, không nhân, không thọ mạng, không trượng phu, tất cả đều không, như vậy thì ai thọ thiện ác sai khác trong sáu đường?

Đại Bồ Tát tuy thông hiểu về nghiệp báo là chẳng thường, chẳng đoạn, nhưng vẫn thọ nhận, không bỏ. Đó gọi là Bồ Tát thông hiểu về nghiệp báo.

Thế nào gọi là Bồ Tát thông hiểu pháp hữu vi mà không chấp giữ tướng hữu vi?

Chánh kiến như thật, biết pháp hữu vi biến đổi mau chóng không dừng, niệm niệm lưu chuyển, như hạt sương trên hoa, như thác nước đổ xuống khe núi không có ngưng nghỉ, cũng như thành xây trên cát không có vững chắc.

Thấy rõ tướng của pháp hữu vi như vậy, há có người trí nào lại tham đắm, luyến ái dục lạc, sinh lòng ưu bi?

Nhờ nhân duyên này nên Bồ Tát nhàm chán các sinh tử ác, vui thích Niết Bàn. Đó gọi là Bồ Tát thông hiểu pháp hữu vi.

Thế nào gọi là Bồ Tát thông hiểu sự sinh tử lưu chuyển?

Bồ Tát quan sát hết thảy chúng sinh do vô minh tăm tối nên trôi nổi theo dòng sinh tử, thường bị lưới ái ràng buộc. Vì nhân duyên ấy nên có thọ. Vì thọ nên tạo nghiệp thiện, ác. Vì nhân duyên của nghiệp nên có hữu. Vì nhân duyên hữu nên có sinh.

Vì nhân duyên sinh nên có tử, ưu, bi, khổ não, các khổ tụ tập, sinh tử lưu chuyển qua lại, lên xuống, giống như vòng lửa. Bồ Tát chánh quán về sinh tử, rõ biết như thật, gọi là Bồ Tát thông hiểu sự sinh tử lưu chuyển.

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu pháp vượt thoát sinh tử?

Không có vô minh thì không có hành, không có hành thì không có thức, không có thức thì không có danh sắc, không có danh sắc thì không có lục nhập, không có lục nhập thì không có xúc, không có xúc thì không có thọ, không có thọ thì không có ái, không có ái thì không có thủ, không có thủ thì không có hữu, không có hữu thì không có sinh, không có sinh thì không có già, bệnh, chết, ưu bi khổ não, các khổ tụ tập.

Bồ Tát tri kiến như thật về mười hai nhân duyên, đó gọi là Bồ Tát thông hiểu pháp vượt thoát sinh tử.

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu pháp nhị thừa: Thanh Văn, Bích Chi Phật?

Như khi Bồ Tát quan sát pháp ấy mười hai nhân duyên liền chứng đắc quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, đoạn tận các kết sử, lậu hoặc, chứng đắc Bích Chi Phật. Sau khi thành Bích Chi Phật thì như tê giác một sừng, Bồ Tát thông hiểu pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật mà không thủ chứng.

Vì sao?

Vì Bồ Tát thâu nhận hết thảy chúng sinh, với âm thanh phát ra như Sư Tử gầm: Ta nguyện nhổ tận hết thảy gốc rễ nơi khổ, sinh tử triền miên của chúng sinh. Do vậy, nay ta không nên vượt thoát sinh tử một mình. Đấy gọi là Bồ Tát thông hiểu pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu pháp đại thừa?

Học thông tất cả các pháp mà Bồ Tát không thủ đắc tướng nơi các pháp. Bồ Tát tu học đạo một cách tinh thông mà không thủ đắc tướng nơi đạo, không thấy người là chủ thể hành, không thấy pháp là đối tượng được hành, cũng không thấy chỗ đạt đến. Do tướng mạo của nhân duyên này mà không rơi vào đoạn kiến. Đây gọi là Bồ Tát thông hiểu pháp đại thừa.

Thế nào là trí tuệ của Bồ Tát khéo thông hiểu pháp ngăn ngừa nghiệp ma?

Bồ Tát khéo biết, không thân cận các tri thức ác, cũng không đến nước ác, thường hay xa lìa sự đàm thoại về thế tục, chẳng thích thân cận các điều phi pháp, chẳng cầu lợi dưỡng. Đối với các pháp ấy cũng chẳng sinh tâm ưa thích. Tất cả các kết sử tạo chướng ngại, Bồ Tát đều đã xa lìa, thông hiểu, đối trị. Đây gọi là trí tuệ của Bồ Tát thông hiểu pháp ngăn ngừa nghiệp ma.

***