Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN SÁU
 

Thế nào là Bồ Tát hành trí tuệ không điên đảo?

Bồ Tát học thông suốt Thế đế, Đệ nhất nghĩa đế và các Kinh, Luận cùng các sách tạp luận thế gian là vì nhằm hóa độ làm thành thục cho chúng sinh. Tuy học rộng đa văn nhưng không vì thế mà hiển bày công đức của mình, chỉ vì để giáo hóa chúng sinh.

Tuy hiểu rõ sách đời, nhưng Bồ Tát vẫn luôn tôn kính pháp Phật, vì nó là tối thắng, hoàn toàn không nhiễm tư tưởng tà kiến ngoại đạo. Đây gọi là Bồ Tát hành trí tuệ không điên đảo.

Thế nào gọi là trí tuệ của Bồ Tát không ai sánh bằng?

Không thấy Trời, hoặc người, hoặc Sa Môn, Bà La Môn, các ngoại đạo nào có trí tuệ bằng Bồ Tát. Trừ các Đức Như Lai Thế Tôn Đẳng Chánh Giác, còn lại các chúng Trời, Người, A Tu La… không ai có trí tuệ bằng Bồ Tát. Đây gọi là trí tuệ của Bồ Tát không ai sánh bằng.

Này thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát trí tuệ đầy đủ.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là phương tiện đầy đủ, đó là:

1. Thông hiểu phương tiện hồi hướng.

2. Khéo điều phục các kiến chấp của ngoại đạo.

3. Khéo điều phục năm trần.

4. Khéo trừ nghi, hối.

5. Khéo cứu hộ chúng sinh.

6. Khéo biết giúp đỡ mạng sống của chúng sinh.

7. Khéo thọ nhận cúng dường.

8. Khéo làm thay đổi các người tu học hai thừa: Thanh Văn, Bích Chi Phật về với Đại Thừa.

9. Thông hiểu chỉ dạy, tạo sự lợi, hỷ.

10. Thông hiểu cung kính cúng dường.

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện hồi hướng?

Hết thảy các vật vô chủ, chẳng phải là của mình trong những chốn đồng trống, ao đầm rộng lớn vắng vẻ, tất cả các vật hiện có như hoa quả, hương, cây hương, vật báu, cây báu, bông vải, cây bông vải… ngày đêm sáu thời Bồ Tát đều hết lòng dâng cúng Phật.

Đem căn lành này hồi hướng lên quả vị bồ đề vô thượng như ở trong Kinh luôn khen ngợi việc cúng dường Tam Bảo, hết thảy Bồ Tát cùng các chúng sinh trong mười phương Thế Giới đều hết lòng tùy hỷ.

Nếu khởi lên một niệm về thiện căn, thân tâm tùy hỷ thì đều hồi hướng. Dùng hương hoa cúng dường hình tượng, tháp miếu của Chư Phật, đem căn lành này nguyện cho tất cả chúng sinh đều trừ sạch giới phi pháp, cấu uế, được thân giới hương của Chư Phật.

Nếu khi quét dọn đất tháp, nguyện cho hết thảy chúng sinh đều được thân đoan nghiêm, uy nghi đầy đủ.

Nếu đem lọng hoa cúng dường Tháp Phật, nguyện cho hết thảy chúng sinh trừ được phiền não bức bách.

Nếu vào phòng tăng, chùa và tháp, nguyện cho hết thảy chúng sinh vào được thành Niết Bàn.

Nếu ra khỏi Chùa, Tháp, nguyện cho hết thảy chúng sinh mãi mãi lìa xa sinh tử.

Nếu khi mở cửa, nguyện cho hết thảy chúng sinh mở cửa đường thiện.

Nếu lúc đóng cửa, nguyện cho hết thảy chúng sinh đóng cửa đường ác.

Nếu khi muốn ngồi, nguyện cho hết thảy chúng sinh ngồi nơi đạo tràng.

Nếu muốn đứng dậy, nguyện cho hết thảy chúng sinh vượt thoát khỏi bùn nhơ phiền não.

Nếu khi nằm nghiêng hông bên phải, nguyện cho hết thảy chúng sinh được nằm nơi Niết Bàn.

Nếu khi mặc áo, nguyện cho hết thảy chúng sinh mặc được áo hổ thẹn.

Nếu lúc cầm bát, nguyện cho hết thảy chúng sinh đầy đủ pháp Phật.

Nếu lúc muốn ăn, nguyện cho hết thảy chúng sinh đều được pháp thực.

Nếu lúc đại tiểu tiện, nguyện cho hết thảy chúng sinh trừ khử cấu uế, không còn dâm, nộ, si.

Nếu khi rửa tay, nguyện cho hết thảy chúng sinh đều xa lìa nhiễm trược.

Nếu khi rửa chân, nguyện cho hết thảy chúng sinh trừ sạch phiền não cấu bẩn.

Nếu khi xỉa răng, súc miệng, nguyện cho hết thảy chúng sinh trừ sạch các loại uế tạp.

Nếu khi thân đi, đứng, hoặc cử động, nguyện cho hết thảy chúng sinh đều được an lạc.

Nếu khi lễ chùa tháp, nguyện cho hết thảy chúng sinh cũng đều kính lễ.

Đây gọi là Bồ Tát thông hiểu phương tiện hồi hướng.

Thế nào gọi là Bồ Tát khéo hàng phục các kiến chấp của ngoại đạo, làm cho chín mươi sáu loại dị học được điều phục và xuất gia?

Khi muốn điều phục ngoại đạo, Bồ Tát không nên cao ngạo, vì làm bậc mô phạm nên trước phải cung kính, giả hiện làm đệ tử, sau đó mới điều phục. Tùy theo oai nghi phép tắc của ngoại đạo, Bồ Tát đều phải tập học, nghiên cứu tường tận, vượt hơn họ. Sau khi điều phục họ rồi, Bồ Tát mới chuyển hóa khiến họ làm đệ tử tin theo lời mình nói.

Bấy giờ Bồ Tát liền dẫn dạy: Pháp trước đây ông học chẳng phải pháp lìa dục, cũng chẳng phải pháp đưa đến giải thoát. Dùng chánh đạo khuyến hóa tâm họ, khiến an lập nơi pháp Phật. Đây gọi là Bồ Tát giỏi điều phục các kiến chấp của ngoại đạo.

Thế nào gọi là Bồ Tát khéo điều phục năm trần?

Thấy các chúng sinh tham dục dấy khởi mạnh, vì hóa độ những người đó nên Bồ Tát hiện làm thân nữ đoan chánh, đẹp hơn những người nữ khác, khiến cho người kia đắm đuối.

Sau đó, Bồ Tát lại hiện làm thây chết sình trướng, thối rửa, khiến chúng sinh thấy vậy đều sinh kinh sợ, nhàm chán mà suy nghĩ: Nay ta làm thế nào để sớm xa lìa được thân cấu uế?

Khi ấy, Bồ Tát liền hiện lại thân cũ, thuyết giảng pháp yếu, khiến đạo tâm vô thượng của họ được kiên cố. Đây gọi là Bồ Tát khéo điều phục năm trần.

Thế nào gọi là Bồ Tát khéo trừ nghi, hối?

Nếu thấy chúng sinh nào tạo tội ngũ nghịch và các tội ác khác, Bồ Tát liền hỏi chúng sinh: Nay ông làm gì mà sầu khổ như vậy?

Người đó đáp: Tôi tạo tội ngũ nghịch nên ưu sầu hối hận. Bỏ thân này rồi sẽ chịu nhiều khổ não, mãi mãi suy tổn, không có an vui. Bồ Tát liền hiện thần biến thích hợp với tâm niệm người đó, khiến họ tín phục, sinh kính tín, ái lạc.

Bồ Tát lại hóa làm cha mẹ bị mình nghịch lại, khiến người đó nghĩ: Bồ Tát thần túc oai lực vô lượng còn hại cha mẹ, huống gì là ta ngu si.

Bồ Tát nói: Ta thật cùng ông làm bạn tạo tội ngũ nghịch. Bồ Tát liền vì họ thuyết các loại pháp khiến cho tội ngũ nghịch của người đó liền được nhẹ mỏng như cánh muỗi.

Đây gọi là Bồ Tát giỏi trừ nghi, hối.

Thế nào gọi là Bồ Tát giỏi có khả năng cứu độ chúng sinh?

Bồ Tát quán thấy chúng sinh kia có khả năng làm bậc pháp khí nhưng lại tạo các việc ác, Bồ Tát liền hiện các loại thân thuyết pháp như: Cần hiện thân Vua để độ thì liền hiện thân Vua. Cần hiện thân hàng Sát Lợi để độ thì liền hiện thân hàng Sát Lợi.

Cần hiện thân Bà La Môn để độ, liền hiện thân Bà La Môn. Cần hiện thân Trời để độ, liền hiện thân Trời. Cần hiện thân Kim Cang lực sĩ để độ, liền hiện thân Kim Cang lực sĩ. Cần hiện thân khủng bố để độ, liền hiện thân khủng bố.

Cần hiện thân trói nhốt, đánh đập, lo sợ để độ, liền hiện thân trói nhốt, đánh đập, lo sợ. Cần hiện thân thân hữu yêu thích để độ, liền hiện thân thân hữu yêu thích… thấy cần độ chúng sinh bằng thân gì thì Bồ Tát liền hiện ra thân đó để độ. Đây gọi là Bồ Tát giỏi có khả năng cứu độ chúng sinh.

Thế nào gọi là Bồ Tát giỏi biết cứu mạng chúng sinh?

Đại Bồ Tát thấy chúng sinh không thể gắng nhận, chẳng biết chánh pháp, chỉ biết tham dục, ăn uống, y phục, ngoài ra chẳng cầu gì khác. Khi ấy, Bồ Tát chỉ dạy toán số, y phương, các loại kỹ thuật, những việc lành như vậy đều khiến họ học tập, làm cho họ không còn bị thiếu thốn về y phục, ăn uống. Đây gọi là Bồ Tát giỏi biết cứu mạng chúng sinh.

Thế nào gọi là Bồ Tát thông hiểu sự thọ nhận cúng dường?

Lúc được khối lượng châu báu lớn như núi Tu Di, Bồ Tát đều có thể thọ dụng. Nếu được bố thí ít vật cỏn con, Bồ Tát cũng đều thọ dụng.

Vì nhân duyên gì mà Bồ Tát đều thọ dụng tất cả vật lớn, nhỏ?

Vì thấy chúng sinh tham lam, bỏn sẻn, ganh ghét, không có tâm bố thí. Lại thấy chúng sinh chìm đắm nơi sinh tử như cá trong nước. Vì thương xót chúng sinh nổi trôi ngụp lặn trong biển cả nên Bồ Tát tạo lợi ích khiến họ được an vui.

Bồ Tát nhận của cải, châu báu rồi đem cúng dường Phật, Pháp, Tăng, cung cấp cho kẻ nghèo thiếu. Những nơi được cấp thí, Bồ Tát tùy theo đó mà thuyết pháp khiến họ đều phát tâm bồ đề vô thượng. Đây gọi là Bồ Tát thông hiểu sự thọ nhận cúng dường.

Thế nào gọi là Bồ Tát hay giỏi chuyển hàng nhị thừa nhập vào đại thừa?

Bồ Tát thấy các chúng sinh có thể gắng nhận làm hạng đại khí, cho đến những người tu theo hàng Nhị Thừa là Thanh Văn, Bích Chi Phật tinh tấn dốc hành khổ hạnh, Bồ Tát đều làm cho trụ vào Đại Thừa, kể cả đồ chúng của họ cũng đều được chuyển bỏ tâm nhỏ hẹp vì kế thừa Phật chủng, không đoạn mất Tam Bảo. Đây gọi là Bồ Tát khéo chuyển hàng nhị thừa an trụ vào đại thừa.

Thế nào gọi là Bồ Tát giỏi có khả năng chỉ dạy tạo mọi lợi vui?

Người chưa phát tâm bồ đề, Bồ Tát hay làm cho phát tâm. Người bê trễ biếng nhác, Bồ Tát khiến cho chuyên cần, tinh tấn. Nếu người làm việc thiện ít mà tự cho là đủ, Bồ Tát phát khởi phương tiện khiến cho họ hành trì đầy đủ các pháp thiện.

Nếu có người giới bị tổn giảm chút ít, sinh chướng ngại lớn, tâm lìa bỏ hết thảy pháp thiện, Bồ Tát liền thuyết pháp khiến họ hoan hỷ, tu đầy đủ giới hạnh. Đây gọi là Bồ Tát giỏi có khả năng chỉ dạy tạo mọi lợi vui.

Thế nào gọi là Bồ Tát giỏi có khả năng cung kính, cúng dường Tam Bảo?

Bồ Tát xuất gia thiểu dục, tri túc, chẳng chứa của cải, vật báu, chỉ dùng pháp thí làm lợi.

Tại nơi thanh vắng, Bồ Tát ngồi một mình, tư duy: Vì sao nay ta không tác tưởng cúng dường Phật, tức thời tự tâm tư duy các loại hoa sen cúng dường Chư Phật. Tư duy như vậy xong, liền có khả năng hành trì đầy đủ sáu độ.

Thế nào là hành trì đầy đủ sáu độ?

1. Đem các loại cúng dường đầy đủ là bố thí Ba la mật.

2. Thường giúp đỡ hết thảy chúng sinh làm thiện là trì giới Ba la mật.

3. Vui nhẫn hoan hỷ là an nhẫn Ba la mật.

4. Thân tâm không biếng nhác là tinh tấn Ba la mật.

5. Chuyên tâm không loạn là thiền Ba la mật.

6. Các hạnh đều được đầy đủ trang nghiêm là bát nhã Ba la mật.

Khi ở chỗ thanh vắng tư duy như vậy, Bồ Tát có khả năng hành trì đầy đủ sáu pháp Ba la mật. Đây gọi là Bồ Tát thông hiểu sự cung kính cúng dường Tam Bảo.

Này thiện nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đầy đủ phương tiện.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là phương tiện phát nguyện.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Phát nguyện không làm việc thấp kém.

2. Phát nguyện không sợ sinh tử.

3. Phát nguyện siêu vượt hết thảy chúng sinh.

4. Phát nguyện khen ngợi hết thảy Chư Phật.

5. Phát nguyện hàng phục hết thảy ma chướng.

6. Phát nguyện không bị người khác giáo hóa.

7. Phát nguyện vô biên.

8. Phát nguyện không sợ hãi.

9. Phát nguyện không ưu buồn.

10. Phát nguyện đầy đủ.

Thế nào là Bồ Tát phát nguyện không làm việc thấp kém?

Đại Bồ Tát phát nguyện không vì thọ lạc trong ba cõi. Đó gọi là Bồ Tát phát nguyện không thấp kém.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện không sợ sinh tử?

Bồ Tát phát nguyện không vì cầu nhị thừa, không vì chán ghét sinh tử, không vì diệt trừ sinh tử. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện không sợ sinh tử.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện vượt lên trên hết thảy chúng sinh?

Bồ Tát nguyện làm cho hết thảy chúng sinh trong bốn loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh đều thành tựu đạo quả Bồ Đề và nhập Niết Bàn. Còn mình thì nhập Niết Bàn hoặc không nhập Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện vượt lên trên hết thảy chúng sinh.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện khen ngợi hết thảy Chư Phật?

Bồ Tát phát nguyện: Ta khuyến hóa hết thảy chúng sinh đều phát tâm vô thượng bồ đề, hành đạo Bồ Tát, cho đến ngồi nơi Đạo Tràng. Ta sẽ khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân. Nếu Ngài nhập Niết Bàn, ta sẽ khuyến thỉnh trụ mãi ở đời, tạo lợi ích cho chúng sinh. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện khen ngợi tất cả Chư Phật.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện hàng phục hết thảy ma chướng?

Bồ Tát phát nguyện làm cho tất cả chúng sinh thành Phật và các quốc độ không còn nghe danh từ ma ác. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện hàng phục hết thảy ma chướng.

***