Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vân

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
 

PHẦN TÁM
 

Thế nào gọi là Bồ Tát có khả năng làm trú xứ cho hết thảy chúng sinh nương tựa?

Như đại địa, mọi cỏ cây lớn nhỏ, hết thảy chúng sinh đi, đứng, nằm, ngồi đều nương vào đất. Bồ Tát cũng vậy, hết thảy chúng sinh tu hành hướng thiện, nhị thừa học pháp cho đến chứng Niết Bàn, tất cả đều nhân nơi Bồ Tát mà được. Đây gọi là Bồ Tát có khả năng làm trú xứ cho hết thảy chúng sinh nương tựa.

Thế nào gọi là Bồ Tát làm nơi chốn dựa nương cho mọi hạt giống lành?

Ví như đại địa, mọi hạt giống đều nương nơi đất mà sinh trưởng. Bồ Tát cũng vậy, hết thảy mọi hạt giống nghiệp thiện, nơi Trời, Người đều nương vào Bồ Tát mà sinh trưởng. Đây gọi là Bồ Tát làm nơi chốn dựa nương cho mọi hạt giống lành.

Thế nào gọi là Bồ Tát như vật báu lớn?

Ví như đại địa có khả năng sinh ra mọi thứ châu báu, các báu vật đều lấy ra từ đất. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, hết thảy các báu là quả vui nơi công đức thiện đều sinh ra từ Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát như vật báu lớn.

Thế nào gọi là Bồ Tát có khả năng sinh ra hết thảy đại pháp dược?

Ví như đại địa sinh ra các cây thuốc vi diệu, có khả năng trị hết các loại bệnh tật. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, có khả năng sinh ra tất cả các pháp dược vi diệu, trừ sạch các bệnh phiền não. Đây gọi là Bồ Tát có khả năng sinh ra hết thảy đại pháp dược.

Thế nào gọi là Bồ Tát không bị khuynh động?

Ví như đại địa, gió không thể làm lay động. Ruồi, ve, rệp, mọt… chẳng thể làm suy tổn. Cũng vậy, hết thảy các duyên bức não trong ngoài đều chẳng thể nhiễu động Đại Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát không bị khuynh động.

Thế nào gọi là Bồ Tát không kinh sợ?

Hết thảy các âm thanh gầm thét vang dội của sấm chớp, voi, rồng, hổ, báo, Sư Tử… không thể làm đại địa kinh sợ. Đại Bồ Tát cũng như thế, hết thảy chín mươi sáu thứ ngoại đạo chẳng thể làm cho dao động. Đây gọi là Bồ Tát không kinh sợ.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát chứng đắc địa tam muội.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp ví như đại thủy.

Đó là:

1. Như dòng nước phun tưới, thấm đượm đất sâu dày.

2. Hay làm cho những hạt giống thiện của chúng sinh nẩy nở.

3. Vui mừng, kính tín.

4. Nhận chìm hết thảy mầm mống phiền não.

5. Như nước trong sạch không nhơ.

6. Diệt trừ hết thảy hoạn nạn nóng bức.

7. Trừ sạch tâm tham dục, khát ái.

8. Sâu rộng khó dò.

9. Như nước từ trên cao chảy xuống, tất cả đều được thấm đượm.

10. Hay trừ hết thảy các kết sử trần cấu.

Thế nào gọi là Bồ Tát như dòng nước phun tưới, thấm đượm đất sâu dày?

Nước làm cho tất cả cỏ cây sinh trưởng tươi tốt. Cũng vậy, Bồ Tát đem các công đức rưới xuống như nước nhuần thấm tất cả, đến như điều thiện nhỏ cũng được tăng trưởng. Đây gọi là Bồ Tát như dòng nước phun tưới, thấm đượm đất sâu dày.

Thế nào gọi là Bồ Tát hay làm cho những hạt giống thiện của chúng sinh nẩy nở?

Như nước hay làm cho tất cả cỏ cây lớn nhỏ đều được sinh trưởng tươi tốt, Bồ Tát dùng nước thiền định tưới mát thấm nhuần chi đạo chánh trực, giác ý, làm cho tăng trưởng, lần lần sung mãn thành đại thọ nhất thiết trí.

Đây gọi là Bồ Tát có khả làm cho những hạt giống thiện của chúng sinh nẩy nở. Đem ngần ấy các loại quả pháp Phật để tạo lợi ích cho chúng sinh. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, đem pháp thanh tịnh làm cho chúng sinh được thấm nhuần tăng trưởng. Đây gọi là Bồ Tát hay làm cho những hạt giống thiện của chúng sinh nẩy nở.

Thế nào gọi là Bồ Tát vui mừng kính tín?

Như nước tự ướt, cũng hay làm ướt các vật khác. Bồ Tát cũng thế, tự thân cung kính tín lạc, cũng hay làm cho kẻ khác cung kính tín lạc. Đây gọi là Bồ Tát cung kính tín lạc.

Thế nào gọi là Bồ Tát nhận chìm hết thảy mầm mống phiền não?

Ví như đại thủy có khả năng nhận chìm mầm gốc cỏ cây trong nước, làm cho thối rã. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, dùng nước thiền định dìm sâu mầm mống phiền não, khiến tất cả đều tan hoại, cho đến tập khí kết sử của trần cấu thảy đều không còn. Đây gọi là Bồ Tát nhận chìm hết thảy mầm mống phiền não.

Thế nào gọi là Bồ Tát như nước tinh khiết không cấu bẩn?

Thể tánh của nước thường hằng không cấu bẩn. Cũng lại như vậy, Đại Bồ Tát thể tánh không cấu uế.

Thế nào là thể tánh Bồ Tát không cấu uế?

Đó là những kết sử tham dục, sân hận, ngu si… đều bị Bồ Tát đoạn trừ sạch sẽ, lại khéo hộ trì các căn thanh tịnh như nước. Đây gọi là Bồ Tát như nước tinh khiết không cấu bẩn.

Thế nào gọi là Bồ Tát trừ sạch hết thảy các hoạn nạn nóng bức?

Ví như vào mùa hè, dùng nước tắm rửa thân thể thì được mát mẻ. Bồ Tát cũng lại như vậy, hay dùng nước pháp gội sạch phiền não nóng bức. Đây gọi là Bồ Tát trừ sạch hết thảy các hoạn nạn nóng bức.

Thế nào gọi là Bồ Tát hay trừ tâm tham dục khát ái?

Ví như dòng suối mát đẩy tan cơn khát của muôn loài. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, hay dùng nước pháp trừ tận lòng khát nơi năm dục của chúng sinh. Đây gọi là Bồ Tát hay trừ tâm tham dục khát ái.

Thế nào gọi là sự rộng sâu khó dò của Bồ Tát?

Hết thảy chúng ma và các ngoại đạo không thể vượt qua dòng nước thiền định và trí tuệ của Bồ Tát. Đây gọi là sự rộng sâu khó dò của Bồ Tát.

Thế nào gọi là Bồ Tát như dòng nước từ trên đổ xuống tràn khắp?

Ví như dòng nước từ trên cao đổ xuống tràn khắp. Bồ Tát cũng lại như vậy, đem dòng pháp tưới nhuận khắp cả, làm cho hết thảy chúng sinh thiện và ác không còn khổ não. Đây gọi là Bồ Tát như dòng nước từ trên đổ xuống tràn khắp.

Thế nào gọi là Bồ Tát có thể dứt trừ hết thảy các trần cấu kết sử?

Bồ Tát dùng nước thiền định ngâm ướp sáu trần, các căn thanh tịnh không nhiễm nơi sắc, thanh. Đây gọi là Bồ Tát có thể dứt trừ hết thảy các trần cấu kết sử.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát ví như đại thủy.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp ví như đại hỏa.

Đó là:

1. Có thể thiêu đốt hết thảy củi kết sử.

2. Có thể hầm chín hết thảy các vật.

3. Hay làm khô bùn phiền não.

4. Như đống lửa lớn.

5. Như lửa chiếu sáng.

6. Hay làm cho kinh sợ.

7. Hay làm cho an ổn.

8. Nếu có lợi dưỡng đều cho hết thảy chúng sinh.

9. Được người cúng dường.

10. Người không dám khinh.

Thế nào gọi là Bồ Tát có thể thiêu đốt hết thảy củi kết sử?

Như lửa hay thiêu đốt tất cả rừng rậm, cỏ cây lớn nhỏ. Bồ Tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ thiêu sạch rừng rậm kết sử phiền não. Đây gọi là Bồ Tát có thể thiêu đốt hết thảy củi kết sử.

Thế nào gọi là Bồ Tát như lửa, có thể làm thành thục hết thảy các vật?

Cũng lại như vậy, Bồ Tát dùng lửa trí tuệ có thể khả năng làm

thành thục hết thảy pháp Phật kiên cố, bất hoại. Đây gọi là Bồ Tát có thể làm thành thục hết thảy các vật.

Thế nào gọi là Bồ Tát hay làm khô bùn phiền não?

Như lửa có khả năng làm khô mọi vật ướt. Bồ Tát cũng vậy, có khả năng dùng lửa trí tuệ làm khô bùn hữu lậu. Đây gọi là Bồ Tát hay làm khô bùn phiền não.

Thế nào gọi là Bồ Tát như đống lửa lớn?

Như người bị khí lạnh bức ép, được hơ lửa thì khỏi lạnh ngay. Bồ Tát cũng lại như vậy, thấy các chúng sinh bị phiền não khổ lạnh buốt bức bách, Bồ Tát dùng lửa trí tuệ làm cho họ được ấm áp. Đây gọi là Bồ Tát như đống lửa lớn.

Thế nào gọi là Bồ Tát như lửa chiếu sáng?

Ví như trên đỉnh núi Tuyết có người đốt đống lửa lớn, chu vi ánh sáng tỏa chiếu khắp một trăm lý đến hai trăm lý. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, ở trên đỉnh núi vô minh thắp sáng ngọn lửa trí tuệ soi khắp hơn trăm ngàn Thế Giới. Đây gọi là Bồ Tát như lửa chiếu sáng.

Thế nào gọi là Bồ Tát hay làm kinh sợ?

Ví như các loài hoẵng, hươu, hổ, beo… thấy lửa đều phải kinh sợ chạy xa. Như thiên ma và quyến thuộc của chúng thấy lửa trí tuệ, oai đức của Bồ Tát thảy đều tránh xa. Đây gọi là Bồ Tát hay làm kinh sợ.

Thế nào gọi là Bồ Tát hay làm an ổn?

Ví như có người ở trong chỗ đồng trống vắng đen tối quên mất hướng về, từ xa trông thấy ánh lửa, họ liền đi về phương đó, hoặc gặp làm xong, hoặc gặp chỗ người thả trâu. Đến được nơi đó rồi, người này tâm được an ổn không còn lo sợ.

Cũng lại như vậy, chúng sinh ở trong đồng hoang sinh tử tăm tối quên mất hướng về, xa xa trông thấy ánh lửa của Đại Bồ Tát, chúng sinh liền theo hướng ấy tìm đến. Sau khi đến đó, phiền não sợ hãi của chúng sinh đều được tiêu trừ. Đây gọi là Bồ Tát hay làm an ổn.

Thế nào gọi là lợi dưỡng của Bồ Tát luôn ban cho chúng sinh cùng hưởng?

Ví như lửa lớn làm cho Vua hoặc quần thần, hoặc hàng Chiên Đà La, kẻ nam người nữ… tất cả đều được ấm áp. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, thí cho hết thảy chúng sinh, Vua hoặc quần thần, hoặc Chiên Đà La, kẻ nam người nữ… dùng lửa trí tuệ của mình thiêu sạch mọi phiền não băng giá, vĩnh viễn được an hòa ấm áp. Đây gọi là lợi dưỡng của Bồ Tát luôn ban cho chúng sinh cùng hưởng.

Thế nào gọi là Bồ Tát được người cúng dường?

Ví như đại hỏa được Sát Lợi, Bà La Môn, dân chúng trong toàn thành ấp, xóm làng cúng dường. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, được hàng Trời, Người, A Tu La và quyến thuộc của ma cung kính cúng dường như Đức Thế Tôn không khác. Đây gọi là Bồ Tát được người cúng dường.

Thế nào gọi là bậc Bồ Tát mọi người không dám khinh?

Ví như có người được một ít lửa dùng để thiêu đốt nên không dám khinh thường. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, một niệm thiện mới phát, tuy chưa có lực lớn nhưng hàng Trời, Người, A Tu La và quyến thuộc của ma không dám khinh thường.

Vì sao?

Vì không bao lâu Bồ Tát này sẽ ngồi tòa đạo tràng, chứng quả Bồ Đề vô thượng. Đây gọi là Bồ Tát mọi người không dám khinh thường.

Thiện nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát ví như đại hỏa.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp giống như hư không.

Đó là:

1. Rộng lớn vô ngại.

2. Tịch diệt vô tướng.

3. Trí không vô biên.

4. Tuệ không vô biên.

5. Rộng lớn như pháp giới.

6. Biết hết thảy pháp.

7. Tướng như hư không.

8. Hết thảy pháp không trụ.

9. Vượt qua hết thảy hình tướng.

10. Vượt qua tất cả số lượng nghĩ bàn.

Thiện nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát giống như hư không.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp tâm như hư không.

Đó là:

1. Được sự hỷ lạc, tâm cũng không tham đắm.

2. Không được hỷ lạc, tâm cũng không sân hận.

3. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, tâm cũng không tham đắm.

4. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc tâm cũng không sân hận.

5. Cho đến đối với hết thảy các pháp tâm cũng không tham đắm.

6. Đối với bốn pháp: Lợi suy, hủy dự, xưng cơ, khổ lạc tâm không tham đắm hay sân hận.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát tâm như hư không.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp giống như trăng tròn.

Đó là:

1. Hay làm cho tất cả chúng sinh được an lạc, mát mẻ.

2. Ai thấy cũng vui thích.

3. Hay làm cho pháp thiện mỗi ngày tăng trưởng.

4. Hay làm cho pháp ác mỗi ngày giảm mất.

5. Như trăng tròn đầy.

6. Thể tướng thắng diệu, thể tánh thanh tịnh.

7. Đạt đến Vô Thượng Thừa.

8. Thường tự trang nghiêm.

9. Đạt pháp hỷ lạc, hành hóa theo đệ nhất thừa.

10. Có đại thần thông, oai đức tự tại.

***