Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
 

PHẦN HAI MƯƠI BA
 

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng nắm giữ tạng luật.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể đầy đủ oai nghi và cảnh giới sở hành khuôn phép.

Những gì là mười?

1. Học tất cả học xứ của Thanh Văn.

2. Khéo học tất cả học xứ của Duyên Giác.

3. Học hoàn hảo tất cả học xứ của Bồ Tát.

4. Về các học xứ được học hoàn hảo rồi thì có khả năng hoàn hảo khuôn phép sở hành đầy đủ.

5. Sở hành khuôn phép đều đầy đủ rồi liền có thể xả bỏ hạnh chẳng phải Sa Môn.

6. Vì nhân duyên này mà Bồ Tát không thực hành phi xứ phi thời.

7. Bồ Tát có thể đối với sở hành oai nghi khuôn phép của Sa Môn đều được đầy đủ, nên Sa Môn, Bà La Môn đều không thể cơ hiềm hủy báng phi lý.

8. Do đây Bồ Tát cũng có thể khiến cho người khác học hoàn hảo tất cả học xứ như vậy.

9. Bồ Tát thực hành khuôn phép viên mãn rồi, được đoan nghiêm vắng lặng, đầy đủ oai nghi.

10. Thành tựu oai nghi mà chẳng dối trá.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có thể đầy đủ oai nghi và cảnh giới sở hành khuôn phép.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì xa lìa keo kiệt, ganh ghét.

Những gì là mười?

1. Mình được làm thí chủ.

2. Luôn khuyên người khác bố thí.

3. Hay khen ngợi bố thí.

4. Vui mừng khi người khác bố thí.

5. Ngoài khen ngợi ra còn khiến cho thí chủ được hoan hỷ.

6. Khi được người khác cho chẳng bao giờ nghĩ rằng: Chỉ cho ta mà chớ cho người khác, vật như vậy chỉ một mình ta mới đáng có.

7. Bồ Tát phát tâm khiến cho tất cả hữu tình đều được lợi ích, đó là luôn giúp đỡ họ của cải sinh sống.

8. Bồ Tát phát tâm khiến cho các hữu tình đều được an lạc, đó là thành tựu tất cả sự an lạc của thế gian và xuất thế gian.

9. Ta nên chuyên cần tu tập vì muốn tạo lợi ích cho các hữu tình.

10. Ta nên phát khởi tâm lìa bỏ keo kiệt ganh ghét.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này liền có thể lìa hẳn tâm keo kiệt ganh ghét.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể đối với tất cả hữu tình được tâm bình đẳng.

Những gì là mười?

1. Đối với tất cả hữu tình phương tiện bình đẳng.

2. Đối với tất cả hữu tình tâm không chướng ngại.

3. Đối với hữu tình tâm không não hại.

4. Tu hạnh bố thí.

5. Tu tập trì giới.

6. Tu tập an nhẫn.

7. Tu tập chánh cần.

8. Tu tập tĩnh lự.

9. Tu tập bát nhã vì muốn tạo lợi ích cho các hữu tình.

10. Chứa nhóm nhân nhất thiết trí.

Bồ Tát tích tập hoàn toàn không dựa vào hai loại tâm, bình đẳng khắp vì tất cả hữu tình mà tích tập. Nếu Bồ Tát có khả năng tích tập như vậy thì mau chứng pháp tánh, có thể ra khỏi tất cả nóng bức sinh tử, cũng có thể làm cho người khác ra khỏi sinh tử. Tâm Bồ Tát bình đẳng đối với các hữu tình, không tham ái cũng không ganh ghét.

Này thiện nam! Ví như trưởng giả có sáu người con, tất cả đều đoan nghiêm vừa ý cha. Tâm của trưởng giả bình đẳng nuôi dưỡng, lòng thương yêu không nghĩ thiên lệch, nhưng các người con ấy còn nhỏ dại ngu ngơ chưa có tài giỏi. Nhà của trưởng giả bỗng nhiên bị cháy, lúc đó các người con mỗi người ở một nơi trong nhà.

Này thiện nam! Ý ông thế nào?

Lúc đó trưởng giả có nghĩ rằng: Ta cứu những người con, đứa này ra trước đứa kia ra sau chăng?

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Không, bạch Thế Tôn! Vì sao?

Vì tâm của trưởng giả bình đẳng nên đối với các người con kia, tùy khả năng của mình mà cứu chúng ra khỏi.

Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Bồ Tát cũng thế! Tất cả hữu tình ở trong nhà sinh tử nóng bức, ngu si vô trí lại không tài giỏi. Hữu tình như vậy mỗi kẻ ở mỗi nơi trong sáu đường, Bồ Tát dùng phương tiện khiến cho tất cả đều được ra khỏi, lại có thể an trí nơi cảnh giới vắng lặng.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được khéo cúng dường tất cả Như Lai.

Những gì là mười?

1. Đem pháp cúng dường tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

2. Như thuyết tu hành tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

3. Làm lợi ích an lạc cho các hữu tình tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

4. Vì giáo hóa các hữu tình tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

5. Tùy tất cả việc làm đều làm lợi ích cho các hữu tình tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

6. Không lìa bỏ thệ nguyện tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

7. Không xả bỏ tất cả việc làm của Bồ Tát tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

8. Tư duy như lý tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

9. Tâm không nhàm chán, mệt mỏi tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

10. Không lìa bỏ tâm bồ đề tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

Này thiện nam! Vì sao phải cúng dường pháp?

Vì Pháp Thân tức là chư Như Lai nên cúng dường pháp tức là cúng dường tất cả Như Lai.

Thế nào là như thuyết tu hành?

Nghĩa là tu hành đúng như lời dạy của Như Lai để được thành tựu Như Lai.

Thế nào là làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình?

Nghĩa là Đức Như Lai xuất hiện vì làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.

Thế nào là giáo hóa các hữu tình?

Nghĩa là Đức Như Lai xuất hiện cũng vì giáo hóa tất cả các hữu tình.

Thế nào là làm lợi ích cho các hữu tình?

Nghĩa là tất cả sự nghiệp, việc làm đều vì lợi ích cho các hữu tình.

Thế nào là không xả bỏ thệ nguyện?

Vì xả bỏ thệ nguyện không thể làm lợi ích cho các hữu tình.

Thế nào là không xả bỏ tất cả việc làm của Bồ Tát?

Nghĩa là nếu làm trái với những việc làm của Bồ Tát thì không thể cúng dường tất cả Như Lai.

Thế nào là tư duy như lý?

Nghĩa là nếu không tư duy như lý thì không thể cúng dường chư Như Lai.

Thế nào là tâm không mệt mỏi, nhàm chán?

Nghĩa là nếu tâm mỏi mệt nhàm chán thì không thể cúng dường tất cả Như Lai.

Thế nào là không xả bỏ tâm bồ đề?

Nghĩa là vì xả bỏ tâm bồ đề thì không thể cúng dường tất cả Như Lai.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì các Bồ Tát làm lợi ích cho hữu tình nên được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nếu không có hữu tình thì Bồ Tát không thể chứng Đẳng Giác. Vì thế, đem pháp cúng dường tức là cúng dường tất cả Như Lai, chẳng phải cúng dường bằng của cải.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì khéo giỏi hầu hạ thờ kính cúng dường tất cả Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng hàng phục ngã mạn.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát bỏ nhà xuất gia, tất cả quyến thuộc đều lìa bỏ, xem thân này giống như thây chết, vì nhân duyên đó mà có khả năng hàng phục ngã mạn.

2. Ta hủy bỏ hình dáng tốt đẹp, mặc áo hoại sắc, thân hình khác tục, do nhân duyên này mà có khả năng hàng phục ngã mạn.

3. Ta cạo bỏ râu tóc, tay bưng bình bát khất thực từng nhà, vì nhân duyên này mà có khả năng hàng phục ngã mạn.

4. Khất thực từng nhà, khởi tâm thấp kém như Chiên Trà La, vì thế nên có thể hàng phục ngã mạn.

5. Đến nhà người khác xin ăn, mạng của ta nhờ họ mà sống, nên nghĩ thân mình như người ăn xin, do vậy nên có thể hàng phục ngã mạn.

6. Ta đi khất thực tuy bị người khinh khi, nhưng vì hạnh khất thực nên không nhàm chán mỏi mệt, do vậy nên có thể hàng phục ngã mạn.

7. Cúng dường Tôn Giả A Xà Lê nghĩ tưởng là ruộng phước, do vậy nên có thể hàng phục ngã mạn.

8. Sở hành của ta đầy đủ oai nghi khuôn phép, vì muốn làm cho người đồng phạm hạnh khác thấy đều hoan hỷ, vì thế nên có thể hàng phục ngã mạn.

9. Phật Pháp chưa được, ta nguyện sẽ được, vì thế nên có thể hàng phục ngã mạn.

10. Ta có thể đối với các hữu tình nóng giận, tổn hại kia thường khởi nhẫn nhục, vì thế nên có thể hàng phục ngã mạn.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng hàng phục ngã mạn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng được tịnh tín.

Những gì là mười?

1. Vì đời trước đã trồng căn lành, đầy đủ nhân duyên nên sinh ra có phước đức.

2. Được chánh kiến chẳng do thầy dạy.

3. Lìa bỏ hạnh hư dối dua nịnh, được ý lạc đầy đủ.

4. Không tà vạy, tâm tánh chất trực.

5. Do căn tánh nhạy bén nên được trí tuệ đầy đủ.

6. Vì tâm thanh tịnh thường trú liên tục nên có khả năng lìa bỏ chướng ngại thùy miên.

7. Lìa bỏ tri thức ác, nương nơi tri thức thiện.

8. Mong cầu pháp lành chẳng khởi ngã mạn.

9. Diễn thuyết chánh pháp, không còn điên đảo thủ.

10. Lòng tin rộng lớn nên có thể biết oai đức rộng lớn của Như Lai.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tâm tịnh tín.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với oai đức rộng lớn của Như Lai, con mong muốn nghe chút ít phần nghĩa ấy?

Phật nói: thiện nam! Ông nên lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ! Ta nay vì ông mà tuyên thuyết một phần nhỏ về nghĩa oai đức rộng lớn của Như Lai.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Lành thay! Bạch Thế Tôn! Con mong muốn được nghe.

Phật nói: Này thiện nam! Như Lai thành tựu đại từ bình đẳng vì khắp tất cả hữu tình, Như Lai khởi lòng đại từ đối với một hữu tình và ban cho tất cả hữu tình cũng chẳng khác. Đại từ của Như Lai tuy biến khắp cõi hữu tình tận cõi hư không nhưng bờ mé của đại từ thật không thể thủ đắc.

Này thiện nam! Như Lai thành tựu đại bi chẳng cùng với tất cả Thanh Văn, Duyên Giác và Chư Bồ Tát. Khi Như Lai khởi lòng đại bi đối với một hữu tình và ban cho tất cả hữu tình cũng chẳng khác.

Thiện nam! Như Lai thành tựu thuyết pháp vô tận trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, ngôn thuyết đều khác đạo lý chẳng đồng, vì tất cả hữu tình mà lập tức diễn thuyết, nhưng pháp của Phật nói chẳng cùng tận.

Thiện nam! Như Lai thành tựu vô lượng vấn nạn, có thể trả lời, giảng thuyết.

***