Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN HAI MƯƠI BẢY
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được thâu giữ thiện xảo.
Những gì là mười?
1. Vì thâu giữ hữu tình mà tu lợi ích thí.
2. Vì thâu giữ hữu tình mà tu an lạc thí.
3. Vì thâu giữ hữu tình mà tu vô tận thí.
4. Vì thâu giữ hữu tình mà tu ngôn thuyết lợi ích.
5. Vì thâu giữ hữu tình mà tu ngôn thuyết nghĩa.
6. Vì thâu giữ hữu tình mà tu ngôn thuyết pháp.
7. Vì thâu giữ hữu tình mà chỉ bày lời nói ngôn thuyết nghĩa lý.
8. Vì thâu giữ hữu tình mà dùng thiện lợi ích.
9. Vì thâu giữ hữu tình mà đồng ẩm thực… nhiêu ích họ.
10. Vì thâu giữ hữu tình mà cùng sinh sống, của cải, mọi việc để nhiêu ích họ.
Này thiện nam! Pháp lợi ích: Đó là pháp thí, an lạc thí, tài thí, vô tận thí, là thường tuyên thuyết đạo lộ chỉ cho người.
Ngôn thuyết lợi ích: Là nói căn lành.
Ngôn thuyết nghĩa: Là nói chân thật.
Ngôn thuyết pháp: Là thuận theo pháp Như Lai dạy mà diễn thuyết.
Ngôn thuyết lý: Là không hoại thật nghĩa.
Thiện lợi ích: Là khiến cho chúng sinh diệt trừ bất thiện, an trí nơi thiện.
Cùng ăn uống… nhiêu ích họ: Là cùng thọ dụng những thứ ăn uống, y phục… cùng ở sinh sống, của cải… nhiêu ích họ: Là cùng thọ dụng vàng, bạc, ma ni, trân châu, ngọc bích, phệ lưu ly báu, loa bối, san hô, xe voi, xe ngựa như vậy…
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì thâu giữ sự thiện xảo.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể được đoan nghiêm.
Những gì là mười?
1. Có thể được oai nghi vắng lặng.
2. Có thể được oai nghi không dối trá.
3. Có thể được oai nghi thanh tịnh.
4. Có thể khiến cho người nhìn thấy đều ưa thích.
5. Có thể khiến cho người nhìn thấy chấm dứt các điều ác, tâm ý vắng lặng.
6. Có thể khiến cho người nhìn thấy không nhàm chán.
7. Có thể khiến cho người nhìn thấy tâm ý vui mừng.
8. Có thể khiến cho người nhìn thấy tâm không ngăn ngại.
9. Có thể khiến cho người nhìn thấy sở nguyện đầy đủ.
10. Có thể khiến cho người nhìn thấy tâm sinh tịnh tín.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có thể được đoan nghiêm.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì làm chỗ nương tựa.
Những gì là mười?
1. Có thể bảo vệ người khác vì các hữu tình sợ phiền não.
2. Có thể được ra khỏi, vì đồng hoang sinh tử nhiều đói khát.
3. Có khả năng cứu giúp, nghĩa là khiến cho các hữu tình ra khỏi biển sinh tử.
4. Có thể làm quyến thuộc, vì các hữu tình một mình nhiều lo sợ.
5. Làm thầy thuốc lớn, vì có thể đối trị bệnh phiền não.
6. Có thể làm nơi nương nhờ, vì các hữu tình không có ai để nhờ cậy.
7. Có thể làm nơi nương tựa, vì các hữu tình không có nơi nương tựa.
8. Có thể làm nơi quy y, vì các hữu tình không có ai nâng đỡ.
9. Có thể làm đèn trí, vì các hữu tình ở trong vô minh.
10. Có thể làm nơi quay về, vì các hữu tình không có nơi hướng về.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được làm chỗ nương tựa.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì như cây thuốc lớn.
Những gì là mười?
Này thiện nam! Như cây thuốc lớn có thể để cho hữu tình đều được thọ dụng.
Những gì là mười?
1. Thọ dụng rễ cây.
2. Thọ dụng thân cây.
3. Thọ dụng cành cây.
4. Thọ dụng lá cây.
5. Thọ dụng hoa của nó.
6. Thọ dụng quả của nó.
6. Khi thấy thọ dụng sắc của nó.
7. Khi ngửi thọ nhận hương của nó.
8. Khi nếm thọ dụng vị của nó.
9. Khi chạm vào thọ dụng điện từ xúc của nó.
Này thiện nam! Bồ Tát cũng vậy, từ mới phát tâm cho đến thành Phật, có thể ban cho khắp tất cả hữu tình bị các bệnh phiền não những thứ thuốc pháp để cho họ được thọ dụng: Như thọ dụng bố thí Ba la mật đa của Bồ Tát, hoặc thọ dụng trì giới Ba la mật đa của Bồ Tát, hoặc thọ dụng nhẫn Ba la mật đa của Bồ Tát.
Hoặc thọ dụng tinh tấn Ba la mật đa của Bồ Tát, hoặc thọ dụng tĩnh lự Ba la mật đa của Bồ Tát, hoặc thọ dụng bát nhã Ba la mật đa của Bồ Tát, hoặc thấy thân của Bồ Tát mà được lợi ích thù thắng, hoặc nghe tên của Bồ Tát mà được lợi ích thù thắng, hoặc thưởng thức công đức của Bồ Tát mà được lợi ích thù thắng, hoặc cúng dường Bồ Tát mà được lợi ích thù thắng.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì như cây thuốc lớn.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể chuyên cần tu phước đức.
Những gì là mười?
1. Đối với Tam Bảo tùy sức cúng dường.
2. Đối với các hữu tình bệnh hoạn thì hay bố thí thuốc men.
3. Đối với tất cả hữu tình đói khát bức bách thì hay bố thí đồ ăn, thức uống.
4. Đối với tất cả hữu tình bị lạnh, nóng… xâm nhập, uy hiếp thì hay bố thí y phục.
5. Đối với Hòa Thượng, A Xà Lê, tâm thường tôn trọng cúng dường.
6. Đối với người đồng phạm hạnh thường đến thăm hỏi chắp tay lễ bái cung kính, cúng dường.
7. Kiến lập Già lam, rừng cây, vườn tược.
8. Trong mọi lúc hay dùng của cải, lúa gạo… vật sở hữu chứa trong kho mà đem ra bố thí.
9. Đối với nô tỳ và người làm thuê luôn bình đẳng thương xót mà nuôi dưỡng họ.
10. Trong mọi lúc luôn tôn trọng cúng dường người trì giới thanh tịnh và các Sa Môn, Bà La Môn…
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có thể chuyên cần tu phước đức.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được biến hóa thiện xảo.
Những gì là mười?
1. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật mà nghe nghĩa sâu xa vi diệu.
2. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật mà lắng nghe chánh pháp.
3. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật mà cung kính cúng dường.
4. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật để tu tập tư lương bồ đề viên mãn.
5. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật diện kiến các Bồ Tát chứng Chánh Đẳng Giác mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán.
6. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật để đi đến Đạo Tràng.
7. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật để tự hiện Đẳng Giác khiến cho người khác đều thấy.
8. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật mà chuyển Chánh Pháp luân.
9. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng Cõi Phật mà thị hiện vào Niết Bàn.
10. Thân tướng bất động ở trong một Cõi Phật mà có thể đến chỗ các Đức Như Lai nơi vô lượng cõi Phật, từ lúc mới phát tâm cho đến thành Phật, trong khoảng thời gian ấy quán thấy các hữu tình đáng điều phục liền có thể hiện ra đủ thứ biến hóa để điều phục họ.
Bồ Tát tuy thị hiện biến hóa như vậy nhưng không phân biệt ta là chủ thể biến hóa, cảnh là đối tượng biến hóa, cũng chẳng phát nguyện việc như vậy vốn là ta hóa ra.
Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát có thể tạo ra những thứ biến hóa.
Vì sao đối với người năng hóa và việc sở hóa này mà được vô phân biệt?
Phật bảo: Này thiện nam! Nay ta vì ông sẽ nói ví dụ, ông nên lắng nghe.
Này thiện nam! Ví như mặt trời, mặt trăng chiếu sáng cả bốn châu, có khả năng làm lợi ích cho các hữu tình.
Tuy mặt trời, mặt trăng kia hay làm lợi ích cho tất cả hữu tình nhưng chẳng phân biệt ta là hay chiếu sáng, cũng chẳng phân biệt hữu tình kia là được chiếu sáng. Nhưng vì Thiên Tử nhật nguyệt kia thuở xưa nghiệp dị thục thành tựu, nên có khả năng làm việc lợi ích cho các hữu tình như vậy.
Này thiện nam! Các Bồ Tát cũng lại như vậy, tuy biến hóa đủ thứ nhưng vô công dụng hạnh, đối với chủ thể hóa đối tượng hóa chẳng khởi phân biệt, ta là chủ thể hóa hữu tình là đối tượng hóa.
Vì sao?
Tất cả việc biến hóa như vậy, mỗi mỗi đều là do nghiệp thiện của Bồ Tát được thành thục, vì thuở phát nguyện tu hạnh như vậy, làm việc như vậy. Vì thế nên lìa được sự phân biệt về chủ thể hóa đối tượng hóa.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được biến hóa thiện xảo.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể mau chóng đạt được vô thượng bồ đề hiện chứng Đẳng Giác.
Những gì là mười?
1. Được đầy đủ bố thí, vì khéo tích tập thành tựu bố thí.
2. Được đầy đủ giới, thành tựu tịnh giới không bị khuyết lậu, cũng không tạp nhiễm, siêu vượt tất cả Thanh Văn, Duyên Giác.
3. Đầy đủ an nhẫn.
4. Đầy đủ chánh cần.
5. Đầy đủ tĩnh lự.
6. Đầy đủ bát nhã.
7. Đầy đủ phương tiện.
8. Đầy đủ nguyện thù thắng.
9. Đầy đủ các lực.
10. Đầy đủ chánh trí.
Vì Bồ Tát có khả năng thành tựu trí, vượt qua tất cả quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, do Bồ Tát có khả năng thành tựu bất cộng trí, lại có thể vượt qua Bồ Tát trụ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ chín cũng có thể vượt qua, do Bồ Tát được tròn đủ.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có thể mau chóng đạt được Vô Thượng Bồ Đề, hiện chứng Đẳng Giác.
Khi Đức Thế Tôn thuyết pháp môn này Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách. Thế Giới này vốn có núi Tô Mê Lô, núi Mục Chân Lân Đà, núi Đại Mục Chân Lân Đà, núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi và núi báu… Tất cả núi ấy vì cúng dường Đức Phật nên đều cúi nghiêng hướng về núi Già Da.
Lại nữa, Thế Giới này vốn có tất cả cây cối, hoa quả… thảy đều cúi nghiêng hướng về núi Già Da cúng dường Đức Phật và cúng dường pháp.
Lại có vô lượng trăm ngàn câu chi na do tha Bồ Tát dùng những thứ y phục các đồ báu trang nghiêm, lượng ấy chứa như núi Tô Mê Lô Để cúng dường Phật, Pháp. Lại có vô lượng trăm ngàn câu chi Đế Thích, Phạm Vương, Hộ Thế chắp tay hướng về Đức Phật cung kính lễ bái, dùng hoa Mạn Đà La, hoa Mạn Đà La lớn tung lên Đức Phật.
Lại có vô lượng trăm ngàn Thiên Tử ở giữa hư không, mỗi vi đem Thiên y dâng lên. Những cánh tay đưa lên tạo thành trăm ngàn âm thanh.
Dùng các hoa Trời tung lên Đức Phật mà nói thế này: Quá khứ, Chư Phật đã xuất hiện ở thế gian chuyển bánh xe chánh pháp, nay Đức Thế Tôn cũng lại xuất hiện chuyển bánh xe diệu pháp. Nếu các hữu tình nào từng ở đời quá khứ cúng dường Chư Phật, tu hành phước nghiệp chứa nhóm căn lành, hữu tình như vậy nay mới được nghe pháp môn này, huống nữa là nghe rồi hết lòng sinh tịnh tín.
Lại có vô lượng trăm ngàn Mạc Hô Lạc Già cũng vì cúng dường pháp môn này nên phát ra âm thanh lớn giống như tướng sấm, âm thanh ấy rền khắp. Lại biến hóa ra những thứ mây thơm, mưa xuống các dòng nước thơm, mưa ấy biến khắp tam thiên đại thiên Thế Giới này cho đến đỉnh núi Già Da, nhưng chẳng nhiễu loạn các loài hữu tình.
***