Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN HAI MƯƠI HAI
Này thiện nam! Bồ Tát ngồi nơi nghĩa địa là vì thương xót các hữu tình, vì làm lợi ích cho họ nên trụ vào tâm từ, cũng là để giữ gìn giới trong sạch, thành tựu phép tắc nên không khởi tâm ăn thịt.
Vì sao?
Này thiện nam! Nghĩa địa là nơi có nhiều phi nhân nương ở cùng khắp. Nếu thấy Bồ Tát ăn thịt thì không sinh lòng tịnh tín mà khởi lên phiền não. Do vậy Bồ Tát không nên ăn thịt.
Này thiện nam! Bồ Tát ở nơi nghĩa địa, nếu vào già lam, trước tiên nên lễ bái tháp Như Lai, thứ đến nên lễ bái những Bí Sô Trưởng lão, sau thì thăm hỏi những Bí Sô tuổi trẻ, không ngồi vào giường chiếu… những vật nhà Tăng, nên đứng cung kính.
Vì sao?
Này thiện nam! Vì Bồ Tát muốn tùy thuận thế gian cứu giúp hữu tình, nên không ngồi vào giường chiếu… những vật nhà Tăng. Đó là Bồ Tát ở nghĩa địa thuận theo Bậc Thánh, nếu trái nghịch lại thế gian thì chẳng phải là Bậc Thánh.
Nếu như có một Bí Sô đem vật để ngồi, mời Bồ Tát ấy ngồi, thì Bồ Tát nên quán sát kỹ ý thích của Bí Sô kia, về sau không có ăn năn và chúng Tăng cũng không khởi giận hiềm. Thế thì Bồ Tát nên khởi tâm thấp kém như Chiên Trà La đồng tử mới ngồi chỗ này.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được ngồi nơi nghĩa địa.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể thường ngồi.
Những gì là mười?
1. Thường ngồi vì thân không bị bức bách.
2. Thường ngồi vì tâm không bị bức bách.
3. Thường ngồi vì không bị hôn trầm.
4. Thường ngồi vì không mỏi mệt, nhàm chán.
5. Thường ngồi vì muốn tư lương bồ đề được viên mãn.
6. Thường ngồi vì tâm tánh một cảnh.
7. Thường ngồi vì chứng đạo ngay hiện tiền.
8. Thường ngồi vì hướng đến Đạo Tràng bồ đề.
9. Thường ngồi vì lợi ích cho tất cả hữu tình.
10. Thường ngồi vì muốn dứt hẳn các phiền não.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng thường ngồi.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tùy phu tọa.
Những gì là mười?
1. Đối với phu cụ không tham đắm.
2. Không bao giờ tự mình trải bày tọa cụ.
3. Không sai người khác trải bày tọa cụ.
4. Không hiện tướng khiến người khác trải bày tọa cụ.
5. Tùy nơi ấy có vật như cỏ hoặc lá cây thì nên ngồi.
6. Những địa phương có nhiều rắn độc, muỗi mòng, hang lỗ thì nên bỏ đi và không nên ngồi.
7. Bồ Tát muốn nằm thì thân nghiêng bên phải, chân chồng lên nhau, dùng pháp y trùm thân, chánh niệm chánh tri khởi nghĩ sáng rõ.
8. Nằm nghiêng bên phải, không tham đắm thùy miên.
9. Chỉ vì nuôi lớn những hạt giống lớn… và vì mạng sống.
10. Trong mọi lúc mọi nơi Bồ Tát làm cho thiện phẩm hiện ngay trước mắt.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tùy phu tọa.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì tu tập được Du Già Thiền định.
Những gì là mười?
1. Có khả năng thường tu bất tịnh.
2. Có khả năng thường tu từ bi.
3. Có khả năng thường tu duyên khởi.
4. Tu thiện xảo về các tai họa lỗi lầm.
5. Có khả năng thường tu tánh không.
6. Có khả năng thường tu vô tướng.
7. Có khả năng thường tu Du Già.
8. Có khả năng thường tu chuyên cần.
9. Không gây lỗi lầm.
10. Giới thường đầy đủ.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thường tu bất tịnh?
Thiện Nam! Bồ Tát ở một mình an tọa, thân ngồi ngay thẳng thư thái kiết già, hiện tiền quan sát tâm hết sức chán lìa, tâm an trú chánh niệm không theo ngoại duyên.
Suy nghĩ thế này: Trong người ta hiện có tất cả những đồ ăn, thức uống, hoặc tịnh hoặc uế, hoặc ngon hoặc dở, có vị hay không có vị, nếu ăn vào rồi thì bị lửa thân xúc chạm trở thành hư hoại bất tịnh đáng ghê tởm, không nên tùy thuận theo những kẻ ngu phu… nghiện ngập tham đắm ở thế gian.
Bậc Thánh của chúng ta nương vào pháp Tỳ Nại Da, thường dùng chánh trí quan sát tự thân, chẳng khởi lên tham đắm cũng chẳng nghiện ngập.
Như thế, tâm ta không nên sinh nhàm chán, lìa bỏ chăng! Cho nên Bồ Tát thường tu bất tịnh.
Thế nào là Bồ Tát thường tu từ bi?
Này thiện nam! Nghĩa là Bồ Tát ở nơi nhàn vắng, an tọa một mình, thân ngồi thẳng kiết già một cách thư thái. Ngay hiện tiền, tâm quan sát hết sức nhàm chán, lìa bỏ, tâm an trú chánh niệm không theo ngoại duyên.
Bồ Tát tư duy: Các loài hữu tình khởi nhiều sân hận, gây nghiệp bất thiện, lại thường gần gũi kẻ bất thiện, khởi tưởng về oán thù, không có trạng thái gì với ta, hoặc vào đời quá khứ, hoặc vào vị lai, hoặc ngay hiện tại mà khởi những nghiệp như vậy.
Ý ta khiến cho mọi hữu tình ấy đều được đoạn trừ những sân hại đã khởi, làm cho họ ngồi nơi Đạo Tràng bồ đề. Việc như vậy không chỉ nói suông, đó chính là ý muốn sâu xa của Bồ Tát tùy thuận tư duy. Đó gọi là Bồ Tát có khả thường tu từ bi.
Thế nào là Bồ Tát có khả năng thường tu duyên khởi?
Nghĩa là các Bồ Tát nếu tâm khởi lên tham ái và sân hận thì tư duy như vậy: Do ngã mà khởi lên các pháp tham, sân… ngã năng khởi đã từ duyên sinh thì cảnh sở khởi tham sân và tham… cũng từ duyên khởi. Người có trí thì không ai ở trong các pháp duyên sinh hư vọng mà khởi lên chấp trước ngã. Đó gọi là Bồ Tát có khả năng thường tu duyên khởi.
Thế nào là Bồ Tát đối với các lỗi lầm hoạn nạn khéo léo tu hành?
Nghĩa là các Bồ Tát vì muốn đoạn trừ lỗi lầm tai họa cho bản thân nên thường tu tập. Nếu người nào liên tục gây ra các tai họa, lỗi lầm thì có thể nhận lời chỉ dạy của Bồ Tát khiến họ được đoạn trừ, ai không kham nhận thì Bồ Tát liền bỏ đi.
Thế nào là lỗi lầm?
Nghĩa là đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với giới, Bậc Thánh, người phạm hạnh và đối với thế gian tôn ti già trẻ lòng không cung kính, đó là lỗi lầm. Tự ỷ thân mình mà thường khởi lên ngã mạn, khinh rẻ người khác, nhiễm đắm những cảnh giới hiện tiền, quay lưng với Niết Bàn. Khởi lên ngã kiến, hữu tình kiến, mạng giả kiến, Bổ đặcgià la kiến, đoạn kiến, không kiến, chấp thường vô thường kiến.
Tánh không tôn kính những Bậc Thánh, gần gũi kẻ ngu, xa lìa người trì giới, cúng dường người phá giới, lánh xa người đức hạnh, gần gũi người không đức hạnh. Phỉ báng tạng Kinh sâu xa vi diệu, đối với tạng Kinh này thường ấp ủ sợ sệt, biếng trễ lười biếng khinh rẻ bản thân.
Tánh không biện tài, sức sáng thấp kém. Điều không ăn năn thì lại ăn năn, điều đáng ăn năn thì không ăn năn. Thường bị triền cái trói buộc, chạy theo huyễn cảnh lừa dối dua nịnh, bị hôn trầm thùy miên che đậy. Tánh thường ưa thích cung kính, lợi dưỡng, tham đắm dòng họ, luyến ái quyến thuộc, ưa quốc độ chúng hội.
Xả bỏ cái vui của pháp tánh đã thọ trì, gần gũi thuận theo chú thuật thế gian, thường nhàm chán xa lìa chánh pháp xuất thế, quen tập điều bất thiện, không tu các điều thiện. Khen người xuất gia ác. Đối với các người nam, người nữ, đồng nam, đồng nữ, các ngoại đạo… đều khen ngợi. Không thích ở nơi A Lan Nhã, ăn không biết lượng.
Đối với bậc tôn túc của mình không muốn gần gũi, khi tụng trì, huân tập thì tự phân chia giới hạn, cho không phải là sở hành của mình, không thấy lỗi xấu, tâm không cung kính giới vi tế. Đối với tội nhỏ tâm không sợ sệt. Thấy kẻ ngu si các căn mờ ám khen là vắng lặng, thấy người trí tuệ các căn thông minh lanh lợi thì bài bát cho là ồn ào trạo cử, bởi hạnh ngạo nghễ chấp trước điên đảo.
Tánh ưa lời thô tháo, với các sắc thích hay không thích tùy thuận chấp trước. Thấy người nổi giận không sinh lòng từ, thấy người chịu khổ không khởi lòng thương, thấy người mắc bệnh không lấy đó mà sinh tâm nhàm chán xa lìa, thấy người chết chẳng có sợ sệt, nơi thiêu đốt chẳng cầu ra khỏi. Không quan sát thân, chẳng quan sát giới, tâm không quan sát về pháp đã làm sẽ làm đang làm.
Điều không nên tư duy thì lại tư duy, không nên suy tính lại suy tính, không nên mong cầu lại mong cầu, chẳng phải xuất ly nghĩ tưởng là xuất ly, chẳng phải đạo nghĩ tưởng là đạo, chưa đắc cho là đắc, nên làm không làm.
Tham đắm pháp ác lìa bỏ pháp thiện, nói xấu đại thừa khen ngợi tiểu thừa, hủy báng người thâm tín đại thừa, khen ngợi người thâm tín tiểu thừa. Thường khởi tranh luận, hằng gây đấu khẩu, ôm lòng thô lỗ, ưa nói lời ác, ngạo nghễ nhiều lời, nghiêm khắc bạo ác, tham lam dối trá, tánh nhiều hư vọng không thật, lời nói không trật tự, ưa thích hý luận, đây là lỗi lầm.
Bồ Tát đối với những lỗi lầm như vậy luôn được khéo léo rồi chuyên cần tu tánh không, vì muốn lìa bỏ các hý luận. Tuy Bồ Tát chuyên cần tu tánh không nhưng tâm rải khắp đến từng nơi mà tâm vẫn trụ an lạc.
Bồ Tát tìm khắp từng cảnh giới, tự tánh đều không, tìm chẳng thể được, cảnh sở thủ đã không thì tánh tâm năng thủ cũng chẳng có, biết rõ tâm cảnh sở quán là không nên thật thể trí năng quán chẳng có. Khi Bồ Tát quan sát tánh không rồi tu tánh vô tướng, tuy Bồ Tát chuyên cần tu vô tướng nhưng vẫn còn có các tướng, từng tướng hiện tiền.
Bồ Tát lại quán các tướng hiện tiền thể tánh đều không, các tướng như vậy đã chẳng thể được, quán tướng trong thân cũng chẳng thể được thì đối với thân niệm trụ cũng chẳng thể được, nên tâm không chấp trước vào các tướng ngoài.
Ý Bồ Tát lìa bỏ các tướng như vậy và luôn luôn phát khởi tu tập ý lạc. Bồ Tát tu tập các Tam Ma Địa ở trong cảnh giới ấy an trú không gián đoạn, tâm nhất tánh cảnh là Xa Ma Tha, quan sát như thật là Tỳ Bát Xá Na. Bồ Tát tu tập Tam ma rị đa tâm được vô hối hoan hỷ.
Vì sao?
Vì giới thanh tịnh, vì các Bồ Tát giới hạnh thanh tịnh nên được Du Già, người đầy đủ giới tăng trưởng Du Già, tu tập Du Già, cho nên gọi là người được Du Già.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng tu tập Du Già.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng gìn giữ tạng Kinh.
Những gì là mười?
1. Lắng nghe tiếp nhận vì bảo vệ chánh pháp, chẳng vì của cải.
2. Lắng nghe, tiếp thu vì bảo vệ trụ trì chẳng vì lợi dưỡng.
3. Lắng nghe tiếp nhận vì nối dòng Tam Bảo không dứt mất, chẳng cầu cúng dường.
4. Lắng nghe tiếp nhận vì thâu nhận các hữu tình phát tâm hướng đến đại thừa, chẳng vì tiếng tốt, khen ngợi.
5. Lắng nghe tiếp nhận vì muốn lợi ích cho các hữu tình không nơi nương tựa, không người nhờ cậy.
6. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình khổ não được an lạc.
7. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình không tuệ nhãn được tuệ nhãn.
8. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình phát tâm hướng đến Thanh Văn thừa mà diễn thuyết đạo Thanh Văn thừa cho họ.
9. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình phát tâm hướng đến đại thừa mà diễn thuyết đạo đại thừa cho họ.
10. Lắng nghe tiếp nhận vì tự thân chứng trí vô thượng, chẳng vì mong cầu thừa thấp kém.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng gìn giữ tạng Kinh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng trì giữ tạng Tỳ Nại Da.
Những gì là mười?
1. Có khả năng biết rõ Tỳ Nại Da.
2. Có khả năng biết rõ nghĩa của Tỳ Nại Da.
3. Có khả năng biết rõ nghĩa lý thâm sâu của Tỳ Nại Da.
4. Có khả năng biết rõ vi tế của Tỳ Nại Da.
5. Có khả năng biết rõ điều nên làm và không nên làm.
6. Có khả năng biết rõ tự tánh vi phạm.
7. Có khả năng biết rõ sự thiết bày vi phạm.
8. Có khả năng biết rõ sở học duyên khởi Ba La Đề Mộc Xoa.
9. Có khả năng biết rõ luật của Thanh Văn.
10. Có khả năng biết rõ luật của Bồ Tát.
***