Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN HAI MƯƠI SÁU
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được mạng sống thanh tịnh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tâm không nhàm chán mỏi mệt.
Những gì là mười?
1. Vì các hữu tình tuy ở lâu trong sinh tử nhưng không nhàm chán mỏi mệt.
2. Vì các hữu tình ở trong sinh tử chịu khổ nhưng không nhàm chán mỏi mệt.
3. Đối với sự lợi ích cho hữu tình không nhàm chán mỏi mệt.
4. Những việc làm thường vì hữu tình nhưng không nhàm chán mỏi mệt.
5. Có thể làm cho hữu tình tạo nghiệp thiện nhưng không nhàm chán mỏi mệt.
6. Vì Thanh Văn thừa mà tuyên thuyết đạo pháp nhưng không nhàm chán mỏi mệt.
7. Không nói pháp Thanh Văn thừa cho người không tin Thanh Văn thừa.
8. Thâu nhận pháp bồ đề phần nhưng không nhàm chán mỏi mệt.
9. Viên mãn tư lương bồ đề nhưng không nhàm chán mỏi mệt.
10. Đối với cảnh giới Niết Bàn không cầu hiện chứng, cũng chẳng hướng đến cái vui Niết Bàn. Do đó, Bồ Tát có thể tùy thuận đại bồ đề, hướng đến đại bồ đề, gần gũi đại bồ đề.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tâm không nhàm chán mỏi mệt.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể thực hành tất cả lời dạy của Như Lai.
Những gì là mười?
1. Tu không buông lung, bỏ các sự buông lung.
2. Được thân thiện luật nghi, thân không làm ác.
3. Được ngữ thiện luật nghi, miệng không nói lời ác.
4. Được ý thiện luật nghi, ý không nghĩ ác.
5. Sợ sệt người đời, có thể lìa bỏ hết các pháp bất thiện.
6. Có thể thuyết chánh lý lìa các phi lý.
7. Có thể thuyết pháp, quở trách phi pháp.
8. Luôn lìa bỏ hành động cơ hiềm, đối với nghiệp thanh tịnh tùy thuận tu hành.
9. Đối với lời dạy của Như Lai không nói lỗi lầm, có thể lìa bỏ hết các phiền não độc.
10. Đối với pháp tánh Như Lai có khả năng tùy thuận gìn giữ, phòng ngự tất cả pháp ác bất thiện.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng thực hành tất cả lời dạy của Như Lai.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được miệng mỉm cười, lìa hẳn nhăn nhó.
Những gì là mười?
1. Được các căn sáng sạch.
2. Được các căn sạch hoàn toàn.
3. Được các căn không khuyết.
4. Được các căn không bẩn.
5. Được các căn trắng sạch.
6. Lìa hẳn tổn hại.
7. Lìa hẳn thùy miên.
8. Lìa hẳn trói buộc.
9. Lìa hẳn kết hận.
10. Lìa hẳn nóng giận.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được miệng mỉm cười, lìa hẳn nhăn nhó.
Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như con hiểu được nghĩa lý lời Phật dạy, do các căn thanh tịnh nên được miệng mỉm cười, lại do lìa hẳn các phiền não nên không nhăn nhó.
Phật nói: Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể được đa văn.
Những gì là mười?
1. Rõ biết như thật lửa tham thiêu đốt, sinh diệt như vậy.
2. Rõ biết như thật lửa sân thiêu đốt phừng phực như vậy.
3. Rõ biết như thật lửa si tăm tối, loạn động tăng trưởng như vậy.
4. Rõ biết như thật pháp hữu vi tất cả đều vô thường.
5. Rõ biết như thật các hành tất cả đều khổ như vậy.
6. Rõ biết như thật thế gian tất cả đều là không như vậy.
7. Rõ biết như thật tất cả các hành vô ngã như vậy.
8. Rõ biết như thật ái tham đắm đều gọi là hý luận như vậy.
9. Rõ biết như thật tất cả các pháp do nhân duyên sinh.
10. Rõ biết như thật Niết Bàn vắng lặng, nghĩa như vậy chẳng phải chỉ nói suông mà cần phải văn, tư, tu để được trí tuệ mới như thật biết rõ nghĩa này, biết như vậy rồi lòng thường vững chắc vì các hữu tình phát khởi tinh tấn.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng được đa văn.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì thâu nhận chánh pháp.
Những gì là mười?
1. Năm trăm năm sau lúc chánh pháp gần chuyển diệt, tuần tự chuyển diệt các loài hữu tình không thể tu trì, trụ vào phi đạo, đèn trí đã tắt, không ai có thể chỉ dạy. Lúc đó, nếu có hữu tình nào đối với Kinh Điển rộng lớn này mà có thể thọ trì, đọc tụng nhiều cách, hầu hạ, cung kính, cúng dường thì có lợi ích lớn, có oai đức lớn, sinh các pháp lành, như mẹ của các hữu tình.
2. Lần lượt vì người khác tuyên thuyết khai thị.
3. Có khả năng tu học Kinh Điển rộng lớn như vậy làm cho hữu tình sinh lòng tịnh tín hoan hỷ hớn hở, rồi thu nhận họ.
4. Lắng nghe chánh pháp không còn mong cầu.
5. Đối với Pháp Sư khởi tưởng như Đạo Sư.
6. Đối với chánh pháp luôn khởi tưởng như cam lồ.
7. Đối với chánh pháp luôn khởi tưởng như thuốc tiên.
8. Đối với chánh pháp ấy luôn khởi tưởng là lương dược.
9. Đối với chánh pháp chuyên cần chẳng kể thân mạng.
10. Mong cầu chánh pháp khởi tưởng về tu hành.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được thâu nhận chánh pháp.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì làm con của Pháp vương.
Những gì là mười?
1. Đủ các tướng trang nghiêm.
2. Thân thể được vẻ đẹp.
3. Các căn đầy đủ, tất cả đều viên mãn.
4. Đối với nơi sở hành của tất cả Như Lai tùy thuận tu hành.
5. Đối với Thánh Đạo đạt được của tất cả Như Lai sẽ tùy thuận đạt được.
6. Đối với bồ đề của tất cả Như Lai tùy thuận chứng ngộ.
7. Có thể diệt trừ được khổ não thế gian.
8. Giỏi học tất cả sở hành của Bậc Thánh.
9. Giỏi tu tập phạm hạnh.
10. Có thể trụ vào thành nhất thiết trí là nơi sở trụ của các Đức Như Lai.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì làm con của Pháp Vương.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được Đế Thích, Phạm Vương, Hộ thế cung phụng.
Những gì là mười?
1. Có thể hướng đến bồ đề không thoái chuyển.
2. Tất cả các ma không thể khấy động.
3. Đối với Phật Pháp không thoái lui.
4. Có thể tùy thuận nhập vào các tướng chân thật.
5. Tùy thuận thông đạt tất cả các pháp thảy đều bình đẳng.
6. Luôn ở trong tất cả Phật Pháp không mượn duyên khác mà có thể tin hiểu.
7. Khéo chứng được trí.
8. Thành tựu pháp bất cộng của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật.
9. Có thể vượt qua tất cả thế gian.
10. Chứng pháp nhẫn vô sinh.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được Đế Thích, Phạm Vương, Hộ Thế cung phụng.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể biết ý thích tùy miên của hữu tình.
Những gì là mười?
1. Biết rõ như thật tâm tham ý thích của tất cả hữu tình.
2. Biết rõ như thật tâm sân ý thích của tất cả hữu tình.
3. Biết rõ như thật tâm si ý thích của tất cả hữu tình.
4. Biết rõ như thật ý thích thượng phẩm của tất cả hữu tình.
5. Biết rõ như thật ý thích trung phẩm của tất cả hữu tình.
6. Biết rõ như thật ý thích hạ phẩm của tất cả hữu tình.
7. Biết rõ như thật ý thích điều thiện của tất cả hữu tình.
8. Biết rõ như thật ý vui thích vững chắc của tất cả hữu tình.
9. Biết rõ như thật tùy miên thường khởi của tất cả hữu tình.
10. Biết rõ như thật bạo ác tùy miên của tất cả hữu tình.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì có thể biết ý thích tùy miên của hữu tình.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể thành thục được hữu tình một cách thiện xảo.
Những gì là mười?
1. Nếu các hữu tình cần dùng sắc tướng Như Lai để được độ, liền hiện sắc tướng Như Lai.
2. Người cần dùng sắc tướng Bồ Tát để được độ, liền hiện sắc tướng Bồ Tát.
3. Người cần dùng sắc tướng Thanh Văn để được độ, liền hiện sắc tướng Thanh Văn.
4. Người cần dùng sắc tướng Duyên Giác để được độ, liền hiện sắc tướng Duyên Giác.
5. Người cần dùng sắc tướng Đế Thích để được độ, liền hiện sắc tướng Đế Thích.
6. Người cần dùng sắc tướng Ma Vương để được độ, liền hiện sắc tướng Ma Vương.
7. Người cần dùng sắc tướng Phạm Thiên để được độ, liền hiện sắc tướng Phạm Thiên.
8. Người cần dùng sắc tướng Bà La Môn để được độ, liền hiện sắc tướng Bà La Môn.
9. Người cần dùng sắc tướng Sát Đế Lợi để được độ, liền hiện sắc tướng Sát Đế Lợi.
10. Người cần dùng sắc tướng Cư Sĩ để được độ, liền hiện sắc tướng Cư Sĩ.
Này thiện nam! Nếu các hữu tình cần dùng sắc tướng như vậy làm phương tiện để được điều phục thì Bồ Tát vì họ mà thị hiện từng loại sắc tướng để điều phục.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này có thể thành thục được hữu tình một cách thiện xảo.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tùy thuận an trụ.
Những gì là mười?
1. Tâm chất trực.
2. Tâm nhu hòa.
3. Tâm không tà vạy.
4. Tâm không tổn hại.
5. Tâm không nhơ bẩn.
6. Tâm thanh tịnh.
7. Tâm không cứng cỏi.
8. Không nói thô ác.
9. Luôn luôn nhẫn nhục.
10. Tùy thuận đầy đủ.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tùy thuận an trụ.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trụ an lạc.
Những gì là mười?
1. Có thể được chánh kiến thanh tịnh đầy đủ.
2. Được giới đầy đủ.
3. Phép tắc thanh tịnh.
4. Được thuận với cảnh sở hành.
5. Không còn nhiễm đắm.
6. Thành tựu lòng từ bi.
7. Luôn nghĩ yêu thương.
8. Có thể được hòa đồng.
9. Có khả năng phát khởi nhất thừa.
10. Không thờ thầy khác.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được trụ an lạc.
***