Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Bạc già phạm ở trên đỉnh núi Già Da, thành Già Da cùng đông đủ chúng đại bí Sô bảy mươi hai ngàn vị, đều là bậc A La Hán đã dứt các lậu, không còn phiền não, được chân tự tại, được tâm giải thoát.

Tuệ khéo giải thoát, như con ngựa khôn ngoan, cũng như đại long, việc cần làm đã làm xong, bỏ các gánh nặng, đạt được tự lợi, hết các kết hữu, hiểu rõ chánh pháp, tâm được giải thoát, đến bờ giác ngộ, thông đạt pháp giới, là con của Đấng Pháp Vương.

Đối với các lợi dưỡng, tâm họ không còn nhiễm đắm, khéo được xuất gia, thọ giới cụ túc, ý rõ biết tràn đầy trụ vào con đường Niết Bàn. Chỉ trừ một vị, đó là Trưởng lão A Nan vẫn còn ở Học địa.

Lại có tám mươi bốn ngàn vị Đại Bồ Tát đều là những bậc nhất sinh bổ xứ, ngay hiện tại có thể nhập nơi nhất thiết trí, luôn luôn tôn trọng tùy thuận, đạt được pháp môn Vô sở trước Đà La Ni, trụ vào Tam Muội Thủ Lăng Nghiêm.

Thần thông diệu dụng, chứng được trí vô công dụng, lìa mọi chướng ngại, khởi lòng đại từ bi rộng khắp Thế Giới trong mười phương, bao trùm khắp vô biên cõi nước Chư Phật.

Thường thực hành tánh không, an trụ nơi vô tướng, tâm như hư không, như biển thâm sâu, như núi Diệu Cao, tám ngọn gió đời thổi chẳng lay động, như hoa sen không bị nhiễm, như ngọc trong sáng, như vàng tinh chất. Vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình mà khởi trí vô biên nhập vào cảnh giới Phật.

Những vị ấy tên là Bồ Tát Bảo Xí, Bồ Tát Bảo Thủ, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Bảo Quan, Bồ Tát Bảo Kế, Bồ Tát Bảo Tích, Bồ Tát Bảo Tánh, Bồ Tát Bảo Đảnh, Bồ Tát Bảo Tràng, Bồ Tát Kim Cang Tạng, Bồ Tát Kim Tạng, Bồ Tát Bảo Tạng, Bồ Tát Đức Tạng, Bồ Tát Ly Cấu Tạng, Bồ Tát Như Lai Tạng.

Bồ Tát Trí Tạng, Bồ Tát Nhật Tạng, Bồ Tát Định Tạng, Bồ Tát Liên Hoa Tạng, Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ Tát Phổ Nguyệt, Bồ Tát Tịnh Nguyệt, Bồ Tát Quán Tự Tại, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Phổ Nhãn.

Bồ Tát Liên Hoa Nhãn, Bồ Tát Phổ Oai Nghi, Bồ Tát Đoan Nghiêm, Bồ Tát Phổ Tuệ Hạnh, Bồ Tát Pháp Tuệ, Bồ Tát Thắng Tuệ, Bồ Tát Thượng Tuệ, Bồ Tát Kim Cang Tuệ, Bồ Tát Sư Tử Du Hí, Bồ Tát Đại Âm Thanh Vương.

Bồ Tát Sư Tử Hống, Bồ Tát Thậm Thâm Âm Thanh, Bồ Tát Vô Nhiễm Trước, Bồ Tát Ly nhất thiết Cấu, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Nhật Quang, Bồ Tát Trí Quang, Bồ Tát Trí Đức, Bồ Tát Hiền Đức, Bồ Tát Nguyệt Đức, Bồ Tát Liên Hoa Đức, Bồ Tát Bảo Đức và đại bồ Tát Mạn thù thất lợi Pháp Vương Tử…

Lại có mười sáu vị Thiện đại trượng phu, do Bồ Tát Hiền Hộ làm thượng thủ. Lại có các Bồ Tát trong hiền kiếp, do Bồ Tát Từ Thị làm thượng thủ. Lại có chúng Trời Tứ Thiên Vương, Tứ Đại Thiên Vương làm thượng thủ.

Lại có chúng Trời Tam Thập Tam, Vua Trời Đế Thích làm thượng thủ. Lại có chúng Trời Thời Phần, Vua Trời Thời Phần làm thượng thủ. Lại có chúng Trời Tri Túc, Vua Trời Tri Túc làm thượng thủ.

Lại có chúng Trời Lạc Biến Hóa, Vua Trời Lạc Biến Hóa làm thượng thủ. Lại có chúng Trời Tha Hóa Tự Tại, Vua Trời Tha Hóa Tự Tại làm thượng thủ. Lại có chúng Ma Vương Bạch Phần, thương chủ La Ma làm thượng thủ. Lại có chúng Phạm Thiên Vương, Vua Trời Đại Phạm làm thượng thủ. Lại có chúng Trời Tịnh Cư, Vua Trời Ma Hê Thủ La làm thượng thủ.

Lại có vô lượng trăm ngàn chúng A Tố La, do Tỳ Ma Chất Đa A Tố La Vương, Thiễm Mạt La A Tố La Vương, Bà Trĩ A Tố La Vương, La Hổ La A Tố La Vương… làm thượng thủ. Lại có vô lượng trăm ngàn chúng Long Vương, do các Long Vương A Na Bà Đạt Đa, Long Vương Ma Na Tư Long Vương, Long Vương Ta Kiệt La, Long Vương Hòa Tu Cát… làm thượng thủ.

Lại có vô lượng trăm ngàn con của các Long Vương, do Oai Quang làm thượng thủ. Lại có vô lượng trăm ngàn thể nữ của các Long Vương và vô lượng Trời, Rồng khác, Dược Xoa, Càn Thát Phược, A Tố La, Yết Lộ Trà, Khẩn Nại La, Mạc Hô La Già, Nhân Phi Nhân… đều đến tập hội.

Khi ấy, trên đỉnh núi Già Da, từ mặt đất đến hư không chu vi bốn du thiện na, đại chúng vây kín không còn một khoảng trống bằng như vi trần. Vì muốn cúng dường Đức Phật Thế Tôn nên đại chúng trải Tòa Sư Tử.

Tòa Sư Tử này cao một du thiện na, được dùng bằng vô lượng trăm ngàn vải vóc tơ lụa quý giá nhiều màu sắc đan nhau tuyệt đẹp, dùng linh báu, lưới báu, lọng báu để trang nghiêm. Lại có trăm ngàn tua lụa rủ xuống. Tòa Sư Tử và nơi ấy đều làm bằng kim cang, vững chắc khó hư hoại, bằng phẳng như lòng bàn tay, được quét dọn sạch sẽ, rải những thứ hoa Trời thật đáng yêu.

Từ đất ấy mọc lên hoa sen màu vàng kim, có vô lượng trăm ngàn cánh, lưu ly làm nhụy, đế thanh làm đài, tỏa hương thơm ngào ngạt làm cho đại chúng vui lòng. Bốn bên tòa ấy mọc bốn cây báu cao nửa do tuần, cành nhánh che phủ rợp bóng ba Câu Lô Xá.

Bấy giờ, ở trong đại chúng, Đức Như Lai ngồi Tòa Sư Tử, dùng trí thanh tịnh chuyển diệu pháp luân, hàng phục ma oán, không nhiễm pháp thế tục, chẳng còn sợ sệt, như Sư Tử chúa, như ao trong sạch, như biển cả bao la, như núi Diệu Cao, như ánh mặt trời, như trăng trong mát, như đại Long Vương mưa pháp khắp nơi, như Phạm Thiên Vương siêu vượt các pháp chúng.

Vô lượng, vô biên các đệ tử… và trăm ngàn Đế Thích, Phạm Vương, Hộ thế, Tứ Thiên Vương… tất cả đại chúng vây quanh trước sau, chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Thế Tôn mắt chẳng nhấp nháy.

Khi ấy, từ trên đỉnh đầu Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn che cả đại chúng. Ánh sáng đó tên là Phổ diệu, có vô lượng ánh sáng quyến thuộc tỏa khắp mười phương tất cả Thế Giới rồi trở về chỗ Đức Phật vây quanh bên phải ba vòng, rồi nhập vào kim khẩu Đức Thế Tôn, nhưng kim khẩu của Ngài vẫn bình thường.

Ví như ánh sáng của mặt trăng chiếu khắp hư không, hư không vẫn bình thường, ánh sáng nhập vào kim khẩu của Đức Phật cũng lại như vậy. Lại nữa, như tưới nước, dầu… vào nơi bãi cát, những đống cát đó chẳng đổi dạng, ánh sáng nhập vào kim khẩu của Đức Phật cũng lại như vậy.

Bấy giờ, ở phương Đông có Thiên Tử tên là Nhật Nguyệt Quang cỡi mây Ngũ thân đến chỗ Phật, đi quanh bên phải ba vòng, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui về ngồi một bên.

Phật bảo Thiên Tử: Ánh sáng của ông rất là hy hữu! Này Thiên Tử! Về quá khứ vô lượng kiếp, ông đã từng ở chỗ Phật, dùng các thứ hương hoa, châu báu vật trang sức thân như y phục, ngọa cụ, thức uống, thuốc thang cung kính cúng dường các Đức Phật và trồng các căn lành.

Này Thiên Tử! Do nhân duyên đã trồng vô lượng căn lành, nay ông mới được hào quang chiếu rực rỡ như vậy.

Vì duyên cớ này, sau khi ta Niết Bàn trong khoảng bốn, năm trăm năm khi pháp sắp diệt, về hướng Đông bắc của Châu Nam Thiệm Bộ này, có nước Ma Ha Chi Na, ông ở đó trụ vào không thoái chuyển, đúng là Bồ Tát.

Nên ông hiện thân nữ làm chủ tự tại, trải qua nhiều năm dùng chánh pháp giáo hóa, nuôi dưỡng chúng sinh giống như con đỏ, khiến cho họ tu theo mười điều lành, có thể nắm giữ giáo pháp rộng lớn của ta, kiến lập Chùa Tháp. Lại đem y phục, đồ ăn, thức uống, ngọa cụ, thuốc thang cúng dường Sa Môn trong mọi lúc, thường tu phạm hạnh, tên ông là Nguyệt Tịnh Quang.

Này Thiên Tử! Tất cả thân người nữ có năm chướng ngại:

1. Không được làm Chuyển Luân Thánh Vương.

2. Không được làm Đế Thích.

3. Không được làm Đại Phạm Thiên Vương.

4. Không được làm Bồ Tát không thoái chuyển.

5. Không được làm Như Lai.

Này Thiên Tử! Nhưng trong năm ngôi vị ấy, ông sẽ được hai vị. Đó là ngôi vị Không thoái chuyển và Chuyển Luân Thánh Vương. Thiên Tử, đó là tướng tốt lành ban đầu, vào lúc ấy, ông lên ngôi Vua rồi thì trong quốc độ đó có núi vọt lên, mây ngũ sắc xuất hiện, đồng thời ở phía Bắc núi Già Da cũng có núi hiện lên.

Này Thiên Tử! Ông lại có vô lượng trăm ngàn nhân duyên tốt lành khác.

Nay ta lược nói: Quốc độ kia an ổn phồn thịnh, muôn dân đông đúc yên vui rất đáng ưa thích, ông nên chánh niệm bố thí những việc làm vô úy.

Này Thiên Tử! Lúc ấy, ông sống lâu vô lượng, về sau sẽ sinh đến cung Trời Đổ Sử Đa, cúng dường hầu hạ Bồ Tát Từ Thị. Đến khi Bồ Tát Từ Thị thành Phật sẽ thọ ký cho ông thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Thiên Tử Nguyệt Quang nghe pháp Thế Tôn thọ ký, hớn hở vui mừng, thân tâm an nhiên, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật bảy vòng, đảnh lễ sát chân rồi liền cởi áo báu và những thứ trang sức dâng lên Đức Thế Tôn và bạch: Bạch Thế Tôn! Nay con ở trước Đức Thế Tôn được nghe dạy bảo đầy đủ về nhân duyên con được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, được lợi lạc lớn.

Nói lời này xong, Thiên Tử nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui về ngồi một bên.

Lúc đó về phương Đông cách vô lượng Thế Giới, có Thế Giới tên là Liên Hoa, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Liên Hoa Nhãn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc Già Phạm đang khai thị chánh pháp cho các Bồ Tát. Giáo pháp của Đức Phật ấy dạy bảo chỉ là nhất thừa.

Trong Cõi Phật ấy không có tên Thanh Văn và Bích Chi Phật, tất cả hữu tình đều là bậc không thoái chuyển đang hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thế Giới ấy có các Bồ Tát… đều dùng pháp hỷ thiền định để làm thức ăn, không dùng đoàn thực… ánh sáng của Đức Phật ấy thanh tịnh tỏa khắp, không cần ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Đất bằng phẳng như lòng bàn tay, không có các thứ cỏ cây, tường vách, gạch ngói cho đến núi sông để thanh tịnh trang nghiêm.

Bấy giờ, ánh sáng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng ra đã tỏa khắp cõi ấy, đại chúng nơi cõi ấy hoan hỷ gấp bội phần. Thế Giới ấy có Bồ Tát tên là Chỉ nhất thiết cái.

Vì sao Bồ Tát ấy mang tên này?

Vì nếu có các hữu tình nào nghe tên Bồ Tát ấy liền được dứt trừ những chướng ngại trói buộc, nên gọi là Chỉ nhất thiết cái.

Lúc ấy, Bồ Tát Chỉ nhất thiết cái nương ánh sáng của Đức Phật Thích Ca đi đến chỗ Đức Phật Liên Hoa Nhãn, từ hoa sen bước xuống, bày áo vai phải, gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những ánh sáng thanh tịnh làm cho thân tâm vui thích như vậy từ đâu tỏa đến?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn bảo Bồ Tát Chỉ Cái: Này thiện nam! Cách Cõi Phật này hằng hà sa Thế Giới về phương Tây có Cõi Phật tên là Tác Ha, trong cõi ấy có Đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc già phạm.

Nếu các hữu tình nghe tên Đức Phật ấy đều hướng đến vô thượng bồ đề không thoái chuyển. Những ánh sáng thanh tịnh đó từ Đức Như Lai ấy hiện đến, hễ có chúng sinh nào gặp được ánh sáng này thì thân tâm được vui thích.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà nghe danh hiệu của Đức Phật ấy liền hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đắc Không thoái chuyển?

Phật bảo Bồ Tát Chỉ Cái: Này thiện nam! Do Đức Như Lai ấy xưa kia khi tu hạnh Bồ Tát phát thệ nguyện này: Nếu ta thành Phật, tất cả hữu tình nghe danh hiệu ta thì đều hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đắc không thoái chuyển.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì những hữu tình trong Thế Giới kia chỉ nghe danh hiệu của Đức Phật ấy đều hướng đến bồ đề, đắc không thoái chuyển chăng?

Phật dạy: Không hẳn như vậy.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh kia đã nghe danh hiệu của Đức Phật ấy, vì sao có người đạt được, có người không đạt được?

Đức Phật bảo: Bất cứ ai được nghe danh hiệu của Đức Như Lai ấy đều tạo cho họ nhân duyên bất thoái. Đó cũng gọi là A Bệ Bạt Trí.

Này Thiện Nam! Ví như gieo giống, hạt giống đó không bị hư mục, đất nước hòa hợp.

Ý ông thế nào?

Như vậy hạt giống ấy có mầm không?

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy hạt giống ấy không bị tổn hại, nếu gặp nhân duyên tốt thì chắc chắn sẽ nảy mầm.

Đức Phật dạy: Này Thiện Nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Các chúng sinh kia do nghe danh hiệu của Đức Phật ấy chắc chắn sẽ thành A Bệ Bạt Trí, được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con muốn đến Thế Giới Tác Ha lễ bái Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, hầu hạ, cúng dường, tôn trọng tán thán, xin Thế Tôn chấp thuận.

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Chỉ Cái: Này thiện nam! Ông muốn đến cõi ấy, nay thật đúng lúc.

Các Bồ Tát lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn đến Thế Giới Tác Ha lễ bái, gần gũi, cung kính, cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Thế Tôn bảo các Bồ Tát: Này các thiện nam! Các ông muốn đến cõi ấy, nay thật đúng lúc, nhưng đối với quốc độ kia, các ông chớ sinh lòng khinh tiện, buông lung.

Vì sao?

Vì chúng sinh cõi ấy có nhiều thứ tham dục, sân hận, ngu si, chẳng kính Sa Môn, Bà La Môn, làm việc phi pháp, thô lỗ hung ác, kiêu căng dối trá, ngã mạn cao ngạo, ưa đắm keo kiệt, ganh ghét lười biếng, phá hủy giới cấm, làm việc bất thiện, bị vô lượng phiền não trói buộc, nhưng Đức Như Lai đó có thể ở trong đời ác giáo hóa chúng sinh.

Các Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni rất là hy hữu có thể làm những việc khó làm!

Phật bảo các Bồ Tát: Đúng vậy! Đúng vậy! Như những lời các ông đã nói, ở trong đời ác, nếu hữu tình nào trong khoảnh khắc như búng ngón tay mà có thể phát sinh lòng tin trong sạch, hoặc trì giới cấm, hoặc lìa tham lam keo kiệt, hoặc khởi lòng đại bi phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, vượt trên cõi thanh tịnh thực hành trong trăm ngàn kiếp.

***