Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN MƯỜI BỐN
Này thiện nam! Ví như hoa sen không bị dính một nước nhơ bẩn nào. Bồ Tát cũng vậy, không bị dính một chút tội lỗi nhơ bẩn nào.
Thế nào là Bồ Tát được giới hương vi diệu?
Này thiện nam! Nếu ở địa phương nào có hoa sen mọc thì hương thơm của hoa sen tỏa khắp những nơi đó. Bồ Tát cũng vậy, du hành khắp nơi ở nhân gian, giới hương của Bồ Tát tỏa khắp những nơi du hành ấy.
Thế nào là Bồ Tát luôn được thanh tịnh?
Này thiện nam! Nếu những nơi nào hoa sen mọc thì tất cả thế gian xóm làng, các Bà La Môn, Sát Đế Lợi… thảy đều dùng nơi ấy làm nơi thanh tịnh.
Bồ Tát cũng vậy, sinh ở chỗ nào cũng vắng lặng thanh tịnh, thường được Chư Phật hộ trì nhớ nghĩ và được sự khen ngợi của Chư Bồ Tát, lại được hàng Trời, Người, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược, Atố Lạc, Khẩn Nại Lạc, Mạc Hô Lạc Già, Nhân Phi Nhân… đều đi đến đó.
Thế nào là Bồ Tát miệng hay mỉm cười?
Này thiện nam! Ví như hoa sen nở cùng khắp, tất cả hữu tình nếu ai thấy tâm đều vui mừng. Bồ Tát cũng vậy, lúc nào nhan sắc cũng nhu hòa mỉm cười, không nhăn nhó, các căn thanh tịnh.
Thế nào là Bồ Tát không thô bạo?
Này thiện nam! Ví như hoa sen tánh nó mềm mại, không thô cứng. Bồ Tát cũng vậy, tánh thường nhu hòa, lời nói không thô bạo, lại không dối trá.
Thế nào là Bồ Tát hay hiện điềm lành?
Này thiện nam! Ví như có người thức hoặc ngủ thậm chí trong một khoảnh khắc nếu thấy hoa sen cho là tướng ứng điềm tốt lành, nên tán thán khen ngợi. Bồ Tát cũng vậy, trong mọi lúc nếu ai được thấy Bồ Tát là điềm lành trọn vẹn mà khen ngợi tán thán thì được lợi ích lớn, cho đến có thể chứng đắc nhất thiết trí.
Thế nào là Bồ Tát khai mở giác ngộ?
Này thiện nam! Ví như lúc hoa sen nở bung thì gọi là khai mở. Bồ Tát cũng vậy, như lúc hoa Bát Nhã, bồ đề phần của Bồ Tát được nở bung thì gọi là giác ngộ.
Thế nào là Bồ Tát giác ngộ thành thục?
Này thiện nam! Ví như hoa sen khi thành thục nếu có ai thấy thì làm cho mắt càng thêm vui thích, nếu có ai ngửi thì làm cho mũi càng thêm vui thích, nếu có ai xúc chạm thì làm cho thân thể càng thêm vui thích, nếu có ai hoan hỷ thì làm cho ý càng thêm vui thích.
Bồ Tát cũng vậy, thành tựu được ánh sáng bát nhã khiến cho người thấy mắt được thanh tịnh, người nghe tai được thanh tịnh, người tiếp xúc, cúng dường thì thân được thanh tịnh, người tư duy khen ngợi tán thán công đức thì ý được thanh tịnh.
Thế nào là Bồ Tát được người khác ủng hộ?
Này thiện nam! Ví như lúc hoa sen nở bung luôn làm cho mọi người và phi nhân bảo vệ. Bồ Tát cũng vậy, sinh ở nơi nào cũng được tất cả Chư Phật và Chư Bồ Tát, Phạm Vương, Đế Thích, Hộ thế ủng hộ.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được như hoa sen.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tâm rộng lớn.
Những gì là mười?
1. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Tôi sẽ tích tập các Ba la mật đa bình đẳng.
2. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Tôi sẽ viên mãn tất cả pháp Phật.
3. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Tôi sẽ điều phục tất cả hữu tình.
4. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Tôi sẽ ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
5. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Tôi hiện chứng đắc Đẳng Giác rồi chuyển chánh pháp luân, các Bà La Môn, Trời, Ma, Phạm và người thế gian tất cả đều không thể cùng tôi chuyển.
6. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Tôi vì lợi ích cho các hữu tình mà qua lại vô lượng, vô biên trong các Thế Giới, chỉ vì làm việc lợi ích cho các hữu tình ấy.
7. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Tôi sẽ tích tập bát nhã dùng làm thuyền bè để đưa tất cả hữu tình qua biển sinh tử đến bờ giác ngộ.
8. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Thấy các hữu tình không có chủ, không nơi quay về, không ai cứu giúp, không người ủng hộ, không có nơi chốn, tôi sẽ vì họ mà làm quyến thuộc, làm người cứu giúp… cho các hữu tình ấy.
9. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Với sự nghiệp tối thắng của Phật, tôi sẽ thị hiện làm những sự nghiệp tối thắng của Chư Phật. Đức Phật rống tiếng Sư Tử, tôi sẽ rống tiếng Sư Tử lớn.
Đức Phật du hóa ở đâu, tôi sẽ du hóa ở đó. Bậc Đại long quan sát thế nào, tôi sẽ quan sát thế ấy. Những gì tôi đã chứng đắc thì khiến cho Chư Thiên Ma, Phạm Thế, Sa Môn, Bà La Môn, tất cả thế gian Trời, Người, A Tố Lạc đều cũng được như tôi.
10. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: Đức Phật oai đức lớn điều phục hữu tình, tôi sẽ điều phục hữu tình không bằng hành động thô ác, không bằng khổ hạnh vô ích, không bằng hạnh thấp kém.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tâm rộng lớn.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tâm thanh tịnh.
Những gì là mười?
1. Được ý vui viên mãn, vì tánh ý lạc này bất động, vì thường an trú, vì hư ngụy.
2. Xa lìa tác ý không như lý, nghĩa tôi sẽ làm Phật rống tiếng Sư Tử, không bao giờ phát khởi tác ý Thanh Văn, chẳng phát khởi tác ý Duyên Giác, cũng chẳng phát khởi tác ý hẹp hòi.
3. Lìa hẳn mọi nhơ bẩn, đó là hay trừ khử những phiền não nhơ bẩn.
4. Thân lìa hẳn bộ dạng dối trá, nghĩa hay xa lìa tất cả bộ dạng oai nghi dị tướng dối trá.
5. Lìa hẳn lời nói dối trá, không bao giờ thốt ra những lời nói không chân thật.
6. Lìa hẳn tâm nghiệp dối trá, nghĩa là thân không tham đắm, lời nói biết đủ, tâm không mong cầu.
7. Đền ân, đối với một phần ân nhỏ mà luôn không quên, huống nữa là ân nhiều lại không nghĩ đền đáp chăng.
8. Biết ân, đối với người có ân nhất định không quên, cũng không khinh rẻ, thấy người ấy có đức, phát khởi vui mừng khen ngợi tán thán, trừ hạng người không biết xấu hổ trong thế gian.
9. Nói gì làm nấy, nghĩa là Chư Bồ Tát nói ra lời tốt đẹp tương ưng với tâm, tâm thường vắng lặng không ôm hờn kết oán.
Tôn trọng người khác không sinh khinh mạn, nói thật lời mà không nói dối trá, không bị sự keo kiệt, ganh ghét, dua nịnh kéo chạy. Bồ Tát không bao giờ khiến cho người khác đánh nhau, cũng chẳng nghĩ cách phá hoại họ, nói nghĩa chân thật tùy sự lợi ích mà ban cho họ.
10. Đối với những lời dạy của Như Lai không bao giờ phỉ báng, nghĩa là Bồ Tát đã phát tâm vô thượng Bồ Đề, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca sa, ở trong chánh pháp của Như Lai chánh tín xuất gia.
Chẳng phải do sức ép buộc của nhà Vua mà xuất gia, chẳng vì giặc cướp ức chế mà xuất gia, chẳng vì nợ mà phương tiện xuất gia, chẳng vì hoảng sợ mà cầu xuất gia, chẳng phải sợ không đủ sống mà xuất gia tà mạng, chỉ vì mong cầu chánh pháp mà đem lòng tin xuất gia. Bồ Tát thường vì cầu tri thức thiện để gần gũi, hầu hạ, lắng nghe chánh pháp, nghe rồi thì theo đó mà tu hành.
Lại nữa, Bồ Tát không bị ngã mạn ngăn che vì đã lìa ngã mạn, lại không điên đảo vì nhờ tánh lãnh thọ, chứng đạo thông đạt vì được thông đạt, chứng pháp tánh vì đắc pháp tánh. Chứng pháp tánh rồi chắc chắn sẽ chứng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đó gọi là Bồ Tát đối với giáo pháp của Phật không bao giờ hủy báng.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tâm thanh tịnh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì tâm không do dự.
Những gì là mười?
1. Tin sâu thân nghiệp bí mật của Như Lai.
2. Tin sâu ngữ nghiệp bí mật của Như Lai.
3. Tin sâu ý nghiệp bí mật của Như Lai.
4. Tin sâu sự tích tập của Bồ Tát.
5. Tin sâu bồ đề.
6. Tin Như Lai xuất hiện.
7. Luôn tin Như Lai diễn thuyết thật tướng nhất thừa.
8. Tin Như Lai diễn thuyết những loại thật tướng.
9. Tin tiếng nói sâu xa của Như Lai.
10. Tin sâu Như Lai về sự rõ biết ý muốn của hữu tình mà điều phục họ.
Thế nào là Bồ Tát tin sâu thân nghiệp bí mật của Như Lai?
Này thiện nam! Nghĩa là các Bồ Tát nghe tánh của pháp thân Như Lai, tánh thân vắng lặng, tánh thân không gì bằng, vô lượng, bất cộng, kim cang.
Bồ Tát suy nghĩ thế này: Đây là chân thật chẳng phải hư dối. Bởi vì Bồ Tát này đối với pháp ấy tâm không còn do dự.
Đó gọi là Bồ Tát tin sâu thân nghiệp bí mật của Như Lai.
Thế nào là Bồ Tát tin sâu ngữ nghiệp bí mật của Như Lai?
Đó là các Bồ Tát nghe Như Lai vì các hữu tình mà thọ ký ngay hiện tiền hoặc không thọ ký ngay hiện tiền.
Bí mật thọ ký rồi, Bồ Tát suy nghĩ thế này: Lời nói của Như Lai không bao giờ hư dối, không sai lầm, do nhân duyên này mà được lời nói chân thật.
Vì sao?
Vì Đức Như Lai lìa hẳn tất cả lỗi lầm, lìa hẳn hết thảy mọi bụi nhơ, lìa hẳn tất cả mọi nóng bức, lìa hẳn tất cả mọi phiền não, thường được tự tại, sáng sạch lắng trong không nhơ bẩn. Nếu lời nói của Như Lai còn hư dối, lỗi lầm thì không thể có điều ấy xảy ra, chỉ có điều chân thật này chẳng hề hư dối. Bồ Tát đối với pháp này không còn do dự. Đó gọi là Bồ Tát tin sâu ngữ nghiệp bí mật của Như Lai.
Thế nào là Bồ Tát tin sâu ý nghiệp bí mật của Như Lai?
Nếu các Bồ Tát nghe về bí mật của Như Lai, nghĩa là tất cả pháp nghĩa, ý lạc của Như Lai chỉ ghi nhớ và gìn giữ trong tâm. Tất cả Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác và các hữu tình không thể biết điều đó, chỉ trừ được sự gia trì của Như Lai.
Vì sao?
Vì ý của Đức Như Lai rất sâu khó mà đo lường, vượt qua sự tính toán đo lường và sở hành đo lường tính đếm. Ý của Như Lai rộng lớn vô lượng giống như hư không, vượt qua tất cả cảnh giới tính toán hư vọng.
Bồ Tát tư duy chân chánh như vậy: Đây là chân thật chẳng phải hư dối. Vì Bồ Tát đối với giáo pháp ấy không còn do dự. Đó gọi là Bồ Tát tin sâu ý nghiệp bí mật của Như Lai.
Thế nào là tin sâu sự tích tập của Bồ Tát?
Nghĩa là nghe nói các Bồ Tát ngay hiện tiền làm lợi ích cho các hữu tình, việc làm của các hữu tình này Bồ Tát đều có thể làm không bao giờ mỏi mệt cũng không kinh sợ.
Lại thường gánh vác trọng trách đại nguyện, có thế lực lớn dũng mãnh kiên cố, có khả năng tích tập tất cả các Ba la mật đa, lần lượt tích tập hết thảy pháp Phật được trí vô ngại, trí tánh vô biên, trí tánh không gì bằng, trí tánh bất cộng, tinh tấn kiên cố, mặc áo giáp kiên cố, thệ nguyện kiên cố, thệ nguyện bất động, thệ nguyện bất cộng, chỉ vì nhân duyên vô thượng bồ đề. Các Bồ Tát này lần lượt tu tập làm cho tăng trưởng rộng lớn, viên mãn.
Bồ Tát tư duy như vậy: Đây là chân thật chẳng phải là hư dối. Bồ Tát đối với các pháp ấy không còn do dự. Đó gọi là Bồ Tát tin sâu sự tích tập.
Thế nào là Bồ Tát tin sâu bồ đề và Như Lai xuất hiện?
Nghĩa là các Bồ Tát tư duy như vậy: Nghe các Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề không còn tham đắm, không còn chướng ngại, đắc thiên nhãn trí thông, thiên nhĩ trí thông, tha tâm trí thông, túc trụ tùy miên trí thông, thần cảnh trí thông, lậu tận trí thông, thành tựu trí thù thắng, thấu rõ từng sát na trong ba đời không còn tham đắm, không còn chướng ngại.
Do nhân duyên ấy mà có thể quan sát khắp các cõi hữu tình: Loài hữu tình này đã tạo nghiệp ác về thân, loài hữu tình này đã tạo nghiệp ác về miệng, loài hữu tình này đã tạo nghiệp ác về ý. Những loại hữu tình ấy thọ nhận các pháp tà, khởi lên tà kiến phỉ báng Bậc Thánh. Do nhân duyên này sau khi qua đời, đọa vào các nẻo ác, sinh trong địa ngục.
Bồ Tát lại quan sát thế này: Hữu tình này thân tạo nghiệp thiện thành tựu, miệng tạo nghiệp thiện thành tựu, ý tạo nghiệp thiện thành tựu, lãnh thọ chánh pháp, khởi lên chánh kiến không phỉ báng Bậc Thánh, do nhân duyên này sau khi qua đời sinh vào các đường lành, được sinh lên Cõi Trời.
Bồ Tát có khả năng quan sát rõ các cõi hữu tình đã tạo nghiệp thiện, bất thiện như vậy và suy nghĩ thế này: Về thuở xưa khi ta hành hạnh Bồ Tát có nguyện như vậy: Nếu tôi giác ngộ thì khiến cho người khác cũng giác ngộ, nguyện của tôi đã được mỹ mãn. Đây là chân thật chẳng phải là hư dối. Bồ Tát đối với pháp ấy không còn do dự. Do vậy, Bồ Tát chứng được bồ đề gọi là Chánh Giác.
Này thiện nam! Đó gọi là Bồ Tát tin sâu Bồ Đề và Như Lai xuất hiện.
Thế nào là Bồ Tát tin Như Lai diễn thuyết thật tướng của nhất thừa?
Nghĩa là Bồ Tát tư duy thế này: Nghe pháp nhất thừa của Như Lai, đây là chân thật chẳng phải hư dối, hằng không biến đổi.
Vì sao?
Vì do từ nhất thừa mà sinh ra các thừa.
***