Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN MƯỜI MỘT
Này thiện nam! Ví như Chuyển luân Thánh vương được sắc tướng vượt hơn loài người, nhưng không thể vượt hơn sắc tướng tuyệt vời thanh tịnh của Chư Thiên được. Bồ Tát cũng vậy, đã được quả vị vượt hơn tất cả thế gian, Thanh Văn, Duyên Giác, nhưng lại chưa được quả vị Thắng nghĩa của Bồ Tát.
Lại nữa, Địa Phổ Quang Minh Phật là chứng sự xa lìa ở giữa và hai bên, không còn nhơ bẩn đối với tất cả pháp được tự tại, trong một sát na quan sát cùng khắp tất cả hữu tình đạt được tướng lợi ích nhất thiết nghĩa.
Thế nào gọi là các Tam Ma Địa?
Là các Bồ Tát chứng Tam Ma Địa, Tam Ma Địa có mười:
1. Tam Ma Địa Dũng xuất bảo.
2. Tam Ma Địa Thiện trụ.
3. Tam Ma Địa Bất động.
4. Tam Ma Địa Bất thoái.
5. Tam Ma Địa Bảo tích.
6. Tam Ma Địa Nhật quang.
7. Tam Ma Địa nhất thiết nghĩa thành.
8. Tam Ma Địa Trí cự.
9. Tam Ma Địa Hiện tại Phật tiền trụ.
10. Tam Ma Địa Kiện hành.
Các Bồ Tát này chứng Tam Ma Địa vô lượng, vô biên vì những Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.
Lại nữa, Chư Bồ Tát đắc Đà La Ni.
Đà La Ni có mười hai loại:
1. Đà La Ni Quán Đảnh.
2. Đà La Ni hữu trí giả.
3. Đà La Ni âm thanh thanh tịnh.
4. Đà La Ni vô tận ý.
5. Đà La Ni vô biên triền.
6. Đà La Ni hải ấn.
7. Đà La Ni biện phong.
8. Đà La Ni Liên Hoa trang nghiêm.
9. Đà La Ni nhập vô trước môn.
10. Đà La Ni quyết định nhập vô ngại giải.
11. Đà La Ni Chư Phật trang nghiêm thần biến.
12. Đà La Ni thành tựu Phật vô biến sắc tướng xuất hiện ở đời.
Những Bồ Tát này chứng Đà La Ni vô lượng, vô biên, vì những Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.
Thế nào là sáu loại thần thông của Bồ Tát?
1. Thiên nhãn trí thông.
2. Thiên nhĩ trí thông.
3. Tha tâm trí thông.
4. Túc trụ tùy niệm trí thông.
5. Thần cảnh trí thông.
6. Lậu tận trí thông.
Thế nào là mười tự tại của Bồ Tát?
1. Mạng tự tại do thọ mạng này trải qua vô lượng A tăng kỳ có thể duy trì khiến cho tồn tại.
2. Tâm tự tại, do tâm tự tại điều phục phương tiện mà nhập vào các Tam Ma Địa không thể nói luôn được tự tại.
3. Của cải tự tại, do đó mà thị hiện trang nghiêm tuyệt diệu cho tất cả thế gian.
4. Nghiệp tự tại, là có thể tùy các nghiệp và quả dị thục mà thị hiện.
5. Sinh tự tại, là có thể thị hiện thọ sinh về tất cả cảnh giới.
6. Thắng giải tự tại, là có thể hiện ra thân tướng Chư Phật, làm cho mọi Thế Giới đều thấy đầy đủ.
7. Nguyện tự tại, là tùy vào đó mà mọi nơi và lúc nào cũng có thể chứng Đẳng Giác.
8. Thần thông tự tại, là ở tất cả Thế Giới hiện ra vô biên những loại thần biến.
9. Pháp tự tại, nghĩa là ở trong pháp ấy mà xa lìa pháp môn ở giữa và hai bên, hiển bày sáng rõ.
10. Trí tự tại, nghĩa là trong một sát na có thể biết cả mười lực vô úy vô ngại giải thoát, pháp bất cộng của Như Lai và các tướng tốt tùy hình của các Đức Như Lai trong ba đời. Lại có thể thị chứng Vô Thượng Đẳng Giác.
Lại nữa, ở trong một sát na, Bồ Tát có thể biết rõ khắp tất cả hằng hà sa số cõi của Chư Phật ba đời. Lại có thể khởi lên nhất thiết trí thị hiện chứng Đẳng Giác, thành tựu đầy đủ các pháp thù thắng.
Đây là Bồ Tát thành tựu mười tự tại.
Thế nào là mười lực của Bồ Tát?
1. Sức ý vui.
2. Sức ý vui tăng thượng.
3. Sức gia hạnh.
4. Sức bát nhã.
5. Sức nguyện.
6. Sức tu hành.
7. Sức chuyên chở.
8. Sức thần thông.
9. Sức giác ngộ.
10. Sức có thể Chuyển Pháp Luân. Đó gọi là mười lực của Bồ Tát.
Thế nào là bốn vô sở úy của Bồ Tát?
1. Bồ Tát nghe pháp Đà La Ni thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết nghĩa ấy mà được vô sở úy.
2. Do Bồ Tát chứng vô ngã nên không não loạn người khác và không hiện tướng ác, câu sinh không lỗi lầm, gìn giữ oai nghi, ba nghiệp thanh tịnh mà được vô sở úy.
3. Bồ Tát dùng Bát Nhã để làm phương tiện khéo thông đạt các pháp làm cho các hữu tình xuất ly, thanh tịnh không bị chướng ngại mà được vô sở úy.
4. Bồ Tát không cầu xuất ly nơi thừa khác, tâm chẳng bao giờ quên mất nhất thiết trí, hay được đầy đủ các loại tự tại, phương tiện lợi ích cho tất cả hữu tình mà được vô sở úy.
Đó gọi là bốn vô sở úy của Bồ Tát.
Thế nào là mười tám pháp bất cộng của Bồ Tát?
1. Thực hành bố thí không theo người khác bảo.
2. Trì giới không theo người khác bảo.
3. Tu nhẫn không theo người khác bảo.
4. Tinh tấn không theo người khác bảo.
5. Tĩnh lự không theo người khác bảo.
6. Bát Nhã không theo người khác bảo.
7. Hành thâu pháp có thể giúp đỡ tất cả hữu tình.
8. Hay hồi hướng.
9. Phương tiện thiện xảo làm chủ tự tại khiến cho tất cả hữu tình có thể chứng Tối thượng thừa theo những sự tu hành của họ.
10. Không thoái lui Đại thừa.
11. Giỏi thị hiện nơi sinh tử, Niết Bàn mà vẫn an lạc, lời nói thiện xảo có thể tùy theo thế tục cùng lời mà khác nghĩa.
12. Trí tuệ là dẫn đầu, tuy hiện tiền khởi lên những sự thọ sinh nhưng không tạo tác, lìa các lỗi lầm.
13. Thân, khẩu, ý đầy đủ mười nghiệp thiện.
14. Giúp đỡ các hữu tình luôn luôn không lìa bỏ, thường gắng nhẫn mọi khổ uẩn.
15. Thường có thể thị hiện sự vui thích cho tất cả thế gian.
16. Tuy ở trong chúng nhiều khổ não lỗi lầm và ở trong Thanh Văn mà chẳng quên mất nhất thiết trí, tâm như ngọc báu vững chắc, thanh tịnh, trang nghiêm.
17. Nếu khi thọ quả vị nhất thiết Pháp vương thì dùng tơ lụa và nước quấn rưới trên đảnh vị ấy.
18. Thị hiện sự mong cầu, luôn gìn giữ chánh pháp của Chư Phật.
Đó là mười tám pháp bất cộng của Bồ Tát.
Này thiện nam! Thế nào là mười lực của Như Lai?
1. Sức trí biết rõ thị xứ phi xứ.
2. Sức trí biết rõ nghiệp nhân dị thục cả quá khứ, hiện tại, vị lai.
3. Sức trí biết rõ các loại thắng giải.
4. Sức trí biết rõ từng cảnh giới.
5. Sức trí biết rõ căn thắng.
6. Sức trí biết rõ từng nghiệp của các nẻo.
7. Sức trí biết rõ tất cả tĩnh lự giải thoát, Tam Ma Địa, Tam Ma Bạt Đề, xuất ly, tạp nhiễm, thanh tịnh.
8. Sức trí biết rõ mọi sự việc của đời quá khứ theo ý nghĩ.
9. Sức trí biết rõ sự sinh tử luân hồi.
10. Sức trí biết rõ mọi tập khí lậu hoặc đã chấm dứt.
Đây là mười sức trí của Như Lai.
Thế nào là bốn vô sở úy của Như Lai?
1. Đối với các pháp chứng Đẳng Giác không sợ sệt.
2. Tất cả trí lậu tận không sợ sệt.
3. Nói pháp chứng đạo không hư dối, quyết định thọ ký không sợ.
4. Tu hành đầy đủ chứng được đạo xuất ly không sợ. Đó là bốn vô sở úy của Như Lai.
Thế nào là mười tám pháp Bất cộng của Như Lai?
1. Như Lai không có lỗi lầm.
2. Không thốt ra âm thanh hung bạo.
3. Luôn chánh niệm.
4. Tâm luôn chánh định.
5. Không loạn tưởng.
6. Biết rõ rồi loại trừ.
7. Muốn độ chúng sinh không giảm.
8. Tinh tấn không giảm.
9. Niệm không giảm.
10. Định không giảm.
11. Tuệ không giảm.
12. Giải thoát không giảm.
13. Có trí tuệ thấy biết về đời quá khứ mà không tham đắm, không ngăn ngại.
14. Có trí tuệ hiểu biết về đời hiện tại mà không tham đắm, không ngăn ngại.
15. Có trí tuệ hiểu biết về đời vị lai mà không tham đắm, không ngăn ngại.
16. Tất cả thân nghiệp đều hành động theo trí tuệ.
17. Tất cả ngữ nghiệp đều hành động theo trí tuệ.
18. Tất cả ý nghiệp đều hành động theo trí tuệ. Đó là mười tám pháp Bất cộng của Phật.
Này thiện nam! Thế nào là đại bi của Như Lai?
Thiện Nam! Như Lai thành tựu về đại bi có ba mươi hai loại, đối với các hữu tình ở trong vô lượng, vô biên tất cả Thế Giới, trong mười phương khởi lên những loại đại bi không thể nghĩ bàn.
Thế nào là ba mươi hai loại đại bi?
1. Các pháp đều không có ngã, hữu tình nào không tin các pháp vô ngã thì Như Lai vì hữu tình ấy mà khởi đại bi.
2. Trong tất cả các pháp không thật có hữu tình, chúng sinh nào cho là hữu tình thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lên đại bi.
3. Đối với tất cả các pháp không thật có sinh mạng, hữu tình nào cho sinh mạng thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
4. Đối với tất cả các pháp chẳng có người, hữu tình nào chấp có người, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
5. Đối với tất cả các pháp thể tánh không thật, hữu tình nào cho là các pháp thể tánh là thật, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
6. Tất cả các pháp không thật có nơi chốn, hữu tình nào chấp trước nơi chốn thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
7. Tất cả các pháp không thật có chấp tàng, hữu tình nào vọng chấp chấp tàng thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
8. Tất cả các pháp không có ngã, ngã sở, hữu tình nào chấp thật có ngã, ngã sở, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
9. Tất cả các pháp không có chủ tể, hữu tình nào vọng chấp thật có chủ tể, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
10. Tất cả các pháp không thật có sự vật, hữu tình nào chấp có sự vật, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
11. Các pháp không sinh, hữu tình nào vọng chấp các pháp có sinh, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
12. Tất cả các pháp không khởi không diệt, hữu tình nào vọng chấp có khởi có diệt, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
13. Tất cả các pháp không tạp nhiễm, hữu tình nào vọng chấp có tạp nhiễm, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
14. Tất cả các pháp không tham mà hữu tình khởi tham, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
15. Tất cả các pháp lìa sân mà hữu tình nổi sân, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
16. Tất cả các pháp lìa si mà hữu tình khởi si, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
17. Tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh, tự tánh vắng lặng, tự tánh thanh tịnh mà hữu tình vọng chấp có thể thụ đắc, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
18. Tất cả các pháp không đến mà các hữu tình vọng chấp có đến, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
19. Tất cả các pháp chẳng đi mà các hữu tình vọng chấp có đi, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
20. Tất cả các pháp không tạo tác mà hữu tình vọng chấp có tạo tác, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
21. Tất cả các pháp chẳng có hý luận mà hữu tình ưa thích chấp có hý luận, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
22. Bản thể các pháp là rỗng không mà hữu tình chấp có, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
23. Tất cả các pháp vô tướng mà các hữu tình vọng chấp có hành tướng, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
24. Tất cả các pháp vô nguyện mà hữu tình vọng chấp các pháp có nguyện, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
25. Hữu tình cõi này an trú trong thế gian đều do chấp trước mà cùng nhau tranh luận khởi lên tham, sân, si. Quán thấy các hữu tình như vậy, ta sẽ thuyết pháp cho họ lìa hẳn tham, sân, si. Cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
26. Các hữu tình an trú trong thế gian đủ thứ điên đảo, rơi vào đường ác, đọa nơi đường tà, ta muốn đưa các hữu tình ấy vào con đường chân thật, do vậy Như Lai vì họ mà khởi lòng đại bi.
27. Hữu tình cõi này đắm luyến thế gian bị tham ái ngăn che, chiếm đoạt vật của người khác mà lòng không thỏa mãn, ta cần làm cho các loại hữu tình ấy được tài bảo Thánh pháp đó là thí, giới, văn…, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
28. Tất cả hữu tình bị tham ái sai khiến, đam mê nhà cửa, ruộng đất, vợ con, của cải, lúa thóc… mưu tính gìn giữ chúng mà làm tôi tớ cho chúng, ta nên diễn thuyết diệu pháp cho họ, quán về nhà cửa, ruộng đất… tất cả những thứ đó đều vô thường không chắc thật. Vì các hữu tình này vọng tưởng là chắc thật, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại bi.
29. Hữu tình cõi này lừa dối nhau, chiếm đoạt qua lại, sinh sống bằng việc ác, ta nên thuyết pháp cho các hữu tình ấy khiến cho họ sinh sống bằng cách thanh tịnh, vì các hữu tình ấy nên Như Lai khởi lòng đại bi.
30. Hữu tình cõi này gần gũi bạn ác được những sự lợi ích về cúng dường tán thán…, tự cho rằng: Bạn tốt chân thật của ta, ta nên vì tất cả hữu tình ấy mà làm bạn tốt chân thật, làm người bạn tốt trọn vẹn, giúp cho những hữu tình ấy dứt trừ mọi khổ não, được Niết Bàn an vui rốt ráo. Do vậy, Như Lai vì các hữu tình này mà khởi lòng đại bi.
31. Hữu tình ở trong nhà của ba cõi, triền miên chịu các khổ não bức bách mà lúc nào cũng ưa tham đắm luyến tiếc, ta nên vì họ thuyết pháp như thế, để cho các hữu tình trong ba cõi được thoát ra, vì các hữu tình ấy mà Như Lai khởi lòng đại bi.
32. Bậc Thánh giải thoát thuyết pháp thế này: Tất cả các pháp do nhân duyên sinh, nhờ các duyên nuôi dưỡng nên được tươi tốt. Nếu các hữu tình biếng trễ, tức là xả bỏ sự tăng thượng thù thắng, vô nhiễm, chánh trí và Niết Bàn tối thượng.
Các hữu tình này lại mong cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật thừa thấp kém. Ta nên vì họ mà nói pháp như thế để họ ưa thích trí tuệ rộng lớn, mong cầu Phật trí, vì các hữu tình ấy nên Như Lai khởi lòng đại bi.
***