Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
 

PHẦN MƯỜI NĂM
 

Này thiện nam! Ví như trong Thiệm Bộ Châu có các châu nhỏ, tuy mỗi châu có tên khác nhau nhưng chúng cùng ở trong Thiệm Bộ Châu, do đó gọi là Thiệm Bộ Châu.

Nói về nhất thừa cũng vậy, do Như Lai thừa mà sinh ra các thừa, tuy các thưà có tên khác nhưng đều nương về Như Lai thừa, cho nên gọi là nhất thừa. Bồ Tát đối với chánh pháp ấy không còn do dự. Đó gọi là Bồ Tát tin Như Lai diễn thuyết thật tướng của nhất thừa.

Thế nào là Bồ Tát luôn tin Như Lai diễn thuyết những loại thật tướng?

Đó là Bồ Tát tư duy thế này: Nghe trong Kinh của Như Lai có nói về những loại thật tướng tin chắc đây là chân thật chẳng phải hư dối.

Vì sao?

Vì các Đức Như Lai hay điều phục, nên tùy các hữu tình mà diễn thuyết những loại pháp thù thắng. Bồ Tát đối với chánh pháp này không còn do dự, đó gọi là Bồ Tát tin Như Lai diễn thuyết những loại thật tướng.

Thế nào là Bồ Tát tin tiếng nói sâu xa của Như Lai?

Đó là các Bồ Tát tư duy như vậy: Nghe ngôn ngữ sâu xa của Như Lai rồi, tin chắc đây là chân thật chẳng phải hư dối.

Vì sao?

Vì các Thiên Tử có căn lành, nhưng ít phước mà còn được âm thanh sâu xa, huống gì là Đức Như Lai vô lượng, vô số trăm ngàn kiếp tích tập diệu hạnh. Do đó, Bồ Tát đối với pháp ấy không còn do dự, đó gọi là Bồ Tát tin sâu tiếng nói sâu xa của Như Lai.

Thế nào là Bồ Tát tin sâu Như Lai về sự rõ biết ý muốn của hữu tình mà điều phục họ?

Đó là các Bồ Tát tư duy thế này: Nghe Đức Như Lai biết tất cả ý của hữu tình, có những loại tùy miên, những loại thắng giải, dùng một âm thanh thuyết pháp, các chúng sinh tùy theo ý hiểu biết mà đoạn trừ nghi hoặc và được thành thục.

Mỗi một hữu tình suy nghĩ thế này: Như Lai chỉ riêng vì ta mà diễn thuyết diệu pháp, Đức Như Lai đối với việc này thật không có phân biệt: Ta là người diễn thuyết, hữu tình là được giáo hóa tin chắc đây là chân thật, chẳng phải hư dối. Bồ Tát đối với pháp ấy không còn do dự, đó gọi là Bồ Tát tin sâu Như Lai về sự rõ biết ý muốn của hữu tình mà điều phục họ.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì tâm không còn do dự.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí như biển.

Những gì là mười?

1. Được như chỗ có vật báu.

2. Rất sâu khó vượt qua.

3. Rộng lớn vô lượng.

4. Tùy chỗ sâu dần.

5. Không dung chứa tử thi phiền não.

6. Đều cùng một vị.

7. Dung chứa các dòng nước chảy xiết.

8. Thủy triều lên xuống đúng lúc.

9. Nơi nương tựa của những hữu tình to lớn.

10. Không cùng tận.

Thế nào là Bồ Tát được như chỗ có vật báu?

Này thiện nam! Ví như biển lớn các chỗ có vật báu, người ở Thiệm Bộ Châu đến lấy vật báu không bao giờ cạn kiệt. Bồ Tát cũng vậy, có vật báu công đức, tất cả hữu tình lấy công đức báu ấy cũng không bao giờ cạn kiệt.

Thế nào là Bồ Tát rất sâu khó vượt qua?

Này thiện nam! Ví như biển lớn rất sâu khó vượt qua. Bồ Tát cũng vậy, thành tựu trí tuệ sâu như biển lớn, tất cả hữu tình không thể vượt qua.

Thế nào là Bồ Tát rộng lớn vô lượng?

Này thiện nam! Ví như biển cả rộng lớn bao la. Bồ Tát cũng vậy, biển trí tuệ rộng lớn vô biên.

Thế nào là Bồ Tát tùy thuận sâu dần?

Này thiện nam! Ví như biển lớn càng xuống càng sâu. Bồ Tát cũng vậy, biển nhất thiết trí của Bồ Tát tùy thuận theo pháp tánh càng xuống càng sâu.

Thế nào là Bồ Tát không dung chứa tử thi phiền não?

Này thiện nam! Ví như biển lớn không chứa tử thi.

Vì sao?

Vì pháp tánh của biển là như thế. Bồ Tát cũng vậy, không ở chung với tử thi phiền não.

Vì sao?

Vì pháp của Bồ Tát là như thế.

Thế nào là Bồ Tát đều cùng một vị?

Này thiện nam! Ví như biển lớn có các dòng nước chảy mạnh đều tuôn vào đó, tánh của tất cả đều cùng một vị mặn. Bồ Tát cũng vậy, tích tập vô lượng pháp bạch tịnh, cho đến tất cả trí đều cùng một vị nhất thiết trí.

Thế nào là Bồ Tát dung chứa các dòng nước chảy xiết?

Này thiện nam! Ví như biển lớn dung chứa vô lượng các dòng nước chảy xiết mà không thêm bớt. Bồ Tát cũng vậy, dung chứa vô lượng dòng mưa pháp tuôn chảy mà chẳng thêm bớt.

Thế nào là Bồ Tát như thủy triều lên xuống đúng lúc?

Này thiện nam! Ví như biển lớn, thủy triều lên xuống đúng lúc. Bồ Tát cũng vậy, giáo hóa hữu tình thì tùy theo căn tánh của họ mà giáo hóa đúng lúc.

Thế nào là Bồ Tát làm chỗ nương tựa của những hữu tình to lớn?

Ví như biển lớn làm chỗ nương tựa cho những hữu tình to lớn. Bồ Tát cũng vậy, làm nơi nương tựa các pháp bạch tịnh cho tất cả hữu tình.

Thế nào là Bồ Tát không cùng tận?

Này thiện nam! Ví như biển lớn cấp dẫn nước cho các hữu tình, nước ấy chẳng cùng tận. Bồ Tát cũng vậy, thuyết vô lượng pháp môn cho các hữu tình mà chẳng cùng tận.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì trí như biển.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí vi diệu thiện xảo.

Những gì là mười?

1. Cầu xuất ly một cách thiện xảo.

2. Thấu rõ tất cả pháp một cách thiện xảo.

3. Được ngộ nhập tất cả pháp bình đẳng một cách thiện xảo.

4. Được ngộ nhập tất cả pháp huyễn tướng một cách thiện xảo.

5. Biết tất cả pháp một cách thiện xảo.

6. Được duyên khởi sâu xa khó lường một cách thiện xảo.

7. Được nghiệp không thể bàn một cách thiện xảo.

8. Được biết rõ tùy nơi mà nói nghĩa lý một cách thiện xảo.

9. Được chứng tri nghĩa như thật một cách thiện xảo.

10. Được chân thật thiện xảo.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát mong cầu xuất ly một cách thiện xảo?

Cho đến thế nào là Bồ Tát được chân thật thiện xảo?

Nghĩa là Bồ Tát này quan sát như vậy: Tất cả hữu tình ở trong thế gian thường bị tham dục thiêu đốt, sân giận quấy nhiễu mê muội, ngu si đen tối mờ ám.

Bồ Tát tư duy thế này: Các hữu tình này làm sao có thể được xuất ly thiện xảo?

Bồ Tát vì sự mong cầu ấy của họ mà thông đạt các pháp. Do thông đạt nên ngộ nhập tất cả các pháp bình đẳng, do ngộ nhập nên biết rõ các tướng như huyễn, do biết rõ nên biết trọn vẹn như thật tất cả các pháp, do biết trọn vẹn nên tùy thuận tư duy duyên khởi sâu xa, do tư duy nên tùy thuận quán thấy tánh nghiệp không thể bàn.

Bồ Tát lại quán như vậy: Trong các pháp đều không có thật mà nghiệp lại có nhiều loại khác nhau. Vì thế mà Bồ Tát lập tức chứng ngộ trí tuệ vi diệu, đến chỗ các Đức Phật và Bồ Tát để nghe pháp chính yếu, liền hiểu ngay nghĩa ấy. Do hiểu nghĩa nên thấy được chân thật, do thấy được chân thật nên có thể ở trong biển sinh tử độ thoát các hữu tình.

Này thiện nam! Đó gọi là Bồ Tát mong cầu xuất ly thiện xảo, cho đến đạt được chân thật thiện xảo.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được trí vi diệu.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được biện tài tương ưng.

Những gì là mười?

1. Ở trong các pháp diễn bày vô ngã.

2. Không hữu tình.

3. Không mạng.

4. Không người nuôi dưỡng.

5. Không người.

6. Xa lìa người làm, người nhận.

7. Xa lìa người biết, người thấy.

8. Rỗng không, không sở hữu, không có chủ tể.

9. Hư vọng phân biệt đều rỗng không.

10. Tất cả các pháp bày ra đều do duyên sinh.

Này thiện nam! Do tất cả các pháp vô ngã, không hữu tình, không mạng, không người nuôi dưỡng, không người, xa lìa người làm người nhận, xa lìa người biết người thấy, rỗng không, không sở hữu, không có chủ tể, hư vọng phân biệt đều rỗng không và tất cả các pháp bày ra đều do duyên sinh. Vì thế nên thuận theo pháp tánh.

Này thiện nam! Tất cả nên tùy thuận pháp tánh, không trái với pháp tánh, tương ưng với pháp tánh, ngộ nhập pháp tánh, hiểu rõ pháp tánh. Pháp tánh như thế, đại bồ Tát đều nên biết tất cả. Đó gọi là ứng hợp biện tài.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì ứng hợp biện tài.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được biện tài giải thoát.

Những gì là mười?

1. Được biện tài không tham đắm.

2. Được biện tài vô tận.

3. Được biện tài giác ngộ.

4. Biện tài không khiếp nhược.

5. Được biện tài khiêm tốn.

6. Được biện tài không sợ sệt.

7. Được biện tài bất cộng.

8. Được biện tài không khuất phục ai.

9. Được biện tài vô biên.

10. Được biện tài vô ngại.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được biện tài giải thoát.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được biện tài thanh tịnh.

Những gì là mười?

1. Biện tài không ngập ngừng.

2. Biện tài không tạp loạn.

3. Biện tài không thấp kém.

4. Biện tài không kiêu ngạo.

5. Biện tài nghĩa lý không thoái thất.

6. Biện tài văn tự không thấp kém.

7. Biện tài phương tiện không thấp kém.

8. Biện tài đúng lúc không thấp kém.

9. Biện tài không thô bạo.

10. Biện tài sáng rõ.

***