Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
 

PHẦN NĂM
 

Thế nào là Bồ Tát luôn nhàm chán, xa lìa?

Là do nhân duyên ở trước nên các Bồ Tát suy nghĩ: Nay ta không nên ở thế gian này sống theo tham dục, vì tham dục kia chỉ do vọng tình phân biệt sinh ra.

Chư Phật đã nói: Tất cả tham dục là những lỗi lầm tai họa. Dục ấy như chông, như cái đục sắt, như kiếm, như dao bén, như rắn độc, như bọt nước, như thịt ương thối bốc mùi hôi hám đáng nhờm. Do đó Bồ Tát khởi tâm nhàm chán, xa lìa, cắt bỏ râu tóc, mặc pháp phục chánh tín xuất gia sống không gia đình.

Thế nào là Bồ Tát chuyên cần tu tập tinh tấn?

Là Bồ Tát này đã xuất gia rồi, phát đại tinh tấn, những điều chưa được làm cho được, chưa hiểu làm cho hiểu, chưa chứng làm cho chứng.

Thế nào là Bồ Tát đa văn đầy đủ?

Là Bồ Tát này nhờ nhân duyên lãnh thọ đa văn ở trước nên đối với thế tục đế và lý sâu xa nhiệm mầu trong thắng nghĩa đế tuyên thuyết tài giỏi.

Thế nào là Bồ Tát lãnh thọ chuyên cần tu tập không điên đảo?

Là Bồ Tát này đối với lý của các đế ghi nhớ trong lòng, tinh cần tu tập, khéo léo không điên đảo.

Thế nào là Bồ Tát như pháp tu hành?

Là Bồ Tát được thiện xảo rồi như pháp tu hành.

Đó là: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh kiến.

Đó là Bồ Tát tu tập tám chánh đạo.

Thế nào là Bồ Tát được lợi căn?

Là Bồ Tát này tu tập đạo chi rồi, căn tánh nhạy bén, sáng suốt và hiểu rõ chân chánh. Do đó, Bồ Tát an trụ vắng lặng, xa lìa chấp trước và những nơi ồn ào, không ưa nói nhiều, lại hay lìa bỏ dục, sân hận, não hại và bất tử, xa lìa quyến thuộc, tiếng khen và lợi dưỡng.

Thế nào là Bồ Tát được tâm thiện xảo?

Là Bồ Tát này do nhân duyên trên mà được tâm thiện xảo, thân thường vắng lặng.

Bồ Tát quan sát tâm mình đối với thiện, bất thiện và vô ký mà tự nghĩ: Nay tâm ta trụ vào tánh nào?

Nếu trụ vào thiện thù thắng thanh tịnh thì tâm ta sinh tin ưa hoan hỷ.

Thế nào là thiện thù thắng?

Là ba mươi bảy pháp bồ đề phần. Nếu tâm ta trụ vào bất thiện thì phải nhàm chán xa lìa, nên phát khởi tinh tấn mới có thể dứt hẳn các pháp bất thiện.

Thế nào là các pháp bất thiện?

Đó là tham, sân, si. Tham có ba loại là thượng, trung, hạ.

Thế nào là tham bậc thượng?

Là tham dục này đầy khắp thân tâm, tùy thuận theo tâm thấp kém thường nhiễm đắm vào mọi lúc không có hổ thẹn.

Sao gọi là không hổ?

Là tham dục ấy thường khởi tư duy tìm cầu cảnh dục, tâm sinh ái nặng say đắm ngợi khen. Đó gọi là không hổ.

Sao gọi là không thẹn?

Là tham dục ấy vì nhân duyên dục này mà có thể đối với cha mẹ và những Tôn Giả khác khởi lên tranh luận, khinh khi gây tổn hại nặng nề vì tham dục ấy. Đó gọi là không thẹn. Do nhân duyên những tham dục ấy mà sinh vào nẻo ác, cho nên gọi là tăng thượng tham dục.

Thế nào là tham bậc trung?

Là tham dục ấy, khi hành tham dục rồi liền sinh nhàm chán, xa lìa, lòng khởi lên ăn năn, không chìu theo nữa. Đó gọi là tham bậc trung.

Thế nào là tham bậc hạ?

Là tham dục ấy, khi khởi tham dục hoặc chạm vào thân hoặc cùng nói năng hoặc lúc đã thấy rồi dục tâm liền dứt. Đó gọi là tham bậc hạ. Bao gồm tất cả của cải để phục vụ và duy trì sự sống mà nếu tâm còn chấp trước thì đều gọi chung là tham.

Thế nào gọi là sân?

Nên biết sân cũng có ba loại là thượng, trung, hạ.

Thế nào là sân bậc thượng?

Là sân hận ấy khởi lên những thứ sân giận, đối với năm nghiệp vô gián chỉ làm theo một nghiệp là hủy báng chánh pháp. Tội hủy báng chánh pháp, tội này hơn năm nghiệp vô gián kia, số phần chẳng bằng, ca la phần chẳng bằng, cho đến tính đếm thí dụ ô ba ni sát đàm phần cũng không thể bằng.

Do nhân duyên đó sinh vào địa ngục. Nếu sinh trong loài người thì hình dáng đen điu thảm thương, mắt thường đỏ, thường bị người bạo ác gây tổn hại. Do nhân duyên này sinh vào địa ngục. Đó gọi là sân bậc thượng.

Thế nào là sân bậc trung?

Nghĩa là người sân hận khi gây nghiệp tạo tội rồi có thể mau chóng ăn năn sửa đổi tìm cách trừ bỏ. Đó gọi là sân bậc trung.

Thế nào gọi là sân bậc hạ?

Nghĩa là người sân hận ấy, do nổi sân nên phát ra những lời thô ác, khinh khi, cơ hiềm, tập hợp những nghiệp bất thiện chỉ trải qua một sát na, một lạp phược, một mâu hô lật đa thì lập tức hối cải, tu tập trừ bỏ. Đó gọi là sân bậc hạ.

Nên biết si cũng có ba loại là thượng, trung, hạ.

Thế nào là si bậc thượng?

Nghĩa là người ngu si ấy thường bám vào tham, sân, chưa từng lo nghĩ ăn năn. Đó gọi là si bậc thượng.

Thế nào là si bậc trung?

Nghĩa là người ngu si ấy, khi ý vừa khởi lên chẳng tốt thì lập tức đến trước người phạm hạnh phát lồ Sám hối để không bị nghiệp ác, chịu quả báo nặng. Đó gọi là si bậc trung.

Thế nào là si bậc hạ?

Là người ngu si ấy, trong những điều Đức Phật chế chẳng phải tánh giới có hủy phạm một ít, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba thì lập tức lìa bỏ. Đó gọi là si bậc hạ.

Bồ Tát đối với pháp tham, sân, si kia đều có thể ngăn chận do tâm thiện xảo, được thiện xảo rồi không bao giờ vui thích đắm nhiễm ái dục.

Vì sao?

Vì được tâm thiện xảo. Nếu trụ vào tánh vô ký thì liền chuyên cần quan sát chỉ khởi chánh niệm.

Thế nào là vô ký?

Là khi khởi tâm, tâm không ở trong cũng không ở ngoài, chẳng trụ vào thiện chẳng trụ vào ác, chẳng trụ vào Tỳ Bà Xá Na cũng chẳng trụ vào Xa Ma Tha, nhưng tâm thấp kém dẫn đến thùy miên, khiến tâm hôn mê dần dần.

Giống như người ngủ say, khi vừa thức dậy, căn thức hôn mê không thể hiểu rõ. Tâm trụ vào vô ký cũng lại như vậy. Vì tâm vô ký không hiểu rõ, nên trong lòng Bồ Tát tinh chuyên mạnh mẽ, an trụ hoan hỷ. Đó gọi là Bồ Tát được tâm thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát được Xa Ma Tha, Tỳ Bát Xá Na thiện xảo?

Là Bồ Tát này được tâm thiện xảo rồi, quan sát các pháp như huyễn, như mộng, tư duy các pháp: Đây là pháp thiện, đây là pháp chẳng thiện, đây là pháp xuất ly, đây là pháp chẳng xuất ly. Các Bồ Tát này quán thấy mọi pháp đều nương nơi tâm, tâm là tự tánh, tâm là đứng đầu nên có thể thâu phục tâm, khéo điều phục tâm, giỏi hiểu biết tâm, nên có thể nắm bắt tất cả các pháp này.

Đã khéo điều phục lại giỏi hiểu biết tâm, do nhân duyên này Bồ Tát có thể tu tập pháp Xa Ma Tha. Buộc tâm như vậy, dừng tâm như vậy và an trụ tâm như vậy, chuyên cần tu tập Xa Ma Tha như vậy, Bồ Tát liền có thể an trụ tâm vào tánh một cảnh rồi, nhập định quán sát được ly sinh hỷ lạc.

Tâm được hỷ rồi, xa lìa Dục Giới, pháp ác pháp bất thiện và có tầm có tứ. Đó gọi là Bồ Tát tu hành trụ vào Sơ Thiền. Lại lìa tầm, tứ không ưa hỷ lạc, quán vô thường rồi xuất Sơ thiền trụ nội đẳng tịnh đắc định sinh hỷ lạc. Đó là Bồ Tát nhập vào Tĩnh lự thứ hai Nhị Thiền. Thứ đến, Bồ Tát nhàm chán xa lìa hỷ và quán khổ rồi, trụ vào xả, chánh niệm chánh tri và lạc tâm an trụ chánh định.

Phật dạy: Thành tựu trụ xả niệm lạc thì nhập vào tĩnh lự thứ ba Tam Thiền, tu hành rồi mà trụ vào giải không nhập tĩnh lự thứ tư Tứ Thiền liền xả bỏ chấp ngã, bỏ chấp ngã nên dứt khổ, lạc, hết vui buồn, trụ vào không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh. Đó gọi là Bồ Tát tu tập tĩnh lự thứ tư.

Lại nữa, Bồ Tát quán thân ngang bằng với hư không sau khi đã tin hiểu rồi xả bỏ các sắc tưởng, diệt hết hữu đối tưởng, lìa xa các tưởng. Vì xả bỏ sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, lìa dị tưởng nên nhập vào vô biên không, đó gọi là Bồ Tát tu tập Không vô biên xứ. Siêu vượt tất cả không vô biên, hữu tình nhập vào vô biên thức, đó là Bồ Tát tu tập trụ vào Thức vô biên xứ.

Sau khi vượt qua tất cả thức vô biên rồi, nhập vào vô sở hữu, đó là Bồ Tát tu tập trụ vào Vô sở hữu xứ. Sau khi vượt qua vô sở hữu rồi, Bồ Tát tu tập trụ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, các Bồ Tát xa lìa tâm năng duyên thọ, tưởng, đó gọi là Bồ Tát trụ vào diệt định. Tuy Bồ Tát nhập vào định ấy nhưng hoàn toàn chẳng ưa đắm. Sau khi xuất định, Bồ Tát với đầy đủ từ tâm, xả bỏ tâm oán ghét, xa lìa ý tổn hại rộng lớn vô lượng, bình đẳng vô nhị.

Bồ Tát tu tập cực thiện, đối với một phương nhập định rồi trụ, ý hiểu biết cùng khắp, ba phương khác, bốn góc, trên dưới biến khắp thế gian. Bồ Tát với tâm bi đầy đủ, xả bỏ tâm oán ghét, xa lìa ý tổn hại, rộng lớn vô lượng bình đẳng vô nhị.

Bồ Tát tu tập cực thiện, đối với một phương nhập định rồi trụ, ý hiểu biết cùng khắp, ba phương khác, bốn góc, trên dưới biến khắp thế gian.

Bồ Tát với tâm hỷ đầy đủ, xả bỏ tâm oán ghét, xa lìa ý tổn hại, rộng lớn vô lượng bình đẳng vô nhị. Bồ Tát tu tập cực thiện, đối với một phương nhập định rồi trụ, ý hiểu biết cùng khắp, ba phương khác, bốn góc, trên dưới biến khắp thế gian.

Bồ Tát với tâm xả đầy đủ, xả bỏ tâm oán ghét, xa lìa ý tổn hại, rộng lớn vô lượng bình đẳng vô nhị. Bồ Tát tu tập cực thiện, đối với một phương nhập định rồi trụ, ý hiểu biết cùng khắp, ba phương khác, bốn góc, trên dưới biến khắp thế gian cũng vậy.

Thế nào là Bồ Tát không chấp trước?

Là Bồ Tát này tuy đắc năm thần thông nhưng không chấp trước, thường hay mong cầu tư lương Bồ Đề và các pháp viên mãn.

Này thiện nam! đại bồ Tát thành tựu mười pháp này nên được tĩnh lự viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được bát nhã viên mãn.

Những gì là mười?

1. Vô ngã thiện xảo.

2. Nghiệp quả thiện xảo.

3. Hữu vi thiện xảo.

4. Lưu chuyển sinh tử một cách thiện xảo.

5. Lìa bỏ sinh tử một cách thiện xảo.

6. Được nhị thừa thiện xảo.

7. Được đại thừa thiện xảo.

8. Lìa bỏ nghiệp ma thiện xảo.

9. Được bát nhã không điên đảo.

10. Được vô đẳng bát nhã.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát được vô ngã thiện xảo?

Là các Bồ Tát học bát nhã hay chánh quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi quan sát sắc sinh không thể đắc, tập không thể đắc, diệt không thể đắc. Quan sát thọ, tưởng, hành, thức như vậy thì Pháp Sinh, tập, diệt đều không thể đắc. Vì trong thắng nghĩa không thủ đắc nên chẳng phải nơi thế tục.

Thắng nghĩa, thế tục, tự tánh các pháp chỉ là ngôn thuyết thật không thể đắc. Do nhân duyên đó nên lúc nào Bồ Tát cũng không xả bỏ tinh tấn, là vì muốn lợi ích cho các hữu tình, như cứu lửa cháy đầu. Vì thế Bồ Tát được vô ngã thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát được nghiệp quả thiện xảo?

Là các Bồ Tát tư duy như vậy: Tất cả thế gian tự tánh đều không, như nơi hý trường, như thành Kiền Đạt Phược, mọi hữu tình tuy chẳng thật có nhưng lại chấp trước ngã, do đó không thể thông đạt được Thánh Đạo.

Các hữu tình này suy nghĩ thế này: Nếu không có ngã, không có hữu tình, mạng giả, sinh giả, ý sinh, sĩ phu, như Bổ Đặc Già La, Ma Nạp Phược Ca, dưỡng dục giả tức là không thiện ác, quả dị thục, thể tánh thủ đắc. Bồ Tát dùng trí tuệ chân chánh rõ biết như thật. Đó gọi là Bồ Tát được nghiệp quả thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát được hữu vi thiện xảo?

Là Chư Bồ Tát dùng trí tuệ chân chánh rõ biết tất cả các pháp hữu vi, tư duy thế này: Các pháp hữu vi từng niệm thay đổi, tướng ấy không trụ lâu giống như sương móc, như dòng nước chảy mạnh.

Vì sao trong pháp như vậy mà sinh tham đắm để mang ưu não. Nếu khởi chấp trước các pháp biến đổi hoại diệt, đâu gọi là người trí. Do nhân duyên này, Bồ Tát đối với pháp hoại diệt không ưa, không chấp trước, khởi tâm chán lìa. Đó gọi là Bồ Tát được hữu vi thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát xoay vần trong sinh tử khéo léo?

Là Chư Bồ Tát tư duy như vậy: Tất cả thế gian bị vô minh che lấp, thường ở trong sinh tử bị ái trói buộc, do ái làm nhân sinh ra thủ, do thủ làm nhân sinh ra nghiệp thiện ác, do nghiệp sinh nên làm cho hữu nối tiếp, do hữu làm nhân mà khởi ra sinh, do sinh làm nhân nên có lão tử ưu bi khổ não.

Các khổ tập hợp lần lượt nối tiếp như vậy không dứt, như lấy nước rót vào bánh xe xoay vần trên dưới, sinh tử nối tiếp cũng lại như vậy. Do Bồ Tát này dùng bát nhã chân chánh rõ biết như thật. Đó gọi là Bồ Tát xoay vần trong sinh tử một cách thiện xảo.

***