Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
 

PHẦN SÁU
 

Thế nào là Bồ Tát lìa bỏ sinh tử một cách thiện xảo?

Là Chư Bồ Tát tư duy như vậy: Lìa vô minh nên không bám vào các hành, xả bỏ các hành thì ái không có, xa lìa ái nên thủ chẳng còn, lìa thủ nên hữu chấm dứt, xả bỏ hữu kia nên sinh không có, lìa sinh nên dứt hẳn già chết ưu bi khổ não.

Do Bồ Tát này dùng bát nhã chân chánh rõ biết như thật, đó gọi là Bồ Tát lìa bỏ sinh tử một cách thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát được nhị thừa thiện xảo?

Là Chư Bồ Tát tư duy thế này: Pháp này có thể được quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn và quả A La Hán. Chấm dứt các lậu, đoạn trừ các kết tập, không còn tiếp nối sinh tử luân hồi, dạo chơi trong Niết Bàn. Tư duy pháp này được Bích Chi Phật, ví như tê giác đi một mình. Tất cả Bồ Tát dùng bát nhã chân chánh rõ biết pháp này, trọn chẳng thủ chứng.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát tư duy như vậy: Ta vì lợi ích cho các hữu tình mà rống tiếng Sư Tử, ta sẽ cứu giúp các loài hữu tình ở trong sinh tử, phát thệ nguyện lớn chẳng bao giờ một mình ra khỏi sinh tử. Đó gọi là Bồ Tát được nhị thừa thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát được đại thừa thiện xảo?

Là Chư Bồ Tát ở trong học giới, quán thấy người học không thể nắm bắt, điều được học cũng không thể nắm bắt, từ nơi giới mà được quả cũng không thể nắm bắt, nhưng chẳng chấp không đọa vào đoạn kiến. Đó gọi là Bồ Tát được đại thừa thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát lìa bỏ nghiệp ma thiện xảo?

Là Chư Bồ Tát xa lìa những kẻ bất thiện, cũng chẳng ở trong nước ác, lại hay xa lìa sự hiểu biết theo thế tục tập học chú thuật để cầu lợi dưỡng, tôn trọng, cúng dường, lại hay xa lìa pháp chướng ngại Bồ Đề, các phiền não… mà luôn tu tập các Thánh Đạo để đối trừ. Đó gọi là Bồ Tát lìa bỏ nghiệp ma thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát được bát nhã không điên đảo?

Là Chư Bồ Tát tu tập bát nhã, đối với các Kinh sách chú thuật tuyệt tác trong thế gian hoàn toàn không cầu hiểu biết cho mình, mà thường vì các hữu tình để giáo hóa họ, cũng chẳng vì bản thân để được tiếng tốt, lại chẳng vì được lợi dưỡng, mà vì khai diễn Thánh Giáo đại oai đức, chẳng màng phô bày đạo đức của mình. Chuyên khởi tư duy chánh giáo thù thắng.

Trong Tùy Nại Da của Đức Như Lai chế, hiện ra đầy đủ công đức, không rơi vào các kiến chấp của đạo khác. Đó gọi là Bồ Tát được bát nhã không điên đảo thiện xảo.

Thế nào là Bồ Tát được bát nhã không ai bằng?

Là Chư Bồ Tát học bát nhã vượt hơn nhị thừa. Tất cả Thế Gian, Thiên, Ma, Phạm Thế, các ngoại đạo, Bà La Môn, bát bộ, các chúng và mọi hữu tình chẳng bằng trí tuệ của Bồ Tát, chỉ trừ Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Đó gọi là Bồ Tát được bát nhã chẳng ai bằng.

Này thiện nam! đại bồ Tát thành tựu mười pháp này nên được bát nhã viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì đạt được phương tiện thiện xảo.

Những gì là mười?

1. Đạt được phương tiện thiện xảo hồi hướng.

2. Phương tiện thiện xảo làm cho các ngoại đạo hướng về.

3. Phương tiện thiện xảo chuyển bỏ cảnh giới.

4. Phương tiện thiện xảo dứt trừ những hành động xấu.

5. Phương tiện thiện xảo cứu giúp hữu tình.

6. Phương tiện thiện xảo giúp sự sinh sống cho các hữu tình.

7. Phương tiện thiện xảo được thọ nhận.

8. Phương tiện thiện xảo xa lìa phi xứ trụ vào thị xứ.

9. Phương tiện thiện xảo thị hiện, giáo hóa, dẫn dắt, khuyến dụ làm cho chúng sinh được vui mừng.

10. Phương tiện thiện xảo thờ kính cúng dường.

Thế nào là Bồ Tát đạt được phương tiện thiện xảo hồi hướng?

Là Chư Bồ Tát đem những loại hoa quả lạ thường, ngày đêm sáu thời dâng cúng Chư Phật và các Bồ Tát, đem căn lành này hồi hướng về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát đem những cây hoa lạ thường, cây báu như: Cây kiếp ba, ngày đêm sáu thời cúng dường Chư Phật và các Bồ Tát, đem căn lành này hồi hướng về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lại nữa, Bồ Tát ở trong tất cả Tố đát lãm rộng lớn mà thừa sự cúng dường, Bồ Tát nghe rồi khởi lòng tin ưa thanh tịnh, đem lòng tin này cúng dường tất cả Chư Phật và các Bồ Tát.

Lại nữa, Bồ Tát này ở chỗ Chư Bồ Tát nơi mười phương và ở chỗ những hữu tình đã tạo những nghiệp thiện thì làm cho tư lương Bồ Đề của họ đều được viên mãn, phát ý vui thích thanh tịnh.

Hết lòng vui mừng, đem căn lành này hồi hướng về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nếu Bồ Tát dùng hương hoa dâng cúng tháp Như Lai và hình tượng Phật, thì đem căn lành này hồi hướng cho các hữu tình để họ lìa bỏ được cấu uế của sự phá giới, được giới hương của Phật.

Bồ Tát lại thường rưới nước quét bùn đất nơi tháp Như Lai, đem căn lành này hồi hướng cho các hữu tình lìa những cử chỉ ác, tu các pháp lành, oai nghi tề chỉnh, đầy đủ. Nếu các Bồ Tát dâng cúng lọng hoa, thì liền đem căn lành này hồi hướng cho các hữu tình khiến họ được lìa bỏ nóng bức.

Nếu Bồ Tát ấy vào Tăng già lam thì phát tâm như vậy: Nguyện cho các hữu tình vào thành Niết Bàn.

Khi rời Tăng già lam: Nguyện cho các hữu tình ra khỏi ngục sinh tử.

Nếu như mở cửa phòng: Nguyện cho các hữu tình mở các cửa thiện hướng đến trí xuất thế.

Nếu đóng cửa thì: Nguyện cho các hữu tình đóng cửa đường ác.

Bồ Tát khi ngồi: Nguyện cho các hữu tình đều được ngồi nơi cây Bồ Đề vi diệu.

Bồ Tát khi nằm nghiêng bên phải: Nguyện cho các hữu tình an trú Niết Bàn.

Bồ Tát khi đứng dậy: Nguyện cho các hữu tình lìa mọi trói buộc, chướng ngại.

Nếu đi vệ sinh: Nguyện cho các hữu tình hướng đến con đường đại giác ngộ.

Khi đang vệ sinh: Nguyện cho các hữu tình nhổ các tên độc.

Lúc rửa sạch: Nguyện cho các hữu tình tẩy sạch phiền não nhơ bẩn và mọi lỗi lầm.

Khi rửa tay: Nguyện cho các hữu tình lìa nghiệp uế trược.

Khi rửa chân: Nguyện cho các hữu tình lìa bụi trần ngăn che.

Khi xỉa răng: Nguyện cho các hữu tình lìa bỏ cấu uế. Chính bản thân Bồ Tát đã làm những việc như vậy đều đem hồi hướng cho tất cả hữu tình được lợi ích an lạc.

Bồ Tát lễ bái Tháp Như Lai: Nguyện cho các hữu tình thường được Chư Thiên và thế gian kính lễ. Đó gọi là Bồ Tát đạt được phương tiện thiện xảo hồi hướng.

Thế nào là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo làm cho các ngoại đạo hướng về?

Là các Bồ Tát đối với từng ngoại đạo, trong chúng ngoại đạo có thể biến hóa làm hình tướng các ngoại đạo: Giá Lạc Ca Ba Lợi Phược La Xã Ca, Ni Kiền Đà Phất Đa La ở trong pháp ấy thọ trì, đọc tụng.

Bồ Tát vì muốn cho các hữu tình thành thục, tư duy như vậy: Trước tiên, ta làm A Giá Lợi Đa A Xà Lê thì khiến cho các hữu tình ngạo mạn không thể tùy thuận điều phục.

Do đó, Bồ Tát vào trong pháp ngoại đạo, thị hiện xuất gia làm đệ tử, đã xuất gia rồi dũng mãnh tinh tấn, học rộng nghe hiểu biết thấy pháp ấy, theo họ tu tập vô số các hạnh, đã làm những việc như xin đồ ăn thô uế vượt hơn pháp hạnh oai nghi của các ngoại đạo. Cho nên, Bồ Tát được các ngoại đạo tôn trọng là bậc sư phạm, nên nói ra lời nào thì tất cả đều tin nhận, kính phục, thuận theo.

Bồ Tát biết rõ các hữu tình này hướng về mình rồi, liền nói với họ: Pháp của các ngươi đã học là tà kiến lỗi lầm, chẳng phải chánh giáo. Vì pháp đó không thể nói xa lìa tham dục để chấm dứt chúng. Do đó ngoại đạo vâng lời giáo hóa của Bồ Tát mà lìa bỏ tà đạo nhập vào Chánh Pháp.

Bồ Tát lại ở trong tất cả ngoại đạo tu tập ngũ thông, phạm hạnh, tinh tấn thực hành chứng năm thần thông, lại tu tập thành tựu thiền định các Tam Ma Địa, Tam Ma Bạt Đề, vượt trên năm thần thông sở đắc của ngoại đạo, thông tuệ vượt hơn họ, vì họ mà làm sư phạm.

Bồ Tát biết rõ việc giáo hóa cho các ngoại đạo đều thành thục rồi, liền nói cho họ: Tĩnh lự, các Tam Ma Địa, Tam Ma Bạt Đề, những thứ lỗi lầm, pháp của các ông đã học chẳng phải là chánh giáo. Vì pháp ấy không nói lìa tham dục, không nói đạo để đối trừ. Ngoại đạo vâng lời giáo hóa của Bồ Tát lìa bỏ tà đạo mà vào trong pháp Phật. Đó gọi là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo làm cho ngoại đạo hướng về.

Thế nào là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo chuyển bỏ cảnh giới?

Là Bồ Tát này quán thấy những hữu tình nhiều lòng tham, để điều phục họ liền dùng phương tiện hóa làm người nữ đoan trang tuyệt đẹp hơn những người nữ khác. Hữu tình kia nhìn thấy sinh tâm đắm nhiễm.

Bồ Tát biết hữu tình ấy đắm nhiễm như vậy, lập tức ở ngay chỗ nằm ngủ thị hiện qua đời chỉ trong một sát na, một Mâu lô lật đa hiện lên sình rữa hôi thối rất đáng nhờm tởm.

Hữu tình thấy thế hết sức hoảng sợ, sinh lòng khổ não thật đáng chán bỏ vô cùng và suy nghĩ: Ai có thể làm cho tôi rời khỏi nơi ô uế này?

Bấy giờ, Bồ Tát đến trước hữu tình ấy, tùy căn cơ mà diễn thuyết các pháp, trong ba loại định Bồ Đề có thể chứng một. Đó gọi là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo chuyển bỏ cảnh giới.

Thế nào là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo dứt trừ những hành động xấu ác?

Là Bồ Tát này thấy các hữu tình tạo tội vô gián và khởi lên những nghiệp bất thiện mà chẳng có lòng lo lắng ăn năn.

Bồ Tát đến chỗ người ấy nói như vậy: Này thiện nam! Vì sao ông chẳng có lòng lo lắng, ăn năn mà cứ làm như vậy?

Hữu tình ấy đáp: Thưa Đại Sĩ! Tôi đã tạo tội Vô gián và các nghiệp bất thiện sợ mãi mãi chịu những khổ não bởi chẳng lợi ích, không an lạc gì. Do nhân duyên này nên tôi không còn lo lắng, ăn năn.

Lúc đó, Bồ Tát nói rộng chánh pháp cho hữu tình ấy, khiến họ hết lòng ăn năn lỗi lầm mà thọ giới Bồ Tát. Nếu hữu tình này chưa ăn năn lỗi lầm, muốn làm cho tâm người ấy tin phục, Bồ Tát liền hiện thần thông nói rộng việc suy nghĩ của người ấy.

Do thế, hữu tình đối với Bồ Tát sinh lòng tin phục vui mừng tin ưa, sinh tin ưa rồi, căn tánh được thành tựu. Bồ Tát nói rộng diệu pháp cho người ấy, người ấy liền có thể tùy thuận mà lãnh thọ.

Bồ Tát lại ở trước người ấy hóa làm cha mẹ, nói thế này: Ngươi có thể xem đây, ta cũng là người như ngươi vậy, ngươi chớ ăn năn lỗi lầm những nghiệp đã tạo này cuối cùng không đọa vào địa ngục, cũng chẳng giảm mất lợi ích an lạc. Nói xong, Bồ Tát lập tức sát hại cha mẹ.

Ở trước hữu tình, Bồ Tát thị hiện thần thông, hữu tình ấy suy nghĩ: Người có trí còn giết cha mẹ mà không mất thần thông, huống chi là ta vô trí tạo nghiệp này mà đọa vào địa ngục giảm mất lợi lạc chăng.

Bấy giờ, Bồ Tát diễn thuyết diệu pháp cho hữu tình ấy, khiến nghiệp ác của người đó dần dần nhẹ như cánh muỗi. Đó gọi là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo dứt trừ những hành động xấu ác.

Thế nào là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo cứu giúp hữu tình?

Nghĩa là Bồ Tát này quán thấy hữu tình căn khí thành thục thì thuyết pháp cho họ.

Hữu tình này gây tạo những nghiệp cực ác, Bồ Tát muốn làm lợi ích cho hữu tình ấy liền dùng phương tiện hóa ra từng loại hữu tình để điều phục họ: Người cần dùng thân Đại Vương để điều phục, Bồ Tát liền hiện thân Đại Vương mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng thân tiểu vương để điều phục, Bồ Tát liền hiện thân tiểu vương mà thuyết pháp cho họ.

Người cần dùng thân Bà La Môn, Sát Đế Lợi để điều phục, Bồ Tát liền hiện thân Bà La Môn, Sát Đế Lợi mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng thân Trời để được điều phục, Bồ Tát liền hiện thân Trời mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng thân Chấp Kim Cang để được điều phục, Bồ Tát liền hiện thân Chấp Kim Cang mà thuyết pháp cho họ.

Người cần dùng sự sợ hãi để được điều phục, Bồ Tát liền tạo ra sự sợ hãi thuyết pháp cho họ. Người cần dùng sự trói buộc, đánh đập, mắng chửi, sát hại để được điều phục, Bồ Tát liền hiện những việc như vậy mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng lời ái ngữ để được điều phục, Bồ Tát liền hiện lời ái ngữ mà thuyết pháp cho họ.

Nếu hữu tình nào khi muốn tạo ra những tội vô gián, nổi lên ý tổn hại đối với thân của Bồ Tát, Bồ Tát đắc thần thông liền hiện ra những phương tiện như ngăn chận, cấm chế hoặc dời đến nơi khác. Ở trước hữu tình ấy, Bồ Tát lại hiện ra hành vi gây nghiệp vô gián như họ, thị hiện tướng địa ngục ngăn chận, làm cho nghiệp tội vô gián mà hữu tình đã gây ra đều ẩn mất.

Nếu Bồ Tát chưa đắc thần thông thì giỏi hay quan sát sự sống dài ngắn của những hữu tình kia, thấy họ muốn tạo vô gián, suy nghĩ thế này: Các hữu tình này sắp gây nên trọng tội mà phát khởi lòng đại bi thương xót.

Bồ Tát xem họ giống như trái Am la đặt giữa bàn tay, suy nghĩ thế này: Ta vì lợi ích cho một hữu tình có thể vào địa ngục A tỳ chịu khổ não lớn thay cho hữu tình này, thậm chí chẳng trụ vào Niết Bàn Vô dư.

Bồ Tát luôn luôn như vậy chẳng còn phương tiện nào khác để có thể ngăn chận. Hữu tình này tạo nghiệp ác rồi, sắp sinh vào địa ngục. Do ta chưa được thần thông tự tại, không có phương tiện để dời những hữu tình ác bất tín thọ mạng ngắn ngủi kia đến nơi khác, sợ hữu tình kia gây nghiệp ác đọa vào địa ngục A tỳ.

Vì thế, Bồ Tát phát khởi lòng thương xót, suy nghĩ: Các hữu tình mỗi mỗi tùy theo nghiệp của mình chẳng còn phương tiện nào khác để cứu giúp, chỉ khởi lòng từ bình đẳng răn dạy, chỉ bảo, trị phạt họ. Đó gọi là Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo cứu giúp hữu tình.

***