Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bất Không Quyến Sách đà La Ni Tự Tại Vương Chú

PHẬT THUYẾT KINH

BẤT KHÔNG QUYẾN SÁCH

ĐÀ LA NI TỰ TẠI VƯƠNG CHÚ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bảo Tư Duy, Đời Đường
 

THÀNH TỰU ĐIỀU PHỤC

CÁC RỒNG ĐƯỢC TỰ TẠI
 

PHẦN MƯỜI BỐN
 

Bầy giờ Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát lại nói pháp điều phục Rồng.

Nếu có người muốn điều phục Rồng được tự tại, người Trì Chú nên đến nơi có Rồng ở, lấy đát vàng trộn phân bò xoa tô làm Đàn Tràng. Đốt Chiên Đàn Hương, Trầm Thủy Hương, rải hoa cúng dường. Nên tụng Tôn Giả Thánh Quán Tự Tại Bất Không Quyến Sách Tâm Chú Vương một trăm lẻ tám biến thì chỗ ao Rồng ở, nước đều cạn khô.

Rồng và con cháu đều hiện ra vui vẻ đảnh lễ người Trì Chú và khen rằng: Lành thay! Lành thay! Có việc gì mà đến đây.

Người Trì Chú nói: ta có việc, cầu mong giúp cho.

Rồng liền nói rằng: Cần việc gì?

Người Trì Chú trả lời: ta có việc riêng, ngươi hãy làm theo tâm ta muốn.

Rồng đảnh lễ người Trì Chú rồi biến mất. Trong chốc lát, ao Rồng ở liền tràn đầy nước như cũ. Rồng và quyến thuộc trở về bổn cung, từ đó về sau không làm việc bạo ác, tánh hiền hòa không phóng đãng, thường sợ người Trì Chú trách phạt không được tự tại, cùng các quyến thuộc không làm ác, không phạm ngũ dục.

Người Trì Chú, tiếp nếu muốn cầu tài vật để làm bố thí, lợi ích chúng sanh, nghĩ đến Rồng kia thì Rồng liền biến thành hình Đồng Tử, ứng niệm liền đến, mang các y phục, các thứ trang nghiêm, quỳ gối trước Chú Sư mà hỏi muốn làm việc gì?

Người Trì Chú trả lời nói rằng: ta cần tài vật để bố thí kẻ nghèo cùng.

Rồng liền nói rằng: Tùy ý mong muốn đều được đầy đủ.

Nói như vậy xong liền vào rong biển lấy bảo châu Như Ý dâng cho. Chú Sư phát thệ nguyện lớn, dùng bảo châu Như Ý ban cho hết thảy chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề xa lìa nghèo cùng được giàu có, đều đầy đủ sự mong cầu, tự tại không ngại.

Người Trì Chú được bảo châu nói với Rồng rằng: Ngươi có thể trở về cung. Nếu khi cần, ta nghĩ đến thì không được quên.

Người Trì Chú được châu Như Ý này, chỗ cầu đều có, làm lợi ích vô lượng loài chúng sanh đều làm cho sung sướng, giàu có, tự tại.

Sau đó người Trì Chú dùng hương hoa cúng dường Bảo Châu, chỉ tự mình thấy không để cho người khác thấy, nếu người khác thấy thì châu liền mất thần biến không được tự tại. Nếu bán thời giá trong trăm cu chi chỉ có được nửa phần.

Sau bán nữa thời giá còn phân nửa, như thế lần lần gía cả sụt giảm phân nửa cho đến như cục đá không có thật để nơi đất không có ánh sáng. Nếu thời sau, khi Phật ra đời thì Như Ý Bảo Châu có Thần Biến trở lại như cũ, nhập vào trong biển. Thần lực này đều do Thần Chú, nếu không phải vậy thì Như Ý Bảo Châu rất khó thể được.

Nếu người Trì Chú ấy thấy lúa má mau chín hư, nghĩ đến Rồng kia thì Rồng liền đến, hóa làm hình người, đảnh lễ rồi nói: Nhân Giả có cần việc gì?

Người Trì Chú nói: Khí Tiết thay đổi, lúa má không tốt, có thể tuôn mưa để thấm ướt không?

Lúc đó Rồng lại hiện thân như cũ, bay lên hư không, kéo mây tuôn mưa làm cho hết thảy đều lợi ích.

Làm xong thưa người Trì Chú rằng: Chỗ mong cầu, ta đã làm xong người Trì Chú nói: Có thể trở về chốn cũ. Nếu ta nhớ đến thì mau mau đến khi ấy Rồng lạy dưới chân Chú Sư rồi biến mất, trở về Bổn Cung.

Nếu người Trì Chú muốn xem nơi cung Rồng, nhớ nghĩ tới Rồng thì Rồng liền đến và nói rằng: Nhân Giả cần việc gì?

Chú Sư đáp: Muốn đến cung Rồng để xem chơi.

Rồng liền đem người Trì Chú đi đến cung Rồng, Rồng liền biến người Trì Chú thành một con Rồng, tùy ý dạo chơi, không bị độc của Rồng làm hại.

Người Trì Chú lại nghĩ đến nhân gian, liền lấy trong cung Rồng các thứ trân bảo, quần áo, đồ ăn uống, hương hoa, vải vóc, các loại nhạc khí… hơn hẳn cõi người. Rồng liền cho rồi cùng người Trì Chú trong giây lát trở về chốn cũ.

Tiếp lại bảo người Trì Chú như vậy: Có cần gì nữa không?

Người Trì Chú nói: Mọi việc đã xong. Tùy ý mà đi Rồng liền bay lên hư không.

Người Trì Chú muốn dời Rồng đi nước khác, liền đế ao Rồng tụng Chú này, kết Giới tự hộ.

Úm, a mộ già, ô bà vị xa, hồng, phấn tra.

OṂ. AMOGHA UPAVIṢA HUṂ PHAṬ.

Úm a mộ già, tỳ xá gia, ma ha na, mạn đà mạn đà, sa bà ha.

OṂ AMOGHA VIJAYA MAHĀ NĀGA BANDHA BANDHA SVĀHĀ.

Đây là Tự Hộ Thân Chú. Khi muốn kết Giới liền tụng Chú này chú mười phương, tùy tâm xa gần làm giới hạn, hết thảy phi nhân không thể sai khiến.

Dùng đất vàng sạch xoa tô ở bên trong Giới giới nội, chọn lựa đất làm Đàn bốn hướng. Trong Đàn đốt hương, rải hoa, vẽ sợi dây quyến sách như hình con rắn gọi là Long Quyến Sách Nāga pāśa. Bấy giờ người Trì Chú đạp trên đầu sợi dây, tụng Bất Không Quyến Sách Tâm Chú Vương một trăm lẻ tám biến.

Khi ấy thân Rồng như bị lửa đốt, đến trước mặt người Trì Chú. Do Chú Lực nên tuy giận dữ nhưng không dám hại, liền biến hình làm con rắn nước. Người Trì Chú bắt lấy, bỏ vào cái bình hoặc bỏ trong cái tráp không cho chạy, đi đến nơi đâu thường luôn mang theo, dùng nước cốt sữa để giữ mạng.

Giả sử có nước khác bị hạn ngập úng chẳng điều hòa, có thể bán dễ dàng để lấy tài vật. Vì hộ giúp nước ấy nên chẳng đem mua bán.

Nếu có quốc thổ bị nạn ngập úng chẳng diều hoà, khiến Rồng ấy tuôn mưa không có quá độ thời Rồng đến nước ấy tuôn mưa ngọt làm cho hết thảy lúa mạ đều được thành thục. Lại khiến cho nước ấy có nhiều con trâu giúp cho người dân nước ấy cày cấy.

Do đây mà xa lìa đót khát tật bệnh, chiến đấu, tranh luận. Lại không có giặc cướp với thú ác, đầy đủ thứ ăn mặc, vui vẻ sung sướng. Hết thảy người dân đều làm việc lành, giữ gìn giới cấm, cứu giúp kẻ nghèo cùng, rộng tu phước tuệ, nhớ nghĩ vô thường.

Nói lời như vậy: Chúng ta là chúng sinh ở biên quốc nước ở vùng ven, nhiều đời bị đói khát bức bách, nên biết hôm nay đều là nhờ oai lực của Rồng làm cho chúng ta xa lìa vô lượng khổ não. Đại Long Mahā nāga do đây được vô lượng phước, lại được nước ấy thừa sự cúng dường, Long Vương Nāga rāja vui vẻ thủ hộ người dân.

Thời người Trì Chú nhiếp lấy Rồng ấy, khuyên lập thệ nguyện, thường làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, lại cho thọ giới. Rồng ấy do sức của căn lành này khi bỏ thân súc sanh được Địa Bất Thoái cho đến chứng Vô Thượng Bồ Đề.

Người Trì Chú vì lợi ích chúng sanh, ban cho mạng sống nên đầy đủ Đàn Ba La Mật Dāna pāramitā không còn sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thường sanh Nhân Thiên mau được Phật Địa.

***