Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bát Nê Hoàn

PHẬT THUYẾT 

KINH BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống
 

PHẦN BỐN
 

Như vậy, này Tu Bạt!

Ngày trước, ta xuất gia tìm đạo, trải mười hai năm, được đắc đạo thành Phật, giảng nói Kinh Pháp trải qua năm mươi năm.

Từ lúc ta từ bỏ gia đình, có định, có huệ, có giải thoát, giải thoát tri kiến. Người giảng nói chánh đạo chỉ có Phật Sa Môn, chứ không phải kẻ phàm phu, ngoại đạo thực hiện được. Ta vốn có tám chân đạo.

Quả vị Sa Môn thứ nhất nhờ đó mà đắc đạo, quả vị Sa Môn thứ hai, thứ ba, cho đến thứ tư đều từ đó mà thành tựu.

Nếu ai không thấy tám chân đạo này thì kẻ ấy không thể chứng đắc được bốn đạo quả Sa Môn.

Tám chân đạo là:

1. Chánh kiến: là thấy đời này và đời sau, làm thiện thì có phước, làm ác thì bị tai họa, hiểu biết khổ, tập. hành diệt, được đạo.

2. Chánh tư: nghĩ đến sự xuất gia đạt an lạc, bỏ tâm tranh chấp, sân hận.

3. Chánh ngôn: lời nói chân thật chí thành, hòa dịu, trung tín.

4. Chánh hạnh: không sát sanh, không tà vạy, không có tâm dâm dục.

5. Chánh mạng: cầu lợi ích cơm áo, theo đúng đạo không tà vạy.

6. Chánh trị: ngăn chận, kiềm chế hạnh ác, phát khởi ý thiện.

7. Chánh chí: Quán về bốn pháp: quán về thân, thọ, ý, pháp, hiểu vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.

8. Chánh định: một mực vô vi, thành tựu bốn thiền hạnh.

Sa Môn, Phạm Chí, thực hành tám điều chân chánh này, mới thành tựu bốn đạo quả, có thể rống lên tiếng rống của Sư Tử.

Đệ tử hiền thiện của Ta thực hành không buông lung, ý niệm về thế gian đã diệt, cho nên được quả A La Hán.

Bấy giờ Tu Bạt nói với Hiền Giả A Nan: Vui thay, này Hiền Giả! Sự lợi lạc này vừa rộng lớn vừa tốt đẹp. Thật chưa từng có.

Phàm là hàng đệ tử thượng tôn, được gặp điều này, há chẳng vi diệu sao?

Nay tôi đã thọ ân của bậc Thánh, được nghe pháp này, mong được xuất gia, thọ giới thành tựu.

Hiền Giả A Nan thưa Đức Phật: Phạm Chí Tu Bạt mong được thọ giới luật giải thoát của Đức Thế Tôn, xuất gia, thành tựu hạnh Sa Môn.

Đức Phật dùng giới thành tựu trao cho Phạm Chí nói: Người cuối cùng chứng đắc giới pháp thanh tịnh của ta chính là dị học Tu Bạt. Ngài liền trao giới cho Tu Bạt làm Tỳ Kheo.

Tu Bạt nhất tâm lãnh thọ không buông lung, bằng chánh cần, bằng niệm xứ, đoạn trừ các thứ phiền não, để đạt được mục đích vì đó mà đã cạo bỏ râu tóc, khoác Cà Sa, từ gia đình do tín tâm mà lìa bỏ gia đình, vì muốn đắc pháp với đạo, thành tựu tịnh hạnh, tự biết đã được chứng ngộ, thành tựu giải thoát, cứu cánh an lạc, làm những điều nên làm, tâm ý đã thông suốt.

Hiền Giả Tu Bạt đã vượt khỏi mọi trói buộc của thế gian, đắc quả Ứng Chân.

Hiền Giả tự suy nghĩ: Ta không thể chờ Đức Phật Bát Nê Hoàn. Hiền Giả liền diệt độ trước Đức Phật.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Sau khi ta diệt độ, như có kẻ ngoại đạo học theo phái khác học, trong hàng dị sanh, muốn cắt bỏ đầu tóc bện, bước chân lên bến pháp, tắm rửa để trở nên thanh tịnh, xuất gia xin thọ giới, thì nên cho kẻ ấy làm Sa Môn.

Tại sao?

Vì kẻ ấy có chí lớn.

Trước hết phải tập sự trong ba tháng để biết kẻ ấy có thật sự dụng tâm hay không?

Nếu lời nói và hành động của người ấy phù hợp nhau thì có thể xả bỏ các lỗi lầm, trước trao cho mười giới, nếu ba năm không sai phạm thì mới trao cho hai trăm năm mươi giới, trong đó mười giới là gốc, hai trăm bốn mươi giới là phần oai nghi phép tắc. Nếu ai có thể làm được như vậy thì Chư Thiên luôn hoan hỷ.

Lại nữa, phàm người mong muốn trì luật thị giới làm Sa Môn là do có bốn nhân duyên, đều do có ý muốn gần đạo thích an lạc mà ra. Sau khi ta diệt độ, hoặc có người lìa bỏ chức quan mong làm Sa Môn.

Hoặc có người vì tuổi cao, già cả nên mong làm Sa Môn.

Hoặc có người bần cùng, nghèo khốn nên muốn làm Sa Môn.

Hoặc có người vì muốn tu tập theo chánh hạnh nên muốn làm Sa Môn.

Nếu là người hiền tài muốn tu tập chánh hạnh, kẻ già cả, bần cùng khốn khổ, kẻ lìa bỏ quan chức đến mà tu đạo, những người ấy đối với y phục, thức ăn uống đã đầy đủ rồi thì phải thọ tụng lời pháp.

Như có người tu tập hạnh thanh tịnh, thì có thể làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, vì nhờ người ấy nên khiến cho nhiều người được an ổn, được độ thoát, thế gian được nương nhờ, lợi lạc khắp Trời, người.

Cho nên mới nói: Người theo pháp thì đời này được an lạc, đời này được giải thoát. Vậy nên dốc tâm thọ trì.

Người đó nhờ pháp gì mà đời này được an lạc, được giải thoát?

Là mười hai Bộ Kinh mà Phật đã nói:

1. Văn.

2. Ca.

3. Ký.

4. Tụng.

5. Thí dụ.

6. Bổn ký.

7. Sự giải.

8. Sanh truyện.

9. Quảng bác.

10. Tự nhiên.

11. Đạo hạnh.

12. Lưỡng hiện.

Đó gọi là pháp.

Nếu ai phụng trì, gìn giữ đúng như pháp thì đời này được an lạc, có thể được giải thoát. Vậy nên dốc tâm thọ lãnh, hộ trì, đọc tụng, chánh tâm suy nghĩ, khiến cho đạo thanh tịnh được trụ thế lâu dài.

Này các đệ tử, hãy nên tự nỗ lực, tinh tấn, đừng có biếng nhác, xem thường, rồi bảo: Đức Phật đã diệt độ, không còn ai để nương tựa. Nên vâng theo pháp giáo, cứ mỗi nửa tháng, vào ngày rằm và ngày ba mươi hãy giảng giới, các ngày lục trai, ngồi trên Tòa cao tụng Kinh, để tâm nơi Kinh, giống như Đức Phật còn tại thế.

Lại nữa, các vị Tộc Tánh Tử và Tộc Tánh Nữ, hãy nên nhớ nghĩ bốn việc sau đây:

1. Khi Đức Phật làm Bồ Tát, mới Hạ Sanh.

2. Lúc Đức Phật mới đắc đạo Chánh Giác vi diệu.

3. Lúc thuyết Kinh chuyển pháp luân đầu tiên.

4. Lúc bỏ tuổi thọ còn lại, tâm vô vi nhập Nê Hoàn.

Hãy nên bàn luận, tư duy các việc này.

Nhớ Đức Phật lúc sanh ra, phước đức như vậy.

Lúc Đức Phật đắc đạo, thần lực như vậy.

Lúc chuyển pháp luân độ người như vậy.

Lúc sắp diệt độ, để lại giáo pháp như vậy.

Tiếp theo, thời trung gian, thời cuối cùng, nếu ai suy tư nhớ nghĩ về điều này, khởi ý thực hành đều được sanh lên Cõi Trời. 

Nếu ai thọ trì điều này mà có nghi ngờ về Phật, và pháp, Thánh Chúng, về khổ, tập, tận, đạo, thì này các Tỳ Kheo, hãy nên giải đáp những nghi vấn cho kẻ ấy như lúc ta còn tại thế. Vậy nay hãy đem lời nói ấy hỏi Đức Phật và chân đệ tử, hãy tự mình đến hỏi ta và nghe ta giải thích.

Hiền Giả A Nan đứng ở sau, quạt Đức Phật, thưa: Dạ vâng! Tất cả đều đã mong chờ ân Phật mà được an lạc. Không có một Tỳ Kheo nào có ý nghi về Phật, Pháp, Chúng và bốn đế.

Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Tất cả đều đã được an lạc, nhờ Như Lai giáo hóa, dẫn dắt, nên đối với Phật, pháp, Thánh Chúng và bốn đế là khổ, tập, tận, đạo, không còn nghi ngờ nữa.

Vậy hãy bỏ tâm tham dục, khinh mạn đi, vâng theo lời Phật dạy, bằng tâm tinh tấn để thọ trì, tư duy tĩnh lặng mà hành đạo. Đó là những lời khuyên dạy cuối cùng của Đức Phật, hãy cung kính tùy thuận.

Này các Tỳ Kheo! Hãy quan sát dung mạo, uy nghi của Đức Phật, khó có dịp để nhìn lại Ngài. Về sau, hơn một ức bốn ngàn năm nữa mới lại có Đức Phật Di Lặc ra đời.

Thật khó mà luôn được gặp Phật. Trong thiên hạ có cây Âu Đàm Bát, không hoa mà có trái. Nhưng nếu khi cây ấy ra hoa thì thế gian mới có Phật. Đức Phật là mặt trời của thế gian, luôn lo trừ diệt bóng tối cho chúng sanh. Chính ta là bậc Thánh Sư, tuổi đã bảy mươi chín, điều cần làm thì đã làm xong, các vị hãy siêng năng, tinh tấn. Giờ cũng đã nửa đêm rồi.

Rồi thì, Đức Phật nhập Sơ Thiền.

Rồi xuất Sơ Thiền, Ngài khởi Thiền thứ hai.

Xuất thiền thứ hai, Ngài khởi Thiền thứ ba.

Xuất thiền thứ ba, Ngài khởi Thiền thứ tư.

Xuất thiền thứ tư, Ngài nhập Không vô tế.

Xuất Không vô tế, Ngài nhập Thức vô lượng.

Xuất Thức vô lượng Ngài nhập Vô sở dụng.

Xuất Vô sở dụng Ngài nhập Bất tưởng nhập.

Xuất Bất tưởng nhập Ngài nhập Tưởng tri diệt.

Bấy giờ, Hiền Giả A Nan hỏi Hiền Giả A Na Luật: Đức Phật đã diệt độ rồi chăng?

A Na Luật nói: Chưa diệt độ. Đức Phật mới tư duy nhớ nghĩ về định Tưởng tri diệt.

Hiền Giả A Nan nói: Trước đây tôi nghe Đức Phật bảo: Từ chỗ nhập Tứ thiền cho đến vô tri, xả trạng thái vô vi hữu dư y thì nhập Niết Bàn. Khi ấy, Đức Phật xả Tưởng tri diệt, trở lại tư duy Bất tưởng nhập.

Xả Bất tưởng nhập tư duy Vô sở dụng.

Xả Vô sở dụng tư duy Thức vô lượng.

Xả Thức vô lượng tư duy Không vô tế.

Xả Không vô tế tư duy Thiền thứ tư.

Xả Thiền thứ tư tư duy Thiền thứ ba.

Xả Thiền thứ ba tư duy Thiền thứ hai.

Xả Thiền thứ hai tư duy Thiền thứ nhất.

Từ thiền thứ nhất nhập trở lại cho đến Thiền thứ ba, rồi Thiền thứ bốn, trở lại vô tri, xả bỏ trạng thái Niết Bàn Hữu Dư Y, liền Bát Nê Hoàn.

Ngay lúc ấy, Đại Địa chấn động, Chư Thiên, Rồng, Thần, hiện ra đầy cả không trung, tung hoa như mưa, chẳng ai là chẳng than thở, luyến tiếc, đi đến cúng dường.

Bấy giờ Đế Thích ở tầng Trời thứ hai hiện ra đọc bài tụng:

Ấm, hành đều vô thường,

Chỉ là pháp hưng, suy.

Có sanh thì có tử,

Phật diệt độ, an lạc.

Vị Phạm Thiên nơi Cõi Trời thứ bảy hiện ra đọc bài tụng:

Tuyệt thay, Phật đã bỏ,

Điều thế gian mê đắm.

Rộng dạy pháp thanh tịnh,

Ba cõi không ai bằng.

Thần lực diệu, vô uý,

Ánh sáng mất từ nay.

Hiền Giả A Na Luật đọc bài tụng:

Phật đã trụ vô vi,

Hơi ra vào đã dứt.

Vốn từ tự nhiên đến,

Nay trở về Linh Diệu.

Ý tịnh, không tham đắm,

Vì người, chịu thân bệnh.

Giáo hóa đã hoàn tất,

Mới trở về Tịch diệt.

Từ khi được gặp Phật,

Ai chẳng đội ơn sâu.

Nay vào cõi thanh hư,

Biết lúc lại xuất hiện.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo đều rối loạn, bồi hồi, than thở: Đức Phật Bát Nê Hoàn, sao mà nhanh quá! Con mắt của thế gian đã tắt mất, sao mà nhanh quá!

Trong số ấy có người buồn bã than khóc, tự nghĩ đến cái khổ của thế gian không đạt được đạo. Có người nhìn vào thi thể Đức Phật chú tâm tư duy về hữu là từ nhân duyên sanh, tạo tác không ngừng, phải chịu sự vô thường, khổ, đã sanh thì phải tử, tử rồi lại sanh, sanh tử qua lại, nhưng tinh thần bất diệt, không bị chi phối.

Hiền Giả A Na Luật nói: Thôi đi, thôi đi! này A Nan! Hãy bảo cho các Tỳ Kheo biết, Chư Thiên trên Trời thấy việc đó sẽ cho là mê mờ.

Vì có ai xuất gia nhập vào luật giải thoát mà lại không thể dùng pháp lợi để tự giải thoát?

Hiền Giả A Nan gạt nước mắt thưa: Ở trên đó có bao nhiêu vị Trời?

Từ Uy da việt cho đến miếu Âu đồ và sông Hi Liên, khoảng cách bốn trăm tám mươi dặm, Chư Thiên hiện ra đầy khắp, chẳng có khoảng hư không nào là chẳng có họ đang bồi hồi, rối loạn, cùng nói: Đức Phật Bát Nê Hoàn sao mà nhanh quá! Con mắt của thế gian đã tắt mất, sao mà nhanh quá! Trong đó có người lo lắng than thở, thương nỗi khổ của thế gian bị tham dục che lấp, không thấy được chánh đạo.

Hoặc họ cùng bảo nhau rằng: Đức Phật dạy: Sanh tử vốn từ duyên khởi, ý luôn tạo tác, thọ nhận sự vô thường, khổ, đã sanh thì phải tử, tử rồi lại sanh, thức theo hành mà di chuyển, đâu biết được Nê Hoàn?

Đức Phật đã độ thoát thế gian, vậy mọi người phải nên tinh tấn, đã quá nửa đêm rồi!

Hiền Giả A Na Luật bảo Hiền Giả A Nan: Hãy vào trong thành bảo cho mọi người biết là Đức Phật đã diệt độ, ai muốn khâm liệm, hãy nên kịp thời. Hiền Giả A Nan liền vào trong thành, báo cho mọi người biết.

Các Hoa Thị nghe được điều ấy, ai cũng kinh ngạc, buồn bã thương tiếc, nói: Đức Phật Bát Nê Hoàn sao mà nhanh quá!

Con mắt của thế gian đã tắt mất, sao mà nhanh quá! Người trong thành cùng nhau tụ hội, mang hương hoa đến chỗ nhục thân của Phật, cúi đầu đảnh lễ để thừa sự cúng dường.

Họ cùng hỏi Hiền Giả A Nan: Phương pháp khâm liệm an táng Đức Thế Tôn như thế nào?

Như lời Đức Phật dạy: Phải làm như phương pháp khâm liệm và an táng của Chuyển Luân Vương, đối với Đức Phật còn phải hơn thế nữa.

Các hào tánh thưa: Xin hãy để trong bảy ngày, chúng con muốn dâng cúng kỹ nhạc, hoa hương, đèn đuốc để tâm ý được khai mở.

Hiền Giả A Nan đáp: Tùy ý các vị mong muốn. Các Hoa Thị liền chung sức lại để lo liệu. Nào làm bình bằng vàng, linh xa bằng vàng, Kim Quan bằng vàng, quách bằng sắt, đầy đủ gấm mới kiếp ba, năm trăm xấp giạ.

Bấy giờ, dân chúng ở bốn phương, chu vi trong khoảng bốn trăm tám mươi dặm, đều mang kỹ nhạc, hoa hương đi đến song thọ, đồng khiêng nhục thân Đức Phật đặt lên trên giường bằng vàng, rồi dùng kỹ nhạc, lễ bái cúng dường.

Bấy giờ, các Hoa Thị tuyển chọn các đồng nam để lo việc gìn giữ linh xa. Họ muốn đưa linh cữu đến khoảnh đất Âu đồ để trà tỳ. Nhưng các đồng nam không thể đến gần phía trước linh xa của Đức Phật được, họ lại tiến lên đến hai ba lần, nhưng vẫn không thể tới được.

Hiền Giả A Na Luật nói với Hiền Giả A Nan: Sở dĩ không thể đến gần linh xa của Đức Phật, vì đó là ý của Chư Thiên. Họ muốn bảo các đồng nam của Hoa Thị hãy vịn vào phía bên trái, còn Chư Thiên ở phía bên mặt, dân trong nước thì đi theo sau, đồng khiêng Kim Sàng của Đức Phật vào cửa thành phía Đông, lúc đi qua trong thành, tấu nhạc Trời lên để cúng dường, xong thì đi ra cửa thành phía Tây, đặt trên đất Âu Đồ, chất các thứ gỗ hương nhiều lớp rồi trà tỳ.

Hiền Giả A Nan thưa: Xin vâng, kính vâng như ý nguyện của Chư Thiên.

Rồi Hiền Giả bảo cho các Hoa Thị biết ý nguyện đó.

Họ đều thưa: Kính tuân lệnh. Họ liền bảo các đồng nam ở phía bên tả dùng nhiều dây lụa cột chặt góc bên trái, còn Chư Thiên thì thuộc về bên mặt, dùng dây lụa cột chặt nơi góc phải của cái giường. Ngoài ra, có vô số Chư Thiên ở trên hư không, rải đủ thứ hoa Trời, rưới các hương thơm.

Bấy giờ, Đại Thần ba hiền cùng Đại Thần Câu Di bàn bạc: Muốn dùng âm nhạc của loài người để ca ngợi, tiếp theo nhạc Trời cùng đưa Xá Lợi. Liền như lời bàn bạc, cả đoàn đi từ từ vào cửa thành phía Đông, đi khắp trong thành, đến ngã tư đường lớn, dừng chân nơi đường hẻm, rải hương hoa và trỗi nhạc, ra khỏi cửa thành phía Tây, đến vùng đất Âu đồ, lấy lụa kiếp ba quấn quanh thân thể Đức Phật.

Dùng năm trăm xấp giạ quấn tiếp theo hơn một ngàn lần, rồi dùng dầu mè dầu thơm để tẩm, rưới đầy Kim Quan, cùng trên nhục thân Phật, khiêng Kim Quan lên đặt vào trong quách bằng sắt, đậy kín nắp Kim Quan, chất các thứ gỗ hương lên xong, Đại Thần Âu  bắt đầu châm lửa đốt, lửa mới hừng lên liền tắt ngay đốt tới ba lần vẫn không cháy.

Hiền Giả A Na Luật bảo Hiền Giả A Nan: Sở dĩ lửa không cháy là do ý của Chư Thiên. Họ thấy Hiền Giả Đại Ca Diếp đang dẫn năm trăm đồ chúng từ Ba Tuần trở về đây, đã đi được nửa đường, muốn về gấp để được thấy mặt cùng đảnh lễ Đức Phật, cho nên đã khiến lửa không cháy.

Hiền Giả A Nan thưa: Dạ vâng, xin tôn kính ý nguyện của Chư Thiên. Bấy giờ có Đạo Sĩ thuộc học phái khác, tên là A Di Duy, thấy Đức Phật diệt độ, ông ta nhặt được cành hoa Trời Mạn Na la, ngược đường đi về phía Hiền Giả Đại Ca Diếp.

Hiền Giả Ca Diếp thấy vậy liền đến hỏi: Ông có biết Đức Phật là bậc Thánh Sư mà tôi tôn thờ chăng?

A Di Duy đáp: Tôi biết rõ điều này. Ngài đã Bát Nê Hoàn được bảy ngày. Trời người cùng tụ hội để cúng dường Ngài. Tôi từ chỗ đó đến đây nên có được cành hoa Trời này. Khi ấy, Hiền Giả Ca Diếp buồn bã không vui.

Trong số năm trăm vị Tỳ Kheo, nhiều người bồi hồi, rối loạn, ngẩng mặt lên Trời than thở: Đức Phật Bát Nê Hoàn sao mà nhanh quá! Con mắt của thế gian đã tắt mất rồi!

Có người thì lo lắng, buồn thương, nghĩ đến nỗi khổ của thế gian do ân ái trói buộc, không thể thấy được chánh đạo.

Hiền Giả Ca Diếp bảo: Các Hiền Giả chớ lo buồn. Nên biết rằng có thân là do duyên khởi, tâm ý luôn tạo tác không dừng nghỉ, đều là vô thường, khổ, có sanh thì có tử, có tử là do có sanh, ở trong năm đường bất an, chỉ có Nê Hoàn mới là cảnh giới hoàn toàn an lạc.

Người chưa đắc đạo, hãy cầu pháp lợi, lìa bỏ mọi nẻo tạo tác của các pháp hữu vi thì sẽ đắc đạo. Tất cả hãy thu gom y bát, đi nhanh thì mới kịp để được nhìn thấy thân sắc của Phật.

Trong chúng này có một Tỳ Kheo tên là Đàn đầu, cũng thuộc Dòng họ Thích, cùng xuất gia theo Phật, nói với các Tỳ Kheo: Chuyện gì phải lo lắng như vậy?

Chúng ta từ nay được tự do.

Ông già ấy thường bảo: Nên làm cái này, không nên làm cái kia.

Nay ông ta mất rồi há không phải là điều hết sức tốt sao?

Hiền Giả Ca Diếp nghe lời ấy càng buồn bã hơn, nên giục đại chúng mau đến Song Thọ để được thấy Phật.

Đến nơi, Hiền Giả Ca Diếp bảo Hiền Giả A Nan: Nay chưa trà tỳ vậy hãy cho tôi thấy thân Đức Phật.

Hiền Giả A Nan thưa: Thân của Đức Phật đã được khâm liệm, ướp bằng dầu mè, để trong Kim Quan, bên ngoài thì chất các thứ gỗ hương, chung quanh thì tẩm dầu, tuy chưa trà tỳ, nhưng khó có thể thấy được. Hiền Giả Ca Diếp bày tỏ ý muốn của mình đến lần thứ ba, nhưng Hiền Giả A Nan vẫn đáp như lúc đầu.

Bấy giờ, nhục thân của Đức Phật từ trong nhiều lớp áo quan lộ ra hai chân. Mọi người đều thấy, ai cũng hết sức vui mừng. Hiền Giả Ca Diếp cúi đầu đảnh lễ.

Thấy trên chân của Đức Phật có màu sắc lạ, liền hỏi Hiền Giả A Nan: Thân Phật sắc vàng, vậy do cớ gì mà đổi khác?

A Nan thưa: Có một bà cụ già yếu, cúi lạy nơi chân Đức Phật làm nhỏ nước mắt trên chân Ngài nên mới có màu sắc khác như vậy.

Hiền Giả Đại Ca Diếp lại không vui, cung kính đọc bài tụng:

Ngài tịch diệt, chẳng sanh

Chẳng còn thọ già, chết

Cũng không còn hội ngộ,

Không có ghét phải gặp

Vốn đã bỏ ân ái,

Chẳng bị buồn biệt ly

Do dốc cầu phương tiện,

Nên đạt được như vậy

Năm ấm Phật thanh tịnh,

Đã đoạn trừ hết thảy

Cũng không còn tạo tác,

Để thọ lại năm ấm.

Khổ đau đã hết rồi,

Gốc hữu cũng trừ sạch

Do dốc cầu phương tiện,

Mới an lạc như vậy.

Phật đã đoạn thế gian,

Trừ bỏ mọi ái dục

Ngài kham nhẫn tất cả,

Nên lìa các hoạn nạn

Ngài đã đạt an định

Đem an lạc muôn loài.

Phải nên đảnh lễ Ngài,

Vĩnh viễn thoát ba cõi.

Kinh giới Phật nói ra,

Tỏa sáng khắp thế gian

Ngài rộng hiện chánh đạo,

Chắc thật, dứt mọi nghi.

Cứu tất cả muôn loài,

Khiến thoát khỏi già chết.

Những người gặp được Phật,

Ai chẳng mang ơn lớn

Như trăng chiếu ban đêm,

Để phá tan bóng tối.

Mặt trời chiếu ban ngày,

Soi sáng mọi nơi chốn.

Cũng như ánh điện chớp,

Mây dày liền rực sáng.

Hào quang Phật chiếu ra,

Ba cõi cùng tỏ rạng.

Hết thảy sông danh tiếng,

Sông Côn Luân lớn nhất.

Tất cả vùng nước lớn,

Biển cả là hơn hết.

Trong tất cả tinh tú,

Mặt trăng là sáng nhất.

Phật dẫn dắt chúng sanh,

Trời người đều tôn quý.

Phật cứu độ thế gian,

Phước đức ban rải khắp.

Giới pháp đã thuyết giảng,

Mọi chốn đều phân minh.

Cũng đem pháp lưu bổ,

Đệ tử dốc hành trì,

Khiến Trời, Người, Quỷ, Thần …

Đều cung kính đảnh lễ.

Hiền Giả Đại Ca Diếp đọc kệ xong, đảnh lễ nơi Chân Phật, nhiễu quanh Kim Quan ba vòng, rồi đứng qua một bên. Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, các Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Thần Thiên Nhạc, Thần Chất Lược, Thần Kim Sí Điểu, Thần Ái Dục, Thần Xà Khu… đều đến trước đảnh lễ nơi Chân Phật, nhiễu quanh Kim Quan ba lần, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Kim Quan của Đức Phật không đốt nhưng tự nhiên bốc cháy.

Hiền Giả A Nan liền đọc bài tụng:

Phật thanh tịnh trong ngoài,

Là thân của Phạm Thế.

Gốc hành hóa thần diệu,

Nên nay mới như vậy.

Hơn ngàn lớp lụa, giạ,

Đâu cần áo che thân,

Cũng không cần giặt giũ,

Như trăng trong sáng ngời.

Cho đến hết đêm ấy, công việc trà tỳ nhục thân Phật xong xuôi, thì tự nhiên ở nơi đó mọc lên bốn cây: Cây tô thiền ni, cây ca duy đồ, cây A Thế Đề, cây Ni Câu Loại. Các vị Cư Sĩ, lý gia trong nước cùng nhau thu nhặt Xá Lợi của Phật đựng đầy nơi bình bằng vàng, đặt trên linh xa, đưa vào thành để trên đại điện, rồi cùng cho tấu kỹ nhạc, rải hoa, đốt hương, lễ bái cúng dường.

Bấy giờ, các tộc họ Hoa Thị của nước Ba Tuần, các Câu Lân của nước Khả Lạc, các Mãn Ly của nước Hữu Hoành, các Phạm Chí của nước Thần Châu, các Ly kiền của nước Duy Da, nghe tin Đức Phật dừng chân ở Song Thọ để Bát Nê Hoàn.

Nên họ đều sửa soạn bốn thứ binh đội là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh cùng kéo đến nước Câu Di, dừng chân nơi ngoài thành, bảo sứ vào thưa: Chúng tôi nghe Đức Phật chúng hựu diệt độ ở đây. Ngài cũng là thầy của chúng tôi. Chúng tôi có lòng kính mộ Ngài, đồng đến với Vua xin phân chia phần Xá Lợi, đem về bản quốc lập Bảo Tháp cúng dường.

Vua nước Câu Di bảo: Đức Phật tự đến nơi đây, vậy nước tôi sẽ chăm lo việc cúng dường Ngài. Thật là cực khổ cho các Vua từ xa tới muốn chia phần Xá Lợi, điều đó thì không thể được.

Các người thuộc dòng họ Thích nước Xích Trạch cũng kéo bốn loại binh, đến nói: Chúng tôi nghe Đức Phật Chúng hựu diệt độ ở đây. Ngài là bậc Thánh Đệ Nhất của Dòng họ Thích, xuất thân từ bà con, đúng là bậc cha ông của chúng tôi. Chúng tôi có lòng kính mộ, nên đến đây để xin chia phần Xá Lợi đem về dựng Bảo Tháp cúng dường. Nhà Vua nước Câu Di vẫn trả lời như trước, không chịu chia phần.

Vua nước Ma Kiệt là A Xà Thế lại dẫn bốn loại binh, vượt qua sông lớn để đến, bảo Phạm Chí Mao Quệ vào để hỏi tin tức, rồi ân cần thưa: Tôi lâu nay vốn có lòng tin tưởng vào tình bạn của nhà Vua, không bảo thủ, không tranh chấp. Nay Đức Phật Chúng Hựu đã diệt độ nơi đây. Ngài là bậc tôn quý của ba cõi. Chính là vị Trời của tôi. Tôi luôn có lòng kính mộ nên đến đây để xin chia phần Xá Lợi.

Nếu nhà Vua cho tôi phần Xá Lợi của Phật thì hai nước chúng ta nếu có những vật báu gì thì nguyện cùng trao cho nhau để chung hưởng.

Vua nước Câu Di đáp: Đức Phật tự đến đây, tôi sẽ lo việc cúng dường Ngài, xin cảm ơn Đại Vương chứ không thể chia phần Xá Lợi cho nhà Vua được.

Khi ấy Mao Quệ nhóm mọi người lại, làm bài tụng thông báo:

Nay những người thành tâm,

Từ xa đến lễ bái.

Xin được chia Xá Lợi,

Nếu như Vua không cho.

Sự việc ấy động chúng,

Bốn binh chủng sẵn đây.

Nếu không dùng đạo nghĩa,

Không tránh khỏi đao binh.

Người của nước Câu Di cũng đáp lại bằng bài tụng:

Phiền các Ngài từ xa,

Nhọc sức đến lễ bái.

Phật để thân nơi đây,

Không dám hứa cho ai.

Các vị muốn động binh,

Tôi đây cũng sẵn sàng.

Ta cùng nhau sống chết,

Chưa từng biết sợ ai.

Phạm Chí Mao Quệ giải thích với mọi người: Các Vua đều vâng theo lời dạy của Đức Phật một cách nghiêm túc. Ban ngày thì tụng lời pháp, tâm cảm phục sự giáo hóa nhân từ của Ngài. Tất cả chúng sanh ai cũng nghĩ đến việc muốn được an ổn. Huống chi, Đức Phật vì lòng đại từ nên thiêu hình để lại Xá Lợi, muốn rộng làm phước báu cho khắp thiên hạ.

Vậy sao lại muốn hủy diệt ý nhân từ của Ngài?

Cho nên Xá Lợi hiện tại phải được phân chia ra mà thôi. Mọi người đều khen là hay, nên cùng đến chỗ đặt Xá Lợi, cung kính đảnh lễ xong thì đứng qua một bên, rồi bảo Mao Quệ chia Xá Lợi.

Bấy giờ Mao Quệ lấy một cái bát đá dùng mật xoa bên trong, chia làm tám phần, rồi thưa với mọi người: Tôi đã cung kính Đức Phật, và cũng thuận theo ý tốt của mọi người, mong được đem chiếc bát chia Xá Lợi này về nước để dựng Bảo Tháp cúng dường, được chăng?

Mọi người đều nói: Bậc trí tuệ thì nên biết thời. Họ liền đồng ý.

Lại có Phạm Chí tên là Ôn Vi, thưa với mọi người: Tôi trộm mến ý lành của chư vị, chỉ xin lấy phần than đốt ở dưới đất để đem về dựng Bảo Tháp cúng dường. Mọi người đều đồng ý. Sau lại có Đạo Sĩ thuộc học phái khác ở nước Hữu Hoành đến xin phần tro còn lại ở dưới đất.

Lúc này tám nước đều được mỗi phần Xá Lợi nên đều trở về nước mình để dựng Tháp. Những Tháp ấy đều trang nghiêm, đẹp đẽ.

Phạm Chí Mao Quệ, Đạo Nhân Đại Ôn Vi ở Chủng ấp trở về ấp Ti Phần, Đạo Sĩ của nước Hữu Hoành, thảy đều được phần tro đất, đều trở về dựng Bảo Tháp.

Tám phần Xá Lợi có tám Bảo Tháp, Tháp thờ bát chia Xá Lợi là chín, Tháp thờ than là mười, Tháp thờ tro là mười một. Đức Phật Đản Sanh ngày mồng tám tháng tư, xuất gia ngày mồng tám tháng tư, Thành Đạo ngày mồng tám tháng tư, Bát Nê Hoàn ngày mồng tám tháng tư.

Tất cả đều vào tháng sao Phật mọc. Khi ấy trăm thứ hoa cỏ đều xanh tươi, cây cối sầm uất. Bấy giờ Đức Phật đã Bát Nê Hoàn, ánh sáng của thiên hạ đã mất, Chư Thiên, thần khắp mười phương, thảy đều tự quy ngưỡng Phật.

Xá Lợi đã chia rồi, nhưng bốn chúng đệ tử ở phương xa có người chưa được nghe tin, nên phải để sau chín mươi ngày mới xây Tháp.

Các vị Quốc Vương đến tham dự, các Lý gia, dân chúng, gia đình quyến thuộc và các hàng nô tỳ đều trai giới trong chín mươi ngày.

Bốn chúng đệ tử ở phương xa cùng tụ hội ở Câu Di, đồng hỏi Hiền Giả A Nan: Nên dựng Tháp ở đâu?

A Nan đáp: Nên ra khỏi thành bốn mươi dặm, đến ngã tư đường của khu đất rộng tạo dựng Bảo Tháp. Các tộc họ phú hào của nước Câu Di cùng nhau dùng ngọc làm ngói, viên ngói bề ngang và rộng ba thước tấc, tập trung lại dùng để làm Tháp, cao và rộng đều mười lăm thước.

Lấy bát vàng chứa Xá Lợi để ngay chính giữa Tháp, lập đàn pháp luân, treo cờ phướn trên cao, thắp đèn chưng hoa, đốt hương, ca nhạc, lễ bái cúng dường, để dân chúng trong cả nước đều được tạo lập phước đức.

Hiền Giả Đại Ca Diếp, Hiền Giả A Na Luật và chúng Tỳ Kheo cùng nhau hội họp bàn bạc: Trong một ngày, ba mươi vạn dân chúng, các quan lại, các tộc họ quyền quý của các nước, khi gặp được Phật, đều hết lòng cung kính, tạo phước, khi chết đều được sanh lên Cõi Trời thứ tư, cùng được gặp Di Lặc và được giải thoát.

Quốc Vương của nước Câu Di sẽ sanh lên trên Cõi Trời thứ mười hai là Thủy âm, chờ khi Bồ Tát Di Lặc thành Phật sẽ đầu thai xuống tạo dựng Tinh Xá cho Đức Phật còn đẹp hơn khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc hiện nay.

Hiền Giả A Nan hỏi Hiền Giả Đại Ca Diếp: Vua nước Câu Di vì sao không ở chỗ Đức Phật Di Lặc mà mong đạt đạo quả Ứng Chân?

Đáp: Vì Vua này chưa nhàm chán cái khổ về sanh tử. Ai không nhàm chán cái khổ của sanh thì không được đạo quả Ứng Chân.

A Nan thưa: Tôi đã nhàm chán cái khổ của thân, sao không được lìa thế gian, không đạt được đạo quả?

Hiền Giả Đại Ca Diếp đáp: Vì Hiền Giả chỉ trì giới mà không hành quán về thân, vẫn còn ham thích sanh tử, niệm tưởng thức ăn, nên các hành về sanh tử chưa dứt.

Đến chín mươi ngày, Hiền Giả Đại Ca Diếp, Hiền Giả A Na Luật và chúng Tỳ Kheo cùng nhau bàn luận: Mười hai Bộ Kinh của Đức Phật có bốn A Hàm, chỉ riêng Hiền Giả A Nan là người luôn gần gũi hầu hạ Đức Phật. Đức Phật giảng nói, Hiền Giả A Nan đều ghi nhớ, vậy chúng ta phải nhờ Hiền Giả A Nan tụng đọc để chép lại, nhưng sợ Hiền Giả là người chưa đắc đạo nên còn có tâm tham chăng.

Chúng ta nên đem việc xưa mà chất vấn Hiền Giả A Nan. Vậy hãy cho đặt Tòa ngồi cao. Ba lần bước lên, ba lần phải bước xuống. Làm như vậy mới có thể đạt được lời thành thật. Mọi người đều cho là hết sức hay.

Đại chúng đã tề tựu đông đủ và ngồi yên, Tỳ Kheo Trực Sự đuổi A Nan ra ngoài, giây lát lại thỉnh vào. Hiền Giả A Nan đi vào, đảnh lễ Chúng Tăng. Các Tỳ Kheo chưa đắc đạo thấy thế bèn đứng dậy hết. Tỳ Kheo Trực Sự bảo A Nan ngồi nơi Tòa cao chính giữa.

A Nan nhún nhường từ chối: Đây không phải là Tòa ngồi của A Nan.

Chúng Tỳ Kheo nói: Do vì Kinh Phật, cho nên hãy mời Hiền Giả ngồi vào Tòa cao để cho Chúng Tăng hỏi. A Nan ngồi lên ngồi Tòa.

Chúng Tăng hỏi: Hiền Giả có lỗi lớn, vậy có biết chăng?

Ngày ấy Đức Phật nói: An vui thay, Diêm Phù Đề! Sao Hiền Giả không trả lời?

Tỳ Kheo Trực Sự bảo Hiền Giả A Nan bước xuống.

A Nan bước xuống, rồi trả lời: Đức Phật không được tự tại sao mà phải chờ tôi thỉnh cầu?

Chúng Tăng im lặng, Tỳ Kheo Trực Sự lại bảo lên Tòa.

Chúng Tăng lại hỏi: Đức Phật nói với Hiền Giả, ai đạt được bốn Thần Túc thì có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp, tại sao Hiền Giả lại làm thanh?

Hiền Giả A Nan lại xuống Tòa để trả lời: Đức Phật nói: Bồ Tát Di Lặc sẽ Hạ Sanh thành Phật. Người nào mới vào đạo theo Ngài Di Lặc để tu tập mà thành.

Giả sử Đức Phật tự lưu lại thì Phật Di Lặc sẽ thế nào?

Tăng Chúng lại im lặng. Hiền Giả A Nan trong lòng sợ hãi.

Chúng Tỳ Kheo nói: Hiền Giả nên theo đúng như ý của pháp nói đầy đủ về Kinh của Phật.

Hiền Giả đáp: Kính vâng. Ba lần lên Tòa như vậy.

Lần sau cùng Hiền Giả A Nan lên Tòa nói: Nghe như vậy, một thời…

Trong chúng hội có những người chưa đắc đạo đều rơi nước mắt nói: Đức Phật vừa mới nói Kinh, nay sao đã vội mất?

Hiền Giả Đại Ca Diếp liền chọn ở trong chúng được bốn mươi vị Ứng Chân theo Hiền Giả A Nan để nghe truyền lại bốn bộ A Hàm.

1. Trung A Hàm.

2. Trường A Hàm.

3. Tăng Nhất A Hàm.

4. Tạp A Hàm.

Văn của bốn bộ này là:

Một là vì hàng tham dâm mà giảng nói.

Hai là vì hàng mừng giận mà giảng nói.

Ba vì hàng ngu si mà giảng nói.

Bốn vì hàng bất hiếu, không thừa sự mà giảng nói.

Văn của bốn Bộ A Hàm, mỗi bộ gồm sáu mươi xấp.

Chúng Tỳ Kheo thưa rằng: Hãy nên chép văn bốn Bộ A Hàm để phổ biến trong thiên hạ. Do vậy, chỗ trà tỳ Đức Phật tự nhiên mọc lên bốn cây danh mộc.

Tăng Chúng liền cùng nhau kiểm điểm, phân biệt Kinh Phật ra thành mười hai bộ loại: Giới, Luật, Pháp đầy đủ để lưu lại cả ngàn năm. Những ai trì Kinh Giới của Phật về sau đều được sanh chỗ Đức Phật Di Lặc, tu học với Ngài mà được giải thoát sanh tử.

***