Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM BA MƯƠI NĂM
PHẨM KHIỂN TRỪ MA NGOẠI
Bấy giờ chư ngoại đạo Phạm Chí muốn đến tìm chỗ sở đoản của Đức Phật. Thiên Đế nghĩ rằng như ngoại đạo Phạm Chí này muốn đến tìm chỗ sở đoản của Đức Phật, tôi nên tụng niệm bát nhã Ba la mật của Đức Phật vừa giáo thọ, tất chư ngoại đạo Phạm Chí này trọn không thể làm trở ngại công việc giảng thuyết bát nhã Ba la mật.
Nghĩ xong, Thiên Đế liền niệm bát nhã Ba la mật. Lúc đó chư ngoại đạo phạm chí ở xa nhiễu quanh Đức Phật rồi đi trở về.
Ngài Xá Lợi Phất tâm niệm cớ chi mà chư ngoại đạo Phạm chí ở xa nhiễu quanh Đức Phật rồi đi trở về?
Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: Vì Thích Đề Hoàn Nhân tụng niệm bát nhã Ba la mật, nên chư ngoại đạo Phạm Chí ở xa nhiễu quanh Đức Phật rồi đi trở về.
Này Xá Lợi Phất! Ta chẳng thấy chư ngoại đạo Phạm Chí ấy có chút thiện tâm, họ mang ý ác đến muốn tìm chỗ sở đoản của Đức Phật.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thuyết bát nhã Ba la mật, ta chẳng thấy tất cả thế gian hoặc Chư Thiên, chư ma, chư Phạm, hoặc trong chúng Sa Môn, trong chúng Đà La Môn, có ai mang ác ý mà có thể đến phá hoại được.
Tại sao vậy?
Vì trong Đại Thiên Quốc Độ này, Chư Tứ Thiên Vương đến Đại Tự Tại Thiên, Chư Thanh Văn, Chư Bích Chi Phật, Chư Bồ Tát và Chư Phật đồng thủ hộ bát nhã Ba La Mật này.
Tại sao vậy?
Vì Chư Thiên đến Chư Phật đều xuất sanh từ trong bát nhã Ba la mật.
Lại này Xá Lợi Phất! Trong hằng sa Quốc Độ mười phương, Chư Thiên đến Chư Phật cũng đồng thủ hộ bát nhã Ba la mật.
Tại sao vậy?
Vì Chư Thiên đến Chư Phật mười phương cũng đều xuất sanh từ trong bát nhã Ba la mật. Bấy giờ có ác ma nghĩ rằng nay đây Phật cùng tứ chúng hội hợp với Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc, trong đó tất có bậc Đại Bồ Tát được thọ ký sẽ thành Vô Thượng Bồ Đề.
Ta phải đến đó để phá hoại đạo tâm của họ. Nghĩ xong, ác ma liền hóa hiện bốn bộ binh kéo đến chỗ Đức Phật. Thiên Đế biết là không phải binh chủng của Vua Tần Bà La hay Vua Ba Tư Nặc, cũng không phải của dòng Thích Ca và dòng Lê Xa. Đây tất là binh của ác ma hóa hiện. Ác ma này mãi tìm dịp hại chúng sanh, ta phải tụng niệm bát nhã Ba la mật.
Thiên Đế liền tụng niệm bát nhã Ba la mật. Ác ma nghe tiếng tụng niệm, lần lần tan rã trở về. Chư Thiên Cõi Tứ Vương đến Cõi Sắc Cứu Cánh ở cõi này và hằng sa cõi ở mười phương đồng hóa hiện những Thiên hoa từ trên không rải trên Đức Phật và đồng xướng rằng cầu nguyện bát nhã Ba la mật ở lâu nơi Diêm Phù Đề.
Tại sao vậy?
Vì người Diêm Phù Đề thọ trì bát nhã Ba la mật thời bát nhã Ba la mật được trụ nơi thế gian. Tùy thời gian bát nhã Ba la mật an trụ, thời ở Diêm Phù Đề Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo cũng an trụ chẳng diệt. Cũng phân biệt biết rõ đạo Đại Bồ Tát.
Và lại chỗ nào có thiện nam, thiện nữ biên chép quyển bát nhã Ba la mật, thời chỗ đó tất chói sáng, rời xa sự tối tâm.
Đức Phật bảo Thiên Đế và tất cả Chư Thiên: Đúng như vậy!
Này Kiều Thi Ca và Chư Thiên Tử! Người Diêm Phù Đề thọ trì bát nhã Ba la mật, theo thời gian mà sự thọ trì này còn tồn tại, thời cũng là thời gian mà Tam Bảo tồn tại. Nhẫn đến chỗ nào có thiện nam, thiện nữ biên chép quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật, thời chỗ ấy tất chói sáng, rời xa sự tối tăm.
Chư Thiên Tử hóa hiện Thiên hoa rải trên Đức Phật mà thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì bát nhã Ba la mật nhẫn đến chánh ức niệm thời ma chúa, ma dân không làm hại được.
Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi cũng phải ủng hộ những người này, vì chúng tôi xem những người này như Đức Phật hoặc kế Đức Phật.
Thiên Đế thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ thọ trì bát nhã Ba la mật nhẫn đến chánh ức niệm, phải biết những người này đời trước đã làm công đức nhiều ở chỗ Đức Phật, đã thân cận cúng dường Chư Phật, được bậc thiện tri thức hộ niệm.
Bạch Đức Thế Tôn! nhất thiết trí của Chư Phật phải tìm cầu trong bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật cũng phải tìm cầu trong nhất thiết trí.
Tại sao vậy?
Vì bát nhã Ba la mật chẳng khác nhất thiết trí. Nhất thiết trí chẳng khác bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật cùng nhất thiết trí chẳng phải hai, chẳng phải khác. Do đây nên hàng Chư Thiên chúng tôi xem những người này như Đức Phật hoặc kế Đức Phật.
Đức Phật nói: Đúng như vậy.
Này Kiều Thi Ca! nhất thiết trí của Chư Phật tức là bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật tức là nhất thiết trí.
Tại sao vậy?
Này Kiều Thi Ca! Nhất nhất thiết của Chư Phật đều xuất sanh từ trong bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật chẳng khác nhất thiết trí. Nhất thiết trí chẳng khác bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật cùng nhất thiết trí chẳng phải hai, chẳng phải khác.
***