Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM BẢY MƯƠI BẢY
PHẨM LỤC DỤ
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là ở trong các pháp vô tướng tự tướng không chẳng phân biệt mà trọn vẹn tu sáu Ba la mật, đó là Thí La Ba la mật, Giới Ba la mật, Nhẫn Ba la mật, Tiến Ba la mật, Thiền Ba la mật và bát nhã Ba la mật?
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là ở trong pháp không biệt dị mà phân biệt nói tướng dị biệt?
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là bát nhã Ba la mật nhiếp lấy thí, giới, nhẫn, tiến và thiền?
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là hành pháp có tướng biệt dị rồi dùng đạo nhứt tướng mà đắc quả?
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ trong năm ấm như mộng, như hưởng, như ảnh, hư diệm, như huyễn, như hóa mà thật hành bố thí, trì giới, mà tu nhẫn nhục, tinh tấn, mà nhập thiền định, mà rèn trí huệ, biết năm ấm này như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa, biết năm ấm vô tướng như mộng cho đến biết năm ấm vô tướng như hóa.
Tại sao?
Vì mộng không tự tánh, hưởng, ảnh, diệm, huyễn, hóa đều không tự tánh. Nếu pháp không tự tánh thì là pháp vô tướng. Nếu pháp vô tướng thì là pháp nhất tướng, đó là vô tướng.
Này Tu Bồ Đề! Do nhân duyên như vậy nên biết Bồ Tát bố thí vô tướng: Người thí vô tướng, người thọ cũng vô tướng. Có thể biết bố thí như vậy thì hay đầy đủ bố thí Ba la mật nhẫn đến hay đầy đủ bát nhã Ba la mật, hay đầy đủ tứ niệm xứ đến bát Thánh đạo, hay đầy đủ nội không đến vô pháp hữu pháp không, hay đầy đủ không, vô tướng, vô tác tam muội.
Hay đầy đủ bát bội xả, cửu thứ đệ định, năm thần thông, năm trăm môn Đà La Ni, hay đầy đủ mười trí lực, bốn vô úy, bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cộng.
Bồ Tát này an trụ trong pháp báo đắc vô lậu hay quán vô lượng cõi nước phương Đông, nhẫn đến bay qua vô lượng cõi nước mười phương, cúng dường Chư Phật và lợi ích chúng sanh.
Chúng sanh nào nên dùng bố thí để nhiếp thì dùng bố thí nhiếp họ, nên dùng trì giới để nhiếp thì dùng trì giới để dạy họ, nên dùng nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ để nhiếp thì dạy họ nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, nhẫn đến nên dùng các thứ pháp lành để nhiếp thì dùng các thứ pháp lành để nhiếp lấy họ.
Bồ Tát này thành tựu tất cả pháp lành như vậy thọ thân thế gian chẳng bị thế gian sanh tử làm vô tướng, vô tác, vô đắc nhiễm. Do vì chúng sanh nên Bồ Tát ở trên Trời, trong người thọ sự tôn quý giàu vui, đem sự tôn quý giàu vui này nhiếp lấy chúng sanh.
Vì Bồ Tát này biết tất cả pháp vô tướng nên biết quả Tu Đà Hoàn mà chẳng an trụ trong đó, biết quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, đạo Bích Chi Phật mà chẳng an trụ trong đó.
Tại sao?
Vì Bồ Tát này dùng nhất thiết chủng trí biết tất cả pháp rồi sẽ phải được nhất thiết chủng trí nên chẳng cùng đồng với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát biết tất cả pháp vô tướng như vậy rồi biết sáu Ba la mật vô tướng nhẫn đến biết tất cả Phật pháp vô tướng.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ trong năm ấm như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa thì hay đầy đủ Giới Ba la mật vô tướng.
Giới này chẳng thiếu, chẳng hư, chẳng tạp, chẳng chấp, là giới vô lậu mà Thánh Nhân khen ngợi vào tám phần Thánh đạo. An trụ trong giới này trì tất cả giới, đó là danh tự giới, tự nhiên giới, luật nghi giới, tác giới, vô tác giới, oai nghi giới, phi oai nghi giới.
Đại Bồ Tát này thành tựu các giới chẳng nguyện cầu sanh vào dòng lớn Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Cư Sĩ, cung chẳng nguyện cầu sanh vào nhà Tiểu Vương hay Chuyển Luân Thánh Vương, chẳng nguyện cầu sanh các Cõi Trời, chẳng nguyện cầu được quả Thanh Văn, đạo Bích Chi Phật.
Tại sao?
Vì tất cả pháp vô tướng đó là nhất tướng, pháp vô tướng không thể được pháp vô tướng, pháp hữu tướng không thể được pháp hữu tướng, pháp hữu tướng không thể được pháp vô tướng, pháp vô tướng không thể được pháp hữu tướng.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát này lúc hành bát nhã Ba la mật như vậy hay đầy đủ giới Ba la mật mà vào Bồ Tát vị, vào Bồ Tát vị rồi được sanh vô pháp nhẫn, hành đạo chủng trí, được báo đắc năm thần thông.
An trụ năm trăm môn Đà La Ni, được bốn trí vô ngại, từ một Cõi Phật đến một Cõi Phật cúng dường Chư Phật, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật Độ, dầu vào trong năm đường chúng sanh mà nghiệp báo sanh tử không làm nhiễm vô tướng, vô tác, vô đắc được.
Này Tu Bồ Đề! Ví như hóa Chuyển Luân Thánh Vương dầu ngồi, nằm, đi, đứng chẳng thấy chỗ đến, chẳng thấy chỗ đi, chẳng thấy chỗ đứng, chỗ ngồi, chỗ nằm mà hay lợi ích chúng sanh, cũng chẳng thấy có chúng sanh. Bồ Tát này cũng như vậy.
Này Tu Bồ Đề! Ví như Tu Phiến Đa Phật được vô thượng bồ đề vì Ba Thừa mà chuyển pháp luân, không có ai được thọ ký Bồ Tát, hóa làm Phật rồi xả thọ mạng nhập Vô Dư Niết Bàn.
Bồ Tát lúc hành bát nhã Ba la mật cũng như vậy, hay đầy đủ Giới Ba la mật. Đầy đủ Giới Ba la mật rồi nhiếp tất cả pháp lành.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát an trụ trong Năm ấm như mộng, như hưởng, như ảnh như diệm, như huyễn, như hóa, đầy đủ Nhẫn Ba la mật vô tướng.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ trong hai thứ nhẫn thì có thể đầy đủ Nhẫn Ba la mật, đó là sanh nhẫn và pháp nhẫn. Từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng, nếu có bất luận chúng sanh nào đến mắng chửi, đánh đập, chém giết Bồ Tát, Bồ Tát này vì muốn đầy đủ Nhẫn Ba la mật nên chẳng sanh lòng giận thù, dầu chỉ một niệm.
Bồ Tát này suy nghĩ như vậy:
Ai mắng ta?
Ai đánh ta?
Ai chém ta?
Tại sao vậy?
Vì Bồ Tát này ở trong tất cả pháp được vô tướng nhẫn, nên chẳng bao giờ nghĩ rằng người đó mắng ta, hại ta. Nếu thật hành như vậy, Đại Bồ Tát hay đầy đủ Nhẫn Ba la mật. Do đầy đủ Nhẫn Ba la mật nên được vô sanh pháp nhẫn.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn!
Thế nào là vô sanh pháp nhẫn?
Nhẫn này đoạn dứt những gì và biết những gì?
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Được pháp nhẫn, nhẫn đến chẳng sanh mảy may pháp chẳng lành nên gọi là vô sanh pháp nhẫn. Tất cả phiền não sở đoạn của Bồ Tát đều hết, đó gọi là đoạn dứt. Dùng trí huệ biết tất cả pháp chẳng sanh, đây gọi là biết.
Bạch Đức Thế Tôn! Vô sanh pháp nhẫn của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cùng vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát có gì khác nhau?
Này Tu Bồ Đề! Hoặc trí hoặc đoạn của Tu Đà Hoàn gọi là nhẫn của Bồ Tát, hoặc trí hoặc đoạn của Tư Đà Hàm gọi là nhẫn của Bồ Tát, hoặc trí hoặc đoạn của A Na Hàm gọi là nhẫn của Bồ Tát, hoặc trí hoặc đoạn của A La Hán gọi là nhẫn của Bồ Tát, hoặc trí hoặc đoạn của Bích Chi Phật gọi là nhẫn của Bồ Tát, đó là sai khác.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thành tựu nhẫn này hơn cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật. An trụ trong báo đắc vô sanh nhẫn này, Đại Bồ Tát hành Bồ Tát đạo đầy đủ đạo chủng trí. Vì đầy đủ đạo chủng trí nên thường chẳng rời lìa ba mươi bảy phẩm trợ đạo nhẫn đến không, vô tướng, vô tác tam muội, thường chẳng rời lìa năm thần thông.
Vì chẳng rời lìa năm thần thông nên hay thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật Độ. Thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật Độ xong sẽ được nhất thiết chủng trí.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đầy đủ Nhẫn Ba la mật vô tướng như vậy.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trụ trong năm ấm vô tướng như mộng, như hưởng, như ảnh như diệm, như huyễn, như hóa mà thật hành tinh tấn và tâm tinh tấn.
Do thân tinh tấn mà khởi thần thông. Do khởi thần thông mà đến thế giới mười phương cúng dường Chư Phật, lợi ích chúng sanh. Dùng sức thân tinh tấn mà giáo hóa chúng sanh cho họ an trụ nơi ba thừa.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật hay đầy đủ Tinh Tấn Ba la mật vô tướng như vậy. Bồ Tát này do tâm tinh tấn, tinh tấn vô lậu của Bậc Thánh mà nhập trong tám phần Thánh đạo, hay đầy đủ Tinh Tấn Ba la mật.
Tinh tấn Ba la mật này nhiếp hết tất cả pháp lành, những là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát Thánh đạo, Tứ Thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, bát bội xả, cửu thứ đệ định, mười trí lực, bốn vô úy, bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cộng.
Bồ Tát thật hành những pháp lành trong đây tất phải đầy đủ nhất thiết chủng trí. Đầy đủ nhất thiết chủng trí rồi dứt tất cả tập chủng phiền não, đầy đủ ba mươi hai tướng, thân phóng vô lượng vô đẳng quang minh. Phóng quang minh rồi chuyển ba lần mười hai hành pháp luân.
Do chuyển pháp luân nên đại thiên Thế Giới chấn động sáu cách, quang minh chiếu khắp đại thiên Thế Giới. Chúng sanh trong đại thiên Thế Giới nghe âm thanh thuyết pháp đều được do Ba Thừa mà được độ thoát.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ trong Tinh Tấn Ba la mật hay lợi ích lớn cho chúng sanh, hay đầy đủ nhất thiết chủng trí như vậy.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trụ trong năm ấm vô tướng như mộng, như hưởng, như ảnh như diệm, như huyễn, như hóa, hay đầy đủ Thiền Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nhập Sơ Thiền nhẫn đến nhập đệ Tứ Thiền, nhập tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỉ, xả, nhập hư không vô biên xứ nhẫn đến nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập không tam muội đến nhập vô tướng, vô Tác tam muội, nhập Điện Quang tam muội, nhập như Kim Cang tam muội, nhập Thánh Chánh tam muội.
Trừ tam muội của Chư Phật, những tam muội khác, hoặc những tam muội cùng đồng Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát này đều chứng, đều nhập. Dầu nhập nhưng cũng chẳng thọ mùi vị tam muội, cũng chẳng thọ quả tam muội.
Tại sao?
Vì Bồ Tát này biết những tam muội ấy không tướng, không tánh sở hữu thì có đâu lại ở trong pháp không tướng mà thọ mùi vị pháp không tướng mà thọ mùi vị pháp không tướng, ở trong pháp vô sở hữu mà thọ mùi vị pháp vô sở hữu. Nếu chẳng thọ mùi vị thì chẳng theo sức của thiền định sanh Trời Cõi Sắc hay Vô Sắc.
Tại sao?
Vì Bồ Tát này chẳng thấy hai cõi ấy, cũng chẳng thấy thiền định ấy, cũng chẳng thấy người nhập thiền, cũng chẳng thấy ngươi dùng pháp ấy nhập thiền, chẳng thấy chỗ nhập thiền. Nếu ở nơi pháp ấy mà chẳng có được.
Bấy giờ Bồ Tát liền hay đầy đủ Thiền Na Ba la mật vô tướng. Bồ Tát dùng Thiền Na Ba la mật vô tướng này có thể vượt hơn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát do đầy đủ Thiền Ba la mật vô tướng mà hay vượt hơn bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát này khéo học nội không, khéo học ngoại không, nhẫn đến khéo học vô pháp hữu pháp không. Nơi các thứ không ấy, không có pháp để làm chỗ an trụ được, như hoặc là quả Tu Đà Hoàn, hoặc là quả Tư Đà Hàm, nhẫn đến nhất thiết chủng trí. Những pháp không này cũng không. Đại Bồ Tát thật hành những pháp không như vậy hay vào trong bậc Bồ Tát.
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là bực Đại Bồ Tát?
Thế nào là chẳng phải bực?
Này Tu Bồ Đề! Tất cả sở hữu đắc là chẳng phải bực Bồ Tát. Tất cả vô sở đắc là bực Bồ Tát.
Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là hữu sở đắc?
Những gì là vô sở đắc?
Này Tu Bồ Đề! Sắc là hữu sở đắc, thọ, tưởng, hành, thức là hữu sở đắc. Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý là hữu sở đắc, nhẫn đến nhất thiết chủng trí là hữu sở đắc. Đây là chẳng phải bực Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Bực Bồ Tát là các pháp ấy chẳng chỉ bày được, chẳng nói phô được.
Các pháp nào chẳng chỉ bày được?
Đó là sắc nhẫn đến nhất thiết chủng trí.
Tại sao?
Này Tu Bồ Đề! Sắc tánh là chẳng chỉ được, chẳng nói được, nhẫn đến nhất thiết chủng trí tánh là chẳng chỉ được, chẳng nói được. Như thế gọi là Bồ Tát.
Bồ Tát vào trong bậc Bồ Tát rồi, tất cả Thiền Định tam muội đầy đủ còn chẳng theo sức của thiền định để sanh, huống là an trụ trong tham, sân, si, để sanh khởi những tội nghiệp ư?
Bồ Tát an trụ trong pháp như huyễn lợi ích cho chúng sanh, nhưng cũng chẳng thấy có chúng sanh, cũng chẳng thấy có huyễn. Nếu tất cả không thấy có được thì hay thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật Độ.
Này Tu Bồ Đề! Như thế gọi là Bồ Tát đầy đủ Thiền Ba la mật vô tướng hay chuyển pháp luân, đó là pháp luân không có được.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật biết tất cả pháp như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa.
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát biết tất cả pháp như mộng, như hưởng, như ảnh như diệm, như huyễn, như hóa?
Này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng thấy mộng, chẳng thấy người thấy mộng, chẳng thấy hưởng, chẳng thấy người nghe hưởng, chẳng thấy ảnh, chẳng thấy người thấy ảnh, chẳng thấy diệm, chẳng thấy người thấy diệm, chẳng thấy huyễn, chẳng thấy hóa, chẳng thấy người thấy hóa.
Tại sao?
Vì những mộng, hưởng, ảnh, diệm, huyễn và hóa ấy là pháp điển đảo của kẻ phàm, người ngu vậy. A La Hán chẳng thấy mộng, chẳng thấy người thấy mộng, nhẫn đến chẳng thấy hóa, chẳng thấy người thấy hóa.
Bích Chi Phật, Đại Bồ Tát và Chư Phật đều cũng chẳng thấy mộng, chẳng thấy người thấy mộng, nhẫn đến chẳng thấy hóa, chẳng thấy người thấy hóa.
Tại sao?
Vì tất cả pháp không có tánh sở hữu, chẳng sanh, chẳng định. Nếu là pháp không có tánh sở hữu, chẳng sanh, chẳng định thì thế nào Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật lại ở trong ấy nắm lấy tướng sanh, tướng định, việc ấy chẳng phải vậy.
Thật vậy, này Tu Bồ Đề! Hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát chẳng trước chấp nơi sắc nhẫn đến chẳng trước chấp nơi thức, chẳng trước chấp dục, sắc, vô sắc ba cõi, chẳng trước chấp các thiền, các giải thoát tam muội, chẳng trước chấp tứ niệm xứ nhẫn đến bát Thánh đạo, chẳng chấp trước Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội, chẳng chấp trước Đàn Na Ba la mật nhẫn đến bát nhã Ba la mật.
Do vì chẳng chấp trước nên hay đầy đủ Bồ Tát Sơ Địa. Trong Sơ Địa cũng chẳng trước chấp.
Tại sao?
Vì Bồ Tát này còn chẳng thấy có được địa ấy, huống là sanh lòng trước chấp! Nhẫn đến Thập Địa cũng vậy. Đại Bồ Tát này hành bát nhã Ba la mật cũng chẳng thấy có được bát nhã Ba la mật. Nếu lúc hành bát nhã Ba la mật chẳng thấy có được bát nhã Ba la mật, thì lúc ấy thấy tất cả pháp đều vào trong bát nhã Ba la mật, cũng chẳng thấy có được các pháp ấy. Vì các pháp ấy cùng bát nhã Ba la mật không hai, không khác.
Tại sao?
Vì các pháp vào trong như, pháp tánh, thiệt tế nên là vô phân biệt.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp vô tướng, vô phân việt sao lại nói là thiện, là bất thiện, là hữu lậu, là vô lậu, là thế gian, là xuất thế gian, là hữu vi là vô vi?
Này Tu Bồ Đề! Theo ý ông thế nào?
Trong thiệt tướng của các pháp, có pháp nào nói được là thiện, là bất thiện, nhẫn đến hữu vi, vô vi chăng?
Có pháp nào nói được là quả Tu Đà Hoàn, nhẫn đến A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, vô thượng bồ đề chăng?
Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng nói được.
Này Tu Bồ Đề! Vì nhân duyên như vậy nên phải biết tất cả pháp vô tướng, vô phân biệt, không sanh, không định, chẳng chỉ bày, nói phô được.
Này Tu Bồ Đề! Ngày trước lúc ta hành Bồ Tát Đạo, cũng không có pháp nào có tánh được hoặc là sắc, hoặc là thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến hoặc là hữu vi hoặc là vô vi, hoặc là quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến vô thượng bồ đề.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật từ lúc mới phát tâm đến lúc thành vô thượng bồ đề phải khéo học các pháp tánh. Vì khoa học các pháp tánh nên gọi là đạo vô thượng bồ đề.
Hành đạo ấy hay đầy đủ sáu Ba la mật, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật Độ. An trụ trong pháp ấy được vô thượng bồ đề, dùng pháp tam thừa độ thoát chúng sanh, cũng chẳng chấp trước pháp tam thừa.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát dùng pháp vô tướng phải học bát nhã Ba la mật như vậy.
***