Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật

PHẬT THUYẾT

KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM BỐN MƯƠI SÁU

PHẨM MA SỰ
 

Lúc bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật đã ngợi khen, đã nói công đức của các thiện nam, thiện nữ phát tâm vô thượng bồ đề thật hành sáu Ba la mật, thành tựu chúng sanh, tịnh Phật Quốc Độ.

Bạch Đức Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ cầu Phật Đạo sanh ra những lưu nạn như thế nào?

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Lạc thuyết biện tài chẳng liền phát sanh, phải biết đây là ma sự của Bồ Tát.

Tại sao vậy?

Vì có Đại Bồ Tát lúc thật hành bát nhã Ba la mật khó đầy đủ sáu Ba la mật. Thế nên lạc thuyết biện tài chẳng liền phát sanh là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lạc thuyết biện tài vụt khỏi cũng là ma sự của Bồ Tát.

Tại sao vậy?

Vì Đại Bồ Tát thật hành sáu Ba la mật ham thích thuyết pháp. Thế nên lạc thuyết biện tài vụt khỏi cùng ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc biên chép Kinh Bát Nhã Ba La Mật mà khinh lờn ngạo mạn, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc biên chép Kinh này mà cười cười đùa loạn tâm, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc biên chép Kinh này mà khinh cười, chẳng cung kính, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc biên chép Kinh này nếu tâm loạn bất định, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc biên chép Kinh này nếu các người chẳng hòa hiệp, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ nào nghĩ rằng tôi không được tự vị trong Kinh rồi bèn bỏ đi, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì, đọc tụng, giảng nói, chánh ức niệm khinh lờn ngạo mạn, đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì Kinh này, lúc gần gũi, chánh ức niệm nếu cùng nhau ra dấu cười cợt, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì nhẫn đến tu hành Kinh này nếu khinh miệt lẫn nhau, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì nhẫn đến chánh ức niệm Kinh này nếu tâm tán loạn, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì nhẫn đến chánh ức niệm bát nhã Ba la mật mà tâm chẳng hòa hiệp, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật phán dạy rằng thiện nam, thiện nữ tự nghĩ tôi không được tư vị trong Kinh rồi bèn bỏ đi.

Bạch Đức Thế Tôn! Do cớ gì Bồ Tát chẳng được tư vị trong Kinh nói rồi bèn bỏ đi?

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Bồ Tát này đời trước chẳng dày công thật hành sáu Ba la mật, nên nghe nói bát nhã Ba la mật này liền nghĩ rằng tôi chẳng ghi nhận bát nhã Ba la mật, tôi chẳng thanh tịnh, bèn đứng dạy bỏ đi.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Cớ sao chẳng thọ ký cho người nghe bát nhã Ba la mật đứng dậy bỏ đi?

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Nếu Bồ Tát chưa vào trong pháp vị thì Chư Phật chẳng thọ ký vô thượng bồ đề.

Lại này Tu Bồ Đề! Nếu lúc nghe nói bát nhã Ba la mật mà nghĩ rằng trong đây không có nói đến danh tự của tôi, do đó mà tâm chẳng thanh tịnh, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Cớ sao trong bát nhã Ba la mật sâu xa này chẳng nói danh tự của Bồ Tát ấy?

Đức Phật nói: Chư Phật chẳng nói danh tự của Bồ Tát chưa được thọ ký.

Lại này Tu Bồ Đề! Lúc nghe bát nhã Ba la mật mà nghĩ rằng trong đây không nói đến tên xứ sở của tôi sanh, người này không muốn nghe bèn đứng dậy rời Pháp Hội bỏ đi.

Lúc người này đứng dậy, cứ mỗi niệm phải một kiếp tinh tấn cầu vô thượng bồ đề trở lại.

Lại Này Tu Bồ Đề! Bỏ bát nhã Ba la mật mà học các Kinh khác, Bồ Tát này trọn không thể đến nhất thiết chủng trí, đây là bỏ gốc mà níu nhánh lá, phải biết đó là sự của Bồ Tát.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Những Kinh gì mà thiện nam, thiện nữ học theo trọn chẳng đến được nhất thiết chủng trí?

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Đó là những Kinh hàng Thanh Văn thật hành. Như là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đo, không, vô tướng, vô tác, giải thoát môn.

Các thiện nam, thiện nữ an trụ trong pháp trên đây được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, đây là chỗ của hàng Thanh Văn đi, không thể đến được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Trong bát nhã Ba la mật xuất sanh Chư Phật Bồ Tát thành tựu pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Lúc học bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát cũng học pháp thế gian và pháp xuất thế gian.

Này Tu Bồ Đề! Ví như con chó chẳng theo chủ nhà để đòi ăn mà theo gã cần vụ. Cũng vậy, đời sau có thiện nam, thiện nữ bỏ bát nhã Ba la mật sâu xa cội gốc, trở lại nắm lấy Kinh Pháp sở hành của Thanh Văn, Bích Chi Phật nhánh lá, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Như có người muốn thấy voi, được thấy voi rồi trở lại nhìn dấu chân voi.

Theo ý người, kẻ đó có không chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Người ấy chẳng khôn.

Cũng vậy, Này Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ cầu Phật Đạo được bát nhã Ba la mật sâu xa lại bỏ đi cầu lấy Kinh Pháp sở hành của Thanh Văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Như có người muốn thấy biển lớn trở lại tìm nước đọng ở dấu chân trâu mà nghĩ rằng nước biển lớn có bằng nước dấu chân trâu chăng?

Ý ngươi thế nào, người ấy có khôn chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Người ấy chẳng khôn.

Cũng cậy, Này Tu Bồ Đề! Đời sâu có thiện nam, thiện nữ cầu Phật Đạo được bát nhã Ba la mật sâu xa lại bỏ đi cầu lấy Kinh Pháp sở hành của Thanh Văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Như thợ vẽ nghĩ muốn vẽ thắng điện của Thiên Đế mà trở lại vẽ cung điện nhật nguyệt.

Ý ngươi thế nào, thợ vẽ này có khôn chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Thợ vẽ này chẳng khôn.

Này Tu Bồ Đề! Cũng vậy, đời sau có thiện nam, thiện nữ phước đức mỏng cầu Phật Đạo được bát nhã Ba la mật sâu xa này lại bỏ đi cầu các kinh hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Như có người muốn lấy Chuyển Luân Thánh Vương, được gặp mà chẳng biết, về sau thấy các tiểu Quốc Vương cho rằng không khác Chuyển Luân Thánh Vương.

Ý ngươi thế nào, người này có khôn chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Người này chẳng khôn.

Này Tu Bồ Đề! Cũng vậy, đời sau có thiện nam, thiện nữ phước đức mỏng cầu Phật Đạo được bát nhã Ba la mật sâu xa này lại bỏ đi cầu các Kinh sở hành của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại này Tu Bồ Đề! Như có người đang đói, bỏ cơm sốt ngon đi ăn cơm thiu lâu ngày.

Ý ngươi thế nào, người đó này có khôn chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! người đó này chẳng khôn.

Cũng vậy, này Tu Bồ Đề! Đời sau có thiện nam, thiện nữ cầu Phật Đạo được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa này lại bỏ đi lấy các Kinh sở hành của Thanh Văn, Bích Chi Phật để cầu được nhất thiết chủng trí, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại Này Tu Bồ Đề! Như có người được châu ma ni vô giá lại đem sánh với châu thủy tinh.

Ý ngươi thế nào, người này có khôn chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Người này chẳng khôn.

Cũng vậy, này Tu Bồ Đề! Đời sau có thiện nam, thiện nữ cầu Phật Đạo được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa này lại bỏ đi lấy các Kinh sở hành của Thanh Văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại Này Tu Bồ Đề! Các thiện nam, thiện nữ ấy lúc biên chép bát nhã Ba la mật này ưa nói những sự chẳng đúng pháp, biên chép bát nhã Ba la mật sâu xa này chẳng thành.

Những gì là ưa nói những sự chẳng đúng pháp?

Đó là ưa sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ưa nói trì giới, các Thiền, các Định. Ưa nói sáu Ba la mật. Ưa nói tứ niệm xứ nhẫn đến vô thượng bồ đề.

Tại sao vậy?

Này Tu Bồ Đề! Trong bát nhã Ba la mật này không có tướng ưa nói.

Này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật là tướng bất khả tư nghì, là tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh bất loạn, bất tán. Bát nhã Ba la mật là tướng không nói, không dạy, không lời, không nghĩa. Bát nhã Ba la mật là tướng vô sở đắc.

Tại sao vậy?

Vì trong bát nhã Ba la mật không tất cả các pháp ấy.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam cầu Phật Đạo, lúc biên chép Kinh Bát Nhã Ba La Mật này mà tâm tán loạn duyên theo các pháp ấy, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật này biên chép được chăng?

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Biên chép không được.

Tại sao vậy?

Vì bát nhã Ba la mật tự tánh không. Vì Thiền Na Ba la mật nhẫn đến nhất thiết chủng trí tự tánh không. Tự tánh đã không thì chẳng gọi là pháp. Không pháp chẳng thể biên chép được không pháp.

Này Tu Bồ Đề! Nếu thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát Đạo nghĩ rằng không pháp là bát nhã Ba la mật sâu xa, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ cầu đạo Bồ Đề, dùng văn tự để biên chép bát nhã Ba la mật, tự nghĩ rằng mình biên chép bát nhã Ba la mật, dùng chữ đặt bát nhã Ba la mật, phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.

Tại sao vậy?

Bạch Đức Thế Tôn! Vì bát nhã Ba la mật không có văn Thiền Na Ba la mật nhẫn đến Thiền Na Ba la mật không có văn tự, sắc thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhất thiết chủng trí không có văn tự.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chấp không văn tự là bát nhã Ba la mật nhẫn đến chấp không văn tự là nhất thiết chủng trí, cũng là ma sự của Bồ Tát.

Như biên chép, đọc tụng, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành đúng như lời đúng như vậy.

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Thiện nam, thiện nữ cầu Phật Đạo, lúc biên chép bát nhã Ba la mật mà tưởng nhớ Quốc Độ, thành ấp, phương hướng, nghe hủy báng thầy mình mà nghĩ đến hoặc nghĩ đến cha mẹ, anh em, chị em, bà con, nghĩ đến kẻ giặc cướp, nam nữ.

Nghĩ đến những sự khác như vậy sẽ bị ác ma xúi nghĩ nhớ thêm, phá hư công việc biên chép bát nhã Ba la mật, phá hư công việc đọc tụng, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành bát nhã Ba la mật. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại Này Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ cầu Phật Đạo, lúc biên chép nhẫn đến lúc tu hành bát nhã Ba la mật, ác ma tìm phương tiện đem những Kinh sâu xa khác đến tặng cho.

Người có sức phương tiện chẳng nên ham muốn những Kinh sâu xa khác của ác ma đem đến vì những Kinh ấy không đưa người đến nhất thiết chủng trí.

Kẻ không đủ sức phương tiện, nghe nói những Kinh sâu xa khác bèn bỏ bát nhã Ba la mật sâu xa này. Trong bát nhã Ba la mật sâu xa này, Đức Phật đã giảng dạy nhiều phương tiện của Đạo Bồ Tát. Chư Đại Bồ Tát nên tìm ở trong đây.

Nếu thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát Đạo mà bỏ bát nhã Ba la mật sâu xa này, đi cầu phương tiện nơi những Kinh sâu xa của Thanh Văn, Bích Chi Phật, phải biết cũng là ma sự của Bồ Tát.

***