Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM CHÍN
PHẨM TẬP TÁN THỨ CHÍN
Ngài Tu Bồ Đề bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Con chẳng cảm thấy cũng chẳng được gì là Bồ Tát thật hành bát nhã Ba la mật thời sẽ vì ai mà giảng thuyết bát nhã Ba la mật?
Bạch Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy được tất cả các pháp tập hợp rời tan, nếu con vì Bồ Tát mà gọi tên là Bồ Tát có thể con sẽ hối hận.
Bạch Đức Thế Tôn! Tên gọi ấy chẳng an trụ cũng chẳng phải chẳng an trụ.
Tại sao vậy?
Vì tên gọi vốn vô sở hữu. Vì thế tên gọi ấy chẳng trụ cũng chẳng phải chẳng trụ.
Bạch Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy được sắc nhẫn đến thức, nhãn nhẫn đến ý, sắc nhẫn đến pháp, nhãn thức nhẫn đến ý thức, nhãn xúc nhẫn đến ý xúc, nhân duyên, sanh thọ, con cũng chẳng thấy được vô minh nhẫn đến lão tử hợp tan, vô minh diệt nhẫn đến lão tử hợp tan, vô minh diệt nhẫn đến lão tử diệt hợp tan. Nếu đã là chẳng thấy được thời thế nào lại đặt tên. Thế nên tên gọi chẳng trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ.
Tại sao vậy?
Vì tên gọi vô sở hữu vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy được tham, sân, si các phiền não, kiết sử hợp tan, chẳng thấy được sáu Ba la mật đến mười tám pháp bất cộng tập hợp rời tan, thời thế nào sẽ đặt tên gọi là Bồ Tát. Tên gọi này chẳng an trụ chẳng phải chẳng an trụ.
Tại sao vậy?
Vì tên gọi vô sở hữu vậy.
Bạch Đức Thế Tôn!
Con chẳng thấy được ngũ ấm hợp tan như mộng, như bóng, như vang, như dương diệm, như biến hóa.
Con chẳng được rời hợp tan, cùng tịch diệt, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh hợp tan.
Con chẳng được pháp tánh, thiệt tế, pháp tướng, pháp vị hợp tan.
Con chẳng được những pháp thiện, pháp bất thiện hợp tan.
Con chẳng được những pháp hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu hợp tan.
Con chẳng được những pháp quá khứ, vị lai, hiện tại hợp tan.
Con chẳng được những pháp chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại hợp tan.
Những gì là pháp chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại?
Chính là pháp vô vi vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy được pháp vô vi hợp tan. Chẳng thấy được Phật hợp tan, cũng chẳng thấy được hằng sa Phật Quốc, Chư Phật và Bồ Tát cùng Thanh Văn, Bích Chi Phật hợp tan. Vì đều vô sở hữu nên chẳng trụ, chẳng phải chẳng trụ. Như thế thời thế nào sẽ có thể giáo Bồ Tát về bát nhã Ba la mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Danh tự Bồ Tát đây chẳng an trụ, cũng chẳng phải chẳng an trụ.
Tại sao vậy?
Vì danh tự này vô sở hữu vậy, thế nên chẳng trụ, cũng chẳng phải chẳng an trụ.
Bạch Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy được Chư Pháp thiệt tướng hợp tan thời thế nào đặt tên cho Bồ Tát mà gọi là Bồ Tát. Danh tự thiệt tướng của các pháp chẳng trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ. Vì danh tự này vô sở hữu.
Thế nên danh tự chẳng trụ, cũng chẳng phải chẳng an trụ.
Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp do nhân duyên hòa hiệp mà có giả danh thi thiết. Danh tự Bồ Tát trong ngũ ấm, thập nhị xứ, thập bát giới nhẫn đến trong mười tám pháp bất cộng đều bất khả thuyết, ở trong pháp hòa hiệp cũng là bất khả thuyết.
Ví như mộng, ảnh, hưởng, diệm, hóa trong các pháp, đều bất khả thuyết. Ví như danh tự hư không, địa, thủy, hỏa, phong cũng chỉ có thể nói trong không có pháp.
Danh tự của giới, tam muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, danh tự của Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật cũng chỉ có thể nói trong không có pháp.
Danh tự của Phật, của pháp cũng chỉ có thể nói trong không có pháp. Những pháp là thiện, bất thiện, thường vô thường, khổ, lạc, ngã vô ngã, tịch diệt, ly, hữu, vô.
Bạch Đức Thế Tôn! Vì thế nên lòng con sẽ hối hận nếu con đạt danh tự Bồ Tát mà gọi là Bồ Tát, vì tướng hợp tan của tất cả pháp đều bất khả đắc.
Danh tự ấy chẳng trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ, vì là vô sở hữu vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát nghe nói tướng và nghĩa của bát nhã Ba la mật như vậy mà tâm chẳng trầm một, chẳng hối tiếc, chẳng kinh, chẳng sợ, thời phải biết Bồ Tát này quyết định an trụ trong tánh bất thối chuyển, vì chẳng an trụ nơi các pháp vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát muốn thật hành bát nhã Ba la mật, chẳng nên an trụ trong ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, chẳng nên an trụ trong sáu đại chủng, thập nhị nhân duyên.
Tại sao vậy?
Vì sắc và sắc tướng là không nhẫn đến lão tử và tướng lão tử là không. Sắc không nhẫn đến lão tử không chẳng gọi là sắc nhẫn đến chẳng gọi là lão tử. Rời ngoài không cũng không có sắc, nhẫn đến rời ngoài không cũng không có lão tử. Sắc tức là không, không tức là sắc. Nhẫn đến lão tử tức là không, không tức là lão tử.
Vì lẽ trên đây nên lúc muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong sắc, nhẫn đến chẳng nên an trụ trong lão tử.
Chẳng nên an trụ trong tứ niệm xứ nhẫn đến chẳng nên an trụ trong mười tám pháp bất cộng.
Tại sao vậy?
Vì tứ niệm xứ và tướng của tứ niệm xứ là không.
Tứ niệm xứ không chẳng gọi là tứ niệm xứ, rời ngoài không cũng không có tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ tức là không, không tức là tứ niệm xứ. Nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng như vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Lúc muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng nên ai trụ trong sáu Ba la mật.
Tại sao vậy?
Vì sáu Ba la mật và tướng của sáu Ba la mật là không. Sáu Ba la mật không chẳng gọi là sáu Ba la mật. Rời ngoài không cũng chẳng có sáu Ba la mật. Sáu Ba la mật tức là không, không tức là sáu Ba la mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Lúc muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong nhất tự môn, nhị tự môn nhẫn đến vô lượng tự môn. Vì ý nghĩa cũng như trên đã nói.
Bạch Đức Thế Tôn! Lúc muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong các môn thần thông. Vì ý nghĩa cũng như trên đã nói.
Bạch Đức Thế Tôn! Lúc muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong sắc là vô thường, sắc là khổ, sắc là vô ngã, sắc là không, sắc là tịch diệt, là ly.
Tại sao vậy?
Vì vô thường và tướng vô thường là không. Vô thường không chẳng gọi là vô thường, rời ngoài không cũng chẳng có vô thường. Vô thường tức là không, không tức là vô thường.
Khổ, vô ngã không tịch diệt và ly cũng như vậy. Nhẫn đến thọ, tưởng, hành, thức là ly, Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ cũng như vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Lúc muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong như như.
Tại sao vậy?
Vì như tướng là không nên chẳng gọi như như, rời ngoài không cũng chẳng có như như. Như tức là không, không tức là như.
Bạch Đức Thế Tôn! Muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thiệt tế.
Tại sao vậy?
Vì thiệt tế và thiệt tế tướng là không. Thiệt tế không chẳng gọi là thiệt tế, rời ngoài không cũng chẳng có thiệt tế. Thiệt tế tức là không, không tức là thiệt tế.
Bạch Đức Thế Tôn! Muốn thật hành bát nhã Ba la mật, đại bát nhã Ba la mật chẳng nên an trụ trong tất cả môn Đà La Li, môn tam muội.
Tại sao vậy?
Vì tướng của Đà La Ni và tam muội là không. Đã là không thời chẳng gọi là môn Đà La Ni Môn tam muội. Rời ngoài không cũng chẳng có môn Đà La Ni, môn tam muội. Môn Đà La Ni và môn tam muội tức là không, không tức là môn Đà La Ni và môn tam muội.
Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát muốn thật hành bát nhã Ba la mật, vì không phương tiện nên an trụ trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vì có tâm chấp ngã nên Bồ Tát này sanh khởi sắc hành.
Nếu đã sanh khởi hành thời chẳng nhẫn thọ bát nhã Ba la mật và cũng chẳng đầy đủ bát nhã Ba la mật. Vì chẳng đầy đủ bát nhã Ba la mật nên chẳng thành tựu được nhất thiết chủng trí.
Như Ngũ Uẩn, thập nhị xứ đến tam muội môn cũng như vậy. Do tâm ngộ ngã mà Bồ Tát sanh khởi tam muội môn hành. Vì có hành nên chẳng nhẫn thọ và chẳng đầy đủ bát nhã Ba la mật, do đây nên chẳng thành tựu được nhất thiết chủng trí.
Tại sao vậy?
Vì sắc đến tam muội môn vốn chẳng thọ nhận. Vì chẳng thọ nhận nên sắc chẳng phải sắc, đến tam muội môn, chẳng phải tam muội môn, vì là tánh không.
Bát Nhã Ba la mật cũng chẳng thọ nhận, thế nên chẳng phải bát nhã Ba la mật, vì là tánh không. Vì thế nên muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát phải quán các pháp tánh không, quán tâm không hành xứ. Đây gọi là Bồ Tát chẳng thọ nhận, công dụng tam muội quảng đại này chẳng cùng chung với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Nhất Thiết chủng trí đây cũng chẳng thọ nhận, vì là nội không, vì là ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, Chư Pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không.
Tại sao vậy?
Vì nhất thiết chủng trí chẳng thể dùng tướng và hành mà có thể được tướng hành. Vì tướng hành là cấu tướng.
Những gì là cấu tướng?
Sắc tướng đến tam muội môn tướng gọi là tướng cấu uế. Nếu nhẫn thọ, nếu tu hành cấu tướng này mà có thể được nhất thiết chủng trí thời phạm chí Tiên Ni tất chẳng phát tín tâm.
Tin thế nào?
Tin bát nhã Ba la mật. Suy gẫm phân biệt rõ biết chẳng do pháp hữu tướng, chẳng do pháp vô tướng. Như thế, Phạm Chí Tiên Ni chẳng chấp lấy tướng mà an trụ. Trong tín hành, Phạm Chí Tiên Ni dùng tín không trí nhập trong pháp tướng, chẳng nhẫn thọ sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vì các pháp vốn tự tướng không nên chẳng thể nhẫn thọ.
Phạm Chí Tiên Ni này do chẳng phải nội quán, ngoại quán và nội ngoại quán mà được trí tuệ này. Cũng do chẳng phải là không trí huệ quán nên được trí huệ này.
Tại sao vậy?
Phạm Chí này chẳng thấy có pháp, vì người trí biết pháp, biết xứ vậy. Chẳng phải ở trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng phải ở ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà phạm chí này được trí, cũng chẳng ở trong nội ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà được trí huệ này, cũng chẳng phải rời ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà được trí tuệ này, vì nội ngoại không vậy.
Ở trong đây Phạm Chí Tiên Ni tâm được tín giải nơi nhất thiết trí. Thế nên phạm chí tin thiệt tướng của các pháp, vì tất cả các pháp bất khả đắc. Tín giải như vậy rồi thời không có pháp để có thể nhẫn thọ, vì các pháp không tướng, không ức niệm.
Nơi các pháp, phạm?
Chí Tiên Ni cũng vô sở đắc, không thủ, không xả, vì thủ xả đều bất khả đắc vậy. Phạm Chí Tiên Ni cũng chẳng niệm trí huệ, vì các pháp tướng vôn vô niệm vậy. Đây gọi là bát nhã Ba la mật của Đại Bồ Tát vì bát nhã Ba la mật chẳng phải bát nhã Ba la mật vậy.
Đại Bồ Tát chẳng nhẫn thọ sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vì tất cả các pháp chẳng nhẫn thọ vậy. Nhẫn đến chẳng thọ tam muội môn, vì tất cả pháp chẳng thọ vậy.
Ở trong đây, Bồ Tát này cũng chẳng lấy Niết Bàn niệm xứ, vì chưa đầy đủ tứ niệm xứ nhẫn đến chưa đầy đủ mười tám pháp bất cộng.
Tứ niệm xứ này chẳng phải tứ niệm xứ, nhẫn đến mười tám pháp bất cộng chẳng phải pháp bất cộng. Những pháp này chẳng phải pháp, cũng không chẳng phải pháp. Đây gọi là bát nhã Ba la mật của Đại Bồ Tát chẳng thọ sắc, nhẫn đến chẳng thọ pháp bất cộng.
Bạch Đức Thế Tôn! Muốn thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát phải tư duy như vậy:
Gì là bát nhã Ba la mật?
Tại sao gọi là bát nhã Ba la mật?
Bát Nhã Ba la mật của ai?
Nếu thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát nên nghĩ nhớ rằng nếu các pháp vô sở hữu bất khả đắc thời là bát nhã Ba la mật.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Những pháp gì vô sở hữu bất khả đắc?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Bát Nhã Ba la mật là pháp vô sở hữu bất khả đắc, Thiền Na, Tỳ Lê Gia, Sằn Đề, Thi La, Đàn Na Ba la mật là pháp vô sở hữu bất khả đắc.
Tại sao vậy?
Vì là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không vậy.
Này Xá Lợi Phất! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô sở hữu bất khả đắc, nhẫn đến vô pháp hữu pháp không là pháp vô sở hữu bất khả đắc. Tứ niệm xứ đến bất cộng pháp là pháp vô sở hữu bất khả đắc. Các môn thần thông cùng như như pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, pháp trụ và thiệt tế đều là pháp vô sở hữu bất khả đắc.
Này Xá Lợi Phất! Phật cùng nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí là pháp vô sở hữu bất khả đắc. Vì là nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không vậy.
Này Xá Lợi Phất! Nếu lúc tư duy như vậy, quán sát như vậy, Đại Bồ Tát tâm chẳng trầm một, chẳng hối tiếc, chẳng khinh, chẳng sợ, phải biết Đại Bồ Tát này chẳng rời hạnh bát nhã Ba la mật.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Do nhân duyên gì mà biết Bồ Tát chẳng rời hạnh bát nhã Ba la mật?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Sắc rời sắc tánh, nhẫn đến thức rời thức tánh. Sáu Ba la mật rời sáu Ba la mật tánh, nhẫn đến thiệt tế rời thiệt tế tánh.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Thế nào là sắc tánh đến thiệt tế tánh?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Vô sở hữu là sắc tánh, nhẫn đến vô sở hữu là thiệt tế tánh. Vì duyên cớ này nên biết rằng sắc rời sắc tánh nhẫn đến thiệt tế rời thiệt tế tánh.
Này Ngài Xá Lợi Phất! Sắc cũng rời sắc tướng, nhẫn đến thiệt tế cũng rời thiệt tế tướng. Tướng cũng rời tướng, tánh cũng rời tánh.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Nếu học như vậy, Đại Bồ Tát được nhất thiết chủng trí chăng?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Đúng như vậy! Nếu Đại Bồ Tát học như vậy thời thành tựu nhất thiết chủng trí.
Tại sao vậy?
Vì các pháp chẳng sanh khởi, chẳng thành tựu vậy.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Duyên cớ gì các pháp chẳng sanh, chẳng thành?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Vì sắc tức là sắc không, nhẫn đến vì thiệt tế là thiệt tế không nên sắc sanh thành bất khả đắc, nhẫn đến thiệt tế sanh thành bất khả đắc.
Này Ngài Xá Lợi Phất! Học như vậy, Đại Bồ Tát lần lần gần nhất thiết chủng trí, lần lần được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh và tướng thanh tịnh. Vì được thân và tâm cùng tướng thanh tịnh nên Đại Bồ Tát này chẳng phát sanh những tâm phiền não, tham, sân, si, mạn, xan tà kiến.
Vì chẳng phát sanh tâm phiền não nên Bồ Tát này chẳng sanh từ bụng người mẹ mà thường hóa sanh từ một Phật Quốc đến một Phật Quốc để thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật Độ, mãi đến khi thành vô thượng bồ đề trọn chẳng lúc nào rời Chư Phật.
Đại Bồ Tát phải học và hành bát nhã Ba la mật như vậy.
***