Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MƯỜI BA
PHẨM KIM CANG
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn!
Do cớ gì mà Bồ Tát được gọi là Đại Bồ Tát?
Đức Phật nói: Này Tu Bồ Đề! Ở trong quyết định chúng, Bồ Tát này là bậc thượng thủ nên gọi là Đại Bồ Tát.
Đây là quyết định chúng: Tánh địa nhân, bát nhân, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, sơ phát tâm Bồ Tát nhẫn đến bất thối chuyển địa Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phát đại tâm chẳng hư hoại như Kim Cang, thời sẽ là bậc thượng thủ trong quyết định chúng.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát phát tâm thế nào mà gọi là phát đại tâm như Kim Cang chẳng hư hoại?
Đức Phật nói: Này Tu Bồ Đề!
Đại Bồ Tát phát sanh tâm như vậy: Ở trong vô lượng đời sanh tử, tôi sẽ đại thệ trang nghiêm, tôi sẽ bỏ tất cả sở hữu, tôi sẽ đối với tất cả chúng sanh bằng tâm bình đẳng, tôi sẽ phải đem tam thừa độ thoát tất cả chúng sanh, làm cho họ nhập Vô Dư Niết Bàn, tôi độ tất cả chúng sanh xong rồi nhẫn đến không có một người nhập Niết Bàn.
Tôi sẽ phải hiểu rõ tướng bất sanh của tất cả pháp, tôi sẽ thuần dùng tâm nhất thiết chủng trí để thật hành sáu Ba la mật, tôi sẽ phải học trí huệ tỏ thấu tất cả pháp, tôi sẽ phải tỏ thấu chư pháp nhất tướng trí môn, tôi sẽ phải tỏ thấu nhẫn đến chư pháp vô lượng tướng trí môn.
Đây gọi là Đại Bồ Tát phát sanh đại tâm chẳng hư hoại như Kim Cang. An trụ trong đại tâm này, Đại Bồ Tát là bậc thượng thủ trong quyết định chúng. Vì pháp dụng đây vô sở đắc vậy.
Lại này Tu Bồ Đề!
Đại Bồ Tát phát tâm như vậy: Tôi sẽ thay thế cho tất cả chúng sanh trong mười phương mà chịu những sự đau khổ, hoặc chúng sanh địa ngục, hoặc chúng sanh các loài súc sanh hoặc chúng sanh ngạ quỷ.
Nhẫn đến thay thế chịu khổ nhọc cho mỗi một chúng sanh trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp đến khi nào chúng sanh ấy đã được nhập Vô Dư Niết Bàn, sau đó tôi tự vun trồng thiện căn trong vô lượng trăm ngàn ức vô số kiếp sẽ được vô thượng bồ đề.
Đây là đại tâm như Kim Cang chẳng hư hoại. An trụ trong đại tâm này, Đại Bồ Tát là bậc thượng thủ trong quyết định chúng.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lại phát sanh đại khoái tâm. Từ lúc sơ phát tâm nhẫn đến khi thành vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát chẳng sanh tâm tham nhiễm, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, cũng chẳng sanh tâm Thanh Văn, tâm Bích Chi Phật.
Đây là đại khoái tâm. An trụ trong đại khoái tâm này, Đại Bồ Tát là bậc thượng thủ trong quyết định chúng. Đại Bồ Tát cũng chẳng nghĩ nhớ có đại khoái tâm này.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lại phải phát sanh bất động tâm, chính là tâm thường nghĩ nhớ nhất thiết chủng trí, cũng chẳng nghĩ nhớ là mình có tâm bất động này.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lại phải phát sanh tâm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh, chính là cứu tế tất cả chúng sanh và chẳng rời bỏ tất cả chúng sanh, cũng chẳng nghĩ nhớ có tâm lợi ích an lạc này. Do đây nên Đại Bồ Tát thật hành bát nhã Ba la mật là bậc thượng thủ trong quyết định chúng.
Lại này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải phát sanh tâm dục pháp, hỉ pháp, lạc pháp.
Gì là pháp?
Chính là thiệt tướng của các pháp. Nơi pháp này mà tin chịu và lãnh thọ thời gọi là dục pháp và hỉ pháp. Còn thường tu hành pháp này thời gọi là lạc pháp.
Do đây nên Đại Bồ Tát thật hành bát nhã Ba la mật có thể làm bậc thượng thủ trong quyết định chúng. Vì pháp dụng đây vô sở đắc vậy.
Này Tu Bồ Đề! Lúc thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát an trụ nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không, thời có thể làm thượng thủ trong quyết định chúng. Vì pháp dụng đây vô sở đắc vậy.
Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát an trụ trong tứ niệm xứ nhẫn đến trong mười tám pháp bất cộng, thời có thể làm thượng thủ trong quyết định chúng. Vì pháp dụng đây vô sở đắc vậy.
Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thật hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát an trụ trong như Kim Cang tam muội nhẫn đến an trụ trong ly chấp trước như hư không bất nhiễm tam muội, thời là bậc thượng thủ trong quyết định chúng. Vì pháp dụng đây vô sở đắc vậy.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ trong các pháp như vậy thời có thể làm thượng thủ trong quyết định chúng. Do duyên cớ gì mà Bồ Tát được gọi là Đại Bồ Tát.
***