Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật

PHẬT THUYẾT

KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM NĂM MƯƠI BA

PHẨM XU HƯỚNG NHẤT THIẾT TRÍ
 

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hiểu bát nhã Ba la mật sâu xa này sẽ đến chỗ nào?

Đức Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hiểu bát nhã Ba la mật sâu xa này sẽ đến nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hay đến nhất thiết chủng trí này làm chỗ về đến cho tất cả chúng sanh, vì tu bát nhã Ba la mật vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Tu bát nhã Ba la mật là tu tất cả pháp.

Bạch Đức Thế Tôn! Không chỗ tu là tu bát nhã Ba la mật. Chẳng thọ tu, hư hoại tu là tu bát nhã Ba la mật.

Do pháp gì hư hoại mà bát nhã Ba la mật là hư hoại tu?

Bạch Đức Thế Tôn! Vì sắc hư hoại nên bát nhã Ba la mật là hư hoại tu.

Vì thọ, tưởng, hành, thức hư hoại, vì Thập nhị nhập, Thập bát giới hoại nên bát nhã Ba la mật là hoại tu.

Vì ngã nhẫn đến tri giả, kiến giả hoại nên bát nhã Ba la mật là hoại tu.

Vì Đàn Na Ba la mật hoại nhẫn đến bát nhã Ba la mật hoại nên bát nhã Ba la mật là hoại tu.

Vì nội không hoại nhẫn đến mười tám pháp bất cộng hoại nên bát nhã Ba la mật là hoại tu.

Vì Tứ Niệm Xứ hoại nhẫn đến nhất thiết chủng trí hoại nên bát nhã Ba la mật là hoại tu.

Đức Phật dạy: Đúng như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Vì sắc hoại nhẫn đến nhất thiết chủng trí hoại nên bát nhã Ba la mật là hoại tu.

Lại này Tu Bồ Đề! Trong bát nhã Ba la mật sâu xa này, bậc Bất Thối Đa Bồ Tát phải nghiệm biết. Nếu ở trong bát nhã Ba la mật sâu xa này mà chẳng trước chấp, phải biết đó là bậc Bất Thối Địa Bồ Tát.

Nếu trong Thiền Na Ba la mật nhẫn đến trong nhất thiết chủng trí mà chẳng trước chấp, phải biết đó là bậc Bất Thối Địa Bồ Tát.

Lúc hành thâm bát nhã Ba la mật, bậc Bất Thối Địa Bồ Tát chẳng lấy lời người khác làm khẩn yếu, cũng chẳng làm theo lời chỉ bảo của người khác. Bậc Bất Thối Địa Bồ Tát chẳng bị tâm dục, tâm sân, tâm si kéo dắt, chẳng bao giờ rời lìa Sáu Ba la mật.

Lúc nghe nói bát nhã Ba la mật sâu xa, bậc Bất Thối Địa Bồ Tát chẳng kinh sợ, chẳng ăn năn, nghi ngờ mà hoan hỉ ưa nghe, thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm và thật hành đúng như lời.

Này Tu Bồ Đề! Phải biết Bồ Tát này đời trước đã từng nghe sự việc trong bát nhã Ba la mật sâu xa này và đã thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm.

Tại sao vậy?

Vì Đại Bồ Tát này hiện tại có oai đức lớn, nghe bát nhã Ba la mật sâu xa mà lòng không kinh sợ, ăn năn, nghi ngờ, lại hoan hỉ ưa nghe, thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát nghe bát nhã Ba la mật sâu xa này mà không kinh sợ, lại ưa nghe nhẫn đến chánh ức niệm thì thật hành bát nhã Ba la mật này thế nào?

Đức Phật dạy: Tùy thuận tâm nhất thiết chủng trí, đây là chỗ phải thật hành bát nhã Ba la mật của đại Bồ Tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là tùy thuận tâm nhất thiết chủng trí mà Đại Bồ Tát thật hành bát nhã Ba la mật phải như vậy?

Này Tu Bồ Đề! Lấy không để tùy thuận, lấy vô tướng, vô tác để tùy thuận, lấy vô sở hữu, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh để tùy thuận, đó là Đại Bồ Tát thật hành bát nhã Ba la mật sâu xa. Lấy như mộng, như ảo, diệm. Hưởng, hóa để tùy thuận, đó là thật hành bát nhã Ba la mật.

Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật tuyên dạy lấy không nhẫn đến lấy như mộng, ảo để tùy thuận, người thật hành bát nhã Ba la mật phải như vậy.

Đại Bồ Tát này hành pháp gì?

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát chẳng hành nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến chẳng hành nơi nhất thiết chủng trí.

Tại sao vậy?

Vì chỗ hành của Bồ Tát này không pháp làm, không pháp hoại, không từ đâu đến cũng chẳng đến đâu, không chỗ trụ, không tính được, không lường được.

Nếu là không tính được, không lường được thì pháp ấy là chẳng thể được, chẳng thể dùng sắc để được nhẫn đến chẳng thể dùng nhất thiết chủng trí để được.

Tại sao vậy?

Vì sắc tức là bát nhã Ba la mật, bát nhã Ba la mật tức là sắc, nhẫn đến nhất thiết chủng trí tức là bát nhã Ba la mật, bát nhã Ba la mật tức là nhất thiết chủng trí. Nếu sắc tướng như nhẫn đến nhất thiết chủng trí tướng như thì đều là như duy nhất, không hai, không khác.

Sắc tướng như, bát nhã Ba la mật tướng như: Như duy nhất, không hai, không khác.

Nhẫn đến nhất thiết chủng trí tướng như, bát nhã Ba la mật tướng như: Như duy nhất, không hai, không khác.

***