Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM NĂM MƯƠI HAI
PHẨM THIỆN TRI THỨC
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Hàng tân học Bồ Tát phải học sáu Ba la mật như thế nào?
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Nếu muốn học sáu Ba la mật, hàng tân học Bồ Tát phải trước cúng dường gần gũi bậc thiện tri thức hay giảng nói bát nhã Ba la mật sâu xa này.
thiện tri thức ấy giảng dạy rằng: Này thiện nam tử! Có bao nhiêu bố thí đều hồi hướng bồ đề tất cả, có bao nhiêu trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ đều hồi hướng vô thượng bồ đề tất cả.
Ngươi chớ cho sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thượng bồ đề, chớ cho sáu Ba la mật là vô thượng bồ đề, chớ cho nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không là vô thượng bồ đề, chớ cho tứ niệm xứ đến bát chánh đạo là vô thượng bồ đề, chớ cho mười trí lực đến mười tám pháp bất cộng là vô thượng bồ đề.
Tại sao vậy?
Vì chẳng nắm lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì được vô thượng bồ đề, chẳng nắm lấy Sáu Ba la mật nhẫn đến chẳng nắm lấy mười tám pháp bất cộng thì được vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Lúc thật hành bát nhã Ba la mật sâu xa này chớ tham sắc, chớ tham thọ, tưởng, hành, thức, chớ tham sáu Ba la mật nhẫn đến chớ tham thiện tri thức trí. Vì sắc chẳng phải cái có thể tham được, nhẫn đến vì thiện tri thức trí chẳng phải có cái để tham được.
Này thiện nam tử! Chớ tham quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến chớ tham bực Bồ Tát, chớ tham vô thượng bồ đề.
Tại sao vậy?
Vì vô thượng bồ đề chẳng phải cái có thể được.
Tại sao vậy?
Vì pháp tánh không vậy.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Bồ Tát hay làm việc khó: Ở trong pháp tánh không mà cầu vô thượng bồ đề, mà muốn được vô thượng bồ đề.
Đức Phật dạy: Đúng như vậy.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hay làm được việc khó: Ở trong pháp tánh không mà cầu vô thượng bồ đề, mà muốn được vô thượng bồ đề.
Này Tu Bồ Đề! Vì muốn an ổn thế gian nên Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề, vì muốn an lạc thế gian, cứu thế gian, làm chỗ về cho thế gian, làm chỗ ý cứ cho thế gian, làm cồn đảo cho thế gian, làm nhà dìu dắt thế gian, làm con đường rốt ráo cho thế gian, làm chỗ đến cho thế gian mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào vì an ổn thế gian, vì an lạc thế gian mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề?
Đại Bồ Tát lúc được vô thượng bồ đề để cứu với Lục Đạo chúng sanh ra khỏi lo khổ sấu não, đặt lên bờ Niết Bàn vô úy.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào vì cứu thế gian mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề?
Đại Bồ Tát lúc được vô thượng bồ đề cứu khổ sanh tử cho chúng sanh, thuyết pháp cho chúng sanh, chúng sanh được nghe pháp lần lần do Ba Thừa mà được độ thoát.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào là vì làm chỗ về cho thế gian mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề?
Đại Bồ Tát lúc được vô thượng bồ đề cứu chúng sanh ra khỏi tướng sanh, già, bệnh, chết, lo buồn sầu não, đặt chúng nơi bờ Niết Bàn vô úy.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào vì làm chỗ y cứ cho thế gian mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề?
Đại Bồ Tát lúc được vô thượng bồ đề vì chúng sanh mà nói tất cả pháp không chỗ y cứ.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tất cả pháp không chỗ y cứ?
Đức Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Sắc chẳng tương tục đó là sắc không sanh, sắc không sanh đó là sắc không diệt, sắc không diệt đó là sắc không chỗ y cứ. Như sắc, thọ, tưởng, hành, thức đến nhất thiết chủng trí cũng vậy.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào vì làm con đường rốt ráo cho thế gian mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề?
Lúc được vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà nói pháp như vậy: Tướng rốt ráo của sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến của nhất thiết chủng trí chẳng phải sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến chẳng phải nhất thiết chủng. Như tướng rốt ráo, tất cả pháp tướng đều như vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều như tướng rốt ráo, tại sao Chư Đại Bồ Tát đều phải được vô thượng bồ đề. Vì trong tướng rốt ráo của sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến trong tướng rốt ráo của nhất thiết chủng trí đều không có phân biệt là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến không có phân biệt là nhất thiết chủng trí.
Đức Phật dạy: Đúng như vậy.
Này Tu Bồ Đề! Trong tướng rốt ráo của sắc, của thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến không có phân biệt là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến không có phân biệt là nhất thiết chủng trí.
Tu Bồ Đề! Đây là việc khó của Đại Bồ Tát: Quán sát tướng tịch diệt của các pháp mà tâm Bồ Tát chẳng mất, chẳng bỏ. Vì Đại Bồ Tát nghĩ rằng pháp sâu xa như vậy tôi phải biết như vậy, lúc được vô thượng bồ đề sẽ vì chúng sanh mà nói pháp tịch diệt vi diệu như vậy.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào vì làm cồn đảo cho thế gian mà Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề?
Trong sông trong biển, chỗ đất mà bốn phía đều bị nước cắt đứt thì gọi là cồn đảo. Cũng vậy, sắc trước sau đứt đoạn, thọ, tưởng, hành, thức trước sau đứt đoạn, nhẫn đến nhất thiết chủng trí trước sau đứt đoạn. Vì trước sau đứt đoạn nên tất cả pháp đều đứt đoạn.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp trước sau đứt đoạn đó là tịch diệt, đó là diệu bảo, tức là không, là vô sở đắc, nhiễn ái dứt sạch, là ly dục Niết Bàn. Lúc được vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà nói pháp tịch diệt vi diệu.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào vì làm nhà dìu dắt thế gian mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề?
Đại Bồ Tát lúc được vô thượng bồ đề vì chúng sanh mà giảng nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, vì chúng sanh mà giảng nói thập nhị nhập, thập bát giới, tứ Thiền, tứ vô lượng tâm, tứ không định, tứ niệm xứ đến bát chánh đạo, ngũ thần thông là chẳng sanh, diệt, chẳng cấu, tịnh, giảng nói Tu Đà Hoàn quả nhẫn đến nhất thiết chủng trí là chẳng sanh, diệt, cấu, tịnh.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào vì làm chỗ đến cho chúng sanh mà Chư Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề! Đại Bồ Tát lúc được vô thượng bồ đề vì chúng sanh mà giảng nói sắc đến không, thọ, tưởng, hành, thức đến không nhẫn đến nhất thiết chủng trí đến không.
Vì chúng sanh mà giảng nói sắc chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến, nhẫn đến giảng nói nhất thiết chủng trí chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến.
Tại sao vậy?
Vì tướng không của sắc chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến, vì tướng không của thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến tướng không của nhất thiết chủng trí chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến. Vì tất cả pháp đến không tức là đến mà chẳng có qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong không đều không có đến hay chẳng phải đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến vô tướng. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong vô tướng, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến vô tác. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong vô tác, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến vô khởi, đến bất sanh diệt, đến bất cấu tịnh, đến vô sở hữu. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong vô khởi, trong vô sở hữu, trong bất sanh diệt, bất cấu tịnh, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến mộng, ảo, hưởng, ảnh, hóa. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong mộng, ảo, hưởng, ảnh, hóa, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến vô lượng vô biên. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong vô lượng vô biên, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến chẳng cho, chẳng lấy. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong chẳng cho, chẳng lấy này, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến chẳng cao, chẳng hạ. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong chẳng cao, chẳng hạ này, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến bất tăng, bất giảm. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong bất tăng, bất giảm này, đến và chẳng đến đều không thể được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến bất lai, bất khứ, bất nhập xuất, bất hiệp tán, bất trước đoạn. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong bất lai khứ, nhập xuất, hiệp tán, trước đoạn, đến và chẳng đến đều không có được.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến ngã, đến nhân, đến chúng sanh, đến thọ giả, đến khởi, đến sử khởi, đến tác, đến sử tác, đến tri giả, đến kiến giả. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì ngã nhẫn đến tri giả, kiến giả đều rốt ráo không có được thì làm sao có đến, chẳng phải đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến thường, đến lạc, đến ngã, đến tịnh. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì Thường, Lạc, Ngã, Tịnh rốt ráo không có được thì làm sao có đến, chẳng đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì tham, sân, si, mạn, nghi, kiến rốt ráo không có được thì làm sao có đến, chẳng đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến như, đến pháp tánh, đến thiệt tế, đến bất tư nghì tánh. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong như, trong pháp tánh, thiệt tế, bất tư nghì tánh không có lai, không có khứ.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến bình đẳng, đến bất động tướng. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong bình đẳng, trong tướng bất động không có đến và chẳng đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến sắc, đến thọ, tưởng, hành, thức, đến thập nhị nhập, thập bát giới. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhập, giới đều chẳng có được thì làm sao có đến, chẳng đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến Lục Ba la mật nhẫn đến thập bát không, đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì sáu Ba la mật nhẫn đến bát chánh đạo đều không có được thì làm sao có đến, chẳng đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến mười trí lực nhẫn đến nhất thiết chủng trí. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong nhất thiết chủng trí không có đến và chẳng đến.
Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đến quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến vô thượng bồ đề. Sự đến này là chẳng qua đến đâu.
Tại sao vậy?
Vì trong quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến trong vô thượng bồ đề không có đến và chẳng đến.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Ai là người tin hiểu bát nhã Ba la mật sâu xa này?
Đức Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Có Đại Bồ Tát từ trước ở chỗ Chư Phật đã tu sáu Ba la mật, thiện căn thuần thục, cúng dường vô số trăm ngàn muôn ức Chư Phật, thường gần gũi thiện tri thức. Những người này hay tin hiểu bát nhã Ba la mật sâu xa.
Bạch Đức Thế Tôn! Người hay tin hiểu bát nhã Ba la mật sâu xa này có tánh gì, tướng gì, mạo gì?
Tánh, tướng, mạo rời lìa tham, sân, si, Đại Bồ Tát này tin hiểu bát nhã Ba la mật sâu xa.
***