Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM SÁU MƯƠI BẢY
PHẨM BẤT KHẢ TẬN
Khi đó Ngài Tu Bồ Đề nghĩ rằng: Vô thượng bồ đề của Chư Phật rất sâu xa, tôi phải hỏi Đức Phật.
Suy nghĩ xong, Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật này bất khả tận. Như Đức Phật dạy vì hư không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật bất khả tận.
Bạch Đức Thế Tôn! Tại so phải sanh khởi bát nhã Ba la mật?
Đức Phật phán dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì sắc bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì thọ, tưởng, hành, thức bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì Đàn Na Ba la mật bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì Thi La Ba la mật, Nhẫn Ba la mật, Tấn Ba la mật, Thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh. Nhẫn đến vì nhất thiết chủng trí bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Lại này Tu Bồ Đề!
Vì vô minh không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật của Bồ Tát phải sanh.
Vì hành không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì thức không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì danh sắc không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì lục nhập không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì lục xúc không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì thọ không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì ái không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì thủ không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì hữu không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật phải sanh.
Vì sanh không bất khả tận nên bát nhã Ba la mật của Bồ Tát phải sanh.
Như vậy, bát nhã Ba la mật của Bồ Tát phải sanh. Mười hai nhân duyên như vậy là pháp riêng của Bồ Tát, hay trừ được các biên chấp điên đảo. Lúc ngồi Đạo Tràng nên quán như vậy sẽ được nhất thiết chủng trí.
Này Tu Bồ Đề! Nếu có Đại Bồ Tát nào đem pháp hư không bất khả tận mà hành bát nhã Ba la mật, quán mười hai nhân duyên, thì chẳng sa vào bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật, được an trụ vô thượng bồ đề.
Này Tu Bồ Đề! Người cầu Đạo Bồ Tát mà thối chuyển, đó là vì xa rời tâm niệm bát nhã Ba la mật vậy. Người đó chẳng biết hành bát nhã Ba la mật dùng pháp hư không bất khả tận như thế nào để quán mười hai nhân duyên.
Này Tu Bồ Đề! Vì người cầu Đạo Bồ Tát mà chẳng được sức phương tiện như vậy nên thối chuyển nới vô thượng bồ đề.
Này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát được không thối chuyển nơi vô thượng bồ đề, đều do được sức phương tiện như vậy cả.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải dùng pháp hư không bất khả tận để quán bát nhã Ba la mật. Phải dùng pháp hư không bất khả tận để sanh khởi bát nhã Ba la mật.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc quán mười hai nhân duyên, chẳng thấy có pháp nào không do nhân duyên mà sanh, chẳng thấy có pháp nào thường còn chẳng diệt, chẳng thấy có pháp nào có ngã, có nhân, có thọ giả, mạng giả, chúng sanh nhẫn đến tri giả, kiến giả, chẳng thấy có pháp vô thường, chẳng thấy pháp khổ, vô ngã, chẳng thấy pháp tịch diệt và phi tịch diệt. Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật phải quán mười hai nhân duyên như vậy.
Này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát có thể hành bát nhã Ba la mật như vậy, thì lúc đó chẳng thấy sắc là thường hay vô thường, là khổ hay lạc, là ngã hay vô ngã, là tịch diệt hay phi tịch diệt. Như với sắc, với thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Lúc đó Đại Bồ Tát cũng chẳng thấy bát nhã Ba la mật, cũng chẳng thấy dùng pháp ấy để thấy bát nhã Ba la mật.
Nhẫn đến chẳng thấy vô thượng bồ đề, cũng chẳng thấy dùng pháp ấy dùng pháp ấy để thấy vô thượng bồ đề. Vì tất cả pháp đều bất khả đắc vậy. Đó là đúng với hạnh bát nhã Ba la mật.
Nếu lúc Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật vô sở đắc, thì ác ma sầu khổ như bị tên xoi tim, như người có cha mẹ mới chết mất.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Chỉ một ác ma sầu khổ, hay là ác ma trong Cõi Đại Thiên cũng đều sầu khổ?
Này Tu Bồ Đề! Các ác ma trong Cõi Đại Thiên đều sầu khổ như tên xoi tim, không thể tự an.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có thể hành bát nhã Ba la mật như vậy, lúc đó tất cả Thế Gian, Trời, Người, A Tu La chẳng thể nào hại được. Thế nên Đại Bồ Tát muốn được vô thượng bồ đề phải hành bát nhã Ba la mật này.
Đại Bồ Tát lúc hành bát nhã Ba la mật thì trọn vẹn tu thí, giới, nhẫn, tất, thiền và bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát lúc hành bát nhã Ba la mật thì đầy đủ các Ba la mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát lúc hành bát nhã Ba la mật, thế nào đầy đủ các Ba la mật?
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có bố thí bao nhiêu đều hồi hướng nhất thiết trí, thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ bố thí Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có trì giới đều hồi hướng nhất thiết trí, thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ trì giới Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có nhẫn nhục bao nhiêu đều hồi hướng nhất thiết trí, thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ nhẫn nhục Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có tinh tấn bao nhiêu đều hồi hướng nhất thiết trí, thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ tinh tấn Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có thiền định bao nhiêu đều hồi hướng nhất thiết trí, thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ thiền Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có trí huệ bao nhiêu đều hồi hướng nhất thiết trí, thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát đầy đủ bát nhã Ba la mật.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thì đầy đủ sáu Ba la mật.
***