Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật

PHẬT THUYẾT

KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM TÁM MƯƠI BA

PHẨM QUYẾT ĐỊNH
 

Ngài Tu Bồ Đề bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy là quyết định hay chẳng quyết định?

Đức Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát quyết định, không phải chẳng quyết định.

Bạch Đức Thế Tôn! Quyết định nơi đâu: Trong đạo Thanh Văn, trong Đạo Bích Chi Phật hay là trong Đạo Phật?

Đại Bồ Tát chẳng phải quyết định trong đạo Thanh Văn, Bích Chi Phật mà quyết định trong Phật Đạo.

Bạch Đức Thế Tôn! Là sơ phát tâm Bồ Tát quyết định hay là tối hậu thân Bồ Tát quyết định?

Này Tu Bồ Đề! Sơ phát tâm Bồ Tát quyết định, bất thối Bồ Tát quyết định, hậu thân Bồ Tát quyết định.

Bạch Đức Thế Tôn! Quyết định Bồ Tát có đọa sanh ác đạo chăng?

Không.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Hoặc bậc Bát Nhân, hoặc bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật có đọa sanh trong ác đạo chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không. Cũng vậy.

Này Tu Bồ Đề! Từ lúc mới phát tâm trở lại, Đại Bồ Tát bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, hành thiền, tu huệ, dứt tất cả nghiệp bất thiện, không bao giờ còn đọa ác đạo, hoặc không bao giờ sanh Trời Trường Thọ, hoặc sanh chỗ chẳng được tu pháp làm lành, hoặc sanh biên địa, hoặc sanh nhà ác, tà kiến, địa phương, không tên Phật, không tên pháp, không tên Tăng. Bồ Tát ấy không bao giờ còn sanh vào những nơi đó.

Này Tu Bồ Đề! Sơ phát tâm Bồ Tát ở nơi vô thượng bồ đề không bao giờ dùng tâm hành mười điều bất thiện.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát có thiện căn công đức thành tựu như vậy thì tất chẳng thọ lấy quả báo bất thiện. Như Đức Phật tự thuật đời trước của mình thọ lấy quả báo bất thiện.

Lúc đó thiện căn công đức ở đâu?

Này Tu Bồ Đề! Vì lợi ích cho chúng sanh, Đại Bồ Tát tùy theo đó mà thọ lấy thân, rổi dùng thân ấy làm lợi ích cho chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc làm súc sanh có sức phương tiện lớn. Nếu bị kẻ oán tắc muốn tìm giết hại, Bồ Tát dùng sức nhẫn nhục vô thượng, dùng tâm từ bi vô thượng bỏ thân mà chẳng não hại kẻ oán tặc.

Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật các ông có sức phương tiện ấy chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không có.

Này Tu Bồ Đề! Vì lẽ ấy nên phải biết rằng Đại Bồ Tát muốn đầy đủ tâm đại từ bi, vì thương xót lợi ích cho chúng sanh mà thọ thân súc sanh.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát an trụ trong những căn lành gì mà thọ những thân vậy?

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ ban sơ phát tâm nhẫn đến lúc ngồi Đo Tràng thành Phật, trong khoảng thời gian ấy không có căn lành nào mà chẳng đầy đủ. Đầy đủ rồi sẽ được vô thượng bồ đề.

Vì thế nên từ ban sơ phát tâm, Đại Bồ Tát phải học đầy đủ tất cả căn lành. Học căn lành rồi sẽ được nhất thiết chủng trí, sẽ dứt tất cả tập khí phiền não.

Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Đại Bồ Tát thành tựu pháp lành vô lậu như vậy mà lại sanh vào loài ác đạo, súc sanh?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Đức Phật có thành tựu pháp lành vô lậu chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả pháp lành vô lậu Đức Phật đều đã thành tựu.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Đức Phật tự hóa làm thân súc sanh để làm Phật Sự độ chúng sanh thì có phải là thiệt súc sanh chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không phải.

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát cũng như vậy, thành tựu pháp lành vô lậu, vì độ chúng sanh mà thọ thân súc sanh, dùng thân ấy để giáo hóa chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề! Như A La Hán biến hóa các thứ thân có thể làm cho chúng sanh hoan hỷ chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Có thể.

Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Đại Bồ Tát dùng pháp lành vô lậu ấy tùy theo chỗ nên mà thọ lấy thân, dùng thân ấy làm lợi ích chúng sanh, cũng chẳng thọ đau khổ.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Như nhà ảo thuật, thuật ra các thứ thân hình, nào là voi, ngựa, bò, dê, nam, nữ để trình bày cho mọi người.

Này Tu Bồ Đề! Những vật và người ấy có thiệt chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng thiệt.

Này Tu Bồ Đề! Cũng vậy, Đại Bồ Tát thành tựu pháp lành vô lậu hiện làm các thứ thân để dùng các thứ thân ấy làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, cũng chẳng thọ các sự khổ.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát được thành vô lậu trí huệ mà tùy theo thêm hình nào thích ứng để độ chúng sanh thì hiện các thứ thân hình ấy.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát an trụ pháp lành nào để có thể làm những phương tiện như vậy mà chẳng bị vô tướng, vô tác, vô đắc nhiễm?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát dùng bát nhã Ba la mật làm sức phương tiện như vậy, ở trong hằng hà sa Quốc Độ mười phương làm lợi ích cho chúng sanh, cũng chẳng tham lấy những thân ấy.

Tại sao?

Vì kẻ nắm lấy, pháp lấy và cho chỗ lấy, cả ba thứ ấy đều bất khả đắc, vì tự tánh rỗng không vậy. Không chẳng lấy không. Trong không chẳng có kẻ lấy, cũng chẳng có chỗ lấy.

Tại sao?

Vì tướng rỗng không, trong rỗng không bất khả đắc vậy.

Này Tu Bồ Đề! Đây gọi là bất khả đắc không. Bồ Tát an trụ trong đây có thể được vô thượng bồ đề.

Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát chỉ an trụ trong bát nhã Ba la mật được vô thượng bồ đề mà chẳng an trụ trong pháp khác chăng?

Này Tu Bồ Đề! Có pháp nào chẳng vào trong bát nhã Ba la mật chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật tự tánh không, thì tất cả pháp sao lại đều vào trong bát nhã Ba la mật.

Bạch Đức Thế Tôn! Trong không chẳng có pháp vào hay chẳng vào?

Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp, tất cả pháp tướng có không chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Đều không cả.

Này Tu Bồ Đề! Nếu tất cả pháp, tất cả pháp tướng không, sao ông lại nói tất cả pháp chẳng vào trong không.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát lúc hành bát nhã Ba la mật an trụ trong tất cả pháp không mà có thể khởi thần thông Ba la mật.

An trụ trong thần thông Ba la mật ấy, đi đến hằng sa Quốc Độ mười phương cúng dường hiện tại Chư Phật, nghe Chư Phật thuyết pháp, ở chỗ Chư Phật gieo căn lành?

Này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát xem hằng sa Quốc Độ mười phương đều không. Chư Phật trong Quốc Đ ấy cũng tánh không, chỉ vì giả danh tự nên Chư Phật hiện thân. Giả danh tự ấy cũng không.

Nếu Quốc Độ mười phương và Chư Phật Tánh chẳng không, thì thành ra không ấy có thiên lệch. Bởi không ấy chẳng thiên lệch nên tất cả pháp, tất cả pháp tướng không. Vì lẽ ấy nên tất cả pháp, tất cả pháp tướng không.

Thế nên Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật dùng sức phương tiện sanh thần thông Ba la mật, khởi thiên nhãn, thiên nhĩ, như ý túc, tri tha tâm, túc mạng trí, biết chúng sanh sanh tử.

Nếu rời lìa thần thông Ba la mật, Bồ Tát chẳng có thể làm lợi ích chúng sanh, cũng chẳng có thể được vô thượng bồ đề. Thần thông Ba la mật ấy của Đại Bồ Tát là đạo lợi ích vô thượng bồ đề.

Tại sao?

Vì dùng thiên nhãn ấy tự thấy các pháp lành của mình và cũng dạy người khác được các pháp lành. Đối với pháp lành ấy cũng chẳng nắm lấy, vì là tự tánh không vậy. Rỗng không chẳng có chỗ nắm lấy. Nếu nắm lấy thì thọ mùi vị, trong rỗng không chẳng có mùi vị.

Đại Bồ Tát ấy lúc hành bát nhã Ba la mật hay sanh thiên nhãn như vậy. Dùng thiên nhãn ấy xem tất cả pháp rỗng không. Thấy pháp rỗng không ấy chẳng lấy tướng, chẳng tác nghiệp, và cũng nói pháp ấy cho người, cũng chẳng thấy có tướng chúng sanh, chẳng thấy có tên chúng sanh. Đại Bồ Tát ấy vì dùng pháp vô sở đắc nên khởi thần thông Ba la mật.

Dùng thần thông Ba la mật ấy, bao nhiêu chỗ nên làm của thần thông, Bồ Tát ấy đều có thể làm được. Bồ Tát dùng thiên nhãn quá hơn nhân nhãn, thấy Quốc Độ mười phương.

Thấy rồi, Bồ Tát ấy bay đến mười phương làm lợi ích chúng sanh: Hoặc dùng bố thí, hoặc dùng trì giới, hoặc dùng bố thí, hoặc dùng nhẫn nhục, hoặc dùng thiền định, hoặc dùng trí huệ làm lợi ích chúng sanh.

Hoặc dùng ba mươi bảy pháp trợ đạo, các thiền giải thoát tam muội, hoặc dùng pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát, hoặc dùng pháp Phật lợi ích chúng sanh.

Bồ Tát vì kẻ xan tham mà nói pháp như vậy: Các người nên bố thí. Nghèo cùng là sự khổ não. Người nghèo cùng còn chẳng tự lợi ích, làm sao có thể lợi ích người khác. Vì thế nên các người phải siêng bố thí.

Bố thí thì tự mình được vui sướng, cũng làm cho kẻ khác vui sướng. Chớ vì nghèo cùng mà ăn nuốt trộm cắp lẫn nhau, để rồi chẳng dời khỏi ba ác đạo.

Bồ Tát vì kẻ phá giới mà nói pháp như vậy: Này các người! Sự phá giới rất là khổ não. Người pháp giới còn tự mình chẳng lợi ích, làm sao có thể lợi ích người khác.

Sự phá giới phải nhận quả báo khổ: Hoặc ở đa ngục, hoặc ngạ quỷ, hoặc ở súc sanh. Các người phá giới bị đọa trong ba ác đạo còn chẳng tự cứu được, làm sao cứu được người khác. Vì thế các người chớ nên chìu theo tâm niệm phá giới, đến lúc chết sẽ hối hận.

Với những người giận hờn, cãi lộn nhau, Bồ Tát nói pháp như vậy: Các người chớ nên giận nhau. Sự giận làm rối loạn lòng người, chẳng thuận với pháp lành. Nay các người giận nhau loạn tâm hoặc sẽ bị đọa đa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sanh. Vì thế nên các người còn chẳng nên sanh một niệm giận thù, huống là nhiều.

Với những người giải đãi, Bồ Tát thuyết pháp làm cho họ tinh tiến.

Với những người tâm loạn, Bồ Tát thuyết pháp làm cho họ được thiền định.

Với những người ngu si, Bồ Tát thuyết pháp cho họ được trí huệ.

Với kẻ hành dâm dục, dạy họ quán bất tịnh.

Với kẻ giận hờn, dạy họ quán từ bi.

Với kẻ ngu si, dạy họ quán mười hai nhân duyên.

Chúng sanh hành phi đạo, dạy họ vào chánh đạo, đó là Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật Đạo, Phật Đạo.

Vì chúng sanh ấy, Bồ Tát thuyết pháp như vậyCứ như chỗ chấp trước của các người, chỗ pháp tánh ấy tánh nó rỗng không. Trong pháp tánh rỗng không ấy chẳng nên chấp trước. Tướng chẳng chấp trước là rỗng không.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát an trụ trong thần thông Ba la mật làm lợi ích cho chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề! Nếu xa rời thần thông, Bồ Tát chẳng thể tùy thuận ý của chúng sanh để khéo thuyết pháp.

Này Tu Bồ Đề! Vì thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát phải phát khởi thần thông.

Này Tu Bồ Đề! Ví như chim kia không cánh thì chẳng bay cao được. Cũng vậy, không thần thông thì Bồ Tát chẳng thể giáo hóa chúng sanh theo ý mình.

Này Tu Bồ Đề! Vì thế nên lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát phải phát khởi các thần thông, phát khởi thần thông rồi, nếu muốn lợi ích chúng sanh thì tùy ý có thể làm lợi ích.

Bồ Tát ấy dùng thiên nhãn thấy hằng hà sa Quốc Độ, cũng thấy chúng sanh trong các Quốc Độ ấy. Thấy rồi dùng sức thần thông qua đến các nơi ấy, biết rõ tâm chúng sanh rồi theo chỗ thích ứng mà thuyết pháp cho họ được lợi ích.

Hoặc nói bố thí, hoặc nói trì giới, hoặc nói nhẫn nhục, hoặc nói tinh tiến, hoặc nói thiền định, hoặc nói trí huệ, nhẫn đến hoặc nói pháp Niết Bàn.

Dùng Thiên Nhĩ, Bồ Tát ấy nghe hai loại âm thanh: Của người và của phi nhân. Dùng Thiên Nhĩ, Bồ Tát ấy nghe Chư Phật mười phương thuyết pháp, nghe rồi đều có thể thọ trì. Bồ Tát ấy đúng như chỗ đã được nghe, đem dạy lại cho chúng sanh.

Bồ Tát ấy dùng tha tâm trí biết rõ tâm chúng sanh rồi tùy theo chỗ thích ứng để thuyết pháp. Hoặc nói bố thí, nhẫn đến hoặc nói pháp Niết Bàn.

Bồ Tát ấy dùng túc mạng trí nhớ biết những đời trước của mình, cũng nhớ biết những đời trước của người khác. Dùng túc mạng trí, Bồ Tát ấy nhớ biết danh tự của Chư Phật và thánh chúng thuở quá khứ cùng các nơi chỗ.

Có chúng sanh nào tin ưa túc mạng, Bồ Tát ấy vì họ mà hiện sự việc đời trước để thuyết pháp cho họ: Hoặc nói bố thí, nhẫn đến hoặc nói pháp Niết Bàn. Dùng sức như ý thần thông, Bồ Tát ấy qua đến vô lượng Quốc Đ của Chư Phật, cúng dường Chư Phật, theo Chư Phật gieo căn lành rồi trở về Bổn Quốc.

Dùng lậu tận thần thông trí chứng, Bồ Tát này tùy theo chỗ thích ứng mà thuyết pháp cho chúng sanh. Hoặc nói bố thí, nhẫn đến hoặc nói pháp Niết Bàn.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát phải phát khởi các thần thông như vậy. Do tu những thần thông ấy nên Bồ Tát tùy ý thọ thân, sự khổ, cảnh vui chẳng làm nhiễu được. Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát du hí thần thông như vậy thì có thể tịnh Phật Quốc Đ, thành tựu chúng sanh.

Lại này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát chẳng tịnh Phật Quốc Đ, chẳng thành tựu chúng sanh thì chẳng thể được vô thượng bồ đề.

Tại sao?

Vì chẳng đầy đủ nhân duyên nên chẳng thể được vô thượng bồ đề.

Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là nhân duyên đầy đủ, do đó Đại Bồ Tát được vô thượng bồ đề?

Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp lành là nhân duyên vô thượng bồ đề của Đại Bồ Tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là pháp lành, do những pháp lành ấy nên được vô thượng bồ đề?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát từ lúc ban sơ phát tâm nhẫn lại, bố thí Ba la mật là nhân duyên pháp lành, trong ấy chẳng phân biệt người thí, kẻ nhận, vì là tánh rỗng không.

Dùng Bố thí Ba la mật này, Bồ Tát có thể tự lợi ích và lợi ích chúng sanh, từ chốn sanh tử cứu họ ra khỏi, cho họ được Niết Bàn. Các pháp lành ấy đều là nhân duyên vô thượng bồ đề của Đại Bồ Tát. Hạnh đạo ấy, Chư Đại Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại được ra khỏi sanh tử, đã ra khỏi, nay ra khỏi, sẽ ra khỏi.

Trì giới Ba la mật Nhẫn đến bát nhã Ba la mật, Bốn Thiền, bốn vô lượng tâm, bốn vô sắc định, bốn niệm xứ nhẫn đến tám phần thánh đạo, mười tám không nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, những công đức như vậy đều là đạo vô thượng bồ đề.

Này Tu Bồ Đề! Đó gọi là pháp lành. Đại Bồ Tát đầy đủ những pháp lành ấy rồi sẽ được nhất thiết chủng trí. Được nhất thiết chủng trí rồi, Đại Bồ Tát sẽ chuyển pháp luân độ tất cả chúng sanh.

***