Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM TÁM MƯƠI BẢY
PHẨM NHƯ HÓA
Ngài Tu Bồ Đề bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp bình đẳng không có tạo tác thi vi, thì làm sao Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật ở trong pháp bình đẳng chẳng động mà làm việc Bồ Tát để bố thí, ái ngữ, lợi ích, đồng sự?
Đức Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Đúng như lời ông nói, các pháp bình đẳng ấy không có tạo tác. Nếu chúng sanh tự biết các pháp bình đẳng, thì Đức Phật chẳng dùng thần lực ở trong các pháp bình đẳng chẳng động mà cứu vớt họ ra khỏi tướng ngô, tướng ngã nhẫn đến tướng tri giả, tướng kiến giả, do rỗng không mà ra khỏi năm đường sanh tử, ra khỏi tướng sắc nhẫn đến tướng thức, ra khỏi tướng nhãn nhẫn đến tướng ý, ra khỏi tướng địa chủng nhẫn đến tướng thức chủng.
Làm cho họ xa lìa tánh tướng hữu vi để được tánh tướng vô vi. Vô vi tánh tướng tức là rỗng không vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Dùng những không gì mà tất cả pháp không?
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát xa rời tất cả pháp tướng. Vì dùng không ấy nên tất cả pháp không.
Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?
Nếu có hóa nhân làm hóa nhân.
Hóa nhân ấy vả có sự thiệt mà chẳng rỗng không chăng?
Bạch Đức Thế Tôn! Hóa nhân ấy không có sự thiệt nào mà chẳng rỗng không.
Này Tu Bồ Đề! Không ấy và hóa nhân, hai sự ấy chẳng hiệp, chẳng tan, vì do không không nên không, chẳng nên phân biệt là không, là hóa.
Tại sao?
Vì hai sự ấy ở trong không đều chẳng có được là không, là hóa.
Tại sao vậy?
Này Tu Bồ Đề! Sắc tức là hóa, thọ, tưởng, hành, thức là hóa, nhẫn đến nhất thiết chủng trí là hóa.
Bạch Đức Thế Tôn! Thế gian pháp là hóa, còn pháp xuất thế có là hóa chăng?
Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đều là hóa. Ở trong pháp ấy, có pháp Thanh Văn biến hóa, có pháp Bích Chi Phật biến hóa, có pháp Chư Phật biến hóa, có pháp phiền não biến hóa, có pháp nghiệp nhân duyên biến hóa.
Vì lẽ ấy, này Tu Bồ Đề! Nến tất cả pháp đều là biến hóa.
Bạch Đức Thế Tôn! Các phiền não đoạn dứt ấy, nghĩa là quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, Đạo Bích Chi Phật, Phật Đạo, dứt đoạn tập chủng các phiền não có phải đều là biến hóa chăng?
Này Tu Bồ Đề! Nếu có pháp tướng sanh diệt thì đều là biến hóa.
Bạch Đức Thế Tôn! Những pháp gì không phải biến hóa?
Này Tu Bồ Đề! Nếu là pháp không sanh, không diệt, không phải biến hóa.
Bạch Đức Thế Tôn! Pháp gì không sanh, không diệt, không phải biến hóa?
Này Tu Bồ Đề! Niết Bàn không tướng hư dối là chẳng phải biến hóa.
Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật tự nói, các pháp bình đẳng chẳng phải Thanh Văn làm ra, chẳng phải Bích Chi Phật làm ra, chẳng phải Đại Bồ Tát làm ra, chẳng phải Chư Phật làm ra. Có Phật hay không có Phật, tánh các pháp thường không. Tánh không tức là Niết Bàn.
Sao Đức Phật lại nói một pháp Niết Bàn chẳng phải biến hóa?
Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Các pháp bình đẳng chẳng phải Thanh Văn làm ra, nhẫn đến tánh không tức là Niết Bàn. Nếu hàng Bồ Tát mới phát tâm, nghe tất cả pháp đều rốt ráo tánh không nhẫn đến Niết Bàn cũng đều như hóa ấy thì lòng rất kinh sợ. Đó là vì mới phát tâm nên Bồ Tát ấy còn phân biệt pháp sanh diệt thì như hóa, pháp chẳng sanh diệt thì chẳng như hóa.
Bạch Đức Thế Tôn! Làm sao dạy Bồ Tát mới phát tâm biết được tánh không?
Này Tu Bồ Đề! Các pháp có phải là trước có mà nay không chăng?
***